COVID-19 tại ASEAN hết 22/7: Indonesia vượt 3 triệu ca mắc, ca tử vong cao nhất khối

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 22/7, 9 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 89.459 ca mắc COVID-19 và 1.707 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 6.448.964 ca, trong đó 124.636 người tử vong.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 15/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 22/7, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất vẫn là Indonesia với 49.509 ca. 

Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Thái Lan với 13.655 ca. Tiếp đó là Malaysia với 13.034 ca, Việt Nam với 6.194 ca, Philippines với 5.828 ca, Campuchia với 811 ca, Lào với 256 ca, Singapore với 170 ca và Brunei với 2 ca.

Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (1.449 ca), Malaysia (134 ca), Thái Lan (87 ca), Campuchia (20 ca) và Philippines (17 ca).

Tổng số ca mắc tại Indonesia đã vượt mức 3 triệu 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tangerang, Indonesia, ngày 22/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã vượt 3 triệu ca kể từ khi nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái. Quốc gia Đông Nam Á này cũng trải qua ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Ngày 22/7, Bộ Y tế Indonesia thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 49.509 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 3.033.339 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 79.032 ca sau khi có thêm 1.449 người không qua khỏi, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Tới nay, hơn 2,39 triệu bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục.

Indonesia có số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Virus SARS-CoV-2 đã lây lan đến tất cả 34 tỉnh của đất nước. Số ca mắc tăng cao chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn. Thủ đô Jakarta là khu vực có nhiều ca mắc nhất, trong khi Đông Java có số ca tử vong cao nhất.

Chính phủ Indonesia mới đây đã quyết định gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại hòn đảo đông dân nhất Java và hòn đảo nghỉ dưỡng Bali, cũng như 15 thành phố và khu vực khác bên ngoài hai hòn đảo trên cho đến ngày 25/7. Ban đầu, lệnh này dự kiến có hiệu lực từ ngày 3-20/7. Biện pháp này yêu cầu người lao động trong các lĩnh vực không thiết yếu phải làm việc tại nhà, các trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm phải đóng cửa và các nhà hàng ngừng phục vụ trong nhà.

Hiện Chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 208,2 triệu người. Tất cả người dân Indonesia đều được tiêm chủng miễn phí. Tính đến ngày 22/7, ít nhất 16,89 triệu người trên cả nước đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Trong khi đó, số người được tiêm mũi đầu tiên đã lên tới 43,15 triệu người.

Lào ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Lào ngày 22/7 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 256 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày Lào ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay.  

Theo Bộ Y tế Lào, trong số các ca nhiễm mới có tới 254 trường hợp là người nhập cảnh được cách ly ngay chủ yếu tại tỉnh Savannakhet với 128 ca và 2 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Champasak.

Được biết, hai ngày gần đây, tỉnh Savannakhet ghi nhận gần 200 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh. Hiện tại, tỉnh này tiếp nhận chủ yếu là lao động từ Thái Lan trở về.

Trước tình hình số ca bệnh là người nhập cảnh tiếp tục tăng cao, Savannakhet đã đặt giờ giới nghiêm, phạt nặng trường hợp vi phạm quy định phòng dịch.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 4.119 ca nhiễm COVID-19 và 5 người tử vong.

Tổng số ca nhiễm tại Campuchia đã vượt 70.000 ca 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 8/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia vẫn đang nỗ lực ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 khi số ca mắc mới không ngừng tăng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này vượt con số 70.000 ca trong ngày 22/7.

Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có thêm 811 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, trong đó có 300 ca nhập cảnh và 511 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca nhập cảnh mắc COVID-19 ở mức cao làm tăng đáng kể số ca mắc bệnh được công bố mỗi ngày tại các tỉnh giáp biên giới Thái Lan, cùng với đó là nỗi lo biến thể Delta xâm nhập cộng đồng từ những người nhập cảnh trốn cách ly.

Bộ trên cũng công bố có thêm 20 người tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 1.118 ca.

Cùng ngày, thêm một triệu liều vaccine của hãng dược Sinopharm mà Campuchia đặt mua của Trung Quốc đã tới Sân bay quốc tế Phnom Penh.

Tính đến nay, Campuchia đã nhận tổng cộng 16 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó khoảng 15,7 triệu liều mua và được Trung Quốc viện trợ. Trong tháng 8/2021, thêm 4 triệu liều vaccine sẽ được Trung Quốc chuyển tới Campuchia, đủ 20 triệu liều để nước này tiêm phòng cho 10 triệu dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.

Ngày 23/7, Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ đích thân ra sân bay quốc tế Phnom Penh tiếp nhận 1 triệu liều vaccine AstraZeneca do Nhật Bản sản xuất và trao tặng. 

Tính đến ngày 21/7, 6.334.378 người dân Campuchia và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Campuchia đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, tương đương 63,34% trong tổng số 10 triệu người dự kiến được tiêm chủng.

Philippines cảnh báo gia tăng các ca mắc các biến thể mới

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 21/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Philippines (DOH) ghi nhận thêm 5.828 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.530.266 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 17 người không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 lên 26.891 ca.

Philippines đã phát hiện thêm 12 trường hợp mắc biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Tất cả 12 trường hợp này đều là các ca lây nhiễm trong nước, nâng số ca mắc biến thể Delta lên 47 ca.

Philippines lần đầu tiên phát hiện biến thể Delta, vốn xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, từ các mẫu bệnh phẩm của những người Philippines trở về từ nước ngoài. 

DOH cũng cho biết kết quả giải trình tự gene gần đây đã phát hiện thêm 187 ca nhiễm biến thể Alpha, trong đó 179 ca lây nhiễm trong nước. Hiện nước này có 1.6 ca nhiễm biến thể Alpha và 107 ca tử vong vì biến thể lần đầu tiên xuất hiện ở Anh này. Ngoài ra, DOH cũng ghi nhận 142 trường hợp nhiễm biến thể Beta mới được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi, nâng tổng số trường hợp nhiễm biến thể này lên 1.827, trong đó có 69 người tử vong. DOH cảnh báo việc phát hiện các ca nhiễm các biến thể mới ở trong nước là đáng lo ngại, nhấn mạnh người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ sức khỏe cộng đồng tối thiểu, tiếp tục tránh lui tới những không gian kín cũng như tụ tập đông người.

Thái Lan, Malaysia ghi nhận thêm trên 13.000 ca mắc mới 

Thái Lan ngày 22/7 ghi nhận 13.655 ca mắc mới và 87 ca tử vong. Ca mắc mới ở Thái Lan trong ngày đã vượt cả Malaysia.

Tổng ca mắc từ đầu dịch ở Thái Lan là 453.132 ca, trong đó 3.697 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 21/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Malaysia cùng ngày ghi nhận thêm 13.034 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 964.918 ca. Trong số các ca mắc mới có 25 ca nhập cảnh và 13.009 ca lây nhiễm trong nước. 

Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 7.574 ca sau khi ghi nhận thêm 134 người không qua khỏi. Số ca bình phục và xuất viện hiện là 815.293 ca, tăng thêm 8.436 ca.         

Thùy Dương/Báo Tin tức
Khai mạc Olympic Tokyo 2020 - Kỳ Thế vận hội đặc biệt nhất lịch sử
Khai mạc Olympic Tokyo 2020 - Kỳ Thế vận hội đặc biệt nhất lịch sử

Olympic Tokyo 2020, được tổ chức vào năm 2021, có lẽ là kỳ Thế vận hội kỳ lạ và đặc biệt nhất trong lịch sử, diễn ra khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới và ngay tại nước chủ nhà Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN