Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.432 ca mắc COVID-19 và 247 ca tử vong.
Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 2.463.208 ca mắc COVID-19 trong đó có 53.378 ca tử vong và 2.193.183 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm phần lớn với 193 ca. Philippines thêm 47 ca tử vong và Malaysia thêm 6 ca.
Với 5.712 ca nhiễm mới Indonesia chứng kiến tốc độ lây lan giảm dần. Tuy vậy, nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN với số ca tử vong lên tới 36.518 người, trong tổng số 1.347.026 ca bệnh.
Tình hình Malaysia cũng có xu hướng hạ nhiệt với số ca nhiễm mới trong ngày 2/3 là 1.555, cho phép nước này dỡ bỏ Lệnh kiểm soát dịch chuyển. Trong khi đó, Philippines đang đối mặt với đợt lây nhiễm mới, hiện chưa rõ có liên quan đến sự xuất hiện của biến thể mới B117 hay không. Trong khi đó Thái Lan ghi nhận 42 ca nhiễm mới, và Singapore có thêm 8 ca.
Cùng ngày 27/2, Campuchia ghi nhận thêm 24 ca nhiễm mới; Campuchia, Brunei và Lào không ghi nhận ca nhiễm mới nào.
Thái Lan mua thêm 35 triệu liều vaccine AstraZeneca
Nội các Thái Lan ngày 2/3 đã thông qua khoản ngân sách hơn 6,3 tỷ baht (khoảng 210 triệu USD) để mua thêm 35 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết khoản ngân sách nói trên sẽ được chia thành 2 phần gồm 5,6 tỷ baht chi cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và 700 triệu baht để phục vụ công tác chuẩn bị và quản lý ở cấp địa phương. Lô vaccine mới sẽ có sẵn đồng thời với 26 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca và 2 triệu liều vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) đã được đấu thầu, nâng tổng số vaccine mà Thái Lan đặt mua lên tới 63 triệu liều, đủ để tiêm chủng cho 60% dân số nước này trong năm nay.
Bộ Y tế Thái Lan vẫn đang đàm phán để mua thêm vaccine từ các nhà sản xuất khác trong bối cảnh chính phủ chuẩn bị mở đăng ký tiêm vaccine cho người dân.
Thái Lan đã chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 hôm 28/2. Chương trình này được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, với số lượng vaccine hạn chế, được chuyển đến 13 tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, có tầm quan trọng kinh tế lớn nhất hoặc cả hai, với đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế, người có bệnh mãn tính và người cao tuổi.
Quốc gia này ngày 2/3 ghi nhận thêm 42 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ trước tới nay lên 26.073 ca và 84 ca tử vong.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Pipat Ratchakitprakarn đã đề nghị Bộ Y tế phê duyệt thực hiện một hệ thống hộ chiếu vaccine nhằm khởi động ngành du lịch trong năm nay.
Việc áp dụng hộ chiếu vaccine hoặc một biện pháp tương tự cho phép khách du lịch nước ngoài không phải cách ly được kỳ vọng sẽ đảm bảo có ít nhất 5 triệu lượt du khách nước ngoài đến Thái Lan trong năm 2021.
Indonesia phát hiện 2 ca biến thể B117
Theo báo Straits Times, Indonesia đã phát hiện 2 ca nhiễm biến thể lây lan mạnh hơn B117, được phát hiện lần đầu ở Anh, đánh dấu lần đầu tiên nước này đối mặt với biến thể mới trong lúc đang nỗ lực kiểm soát ổ dịch nghiêm trọng nhất châu Á.
Thứ trưởng Y tế Dante Saksono Harbuwono đã gọi việc phát hiện ca nhiễm biến thể mới là một thách thức.
Indonesia hiện đã tiến hành chiến dịch tiêm phòng COVID-19 từ tháng 1/2021, với mục tiêu tiêm chủng cho trên 181 triêu người nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Tới hết ngày 2/3, Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.347.026 ca bệnh, với 5.712 ca mới, và 36.518 ca tử vong, bao gồm 193 ca tử vong mới. Nước này đã có 1.160.863 ca bình phục.
Philippines phát hiện "biến thể ở Nam Phi"
Giới chức Philippines ngày 2/3 thông báo họ đã phát hiện các ca lây nhiễm biến thể B1351 phát hiện lần đầu ở Nam Phi. Trước đó, nước này cũng phát hiện nhiều ca nhiễm biến thể B117 ở Anh.
Ngày 27/2, Tổng thống Philippins Rodrigo Duterte đã gia hạn các lệnh hạn chế phòng dịch ở thủ đô Manila đến cuối tháng 3, sau khi nước này ghi nhận 2.651 ca nhiễm mới, mức nhiễm mới trong ngày cao nhất hơn 4 tháng qua.
Bộ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire từ chối xác nhận liệu biến thể mới B1351 có phải là nguyên nhân của đợt gia tăng này không.
Philippines đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 từ ngày 1/3 sau khi nhận được 600.000 liều vaccine Sinovac, Trung Quốc. Đối tác Brazil của Sinovac cho biết vaccine này hiệu quả phòng cả hai loại biến thể mới tại Anh và Nam Phi.
Malaysia dỡ bỏ Lệnh kiểm soát dịch chuyển
Chiều 2/3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri thông báo quốc gia này sẽ dỡ bỏ Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO) tại các bang Selangor, Kuala Lumpur, Johor và Penang, thay vào đó là Lệnh kiểm soát dịch chuyển có điều kiện (CMCO). Thông báo này có hiệu lực từ ngày 5-18/3 tới. Các bang khác như Melaka, Pahang, Terenganu, Sabah, WP Putrajaya, WP Labuan sẽ chuyển từ CMCO thành RMCO (Lệnh kiểm soát dịch chuyển phục hồi). Riêng bang Perlis sẽ duy trì việc áp đặt RMCO.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Ismail cho biết việc đi lại giữa các quận sẽ được phép từ ngày 5/3 tới, tuy nhiên việc đi lại giữa các bang vẫn bị cấm.
Đề cập đến vấn đề kinh tế, ông Ismail cho biết chính phủ đang cân nhắc cho phép thêm nhiều lĩnh vực kinh doanh hoạt động trở lại và sẽ thông báo cụ thể vào ngày 4/3 tới. MCO hiện nay, được gọi là "MCO 2.0", cho phép nhiều lĩnh vực kinh tế tiếp tục hoạt động, như sản xuất ô tô và doanh nghiệp bán lẻ như các cửa hàng vàng và đồ trang sức.
Cùng ngày 2/3, Malaysia đã phê chuẩn có điều kiện việc sử dụng các vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm AstraZeneca và Sinovac, chỉ vài ngày sau khi quốc gia Đông Nam Á này triển khai chương trình tiêm phòng ngừa COVID-19 trên toàn quốc.
Các cơ quan y tế Malaysia cũng đang đánh giá vaccine ngừa COVID-19 của Viện nghiên cứu Dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya (Nga). Trong khi đó, hãng tin Sinovac đã ký một thỏa thuận với Hãng dược phẩm Pharmaniaga của Malaysia, theo đó, Sinovac sẽ thực hiện đầy đủ quá trình phân phối vaccine ở Malaysia, trước khi sản xuất tại địa phương sau đó.
Trước đó, ngày 24/2, Malaysia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng với việc sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech. Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 80% dân số, tức khoảng 32 triệu người vào tháng 2/2022. Tháng trước, Chính phủ Malaysia cho biết đã đảm bảo 66,7 triệu liều vaccine, đủ để tiêm cho toàn bộ dân số nước này.