Các quốc gia có nhiều ca mắc mới nhất trong ngày 24/1 gồm Indonesia (11.788 ca), Malaysia (3.346 ca), Philippines (1.949 ca), Thái Lan (198 ca). Singapore, Timor-Leste và Campuchia có số ca mắc mới không đáng kể.
Như vậy, diễn biến dịch ở Indonesia chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Quốc gia này vẫn đứng đầu ASEAN về số ca mắc và tử vong hàng ngày. Tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Indonesia từ đầu dịch cũng cao nhất ASEAN.
Trong khi đó, Malaysia ghi nhận có số ca mắc mới giảm so với ngày trước. Còn số ca mắc mới ở Thái Lan ngày 24/1 bằng số ca ngày 23/1.
Trong ngày 24/1, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19: Indonesia (171 ca), Philippines (53 ca), Myanmar (17 ca), Malaysia (11 ca), Thái Lan (1 ca).
Malaysia phát hiện nhiều ổ dịch tại nơi làm việc
Từ ngày 1/12/2020 tới nay, Malaysia đã ghi nhận thêm 350 ổ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới, trong đó có 225 ổ dịch tại nơi làm việc, chiếm tỷ lệ 64,3%. Chỉ riêng trong ngày 23/1, Malaysia đã có thêm 11 ổ dịch mới, bao gồm 8 ổ dịch tại nơi làm việc.
Ông Noor Hisham, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế Malaysia, nêu rõ trong số các ổ dịch tại nơi làm việc có 80 ổ dịch trong ngành chế tạo, tiếp đó là ngành xây dựng với 53 ổ dịch và ngành phục vụ với 31 ổ dịch. Từ đó tới nay, Malaysia đã xét nghiệm cho 112.225 người, phát hiện 28.477 ca mắc COVID-19, chiếm tỷ lệ 25,4%.
Trước tình hình này, ông Noor Hisham cảnh báo các chủ lao động phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm đo thân nhiệt trước khi vào nơi làm việc và kiểm tra triệu chứng mắc bệnh. Bên cạnh đó, nơi làm việc phải bố trí khu vực rửa tay, dung dịch sát khuẩn, thường xuyên được vệ sinh, tiêu độc, nhất là đối với những nơi thường xuyên được sử dụng. Ngoài ra, chủ lao động cần đảm bảo người lao động không tập trung ở không gian hẹp và đảm bảo giãn cách ít nhất 1m khi tiếp xúc và trao đổi.
Thái Lan cho phép khu vực tư nhân nhập khẩu vaccine COVID-19
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri ngày 24/1 cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã cho phép khu vực tư nhân ở nước này được nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19.
Truyền thông sở tại dẫn lời ông Anucha cho biết các công ty tư nhân trước tiên phải đăng ký vaccine với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) bằng cách nộp các tài liệu liên quan đến chất lượng, an toàn và hiệu quả của vaccine đối với người dân Thái Lan.
Theo ông Anucha, FDA sẽ đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vaccine trước khi cho phép các công ty tư nhân tiêm chủng cho mọi người. FDA đã triệu tập các chuyên gia trong và ngoài cơ quan này để đẩy nhanh việc phê duyệt vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, vẫn chưa thể nới lỏng các quy định liên quan đến việc mua sắm vaccine vì đây là sản phẩm liên quan đến tính mạng của người dân.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 24/1 ghi nhận thêm 198 ca mắc mới và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca bệnh ở nước này lên 13.500 bệnh nhân và tổng số các trường hợp tử vong lên 73 người. Trong số các ca mới được ghi nhận ngày 24/1 có 118 trường hợp nhiễm khi đến những khu vực có nguy cơ cao.
Indonesia: 3,5 triệu lao động mất việc do COVID-19
Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Erick Thohir cho biết có tới 3,5 triệu lao động ở nước này đã bị mất việc do đại dịch COVID-19.
Theo số liệu thống kê, có tới 53% số lao động bị mất việc ở độ tuổi 18-30, độ tuổi mà người lao động đang làm việc rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, cũng đang có tới 3 triệu lao động mới cần việc làm. Tuy nhiên, số lao động này rất khó tìm được việc làm vì giới doanh nghiệp hiện đang chịu áp lực của đại dịch.
Cũng theo ông Erick, cần có sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để giải quyết vấn đề trên. Một trong số giải pháp là phát triển ngành halal với nhu cầu thực phẩm halal (thực phẩm dân Hồi giáo được phép ăn) gia tăng mạnh thời gian qua.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani cho biết, đại dịch COVID-19 đã khiến số người thất nghiệp tăng 2,67 triệu người, đưa tổng số thất nghiệp tính đến tháng 8/2020 là 9,77 triệu người. Trong khi đó, tổng số người đang làm việc tính đến tháng 8/2020 chỉ còn 128,45 triệu người.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa cho biết, đại dịch COVID-19 đã khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, do việc cắt giảm giờ làm việc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch khiến 24 triệu công nhân đã mất một nửa thời gian làm việc, hiện chỉ còn 20 giờ/tuần.