Trong ngày 24/6, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Indonesia với 20.574 ca. Tiếp đó là Philippines với 6.043 ca, Malaysia với 5.841 ca, Thái Lan với 4.108 ca, Campuchia với 655 ca, Việt Nam với 285 ca, Timor-Leste với 62 ca, Singapore với 23 ca và Lào với 4 ca.
Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (355 ca), Philippines (108 ca), Malaysia (84 ca), Thái Lan (31 ca), Campuchia (18 ca) và Việt Nam (2 ca).
Số ca nhiễm mới ở Indonesia lên mức cao chưa từng thấy
Indonesia thông báo đã có thêm 20.574 ca mới, mức cao nhất từ trước đến nay và 355 ca tử vong.
Hiện Indonesia là nước có số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, với 2.053.995 ca nhiễm, trong đó có 55.949 ca không qua khỏi.
Số ca tử vong tại Philippines vượt mốc 24.000 ca
Trong ngày 24/6, Philippines ghi nhận thêm 6.043 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.378.260 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này cũng vượt mốc 24.000 lên 24.036 ca, sau khi ghi nhận thêm 108 ca tử vong.
Philippines đã tiêm được 8,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, chủ yếu cho các nhân viên y tế tuyến đầu, người già và những người có bệnh lý nền.
Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ đầu tháng 6
Theo Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Thái Lan, nước này đã có thêm 4.108 ca mắc COVID-19 ghi nhận ngày 24/6. Đây là ngày quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ đầu tháng này. Theo đó, tổng số ca mắc tại Thái Lan hiện là 232.647 ca.
Thủ đô Bangkok vẫn là khu vực có số ca mắc mới cao nhất cả nước với thêm 1.359 ca trong 24 giờ qua. Cơ quan y tế tại đây đang phải xử lý 99 ổ dịch.
Theo CCSA, hơn 85% số ca mắc được ghi nhận kể từ đầu tháng 4 vừa qua khi làn sóng thứ ba của dịch COVID-19 bùng phát tại Thái Lan. Số ca mắc mới trong ngày duy trì trên 3.000 ca trong 8 ngày liên tiếp.
Với thêm 31 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số ca không qua khỏi tại Thái Lan tăng lên thành 1.775 ca.
Campuchia: Số ca mắc giảm mạnh ở Phnom Penh nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao
Số ca mắc COVID-19 đang giảm mạnh tại thủ đô Phnom Penh, nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 thành công.
Giám đốc Sở Y tế Phnom Penh Ngy Meng Heng thông báo số ca mắc mới COVID-19 tại thủ đô hiện giảm mạnh xuống khoảng 100-200 ca/ngày, so với 400-500 ca/ngày tháng trước. Có được kết quả như vậy là nhờ gần như tất cả người dân trong độ tuổi trưởng thành ở Phnom Penh đã được tiêm phòng COVID-19 và đa phần người dân tuân thủ hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế, thực hiện đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên và đảm bảo giãn cách xã hội.
Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ngày 24/6 đã ra quyết định mở cửa trở lại các chợ tư nhân bắt đầu từ ngày 25/6, song các chủ chợ và quản lý chợ phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp y tế như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và hạn chế số lượng khách hàng. Người đi chợ phải quét mã QR truy dấu COVID-19 và kiểm tra nhiệt độ ở cửa vào.
Mặc dù diễn biến dịch COVID-19 ở Phnom Penh đã dịu bớt, nhưng nhiều tỉnh khác ở Campuchia như Koh Kong, Ratanakiri, Kampong Cham, Takeo, Kampot, Svay Rieng và Kep đang đối mặt với số ca lây nhiễm liên tục tăng 2 chữ số mỗi ngày, đặc biệt tại khu vực giáp biên giới với Thái Lan. Trước tình hình này, Bộ Y tế Campuchia đã đề nghị các bác sĩ và nhân viên kỹ thuật được đào tạo để tiêm phòng COVID-19 tại sở y tế các tỉnh chuẩn bị sẵn sàng chờ vaccine đến để tiêm phòng cho người dân sớm nhất có thể. Theo Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath, nếu không có gì thay đổi, 2 triệu liều vaccine Sinovac sẽ tới nước này vào cuối tháng 6.
Ngày 24/6, Bộ Y tế Campuchia cho biết tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 45.000 ca (cụ thể là 45.366 ca) và từ ngày 19-24/6 đã có thêm 99 người tử vong vì đại dịch. Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 655 ca mắc mới, trong đó có 72 ca nhập cảnh và có thêm 18 người tử vong, đưa tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 493 người.
Trước tình hình trên, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo các trường công và các cơ sở giáo dục tư nhân trên cả nước tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông tin mới. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia ngày 23/6 họp trực tuyến với đại diện khu vực giáo dục tư nhân về đề nghị mở cửa trở lại các trường học.
Lào: Trên 1,3 triệu người đã được tiêm vaccine
Bộ Y tế Lào cho rằng nước này cần ít nhất 7,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để hoàn thành mục tiêu ít nhất 50% dân số được tiêm vaccine phòng bệnh trong năm 2021 và đến nay đã nhận được cam kết có trên 6,6 triệu liều vaccine.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24/6, đại diện Bộ Y tế Lào cho biết đã có trên 853.000 người tại Lào được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19, tương đương 11,64% dân số, trong khi gần 500.000 người đã được tiêm mũi thứ 2, chiếm khoảng 6,7% dân số. Với trên 1,3 triệu mũi đã tiêm, Lào chỉ ghi nhận 104 ca có biến chứng và hầu hết là triệu chứng nhẹ, không có ca tử vong.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế Lào đã khuyến khích người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời cho rằng người dân không nên lựa chọn vaccine vì loại nào cũng có công dụng phòng bệnh.
Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 4 ca mới, trong đó có 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.080 ca mắc COVID–19, trong đó có 3 ca tử vong.
Malaysia bắt giữ nghi phạm buôn bán trái phép vaccine
Cảnh sát Kuala Lumpur cho biết đã bắt giữ 3 nghi phạm buôn bán trái phép vaccine ngừa COVID-19.
Cảnh sát trưởng Kuala Lumpur, Azmi Abu Kassim cho biết 2 phụ nữ và 1 nam giới trong độ tuổi từ 23 tới 50 tuổi đã bị bắt giữ. Ba đối tượng này là nhân viên tiếp thị của một doanh nghiệp tư nhân, bị phát hiện đã cung cấp và bán vaccine ngừa COVID-19 thông qua các cuộc gọi điện thoại ngẫu nhiên tới người mua. Theo kết quả điều tra, chi phí cho hai liều vaccine là 420 RM (hơn 100 USD) và thanh toán tiền sau liều thứ hai.
Chính phủ Malaysia đang triển khai Chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc miễn phí tới toàn bộ người dân và hành vi mua bán chế phẩm này không được luật pháp cho phép.
Theo Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và sáng tạo Malaysia Khairy Jamaluddin, đến nay nước này chưa ghi nhận ca tử vong vì tiêm vaccine phòng COVID-19 và tuy có người tử vong sau khi tiêm chủng, nhưng kết quả giải phẫu cho thấy nguyên nhân gây tử vong không liên quan tới vaccine.
Ngày 23/6, Malaysia đã lập kỷ lục mới với 252.773 người được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tính đến hết ngày 23/6, Malaysia đã tiêm vaccine cho 6.554.500 người, trong đó có 4.749.133 người được tiêm mũi 1, chiếm 14,5% dân số.
Theo Bộ Y tế Malaysia, trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này phát hiện thêm 5.841 ca mắc COVID-19 và 84 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và số người tử vong lần lượt thành 716.847 và 4.721 người. Với thêm 5.411 bệnh nhân hồi phục, số người đang được điều trị do mắc COVID-19 tại Malaysia là 61.162 người.