COVID-19 tại ASEAN hết 26/11: Indonesia gần 5.000 ca mắc mới; Các nước lên kế hoạch mua vaccine

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 26/11, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 8.914 ca mắc COVID-19 và 193 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.151.001 ca, trong đó 26.914 người tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Medan, Bắc Sumatra, Indonesia ngày 25/11. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 26/11, số ca mắc mới chủ yếu tập trung ở Indonesia. Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng thêm 4.917 ca, nâng tổng số ca lên 516.753 ca; số ca tử vong tăng thêm 127 ca, nâng tổng số ca lên lên 16.352 ca. Indonesia là nước có số ca mắc và tử vong mới cao nhất ASEAN tính từ đầu dịch.

Trong bối cảnh đó, người phát ngôn đội đặc nhiệm quốc gia chống COVID-19 Wiku Adisasmito cho biết tình hình dịch bệnh vẫn ngoài tầm kiểm soát dù tỷ lệ ca bệnh mới giảm đáng kể so với các tháng trước đó. Ông cho biết người dân vẫn có xu hướng phớt lờ các quy tắc y tế.

Để giảm tình trạng lây nhiễm COVID-19, ông Wiku kêu gọi chính quyền khu vực áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với trường hợp vi phạm quy tắc phòng dịch mà không có ngoại lệ. Ông nhấn mạnh rằng phối hợp giữa chính phủ và người dân là chìa khóa để giảm số ca mắc trên toàn quốc. Trước đó, ngày 25/11, Indonesia lập kỷ lục với 5.534 ca mắc mới.

Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị cho các cấp dưới cắt ngắn kỳ nghỉ cuối năm 2020 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Indonesia vừa ký thỏa thuận đóng góp một triệu USD cho Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) - sáng kiến phát triển vaccine lớn nhất toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua phát triển vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân sát khuẩn tay phòng lây nhiễm COVID-19 tại làng Stabelan, Boyolali, Trung Java, Indonesia, ngày 10/11. Ảnh: THX/TTXVN

Thỏa thuận trên được Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Indonesia Cecep Herawan và Giám đốc điều hành CEPI, ông Richard Hatchett ký kết trực tuyến hôm 24/11, đánh dấu tư cách thành viên chính thức của quốc gia đông dân thứ 4 thế giới trong liên minh vaccine này.

Phát biểu tại buổi lễ, Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết các tin tức mới nhất về tiến độ phát triển vaccine ngừa COVID-19 là đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và Indonesia đã góp phần thúc đẩy “chủ nghĩa đa phương về vaccine”. Bà Retno đánh giá rằng hợp tác với CEPI rất quan trọng vì nó sẽ cho phép Indonesia đóng góp cụ thể vào nỗ lực tiêm chủng cho tất cả mọi người.

Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh: “Ngay từ đầu đại dịch, chúng tôi đã nói rõ lập trường của mình. Tất cả các quốc gia đều xứng đáng được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 một cách công bằng, bình đẳng và với giá cả phải chăng. Nếu không, các nước đang phát triển và kém phát triển nhất có nguy cơ bị bỏ lại phía sau”.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại tỉnh Banten, Indonesia, ngày 11/11. Ảnh: THX/TTXVN

Trong quan hệ đối tác với Indonesia, CEPI đã chọn công ty dược phẩm quốc doanh Bio Farma tham gia sản xuất vaccine COVID-19 sau khi có kết quả thẩm định tích cực. Theo bà Retno, điều này cho thấy ngành dược phẩm của Indonesia có tiềm năng to lớn. Theo cơ chế CEPI, các công ty dược phẩm Indonesia có thể trở thành những "người chơi" quan trọng trong mạng lưới vaccine toàn cầu.

Về phần mình, Giám đốc Hatchett nhấn mạnh rằng với kinh nghiệm lâu năm của Indonesia trong việc phát triển và sản xuất vaccine, đặc biệt là thông qua Bio Farma - một trong những nhà sản xuất và cung cấp vaccine lớn nhất thế giới - hợp tác giữa CEPI và Indonesia sẽ góp phần tăng cường an ninh y tế quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho cử tri tại một điểm bầu cử ở Yangon, Myanmar ngày 8/11. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng thứ hai về số ca mắc trong ngày 26/11 là Myanmar. Bộ Y tế Myanmar công bố thêm 1.639 ca mắc trong ngày, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 85.205 ca. Số ca tử vong tại quốc gia này tăng thêm 36 ca, lên 1.846.

Tiến sĩ Maw Maw Oo, Trưởng khoa Điều trị Cáp cứu tại Bẹnh viện Đa khoa Yangon cho biết mặc dù sắp có vaccine ngừa COVID-19 nhưng chỉ 20% người dân Myanmar sẽ được tiêm trong thời kỳ đầu. Vì thế, cần phải tiếp tục các biện pháp phòng ngừa để kiểm soát số ca bệnh.

Bộ trưởng Y tế và Thể thao Y Myint Htwe cho biết Myanmar sẽ gửi đề xuất chính thức cho Liên minh Vaccine Gavi ngày 7/12 tới để đặt vaccine càng sớm càng tốt. Ông cho biết Gavi sẽ giúp Myanmar được giảm giá hoặc được cấp vaccine miễn phí khi có.

Myanmar sẽ dùng ngân sách cũng như tiền từ Gavi và các khoản vay Ngân hàng Thế giới để mua vaccine. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 25/10. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng thứ ba ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 26/11 là Philippines. Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận 1.392 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 424.297 ca. Số ca tử vong tăng thêm 27, thành 8.242 ca.

Đại diện Nhóm chuyên trách quốc gia về phòng chống COVID-19 của Philippines, ông Carlito Galvez cho biết chính phủ dự kiến trong vòng 3-5 năm sẽ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho 60%-70% người dân nước này. Theo ông Galvez, chính phủ chỉ có thể tiêm phòng cho 20-30 triệu người mỗi năm. Theo ước tính, ban đầu có 1,51 tỷ USD chi cho hoạt động này sẽ được Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cung cấp dưới hình thức cho vay tín dụng. Số tiền này không chỉ dùng để mua hai liều vaccine bắt buộc cho mỗi người dân mà còn để trang trải các chi phí bổ sung. 

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Galvez, Bộ Y tế Philippines cung cấp danh sách 35 triệu người là đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, trong đó có các nhân viên y tế, cảnh sát, quân nhân, nhân viên các cơ sở phúc lợi xã hội và giáo dục, cũng như các cơ quan chính phủ khác, người cao tuổi và người nghèo. Ngoài ra, Nhóm chuyên trách quốc gia về phòng chống COVID-19 có kế hoạch phân phối vaccine theo nguyên tắc vùng miền địa lý, đáng chú ý là những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất do đại dịch, gồm Manila, Calabarzon và Trung Luzon, cũng như các thành phố Cebu, Davao và Cagayan de Oro.

Chính phủ Philippines đang đàm phán với các chính phủ nước ngoài và các hãng dược phẩm về việc cung cấp vaccine. Theo đó, Philippines đã thảo luận vấn đề cung cấp vaccine phòng ngừa COVID-19 không chỉ với Nga, Trung Quốc, Mỹ và Anh, mà còn với cả Australia và Ấn Độ. Hiện có 5 hãng dược phẩm đã đăng ký thử nghiệm vaccine phòng ngừa COVID-19 của họ trên người Philippines, gồm AstraZeneca của Anh-Thụy Điển, các công ty Sinovac Biotec và Clover Biopharmaceuticals của Trung Quốc, Viện nghiên cứu mang tên Gamaleya của Nga và Johnson&Johnson của Mỹ.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Những câu hỏi chưa được giải đáp xung quanh vaccine COVID-19
Những câu hỏi chưa được giải đáp xung quanh vaccine COVID-19

Từ đầu tháng 11 vừa qua, liên tiếp xuất hiện những thông tin thử nghiệm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho kết quả khả quan, với mức độ hiệu quả có thể lên đến hơn 90%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN