Trong ngày 27/11, Thái Lan tiếp tục có số ca mắc mới cao so với đa số quốc gia ASEAN, chỉ sau Việt Nam. Thái Lan ghi nhận 6.073 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 2.100.959 ca.
Tại Malaysia, nước này có thêm 5.501 mắc mới, đứng thứ ba ASEAN trong ngày 27/11. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.614.480 ca mắc COVID-19.
Lào ghi nhận 1.491 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch lên 70.323 ca mắc.
Tiếp đó là Singapore với 1.090 ca mắc mới; Philippines với 890 ca mắc mới; Myanmar với 493 ca mắc mới; Indonesia với 404 ca mắc mới; Brunei với 74 ca mắc mới và Campuchia với 26 ca mắc mới.
Về số ca tử vong, đa số quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (188 ca), Việt Nam (148 ca), Malaysia (45 ca), Thái Lan (32 ca), Indonesia (11 ca), Myanmar (9 ca), Lào (7 ca), Campuchia (7 ca) và Singapore (3 ca).
Thái Lan cấm nhập cảnh người đến từ nhiều nước châu Phi
Thái Lan sẽ cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 8 quốc gia châu Phi mà nước này đưa vào danh sách có nguy cơ cao do biến thể Omicron, tương tự như danh sách mà Mỹ vừa công bố lệnh cấm.
Phát biểu với báo giới ngày 27/11, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh Opas Karnkawinpong nêu rõ từ ngày 1/12 tới, nước này sẽ đóng cửa với các hành khách đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Từ ngày 27/11, những người đã ở Thái Lan mà đến từ các quốc gia nói trên sẽ phải cách ly 14 ngày. Ông Opas cho biết hiện Thái Lan chưa phát hiện ca nhiễm biến thể mới Omicron.
Trong khi đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng tăng cường cảnh giác với biến thể mới. Ông nêu rõ nếu có vấn đề khẩn cấp cần chính phủ phải điều chỉnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, ông sẽ ra lệnh cho các cơ quan hành động ngay lập tức.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, sáng 27/11, quốc gia Đông Nam Á này thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 6.073 ca mắc mới cùng 32 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch lên 2.100.959 ca, trong đó 20.677 người không qua khỏi.
Trong khi đó, Thủ tướng Chan-o-cha đã chỉ thị các cơ quan y tế công cộng đẩy mạnh nỗ lực khuyến khích người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng nhằm giúp khôi phục nền kinh tế, đặc biệt là khu vực du lịch.
Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan đã mở một chiến dịch có tên gọi là "Tuần tiêm chủng COVID-19" từ ngày 27/11 - 5/12, nhằm sớm đạt mục tiêu tiêm được 100 triệu liều vaccine mà chính phủ đặt ra cho cuối năm nay.
Số liệu thống kê cho thấy từ ngày 28/2 - 25/11, Thái Lan đã tiêm được 91,23 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 47,5 triệu liều là mũi tiêm đầu tiên, 40,5 triệu liều là mũi tiêm thứ hai và 3,2 triệu liều là mũi tiêm thứ ba. Dữ liệu tiêm chủng cũng cho thấy kết quả khả quan trong việc giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, cũng như giảm tỷ lệ tử vong.
Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết Bộ Y tế sẽ cung cấp vaccine cho những người chưa được tiêm chủng, đặc biệt là người cao tuổi, người nằm liệt giường, phụ nữ mang thai và trẻ em. Cả lao động nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp chưa tiêm cũng sẽ được đưa vào nỗ lực tiêm chủng.
Ông Anutin khẳng định Thái Lan có đủ vaccine cho tất cả mọi người ở trong nước, đồng thời sẽ có thêm 30 triệu liều vaccine của Pfizer và 60 triệu liều vaccine của AstraZeneca để tiêm tăng cường vào năm sau.
Malaysia cảnh giác với biến thể Omicron
Ngày 27/11, Bộ trưởng Y tế Malaysia, Khairy Jamaluddin cho biết bộ này sẽ đẩy nhanh việc tiêm vaccine mũi tăng cường và tăng cường giám sát xét nghiệm bộ gene của biến thể mới để bảo vệ người dân.
Bộ trưởng Khairy nêu rõ đây là các biện pháp bổ sung cùng với việc tạm thời cấm nhập cảnh công dân nước ngoài có lịch sử du lịch đến 7 quốc gia châu Phi. Ông đồng thời cảnh báo người dân nên đeo khẩu trang, tránh những nơi đông người và thực hành TRIIS (xét nghiệm, khai báo, cách ly, thông báo, truy vết). Ông khẳng định hiện tại Malaysia chưa phát hiện bệnh nhân COVID-19 do nhiễm biến thể Omicron.
Lãnh đạo Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này sẽ tạm thời cấm nhập cảnh tất cả công dân nước ngoài đã từng đến Botswana, Eswatini, Lesotho, Namibia, Mozambique, Nam Phi và Zimbabwe trong 14 ngày qua. Ông cũng thông báo công dân Malaysia và những người có visa dài hạn sẽ được phép quay trở lại và nhập cảnh. Tuy nhiên, họ sẽ phải trải qua 14 ngày cách ly bắt buộc tại các trung tâm cách ly được chỉ định dù đã tiêm chủng đầy đủ.
Lào đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine cho trẻ em
Để sớm mở cửa lại trường học hướng tới mở cửa trở lại đất nước, Lào tiếp tục triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em 12-17 tuổi tại thủ đô Viêng Chăn.
Dự kiến, mũi vaccine thứ nhất sẽ hoàn thành vào ngày 5/12 và đạt mục tiêu tiêm đủ hai mũi trước ngày 26/12 để đảm bảo điều kiện mở lại trường học trên địa bàn trong điều kiện bình thường mới.
Bộ Y tế Lào cũng cho biết trẻ trong độ tuổi từ 12-17 chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số; riêng ở thủ đô Viêng Chăn đã có hơn 83.000 người trong nhóm đối tượng này. Vì vậy, lãnh đạo thành phố kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em đến các điểm y tế để tiêm vaccine kịp thời nhằm tạo đề kháng cho cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm bệnh và biến chứng nguy hiểm cũng như tử vong.
Bộ Y tế Lào ngày 27/11 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.491 ca mắc mới COVID-19, đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố. Ngoài ra có thêm 7 ca tử vong. Theo Bộ trên, tỉnh Viêng Chăn ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt với 219 trường hợp trong một ngày. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào vẫn đáng lo ngại. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 70.323 ca, trong đó có 154 người tử vong.