Trong ngày 28/10, Thái Lan đứng thứ đầu ASEAN về ca mắc với 9.658 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.884.973 ca.
Quốc gia ghi nhận ca mắc cao thứ hai là Malaysia với 6.148 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.448.372 ca mắc COVID-19.
Đứng số 3 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Singapore với 5.324 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 184.419 ca.
Tiếp đó là Việt Nam với 4.892 ca, Philippines với 3.694 ca, Indonesia với 723 ca mắc, Lào với 530 ca, Brunei với 113 ca và Campuchia với 109 ca.
Về số ca tử vong, 8 quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (227 ca), Malaysia (98 ca), Thái Lan (84 ca), Việt Nam (54 ca), Indonesia (34 ca), Singapore (10 ca), Campuchia (8 ca) và Brunei (1 ca).
Singapore ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay
Bộ Y tế Singapore thông báo số ca mắc mới COVID-19 tại “đảo quốc sư tử” đã lập kỷ lục mới với 5.324 ca trong ngày 27/10, tăng cao bất thường so với mức trên 3.000 ca trong những ngày qua.
Trong số ca mắc mới trên có 4.651 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 661 ca nhiễm tại các khu nhà ở của công nhân và 12 ca nhập cảnh. Bộ Y tế Singapore cho biết đang nghiên cứu nguyên nhân của sự tăng cao bất thường này và theo dõi sát sao trong những ngày tới.
Singapore cũng ghi nhận thêm 10 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 27/10, đánh dấu ngày thứ liên tiếp có ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 349 ca. Phần lớn các ca tử vong là người cao tuổi và người có bệnh lý nền.
Tới thời điểm này, Singapore ghi nhận tổng cộng 184.419 ca mắc COVID-19. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi hiện đạt 84% dân số và đã có 14% được tiêm mũi bổ sung thứ 3.
Lào cho phép mở lại các nhà máy may đáp ứng đủ tiêu chuẩn phòng dịch
Trong bối cảnh lệnh phong tỏa và biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang được duy trì đến ít nhất ngày 30/10, Bộ Y tế Lào đã cho phép 20 nhà máy may mặc ở Viêng Chăn mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa do dịch COVID-19 bùng phát. Điều này cho thấy Lào đã từng bước có những biện pháp nới lỏng để tạo điều kiện cho người dân thích ứng với điều kiện bình thường mới và phục hồi kinh tế - xã hội.
Theo đó, các nhà máy được mở cửa trở lại phải đảm bảo tuân thủ mọi biện pháp phòng ngừa lây nhiễm được Bộ Y tế ban hành; đồng thời phải chịu toàn bộ trách nhiệm nếu để xảy ra bùng phát dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, 30 nhà máy khác cũng đang được cơ quan y tế kiểm tra tiêu chuẩn hoạt động trước khi chính thức được phép mở cửa trở lại.
Trước đó, các nhà máy may đã phải đóng cửa do ghi nhận các ổ dịch mới với hàng trăm ca mắc COVID-19 khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 28/10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 530 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 528 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Theo Bộ Y tế Lào, tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn phức tạp khi số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục được ghi nhận tại 12 tỉnh, thành. Đáng chú ý, số ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn vẫn ở mức cao với 306 trường hợp trong một ngày. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới .281 ca, trong đó có 59 người tử vong.
Campuchia kéo dài lệnh hạn chế một số hoạt động nguy cơ cao tại thủ đô
Tại Campuchia, lệnh hạn chế một số hoạt động rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh được kéo dài thêm 2 tuần dù số ca mắc mới liên tục giảm
Chính quyền thủ đô Phnom Penh ngày 28/10 thông báo về việc kéo dài thêm hai tuần, từ 29/10-11/11/2021, đối với một số hoạt động kinh doanh và tụ tập đông người gây rủi ro lây nhiễm COVID-19 ở mức cao.
Theo đó, các biện pháp hành chính tiếp tục được áp dụng tại Phnom Penh nhằm phòng chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, buộc các quán karaoke, quán bar và sàn nhảy tiếp tục dừng hoạt động. Tụ tập cá nhân trên 50 người vẫn bị cấm, trừ gặp gỡ các thành viên trong gia đình, nghi lễ tôn giáo và các buổi lễ khác được chính quyền đồng ý.
Trong khi đó, Campuchia bước vào ngày thứ 28 có số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở mức thấp và số ca tử vong giảm.
Trong thông cáo ngày 28/10, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 109 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 17 ca nhập cảnh và 92 ca lây nhiễm cộng đồng. Campuchia có thêm 8 ca tử vong, trong đó có 5 ca chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trong mấy ngày gần đây, Campuchia có một số quyết định liên quan đến lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế, trong đó có cơ chế du lịch “hộp cát” miễn cách ly cho du khách đã tiêm phòng đầy đủ đến Sihanoukville, đảo Koh Rong (Sihanoukville) và Khu nghỉ dưỡng Dara Sakor (tỉnh Koh Kong), mở lại cơ chế cấp visa điện tử cho du khách và nhà đầu tư. Tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành du lịch vẫn lo ngại Campuchia chậm mở cửa hơn các nước láng giềng trong khu vực.
Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen vừa đưa ra một tuyên bố quan trọng về việc khôi phục và mở cửa trở lại ngành du lịch trong và sau khủng hoảng COVID-19.
Theo tuyên bố trên, Chính phủ Campuchia giữ vững tinh thần chủ động và thực tế thực hiện kế hoạch củng cố ngành du lịch bằng việc khởi động Lộ trình kế hoạch khôi phục ngành du lịch Campuchia trong và sau khủng hoảng COVID-19, cùng với Kế hoạch tổng thể du lịch vì các mục tiêu chủ chốt. Đây là những tài liệu quan trọng vì mục tiêu chiến lược của ngành du lịch Campuchia trong tương lai, hướng tới mở cửa du lịch quốc tế theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào sự an toàn của các điểm đến.