Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với 20.452 ca tử vong, Indonesia là quốc gia người thiệt mạng vì COVID-19 nhiều nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á.
Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 2 trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt. Trong ngày 28/12, nước này chỉ có 15 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.
Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.594 ca bệnh mới, 3 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 2 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 648 ca bệnh mới và 17 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng. Ngày 28/12, Thái Lan đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì dịch COVID-19 sau 2 tháng.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 33.777 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 251 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.485.959 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.283.135 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Trong khi đó, Lào, Campuchia và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 28/12.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 28/12:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
719,219 |
+5,854 |
21,452 |
+215 |
589,978 |
Philippines |
470,650 |
+766 |
9,124 |
+15 |
4,780 |
Myanmar |
122,534 |
+648 |
2,618 |
+17 |
104,351 |
Malaysia |
106,690 |
+1,594 |
455 |
+3 |
85,592 |
Singapore |
58,529 |
+5 |
29 |
|
58,370 |
Thái Lan |
6,285 |
+144 |
61 |
+1 |
4,180 |
Việt Nam |
1,451 |
+10 |
35 |
|
1,303 |
Campuchia |
364 |
|
|
|
360 |
Brunei |
152 |
|
3 |
|
149 |
Timor-Leste |
44 |
+3 |
|
|
32 |
Lào |
41 |
|
|
|
40 |
Ngày 28/12, Thái Lan thông báo ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19 đầu tiên trong gần 2 tháng trở lại đây, đồng thời ban bố các biện pháp hạn chế các hoạt động giải trí tại thủ đô Bangkok trong nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát dịch bệnh mới hiện đã lan ra hơn một nửa trong tổng số tỉnh thành trên cả nước.
Cùng ngày, giới chức Thái Lan đã ghi nhận thêm 144 ca mắc mới và các ổ dịch mới phát hiện đều liên quan đợt bùng phát dịch lớn nhất từ trước tới nay. Giới chức Bangkok đã ban bố lệnh cấm các hoạt động kinh doanh giải trí và yêu cầu các quán bar, câu lạc bộ giải trí ban đêm và các tụ điểm âm nhạc đóng cửa từ nửa đêm, cho đến ngày 4/1. Thủ đô Bangkok cũng sẽ thiết lập một bệnh viện dã chiến và sẽ xem xét lại các biện pháp hạn chế trong tuần tới.
Trước đó, Thái Lan cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế tương tự ở một số trong số 43 tỉnh phát hiện các ca mắc liên quan đợt bùng phát dịch mới. Đợt bùng phát này bắt đầu từ 11 ngày trước, với các ca bệnh đầu tiên được phát hiện trong các nhóm lao động nhập cư ở chợ hải sản ở tỉnh Samut Akhon, gần thủ đô Bangkok. Hiện Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đang thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày sau khi tiếp xúc với một tỉnh trưởng mắc COVID-19 trong khi Chủ tịch Quốc hội Chuan Leekpai cũng đã yêu cầu 29 nhân viên làm việc tại quốc hội từng gặp gỡ một người mắc COVID-19 làm xét nghiệm.
Dù là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc phát hiện bệnh nhân COVID-19 nhưng tới nay Thái Lan cũng mới chỉ ghi nhận 6.285 ca bệnh, trong đó có 61 ca tử vong nhờ kiểm soát hiệu quả những đợt dịch bệnh trước đó.
Ngày 28/12, Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia (NSC) đã quyết định kéo dài Lệnh hạn đi lại có điều kiện (CMCO) đến hết ngày 14/1/2021 tại Kuala Lumpur, Selangor, Sabah và một số địa phương thuộc các bang khác.
Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi Selangor và Kuala Lumpur ghi nhận hơn 43.000 ca mắc COVID-19 trong 2 tuần từ ngày 14 đến 27/12. Ngoài Selangor và Kuala Lumpur, CMCO cũng được kéo dài tại bang Sabah và một số địa phương như Tây Nam Mukim 12 và Đông Bắc Mukim 13 thuộc bang Penang; Seremban thuộc Negeri Sembilan; Johor Bahru và Batu Pahat thuộc bang Johor.
Trong ngày 28/12, Malaysia thông báo ghi nhận 1.594 ca mắc COVID-19 và bang Selangor tiếp tục dẫn đầu với 697 ca, tiếp đó là Kuala Lumpur với 194 ca, Negeri Sembilan với 160 ca và Sabah với 157 ca. Cùng ngày, Malaysia ghi nhận 1.181 ca khỏi bệnh. Tuy nhiên, hiện số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 hiện vẫn rất cao, với 20.233 ca và đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca dương tính với virus liên tục ghi nhận kỷ lục mới ở Malaysia.
Ngày 28/12, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết các du khách nước ngoài sẽ bị cấm nhập cảnh vào nước này trong vòng 2 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, được áp dụng đối với toàn bộ du khách nước ngoài, ngoại trừ các quan chức chính phủ cấp cao.
Trước đó, ngày 24/12, Indonesia đã cấm du khách đến từ Anh và siết chặt các quy định nhập cảnh đối với du khách đến từ châu Âu và Australia nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo cơ quan phòng ngừa dịch bệnh Indonesia, những người nước ngoài đến từ Anh sẽ không được phép nhập cảnh vào Indonesia. Trong khi đó, những người đến từ châu Âu và Australia muốn nhập cảnh vào Indonesia cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính và phải xét nghiệm lại ngay khi đến nước này, thậm chí nếu có kết quả âm tính lần nữa vẫn phải thực hiện cách ly 5 ngày. Quy định trên có hiệu lực đến ngày 8/1/2021.
Đầu năm nay, Indonesia đã cấm nhập cảnh và quá cảnh đối với toàn bộ hành khách nước ngoài để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Quyết định trên không tính tới người nước ngoài có giấy phép lưu trú và một số chuyến thăm ngoại giao.
Tại Campuchia, cuối tuần qua, Bộ trưởng Y tế Camppuchia Mam Bunheng cho biết bộ này cho phép tất cả các nhà hàng và cửa hiệu liên quan đến “sự kiện cộng đồng ngày 28/11” được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các cơ sở này phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 của Bộ Y tế.
Vụ lây nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng ở Campuchia được phát hiện ngày 28/11 vừa qua. Ước tính đã có 41 trường hợp liên quan đến sự cố này trong tổng số 364 ca mắc COVID-19 tại Campuchia từ đầu dịch đến nay. Sau gần một tháng phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19 lây nhiễm ra cộng đồng, các trường học tư tại Campuchia hiện đã sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng các trường học sẽ phải đối mặt với vấn đề hậu khủng hoảng vì những khó khăn mà học sinh phải trải qua trong mùa đại dịch. Theo ông Mengly Quach, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Trường American Intercon (AIS) và Trung tâm Ngôn ngữ Aii Language Center (Aii), đại dịch không phải là vấn đề lớn nhất đối với các em học sinh, nhưng gây tổn thương về thể chất và tinh thần khi học sinh phải học trực tuyến và ở nhà quá lâu.