Trong ngày 28/6, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Indonesia với 20.694 ca. Tiếp đó là Philippines với 5.604 ca, Thái Lan với 5.406 ca, Malaysia với 5.218 ca, Campuchia với 883 ca, Việt Nam với 391 ca, Lào với 26 ca, Timor-Leste với 20 ca và Singapore với 9 ca.
Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (423 ca), Philippines (84 ca), Malaysia (57 ca), Thái Lan (22 ca) và Campuchia (16 ca).
Ca mắc và tử vong mới ở Indonesia vẫn cao nhất khối
Với 20.694 ca mắc và 423 ca tử vong trong ngày 28/6, Indonesia vẫn đứng đầu ASEAN về số ca mắc và tử vong hàng ngày. Tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch tới nay ở Indonesia là 2.135.998 ca, trong đó 57.561 ca tử vong.
Về diễn biến tiêm chủng, Lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 Indonesia thông báo Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm nước này (BPOM) đã khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của công ty công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đối mặt với sự gia tăng số ca mắc COVID-19. Dữ liệu của lực lượng này cho thấy trẻ em từ 0-18 tuổi chiếm 12,6% tổng số ca mắc COVID-19 ở Indonesia.
Indonesia đã ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca mắc mới hàng ngày với hơn 20.000 ca do sự xuất hiện của các biến thể của virus SARS-CoV-2 và hoạt động đi lại gia tăng sau tháng ăn chay của người Hồi giáo. Chiến dịch tiêm chủng của Indonesia chủ yếu sử dụng vaccine của Sinovac sau khi nhận được khoảng 94 triệu liều. Nước này cũng đã nhận được khoảng 10 triệu liều vaccine của AstraZeneca và Sinopharm (Trung Quốc).
Indonesia đang phải đối mặt với sức ép đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh các bệnh viện ở một số "vùng đỏ" đều ghi nhận tình trạng quá tải. Trong ngày 26/5, Indonesia đã thực hiện tiêm 1,3 triệu mũi vaccine, mức hàng ngày cao nhất kể từ khi chương trình được khởi động hồi tháng 1. Theo số liệu của chính phủ, tính tới ngày 28/6, khoảng 13,18 triệu người ở Indonesia đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Số ca nhiễm mới và tử vong ở Campuchia vẫn chưa giảm
Số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây tại Campuchia không có dấu hiệu giảm đi, thậm chí còn đang tiến sát tới ngưỡng cao 900 ca một ngày, với ngày càng nhiều ca lây nhiễm ngoài thủ đô Phnom Penh và các ca nhập cảnh.
Báo Khmer Times ngày 28/6 dẫn thông cáo của Bộ Y tế Campuchia xác nhận trong 24 giờ qua có thêm 16 người tử vong và 883 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 135 ca nhập cảnh – số ca nhập cảnh dương tính với virus SARS-CoV-2 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay.
Tính đến ngày 28/6, Campuchia ghi nhận tổng cộng 48.532 ca mắc COVID-19, trong đó 42.764 người khỏi bệnh và 556 người tử vong.
Sáng cùng ngày, thêm một triệu liều vaccine Sinovac mà Campuchia đặt mua của Trung Quốc đã về đến sân bay quốc tế Phnom Penh. Tính đến hôm nay, Campuchia đã nhận tổng cộng 11.024.000 liều vaccine ngừa COVID-19, chủ yếu là vaccine Sinopharm, Sinovac của Trung Quốc và chỉ có 324.000 liều AstraZeneca được viện trợ qua cơ chế phân bổ vaccine toàn cầu COVAX.
Phó Thủ tướng, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia Vongsey Visoth cho biết Campuchia sẽ nhận tổng cộng 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tính đến tháng 8.
Với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 10 hoặc tháng 11, ngành du lịch Campuchia dự kiến đón khách nước ngoài trở lại vào cuối năm nay và tập trung vào thị trường khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore. Theo ông Alain Brun, Giám đốc điều hành các sân bay quốc tế tại Campuchia, các cuộc gặp giữa chính phủ với đại diện ngành du lịch Campuchia đã tính tới mở cửa du lịch sớm nhất trở lại trong quý IV.
Các chỉ số đáng quan ngại về tình hình dịch bệnh tại Malaysia
Sau 4 tuần phong tỏa toàn diện, số ca mắc COVID-19 tại Malaysia đã giảm từ trên 8.000 ca/ngày xuống khoảng 5.000 ca/ngày, nhưng vẫn tồn tại nhiều chỉ số đáng ngại về tình hình dịch bệnh tại nước này.
Thực tế cho thấy kể từ ngày 23/6 tới nay, số ca mắc COVID-19 ghi nhận hằng ngày tại Malaysia liên tục trên 5.000 ca, tuy có giảm so với mức cao chưa từng có kể từ khi Malaysia thực hiện lệnh phong tỏa toàn diện vào ngày 3/6 với 8.209 ca, nhưng vẫn cao hơn so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tính đến ngày 26/6, Malaysia mới hoàn thành tiêm chủng 2 mũi cho 6,2% dân số và hiện nay, tỉ lệ sử dụng giường điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt ở nhiều địa phương vẫn từ 90-100%.
Thêm vào đó, tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19 vẫn cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong nhưng tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh trong tầm kiểm soát là tỷ lệ này dưới 5%. Tuy nhiên, số liệu của Bộ Y tế Malaysia cho thấy tỷ lệ này trong khoảng thời gian từ ngày 4-20/6 là 6,97% và trong tuần từ 21-27/6 là 7,6%. Ngoài ra, vào ngày 27/6, tỉ lệ lây nhiễm cơ bản ở Malaysia đã tăng lên 0,99 (1 người nhiễm cho 0,99 người) từ mức 0,97 của hôm trước.
Lào ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng ngoài Viêng Chăn sau hơn 1 tháng
Bộ Y tế Lào ngày 28/6 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng đột biến sau nhiều ngày tình hình dịch giảm nhẹ. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Lào ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng ngoài thủ đô Viêng Chăn sau hơn 1 tháng.
Theo đó, Lào ghi nhận 26 ca mới, trong đó có tới 14 ca cộng đồng gồm: thủ đô Viêng Chăn 7 ca, tỉnh Viêng Chăn 4 ca, tỉnh Luang Namtha 2 ca và tỉnh Xayaboury 1 ca. Các trường hợp còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác.
Bộ Y tế Lào cho biết số ca mới tăng đột biến cho thấy dịch vẫn còn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng. Trong khi đó, dịch bệnh tại các quốc gia láng giềng có diễn biến hết sức phức tạp, điều đáng lo ngại nhất là nguy cơ lây nhiễm biến chủng Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) có khả năng xâm nhập và gây bùng dịch trong cộng đồng.
Chính vì vậy, Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng chống dịch bệnh, nhanh chóng thông báo cho chính quyền nếu phát hiện thấy trường hợp nghi ngờ nhập cảnh bất hợp pháp để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo điều chỉnh mới nhất về cách thống kê, đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.076 ca mắc COVID-19 trong đó có 3 ca tử vong.