Tình hình dịch bệnh tại Indonesia vẫn nghiêm trọng nhất ASEAN. Trong ngày 3/1, Indonesia ghi nhận 6.877 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 765.350 ca.
Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng có thêm 179 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 22.734 người. Hiện Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, công ty dược phẩm nhà nước Indonesia BioFarma đã bắt đầu phân phối 3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới toàn bộ 34 tỉnh ngày 3/1.
Vaccine do công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển đã được Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Indonesia cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Phát ngôn viên chính phủ, ông Bambang Herianto cho biết các cơ sở y tế toàn quốc đã chuẩn bị chuỗi lạnh để trữ vaccine. Vaccine của Sinovac cần giữ trong nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C.
Tiêm chủng hàng loạt không phải là điều mới mẻ với Indonesia và chính phủ tin rằng quá trình phân phối ban đầu sẽ diễn ra suôn sẻ.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 181 triệu trong tổng số 270 triệu dân, trong đó nhân viên y tế là ưu tiên hàng đầu.
Vaccine sẽ được phân phối cho 13.000 trung tâm y tế công cộng, 2.500 bệnh viện và 49 văn phòng y tế tại cảng biển.
Malaysia và Philippines là hai nước có ca mắc mới trong ngày 3/1 cao thứ hai và thứ ba ASEAN với lần lượt là 1.704 và 891 ca.
Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế cho biết có 1 triệu nhân viên tuyến đầu và nhóm dân số có rủi ro cao sẽ được tiêm vaccine vào tháng tới. Đây sẽ là giai đoạn tiêm chủng đầu tiên sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech khi tới Malaysia. Giai đoạn hai sẽ diễn ra trong tháng 4 và 5 với 6,2 triệu liều vaccine.
Thành viên các nhóm có nguy cơ cao gồm những người không mắc bệnh truyền nhiễm như bệnh tim, bệnh phổi, suy thận và tiểu đường.
Theo kế hoạch, chính phủ Malaysia sẽ tiêm vaccine miễn phí, đặt mục tiêu tiêm cho 80% dân số (26 triệu dân).
Bộ trưởng Y tế Malaysia cũng cho biết chính phủ không định sớm mở lại biên giới quốc gia khi tỷ lệ lây nhiễm trên toàn cầu vẫn cao.
Trong ngày 3/1, Thái Lan ghi nhận thêm 315 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 7.694 ca.
Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) vừa ban bố các biện pháp kiểm soát nghiêm khắc hơn tại 28 tỉnh “vùng đỏ”, trong bối cảnh số ca nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng.
Phát ngôn viên của CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết cơ quan này và Trung tâm Chiến dịch tình trạng khẩn cấp (EOC) đã thống nhất áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn do các ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục gia tăng. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/1 đến hết ngày 1/2.
Các biện pháp kiểm soát tăng cường, sẽ được trình lên Thủ tướng Prayut Chan-o-cha vào ngày 4/1, được chia làm hai nhóm. Nhóm biện pháp thứ nhất hạn chế thời gian hoạt động của các loại hình kinh doanh, đóng cửa các loại hình nguy cơ cao, truy tìm và bắt giữ những người tụ tập bất hợp pháp, không khuyến khích di chuyển giữa các địa phương, đóng cửa các loại hình giáo dục, khuyến khích làm việc tại nhà ở các địa phương thuộc "vùng đỏ". Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người đến từ các vùng đó, truy vết các ca bệnh và điều tra dịch tễ.
Nếu nhóm biện pháp thứ nhất không có hiệu quả trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, nhóm các biện pháp thứ hai sẽ được áp dụng. Nhóm biện pháp này được áp dụng ở mức độ kiểm soát dịch bệnh cao hơn, có thể bao gồm việc áp dụng lệnh giới nghiêm, bổ sung các loại hình kinh doanh vào danh sách hạn chế thời gian hoạt động, đồng thời một số loại hình kinh doanh khác buộc phải đóng cửa và cấm tụ tập đông người.
Phát ngôn viên CCSA cũng khẳng định hiện tại người dân vẫn được phép ăn uống tại các nhà hàng và không cần thiết phải tích trữ thực phẩm ở giai đoạn này. Trước khi ban hành lệnh đóng cửa các nhà hàng, CCSA sẽ đảm bảo cho các cơ sở kinh doanh có thời gian chuẩn bị.
Ngày 2/1, CCSA ghi nhận thêm 216 ca nhiễm COVID-19 (trong đó có 214 ca lây nhiễm trong cộng đồng) và thêm một ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 7.397 với 64 ca tử vong. Ngoài các ca bệnh trong cộng đồng, nhiều ca nhiễm mới tiếp tục được phát hiện trong cộng đồng lao động nhập cư.
Bangkok là một trong những "vùng đỏ" trong đợt bùng phát dịch lần này. Trước đó, thủ đô của Thái Lan cũng đã ra lệnh đóng cửa 25 loại hình kinh doanh có nguy cơ cao nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, trong đó bao gồm cả các trung tâm giải trí, trung tâm trẻ em, chợ nổi và chợ dân sinh. Nhà hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi, các gian hàng ẩm thực không được phép bán đồ uống có cồn. Các trường học dưới sự quản lý của Ủy ban Hành chính Bangkok cũng được yêu cầu đóng cửa trong hai tuần. Thêm vào đó, Bangkok cũng mới ra chỉ thị thiết lập 14 chốt kiểm tra trên các tuyến đường dẫn vào thành phố, nơi vận hành của các tuyến xe khách liên tỉnh.
Ngoài ra, một số quốc gia ASEAN khác cũng ghi nhận ca mắc mới trong ngày 3/1 là Singapore (35 ca), Brunei (15 ca), Campuchia (2 ca), Timor-Leste (2 ca).