COVID-19 tại ASEAN hết 4/10: Toàn khối gần 18.000 ca tử vong; Philippines tiếp đà ‘hạ nhiệt’

Trong ngày 6/10, sáu quốc gia ASEAN ghi nhận 6.862 ca mắc COVID-19 mới và 153 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 733.000 ca, trong đó gần 18.000 bệnh nhân không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho người dân để phòng lây nhiễm COVID-19 tại một hội chợ ẩm thực ở Phuket, Thái Lan, ngày 13/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 6/10, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 733.299 ca mắc COVID-19 trong đó có 17.948 ca tử vong và 588.204 bệnh nhân đã bình phục.

Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, liên tục ở mức trên 4.000 ca/ngày, trong khi Philippines ghi nhận số ca tử vong và lây nhiễm mới giảm, mặc dù tổng ca mắc bệnh ở nước này vẫn cao nhất khối. 

Trong khi đó, tình hình Malaysia đang trở nên báo động với gần 700 ca nhiễm mới trong ngày 6/10.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 6/10/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Philippines: Số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm 

Bộ Y tế Philippines thông báo đã ghi nhận 2.093 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 6/10, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 326.833 ca. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Philippines, ông Rabindra Abeyasinghe, nhấn mạnh quốc gia Đông Nam Á này đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 có chiều hướng giảm dần.    

Ngoài các ca mắc mới, đã có thêm 209 bệnh nhân phục hồi, nâng tổng số bệnh nhân bình phục lên 273.313 người. Trong khi đó, với thêm 25 ca tử vong do COVID-19, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này tại Philippines hiện tăng lên đến 5.865 ca. Thủ đô Manila là khu vực có số ca mắc mới cao nhất trong ngày 6/10 với 557 ca. 

Chú thích ảnh
Hành khách xếp hàng ở trạm xe buýt tại Manila ngày 1/10/2020. Ảnh: The Star 

Bộ Y tế Philippines cho biết thêm tính đến nay hơn 3,71 triệu người trong khoảng 109 triệu dân tại Philippines đã được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.   

Trong khi đó, đại diện WHO, ông Abeyasinghe, ghi nhận Philippines đã rất chủ động thực thi các quy định, cũng như triển khai các biện pháp hạn chế di chuyển cần thiết nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh. Tuy vậy, ông Abeyasinghe nhấn mạnh rằng Philippines cần thực thi biện pháp ứng phó toàn diện hơn, trong đó có việc tập hợp sự đoàn kết của tất cả các vùng, các thành phố và trên khắp cả nước. Ngoài ra, cần triển khai nhiều cơ chế cho việc chẩn đoán sớm, truy vết tiếp xúc, sớm cách ly và điều trị các ca mắc COVID-19, cũng như cách ly các ca tiếp xúc gần.

Singapore sớm mở cửa biên giới

Giới chức Singapore ngày 6/10 thông báo đang chuẩn bị triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn để có thể sớm mở cửa đường biên, trong đó có việc thiết lập một phòng xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Changi và tiếp tục đàm phán thiết lập hành lang đi lại an toàn với các nước và các khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Phát biểu tại Quốc hội ngày 6/10, tân Bộ trưởng Giao thông Ong Ye Kung cho biết phòng xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Changi sẽ được thiết lập trong vài tháng tới nhằm bổ sung cho cơ sở xét nghiệm hiện tại ở sân bay này vốn đã có công suất xét nghiệm nhanh (lấy dịch mũi họng) lên tới 10.000 hành khách/ngày.

Ngoài ra, Singapore cũng đang tính toán lại về quy định cách ly tại nhà 14 ngày với hành khách nhập cảnh. Ông Ong Ye Kung cho rằng quy định này đang cản trở khách quốc tế muốn nhập cảnh vào Singapore, nhất là hành khách từ các nước có tầm quan trọng về kinh tế với Singapore nhưng vẫn đang có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Singapore lên kế hoạch sớm mở lại các đường biên giới. Ảnh: Straits Times 

Mới đây, Singapore cũng đã mở cửa đối với hành khách từ các nước Brunei, New Zealand, Việt Nam và Australia (ngoại trừ bang Victoria). Là trung tâm kết nối, việc Singapore mở cửa sớm đường biên giới có vai trò sống còn với nền kinh tế. Do đại dịch COVID-19, sân bay Changi của Singapore đã tụt hạng từ vị trí thứ 7 xuống vị trí 58 trong danh sách các sân bay bận rộn nhất thế giới. Hiện lưu lượng hành khách chỉ chiếm 1,5% công suất trước đây, trong khi tần suất chuyến bay mới đang ở mức 17%.

Indonesia phê duyệt sử dụng hai loại thuốc điều trị COVID-19

Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho 2 loại thuốc kháng virus Favipiravir và Remdesivir để điều trị các bệnh nhân mắc bệnh COVID-19.

Ngày 6/10, Văn phòng Bộ trưởng điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư cho biết Chính phủ Indonesia đã cho phép các nhà thầu nhập khẩu nhiều loại thuốc điều trị COVID-19, trong đó có Remdesivir, Favipiravir, Oseltamivir, Lopinavir-Ritonavir, và phân phối trực tiếp tới các bệnh viện.

Theo nguồn tin trên, tính đến cuối năm nay, Indonesia dự kiến sẽ nhập khẩu 670.000 lọ Remdesivir, đồng thời lên kế hoạch sản xuất loại thuốc này trong nước từ tháng 11 tới.

Chú thích ảnh
Nhà chức trách Indonesia vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại thuốc kháng virus Favipiravir và Remdesivir để điều trị các bệnh nhân mắc bệnh COVID-19

Người đứng đầu BPOM, bà Penny K. Lukito, kỳ vọng việc cấp phép EUA sẽ giúp các bệnh viện đẩy nhanh khả năng tiếp cận những loại thuốc trên và đưa chúng vào phác đồ điều trị COVID-19, qua đó nâng cao tỷ lệ bình phục đồng thời giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19. Bà Penny cũng bày tỏ hy vọng đội ngũ nhân viên y tế sẽ hợp tác trong việc giám sát hiệu quả và tính an toàn của các loại thuốc này. Theo đó, tất cả các báo cáo cảnh giác dược sẽ được BPOM tiếp nhận và đánh giá định kỳ. Nếu xuất hiện các tác dụng phụ nguy hiểm, BPOM sẽ ngay lập tức thông báo rủi ro và hủy bỏ EUA.

Vào tháng 9 vừa qua, BPOM cũng đã cấp giấy phép cho một số công ty dược phẩm trong nước sản xuất thuốc Favipiravir và Remdesivir. Kể từ tháng 3 năm nay, BPOM còn tiến hành tìm kiếm trên Internet để phát hiện thông tin sai lệch liên quan đến các loại thuốc được cho là có thể chữa khỏi COVID-19. 

Ngày 6/10, Indonesia ghi nhận 4.056 ca nhiễm mới và 121 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 311.176, bao gồm 11.374 bệnh nhân không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Malaysia ra lệnh cấm đi lại giữa các bang

Theo tờ Straits Times, Chính phủ Malaysia ngày 6/10 đã ban hành lệnh cấm đi lại từ bang Sabah đến các vùng như bán đảo Mã Lai, bang Sarawak và Lãnh thổ liên bang Labuan kể từ ngày 7 đến 20/10. 

Bộ trưởng cấp cao Ismail Sabri Yaaakob cho biết quyết định này được đưa ra sau khi bang Sabah chứng kiến sự gia tăng mạnh các ca lây nhiễm mới. Để vào được Sabah, người dân cần có giấy phép với mã là chữ "H". Tất cả mọi người đều được sàng lọc COVID-19 trước khi được phép vào khu vực.

Từ ngày 20/9 đến 5/10, có tổng cộng 235 ca lây nhiễm ở các địa phương trên toàn quốc có liên quan đến một số cá nhân gần đây từng đến Sabah.

Chú thích ảnh
Từ 20/9 đến 5/10, có tổng cộng 235 bệnh nhân  COVID-19 liên quan đến những cá nhân gần đây có tới tỉnh Sabah, Indonesia. Ảnh: Reuters

Hôm 5/10, Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia thông báo các quận như Kota Kinabalu, Penampang và Putatan sẽ được phong toả kể từ trưa ngày 7/10 luôn.

Thái Lan-Campuchia hợp tác giảm tác động từ dịch

Thái Lan và Campuchia đã tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm giảm thiểu tác động từ đại dịch COVID-19 thông qua nhiều dự án hợp tác song phương, như hợp tác y tế cộng đồng, đặc biệt là tại các khu vực biên giới.

Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết cam kết nói trên được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến mới đây giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn để bàn về các cách thức tăng cường hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh có những thách thức từ đại dịch COVID-19 và những vấn đề khác.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia, ngày 25/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai bên đã thảo luận về hợp tác song phương, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến ứng phó với đại dịch COVID-19, kết nối biên giới và kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào tháng 12/2020. Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, hai nước sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế thông qua việc đảm bảo vận chuyển hàng hóa qua biên giới thông suốt, đồng thời quản lý hiệu quả việc di chuyển qua biên giới của người dân trong điều kiện hạn chế đi lại hiện nay. Hai nước còn thảo luận về khả năng xúc tiến các dự án kết nối đường bộ và đường sắt giữa các tỉnh Sa Kaeo của Thái Lan và Banteay Meanchey của Campuchia để thúc đẩy phát triển biên giới và tạo điều kiện cho các nỗ lực phục hồi sau COVID-19.

Thái Lan và Campuchia sẽ kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào ngày 19/12/2020 và sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm dịp này trong suốt năm 2021.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Châu Âu thúc đẩy kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19
Châu Âu thúc đẩy kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Phát biểu trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính EU, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ngày 6/10 cho biết thực trạng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tăng nhanh trên khắp châu Âu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện quỹ phục hồi kinh tế giai đoạn hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro (hơn 882 tỷ USD) đã được lãnh đạo các nước EU nhất trí để hỗ trợ các quốc gia thành viên khắc phục hậu quả dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN