Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 4/8, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 8.589 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 99 ca tử vong.
Số ca mắc bệnh của Philippines đã gần đuổi kịp Indonesia sau liên tiếp những ngày có số ca mắc mới cao kỷ lục.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan trên toàn thế giới, WHO cảnh báo chính phủ và công dân nhiều nước cần tập trung vào các biện pháp phòng dịch được đánh giá hiệu quả khi mà chưa có vaccine phòng bệnh, như xét nghiệm, truy xét các trường hợp nghi nhiễm, đảm bảo giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Từ ngày 4/8, hơn 27 triệu người trên đảo Luzon của Philiipines, bao gồm cả thủ đô Manila đã quay trở lại tình trạng phong tỏa một phần như nhiều tuần trước đây, theo đó người dân phải ở yên trong nhà 2 tuần.
Việc người dân trên đảo Luzon phải ở trong nhà trừ các trường hợp đi ra ngoài để mua nhu yếu phẩm hay đi làm, được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ Philippines nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh Philipines hiện là một trong những điểm nóng dịch bệnh ở châu Á. Tính đến hết ngày 4/8, nước này ghi nhận 112.593 ca COVID-19, tăng 6.352 ca trong vòng 24 giờ, và 2.115 trường hợp tử vong, tăng thêm 11 ca.
Lệnh phong tỏa được ban bố 24 giờ trước khi có hiệu lực áp dụng, đã khiến nhiều người bị mắc kẹt tại thủ đô Manila và không thể trở về nhà khi các chuyến bay nội địa và các tuyến vận tải đường bộ và đường sắt ngừng hoạt động.
Trong khi đó, Indonesia vẫn là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất Đông Nam Á với 115.056 ca nhiễm và 5.8 ca tử vong. Singapore đứng thứ 3 với 53.346 ca nhiễm và 27 ca tử vong. Trong khi Malaysia ghi nhận 9.002 ca nhiễm và 125 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Indonesia đã khiến hàng triệu người lao động nước này lâm vào tình cảnh mất việc. Trưởng ban điều phối đầu tư Indonesia (BKPM) Bahlil Lahadalia ngày 4/8 cho biết, hiện có tới 17 triệu người dân nước này đã sẵn sàng gia nhập thị trường lao động, cùng với 7-8 triệu lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19. Vì vậy, trước tình hình sức ép tìm việc làm của khoảng 25 triệu người lao động, Indonesia khuyến khích tạo việc làm mà lĩnh vực đầu tư là một cánh cửa chính.
Trong thời gian tới, chính phủ sẽ không "khắt khe" trong chọn lọc đối với các lĩnh vực đầu tư, mà chỉ cần đáp ứng điều kiện yêu cầu của chính phủ và có thể tạo việc làm cho người dân Indonesia. Chính phủ Indonesia sẽ tập trung vào năm lĩnh vực để khuyến khích nhà đầu tư bao gồm lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế do phần lớn vẫn đang phải nhập khẩu, sau đó là năng lượng, khai thác, sản xuất và công nghệ.
Tại Campuchia, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao (MoEYS) cho biết các trường học sẽ không yêu cầu giáo viên, nhân viên và học sinh của 20 cơ sở giáo dục, được phép mở cửa trở lại trong tháng 8 này, phải xét nghiệm COVID-19 trước khi quay lại lớp học.
Quy định này sẽ được áp dụng đối với học sinh, phụ huynh học sinh hoặc giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục này không ra khỏi Campuchia hoặc đã trở lại Campuchia trước đầu tháng 6.
Trước đó, MoEYS thông báo các cơ sở giáo dục được phép mở cửa đợt đầu phải tuân thủ các quy định về y tế của Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các cơ sở giáo dục phải giữ môi trường sạch sẽ, đặc biệt các phòng học phải được sát khuẩn thường xuyên và mỗi lớp học không được vượt quá 15 học sinh để đảm bảo quy định về giãn cách phòng dịch COVID-19.
Sáng 4/8, Bộ Y tế Campuchia công bố thêm một ca mắc COVID-19 là quan chức ngoại giao cấp cao Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh. Người này đã bay từ Mỹ về Campuchia quá cảnh Hàn Quốc. Như vậy, tính đến sáng 4/8, Campuchia ghi nhận 241 ca mắc COVID-19, trong đó 200 người đã khỏi bệnh.