Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines chứng kiến xu thế ca tử vong tăng trở lại. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào và Việt Nam.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 500 ca bệnh mới và chỉ có 19 ca tử vong.
Diễn biến dịch đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, dù số ca tử vong vẫn cao. Ngày 5/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 260 trường hợp. Malaysia một ngày qua số ca mắc mới cũng tăng nhẹ, với xấp xỉ 5.000 trường hợp, trong khi có 47 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 1.057 ca bệnh và 17 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế đi ngang.
Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 5/11 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 80 người.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 78 bệnh nhân mới và 5 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên.
Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Indonesia và Singapore thiết lập hành lang du lịch cho du khách đã tiêm chủng
Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 5/11, người phát ngôn Lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Indonesia Wiky Adisasmito cho biết các cơ quan chức năng hai chính phủ đang tiến hành thảo luận để nhanh chóng thiết lập chương trình VTL.
Ông Adisasmito cho biết VTL là chương trình đảm bảo cho du khách nước ngoài thực hiện các hoạt động đi lại khi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và có giấy chứng nhận y tế. Ông Adisasmito lưu ý khách du lịch là cư dân của các quốc gia có mối quan hệ hợp tác trong khuôn khổ VTL hoặc các chương trình hợp tác khác với Chính phủ Indonesia như thỏa thuận công nhận chứng chỉ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 lẫn nhau và hành lang du lịch.
Các khuôn khổ hợp tác này nhằm hồi sinh các hoạt động cộng đồng, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ quy trình nghiêm ngặt về sức khỏe và hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 từ bên ngoài lãnh thổ Indonesia.
Lào có kế hoạch phê duyệt sử dụng thuốc thảo dược hỗ trợ điều trị COVID-19
Trước tình hình số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng, Bộ Y tế Lào đang có kế hoạch đăng ký chính thức 3 loại thảo dược gồm xuyên tâm liên, diếp cá và ngải bún cho việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19, sau khi kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả phục hồi đạt khoảng 80-100%.
Kết quả thử nghiệm trên 425 người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ và vừa tại 3 tỉnh gồm Savannakhet, Salavan và Champasak cho thấy hiệu quả phục hồi đạt 86-100% khi sử dụng các viên nang xuyên tâm liên và diếp cá. Tỷ lệ phục hồi khi sử dụng ngải bún trong điều trị đạt 93-100%. Hiện có 450 trường hợp khác ở Viêng Chăn đang trong quá trình thử nghiệm điều trị bằng các loại dược liệu nói trên. Bộ Y tế Lào sẽ công khai kết quả nghiên cứu tiếp theo cũng như quá trình đăng ký các loại dược phẩm này. Báo cáo của Sở Y tế thủ đô Viêng Chăn cũng như các tỉnh khác đều khẳng định viên nang thảo dược có chất lượng, an toàn và hiệu quả cao trong hỗ trợ điều trị COVID-19.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 5/11 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 959 ca mắc mới COVID-19 và 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào đã giảm từ mức 4 con số xuống 3 con số (giảm 211 ca so với ngày 4/11) nhưng vẫn ở mức cao. Trong số các ca mắc mới có tới 948 ca cộng đồng ghi nhận tại 14 tỉnh, thành; còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 45.020 ca, trong đó có 77 ca tử vong.
Philippines nới lỏng biện pháp phòng dịch tại thủ đô Manila
Ngày 5/11, Philippines đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch đối với các hoạt động phổ biến tại quốc gia này như karaoke và bỏng rổ cũng như mở cửa trở lại các trường đại học tại thủ đô Manila khi số ca mắc mới COVID-19 giảm.
Người phát ngôn Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Harry Roque cho biết tất cả các hạn chế đi lại của người dưới 18 tuổi dược dỡ bỏ tại thủ đô, trong khi trưởng tiểu học có thể sớm mở cửa trở lại, sau khi được tổng thống Duterte phê chuẩn. Trẻ vị thành niên được cho phép đi ra ngoài bắt đầu trong tháng 11 nhưng chỉ được mua các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Các môn thể thao có tiếp xúc như bóng rổ, các quán karaoke và các hoạt động của công viên ngoài trời được phép hoạt động lại lần đầu tiên kể từ khi Philippines bắt đầu áp đặt các biện pháp phong tỏa hồi đầu năm. Các trường đại học Manila sẽ mở cửa trở lại với 50% công suất trong khi các giờ dạy trực tiếp tại các trưởng tiểu học có thể nối lại lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 nếu Tổng thống Duterte chấp thuận.
Các quy định mới dược áp dụng đến ngày 21/11, tuy nhiên có thể được gia hạn nếu số ca mắc mới và tỉ lệ nhập viện tiếp tục giảm. Độ bao phủ vaccine tăng giúp làm giảm tốc độ lây lan dịch với số ca mới giảm từ mức trung bình 2.000 ca/ngày tại Manila trong tháng 10 xuống trung bình 493 ca/ngày.
Malaysia ghi nhận xấp xỉ 5.000 ca mới
Bộ Y tế Malaysia ngày 5/11 ghi nhận thêm 4.922 ca mới và 64 bệnh nhân không qua khỏi, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt thành 2.497.265 và 29.155.
Tính đến ngày 4/11, 22.893.173 người, tương đương 97,8% dân số trưởng thành tại Malaysia đã tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine, trong đó 95,8% (22.417.059 người) đã hoàn thành tiêm chủng.
Đối với trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi, hơn 2,2 triệu trẻ, tương đương 70,2% đã hoàn thành tiêm chủng và hơn 2,62 trẻ (83,4%) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.