COVID-19 tại ASEAN hết 5/12: Malaysia dỡ phong toả; Philippines cảnh báo phạt gậy người vi phạm

Trong ngày 5/12, các nước ASEAN ghi nhận thêm 10.447 ca mắc COVID-19, trong khi tổng số ca tử vong đã lên tới trên 28.700 trường hợp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Tangerang, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 10.447 ca mắc bệnh COVID-19 và 153 ca tử vong so với 1 ngày trước.

Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.241.480 ca mắc COVID-19 trong đó có 28.703 ca tử vong và 1.070.344 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Với trên 6.000 ca nhiễm mới, Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN. 

Ba quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines, Malaysia và Myanmar. Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới vẫn ở mức trên 1.700 ca/ngày, khiến cảnh sát nước này triển khai kế hoạch dùng gậy để đảm bảo giãn cách xã hội và sẵn sàng mạnh tay với những người "cứng đầu" không tuân thủ quy định. 

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 5/12/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  

Philippines đe doạ phạt gậy người vi phạm giãn cách

Theo Reuters, cảnh sát Philippines cảnh báo sẽ phạt đánh gậy với những người vi phạm giao thức giãn cách xã hội, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong mùa lễ hội cuối năm.

Giám đốc Cảnh sát quốc gia Cesar Binag, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19, thông báo rằng cảnh sát và binh sĩ sẽ tuần tiễu ở các khu vực công cộng tại thủ đô Manila, mang theo những cây gậy dài 1 mét để đo khoảng cách giữa mọi người. Tướng Binag cho biết cây gậy này cũng có thể "được dùng để chống lại những kẻ cứng đầu".

Các cuộc tuần tra đảm bảo giãn cách xã hội sẽ tập trung vào các khu vực có mật độ giao thông cao như các đầu mối giao thông và chợ.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Philippines sẽ tuần tra tăng cường ở các khu vực chợ và giao lộ để đảm bảo giãn cách xã hội. Ảnh: Reuters 

Theo dữ liệu của cảnh sát Philippines, các nhà chức trách đã bắt giữ, cảnh cáo và phạt khoảng 700.000 người kể từ tháng 3 vì vi phạm các biện pháp phòng dịch.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã áp đặt một trong những lệnh cấm phòng dịch nghiêm ngặt nhất và kéo dài nhất thế giới từ giữa tháng 3/2020, khiến nền kinh tế bị đình trệ. Các hạn chế đã được gỡ bỏ một phần vào tháng 6 để cho phép nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Tới ngày 5/12, với 4.069 ca nhiễm và 8.526 ca tử vong, Philippines có số ca nhiễm COVID-19 và tử vong cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia. 

Malaysia dỡ phong toả ở hầu hết các bang

Tờ Straits Times dẫn thông báo từ một bộ trưởng nội các cho biết Malaysia sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở hầu hết các bang kể từ ngày 7/12. Tuy nhiên, lệnh phong toả bộ phận, được gọi là Lệnh Kiểm soát đi lại có điều kiện (CMCO) sẽ được gia hạn tới ngày 20/12 tại thủ đô Kuala Lumpur, bang Sabah và 6 trong số 9 quận của bang Selangor. CMCO cũng được duy trì ở một số khu vực thuộc bang Johor.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 6/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo Bộ trưởng Ismail Sabri Yaakov, hoạt động đi lại giữa các bang sẽ được cho phép trở lại và toàn bộ các chốt chặn sẽ được dỡ bỏ. Chỉ những khu vực còn duy trì phong toàn hoàn toàn như khu vực quanh các nhà máy và khu ký túc của các công ty sản xuất găng tay, sẽ không được nới lỏng đi lại.

Bộ trưởng Yaako cho biết, "Malaysia thiệt hại 300 triệu ringgit  (98,6 triệu USD) mỗi ngày nếu như lệnh CMCO được gia hạn. Sẽ có thêm nhiều việc làm tiếp tục bị mất".

Theo thống kê, khoảng 30.000 doanh nghiệp Malaysia đã đóng cửa kể từ khi áp đặt các lệnh kiểm soát đi lại vào tháng 3/2020. 

Ngày 5/12, Malaysia ghi nhận thêm 1.123 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 71.359 trường hợp trong đó có 0 ca tử vong và 60.204 bệnh nhân đã bình phục.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia áp quy định phòng dịch mới với du khách nhập cảnh

Ngày 5/12, Ủy ban Liên bộ phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Campuchia công bố áp dụng quy định mới về các biện pháp phòng dịch và cách ly áp dụng với tất cả các du khách nhập cảnh Campuchia, có hiệu lực từ ngày 12/12/2020. 

Thông báo của Bộ Y tế Campuchia nêu rõ tất cả các du khách nhập cảnh nước này buộc phải cách ly 14 ngày và phải xét nghiệm ngay khi đến. Các du khách phải có giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế nước cư trú cấp và công nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi đến Campuchia.

Quy định mới tạm dừng áp dụng cơ chế bảo trợ cho các đối tượng là nhà đầu tư-doanh nghiệp, nhân viên công ty, chuyên gia và nhân viên kỹ thuật nhập cảnh Campuchia dưới 14 ngày. Lệnh này có hiệu lực cho tới khi tình hình dịch tại Campuchia bớt nghiêm trọng và có quyết định mới của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen. Ủy ban Liên bộ phòng chống dịch COVID-19 Campuchia sẽ công bố ngay lập tức danh tính những người nhiễm COVID-19 để thúc đẩy nhanh việc tìm kiếm những người có liên quan.

Chú thích ảnh
Các học sinh tiến hành sát khuẩn tay nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, trước khi vào lớp ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đến hết ngày 5/12, Campuchia xác nhận 345 ca nhiễm tại nước này với 305 người đã hồi phục và không có ca tử vong. Trước đó, trong ngày 4/12, Bộ Y tế nước này thông báo có 10 ca nhiễm mới, trong đó có 4 ca nhập cảnh và 6 ca có liên quan tới “sự kiện cộng đồng ngày 28/11”, sự cố lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại Campuchia.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến nguy hiểm, phức tạp nhưng cơ quan y tế Campuchia chưa xác định được nguồn, thời gian lây nhiễm.  Các biện pháp mới của Chính phủ Campuchia được đưa ra sau khi nước này phát hiện trường hợp lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng đầu tiên vào ngày 28/11/2020 là Tổng cục trưởng Tổng cục trại giam thuộc Bộ Nội vụ và người thân trong gia đình ông này. Cho đến nay, Campuchia đã phát hiện 341 trường hợp mắc COVID-19 trong đó 304 trường hợp đã được chữa khỏi và 37 trường hợp đang được điều trị.

Chú thích ảnh

Indonesia nâng công suất chữa trị bệnh nhân

Bộ Y tế nước Indonesia lên kế hoạch bổ sung thêm nhiều giường bệnh để điều trị cho các bệnh nhân trong trường hợp các ca lây nhiễm tăng 100%.

Người phát ngôn lực lượng trên, ông Wiku Adisasmito cho biết nếu các ca lây nhiễm tăng 20-50%, các bệnh viện sẽ tiếp tục hoạt động như hiện nay. Tuy nhiên, nếu tăng 100%, Bộ Y tế sẽ chuyển các khoa điều trị ngoại trú thành các phòng tạm dành cho bệnh nhân COVID-19. Trong kịch bản này, các bệnh viện sẽ hợp tác với quân đội và Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) để dựng các lều chăm sóc dã chiến trong khuôn viên bệnh viện dành cho các bệnh nhân COVID-19.

Theo ông Wiku, Chính phủ Indonesia đang cố gắng hết sức để kiểm soát dịch bệnh lây lan, đồng thời kêu gọi công chúng tuân thủ nghiêm túc các quy trình y tế, hạn chế tới những nơi công cộng nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm. Ông Wiku cũng kêu gọi những người có kế hoạch đi du lịch trong kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới sắp tới chỉ ở trong phòng khách sạn và thực hiện các chuyến tham quan ảo, thay vì các chuyến thăm thực tế đến các điểm du lịch.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia công bố hôm 1/12, tỷ lệ sử dụng giường tại các khu cách ly và chăm sóc đặc biệt dành cho các bệnh nhân COVID-19 đã lên tới 57,97%. Tỉnh Tây Java có tỷ lệ cao nhất với 77%, trong đó riêng thành phố Bandung lên tới 88,6%. Ngày 5/12, Indonesia ghi nhận 6.027 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng ca bệnh lên 569.707 trường hợp, bao gồm 17.589 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Medan, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Bước tiến lớn trong chống COVID-19; Mỹ-Trung căng thẳng vì ‘trừng phạt phút chót’
Thế giới tuần qua: Bước tiến lớn trong chống COVID-19; Mỹ-Trung căng thẳng vì ‘trừng phạt phút chót’

Việc một số nước bắt đầu cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 cùng với những căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ-Trung giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump là hai sự kiện nổi bật trong tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN