Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 8/1/2022, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 57.166 ca mắc mới COVID-19 và 557 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 15.108.059 trường hợp, và 307.617 ca tử vong. Toàn khối có 14.233.430 bệnh nhân đã bình phục.
Làn sóng Omicron lan tới các nước Đông Nam Á đã làm đảo ngược tình thế ở một số quốc gia. Trong đó Philippines chứng kiến cú ngoặt lớn nhất.
Tại Philippines, ca nhiễm mới đang có chiều hướng đi lên sau khi đã giảm xuống dưới ngưỡng 500 ca/ngày. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 5.434 ca nhiễm, 18 ca tử vong. Đến nay, Philippines đã ghi nhận hơn 2,86 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 51.600 ca tử vong.
Việt Nam đứng thứ hai khu vực về ca mắc và tử vong mới trong ASEAN với lần lượt 16.553 ca và 240 ca trong ngày 8/1. Như vậy, tổng số ca mắc đã lên tới 1.876.394 trường hợp, bao gồm 34.117 ca tử vong.
Thái Lan đứng thứ ba khu vực về ca nhiễm mới với 8.263 ca và 12 ca tử vong trong 24 giờ qua. Kể từ ngày 16/12, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan đã quyết định kéo dài thời gian cách ly đối với những người đến nước này theo các chương trình hộp cát và cách ly từ 5 ngày lên 7 ngày. Quyết định này nhằm đối phó với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron và sự gia tăng các ca nhiễm ở một số nước.
Ngày 7/1, Lực lượng đặc trách chống COVID-19 thuộc Chính phủ Thái Lan thông báo nước này sẽ kéo dài việc tạm ngừng chương trình miễn cách ly và áp đặt các lệnh hạn chế mới, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đang tăng vọt trở lại.
Malaysia đứng thứ tư trong khu vực về ca nhiễm mới, với 3.1 ca, và 16 ca tử vong - có xu hướng đi lên so với những tuần trước. Với sự xuất hiện biến thể Omicron, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu. Ngày 6/1, Cơ quan Kiểm soát dược phẩm (PBKD) của nước này đã phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer sản xuất cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Số ca nhiễm mới tại Singapore đã tăng vượt qua mốc 500 duy trì nhiều tuần qua, với 777 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong trong ngày 8/1. Song song với công tác chuẩn bị sẵn sàng đối phó nguy cơ bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron, Singapore cũng nới lỏng một số biện pháp giãn cách, theo đó từ ngày 1/1/2022, làm việc tại nhà sẽ không còn là bắt buộc, các công ty, cơ quan được phép cho 50% số nhân viên trở lại làm việc trực tiếp.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ngày 3/1 cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh tại Singapore cho đến nay vẫn "ổn định”, song số ca nhiễm biến thể Omicron ngày càng tăng báo hiệu một làn sóng lây nhiễm mới biến thể này "trong những ngày hoặc những tuần tới".
Hiện 87% dân số Singapore đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản và 88% đã tiêm ít nhất 1 mũi. Tính tới cuối năm 2021, khoảng 41% dân số đã tiêm mũi vaccine tăng cường. Hơn 20.000 trẻ em từ 9 đến 11 tuổi đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Trong khi đó, Campuchia chỉ ghi nhận 27 ca nhiễm mới và không có ca tử vong mới trong ngày.
Tại Indonesia, số ca nhiễm mới COVID-19 cũng đang xu hướng đi lên. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đã chuẩn bị 120.000 giường bệnh cũng như các trang thiết bị và vật tư y tế để ứng phó với các đợt lây nhiễm COVID-19 mới do biến thể Omicron gây ra. Chính phủ Indonesia cũng lắp đặt bổ sung các thiết bị sản xuất oxy phòng trường hợp số ca lây nhiễm tăng đột biến như hồi tháng 7 năm ngoái khi nhu cầu oxy y tế tăng hơn gấp ba lần từ mức trung bình 700 tấn lên 2.200 tấn mỗi ngày. Chính phủ Indonesia đã mua 16.000 máy tạo oxy mới và sẽ cung cấp cho tất cả các bệnh viện trong cả nước, đặc biệt là những nơi còn khan hiếm. Số máy này có thể sản xuất 800 tấn oxy mỗi ngày.
Tại Lào, Bộ Y tế cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.066 ca mắc mới COVID-19, trong đó chỉ có 4 ca là người nhập cảnh và 9 ca tử vong. Bộ Y tế Lào đang tiếp tục vận động người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19 để giảm nguy cơ lây nhiễm và biến chứng nặng.
Philippines: Ca nhiễm mới vọt tăng cao nhất từ tháng 9/2021
Bộ Y tế Philippines ngày 8/1 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 26.458 số ca mắc mới - mức cao nhất kể từ ngày 11/9/2021. Hiện Philippines đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng 2.936.875 ca mắc COVID-19, trong đó có 52.135 ca tử vong.
Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến số ca mắc mới tại nước này đang ngày một gia tăng là do biến thể Omicron. Phát biểu với báo giới, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Rontgene Solante cho rằng nhìn vào số ca mắc mới COVID-19 chỉ trong một thời gian ngắn và hầu hết người bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp trên, có thể nói biến thể Omicron đã lây lan trong cộng đồng. Theo ông Solante, số người phải nhập viện do mắc COVID-19 đang ngày một tăng, trong đó có cả những trường hợp nặng và nguy kịch.
Giới chuyên gia và giới chức y tế Philippines cảnh báo số ca nhiễm mới tại nước này sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Do đó, nhà chức trách đề nghị người dân ở nhà nếu chỉ xuất hiện triệu chứng mắc COVID-19 nhẹ, để dành giường bệnh cho các ca mắc nặng và nghiêm trọng.
Số ca mắc mới tại Philippines tăng theo cấp số nhân được cho là do người dân đi lại nhiều trong dịp nghỉ lễ và không tuân thủ nghiêm các quy định y tế trong thời gian nghỉ lễ. Số ca mắc mới và nhập viện tăng buộc chính phủ nước này tái áp đặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt tại vùng thủ đô Manila và một số khu vực khác trên cả nước.
Thái Lan thành lập trung tâm cách ly riêng cho trẻ em
Thủ đô Bangkok của Thái Lan có kế hoạch thành lập 6 trung tâm cách ly phòng dịch COVID-19 dành riêng cho trẻ em để chuẩn bị đối phó với sự gia tăng số ca lây nhiễm biến thể Omicron dự kiến trong tháng này.
Cục trưởng Cục Dịch vụ Y tế Thái Lan (MSD) Somsak Akkasilp cho biết cơ quan này đang hợp tác với chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) để mở các trung tâm cách ly cộng đồng dành cho trẻ em bị nhiễm biến thể Omicron cùng gia đình ở 6 khu vực của thành phố.
Trong khi đó, Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek cho hay nước này đã chuẩn bị nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Bộ Y tế Thái Lan thông báo chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi dự kiến bắt đầu vào tháng tới. Việc tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi này hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện của trẻ em và phụ huynh.
Chính phủ Thái Lan năm ngoái đặt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 50 triệu người trong tổng dân số 70 triệu (tương đương 70% dân số), sử dụng 100 triệu liều vaccine. Tính đến ngày 31/12/2021, Thái Lan đã tiêm được 104,4 triệu liều vaccine trong tổng số 130,6 triệu liều có được.