Diễn biến dịch bệnh tại các nước nhiều ca mắc mới nhất ASEAN
Philippines có nhiều ca mắc COVID-19 nhất ASEAN trong ngày 8/4. Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 9.216 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 828.366 ca, trong đó có 14.119 bệnh nhân không qua khỏi.
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Philippines vào tháng 1/2020, nước này đến nay mới chỉ thực hiện xét nghiệm 9,8 triệu người trong tổng số 110 triệu dân.
Liên quan đến sức khỏe của Tổng thống Phlippines Rodrigo Duterte, người phát ngôn của tổng thống cho biết ông Duterte vẫn khỏe mạnh, trong bối cảnh có thông tin một số nhân viên an ninh của tổng thống gần đây có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Đứng thứ hai về số ca mắc COVID-19 trong ngày 8/4 là Indonesia với 5.504 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 1.552.880 ca. Số ca tử vong cũng tăng 163 ca lên 42.227 ca. Dịch COVID-19 đã lan ra tất cả 34 tỉnh của nước này.
Theo thông báo của Bộ Y tế Malaysia, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.285 ca nhiễm mới COVID-19. Hiện Malaysia có tổng số 355.753 ca nhiễm, trong đó có 1.308 người không qua khỏi.
Trong khi đó, tại Thái Lan, Trung tâm Quản lý tình hình dịch COVID-19 của nước này (CCSA) cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan trong cùng ngày đã gia tăng với 405 ca. Đây là mức tăng theo ngày cao nhất trong 2 tháng qua, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 30.310 ca, sau khi một loạt ổ dịch khiến số gia nhiễm mới gia tăng tại thủ đô Bangkok.
Theo người phát ngôn Cơ quan xử lý tình hình dịch bệnh COVID-19 của Thái Lan, trong số 405 ca nhiễm mới nói trên có 391 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 14 ca nhập cảnh. Riêng thủ đô Bangkok có 95 ca và 145 ca khác tại Narathiwat do một ổ dịch lây lan trong nhà tù tại tỉnh này.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chính phủ Thái Lan đang xem xét tạm thời đóng cửa các cơ sở giải trí tại 41 trong tổng số 77 tỉnh của nước này để phòng chống dịch bệnh.
Trong ngày 8/4, Campuchia thông báo nước này ghi nhận 113 ca lây nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3.028 ca. Theo Bộ Y tế Campuachia, các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó 103 ca tại thủ đô Phnom Penh.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo Bộ Y tế nước này chuẩn bị phương án điều trị tại nhà đối với bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ, đề phòng nguy cơ các bệnh viện quá tải. Theo Bộ Y tế Campuchia, nước này sẽ sớm đào tạo đội ngũ y tế địa phương để hỗ trợ người bệnh COVID-19 điều trị tại nhà.
Campuchia bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 vào ngày 10/2 và đến nay đã có hơn 756.000 người thuộc diện ưu tiên đã được tiêm vaccine.
Thái Lan siết chặt quy định phòng dịch
Ngày 8/4, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri xác nhận Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ra lệnh đóng cửa ngay lập tức những địa điểm giải trí hoặc nhà hàng trong 14 ngày nếu nơi đó có ca mắc mới COVID-19.
Biện pháp này có hiệu lực kể từ ngày 8/4 nhằm ngăn chặn dịch lây lan thêm sau khi xảy ra một đợt bùng phát mới liên quan đến các địa điểm giải trí như quán rượu, quán bar và quán karaoke. Theo người phát ngôn, nếu tình trạng lây nhiễm được phát hiện, cơ sở kinh doanh này sẽ bị đóng cửa trong ít nhất 2 tuần. Ông Anucha cho biết các nhà hàng vẫn được phép mở cửa, nhưng phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 nghiêm ngặt.
Ngoài ra, Thủ tướng Prayut cũng trao quyền cho ủy ban về bệnh truyền nhiễm ở mỗi tỉnh để xem xét đóng cửa bất kỳ doanh nghiệp nào trong ít nhất 2 tuần nếu liên quan đến sự bùng phát dịch ở tỉnh đó.
Trong trường hợp khẩn cấp, tỉnh trưởng có thể ban hành lệnh đóng cửa tạm thời đối với các địa điểm công cộng như chợ, hội trường, rạp hát và trường học với điều kiện lệnh đó phải được ủy ban về bệnh truyền nhiễm của tỉnh phê duyệt.
Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã quyết định hủy bỏ tất cả các hoạt động đón mừng Tết cổ truyền Songkran, hay còn gọi là Lễ hội té nước, tại tất cả các quận của thủ đô nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan rộng hơn sau khi một ổ dịch mới có liên quan với các địa điểm giải trí ở Thong Lor nhanh chóng lan sang các khu vực khác.
Trong khi đó, riêng ở thủ đô Bangkok, Thư ký Thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiatiphum Wongrajit ngày 8/4 cho biết có thể phải mất hơn hai tháng mới kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tùy thuộc các biện pháp phòng dịch.
WHO khuyến cáo Campuchia nâng cao cảnh giác phòng dịch dịp Tết Khmer
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai đã khuyến cáo Campuchia nên thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản trong dịp Tết cổ truyền Khmer vào tuần tới, trong bối cảnh nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 tại nước này gặp khó khăn.
Theo ông Kasai, Campuchia đang trong thời điểm quan trọng để khống chế dịch bệnh, đặc biệt khi Campuchia đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ đón Năm Mới cổ truyền. Chính vì vậy, tất cả người dân nên thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản như rửa tay, đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách. Quan chức này khẳng định WHO sẽ nỗ lực đảm bảo Campuchia cùng các nước có đủ vaccine để ưu tiên tiêm phòng cho lực lượng y tế và người cao tuổi sớm nhất có thể.
Indonesia ban bố lệnh cấm đi lại trong dịp lễ Eid al-Fitr
Ngày 8/4, Bộ Giao thông vận tải Indonesia thông báo nước này đã quyết định cấm người dân di chuyển bằng đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt trong lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Lệnh cấm này sẽ được áp dụng từ ngày 6-17/5.
Trước đó, Indonesia đã cấm tổ chức cuộc hành hương truyền thống quy mô lớn được người dân địa phương gọi là "mudik".
Thông thường trước lễ Eid al-Fitr hằng năm, người dân Indonesia ồ ạt về quê bằng đường bộ hay đường hàng không. Năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh cấm về quê đối với viên chức, quân nhân, cảnh sát và người lao động ở các xí nghiệp nhà nước, đồng thời chỉ khuyến cáo những người khác không về quê trong dịp này.
Lễ Eid al-Fitr đánh dấu chấm dứt tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Năm nay, lễ hội này rơi vào ngày 13-14/5.
Về vấn đề tiêm vaccine, ngày 8/4, Bộ Y tế Indonesia thừa nhận việc triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine ngừa COVID-19 với 1 triệu liều mỗi ngày sẽ bị trì hoãn so với mục tiêu ban đầu do khó khăn về nguồn cung.
Ban đầu, Bộ Y tế Indonesia lạc quan có thể đạt được mục tiêu trên vào tháng 6-7 tới. Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng này đã được lùi đến tháng 7-8 trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu vaccine của một số quốc gia khiến lịch trình cung ứng cho Indonesia bị trì hoãn.
Người phát ngôn của Bộ Y tế về chương trình tiêm chủng, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết có thể trong tháng 6 tới chỉ đạt 750.000 liều/ngày và đạt 1 triệu liều/ngày trong tháng 7 và tháng 8.
Indonesia đã lỡ kế hoạch nhận khoảng 10 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX trong tháng 3 và tháng 4. Theo đó, quốc gia này sẽ chỉ nhận được 1,3-1,4 triệu liều trong tổng số 11,7 triệu liều vaccine của AstraZeneca từ cơ chế COVAX.
Ba thách thức của ASEAN trong phục hồi kinh tế hậu COVID-19
Phát biểu trong hội thảo trực tuyến về COVID-19 tại ASEAN và sự phục hồi kinh tế khu vực do Trung tâm Nghiên cứu và Vận động chính sách ASEAN (Malaysia), chuyên gia phân tích về chính sách và hệ thống y tế Khor Swee Kheng cho rằng nguồn cung vaccine, niềm tin và chiến lược đối phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là ba thách thức đối với các nước của khu vực trong ngắn hạn và trung hạn khi nỗ lực khôi phục kinh tế hậu đại dịch.
heo Tiến sỹ Khor Swee Kheng, tính đến ngày 5/4, tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 của Malaysia cao thứ 3 trong khu vực với 1,57% tổng dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine. Singapore dẫn đầu các nước ASEAN về tỷ lệ tiêm chủng vaccine trên tổng dân số với 17,95% người dân được tiêm chủng, trong khi Indonesia theo sau khi đạt tỷ lệ 3,16%, Campuchia ở vị trí thứ tư với tỷ lệ 1,37% trong khi các nước như Lào, Thái Lan, Brunei và Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 dưới 1%.
Tiến sĩ Khor cho rằng để bảo đảm nguồn cung vaccine, việc đặt mua liên tục có vai trò rất quan trọng và khuyến nghị ASEAN nên đặt mua chung và sản xuất theo khu vực nhằm mang lại lợi ích khi giúp giữ chi phí thấp cùng nguồn cung không đổi.
Chuyên gia này cũng cảnh báo tiêm vaccine không phải là chiến lược kỳ diệu khống chế dịch bệnh. Ông chỉ ra các biện pháp y tế công cộng có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm tái khởi động nền kinh tế theo từng giai đoạn và các chính phủ không thể dựa vào vaccine để thoát khỏi đại dịch. Theo ông, hộ chiếu kháng thể có khả năng tốt hơn hộ chiếu vaccine do hộ chiếu vaccine chỉ chứng minh rằng một người đã được tiêm chủng nhưng hộ chiếu kháng thể khẳng định một cá nhân có đủ kháng thể để chống lại COVID-19.
Tiến sỹ Khor gợi ý để tái khởi động nền kinh tế, có thể ưu tiên một số thành quả đang lưu lại như số hóa nền kinh tế, xây dựng nguồn cung cấp tư nhân đối với thiết bị y tế công và tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nòng cốt tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân ASEAN. Theo ông, việc triển khai hiệu quả các vấn đề này sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi của xã hội, nền kinh tế và hệ thống y tế.