Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/1/2021, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 15.259 ca mắc COVID-19 và 247 ca tử vong.
Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 1.6.872 ca mắc COVID-19 trong đó có 36.847 ca tử vong và 1.405.177 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Với trên 10.000 ca nhiễm và 194 ca tử vong trong ngày, Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN về cả tổng số ca bệnh và ca tử vong.
Ngày 9/1, hai quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines và Malaysia. Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới gần 2.000 ca/ngày, cho thấy tình hình diễn biến phức tạp sau một thời gian kiềm chế ca nhiễm mới về quanh mốc 1.000 ca. Trong khi đó, tình hình vẫn nghiêm trọng hơn tại Malaysia khiến nước này phải tính đến biện pháp hạn chế đi lại liên bang và liên quận.
Trong 24 giờ qua, các nước Brunei, Timor Leste, Lào không có thêm ca bệnh COVID-19 nào. Campuchia chỉ ghi nhận thêm 1 ca nhiễm.
Thái Lan: Số ca bệnh vượt ngưỡng 10.000 người
Số các ca mắc bệnh COVID-19 tại Thái Lan đã vượt ngưỡng 10.000 trường hợp, trong bối cảnh giới chức y tế nước này hy vọng làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ giảm bớt vào cuối tháng này.
Ngày 9/1, Chính phủ Thái Lan ghi nhận thêm 212 ca mắc COVID-19, trong đó có 187 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 6 ca là lao động nhập cư và 19 ca ngoại nhập, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này từ trước tới nay lên 10.053 trường hợp, trong đó có 67 bệnh nhân tử vong.
Đến nay đợt bùng phát COVID-19 mới đã lây lan ra 58/77 tỉnh, thành của Thái Lan. Trong số các ca lây nhiễm nội địa ghi nhận ngày 9/1, tâm dịch Samut Sakhon đứng đầu với 46 ca, tiếp theo là Chonburi (40 ca), Bangkok (31 ca), Samut Prakan (29 ca) và Ang Thong (18 ca).
Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan tin rằng đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai có khả năng sẽ chậm lại vào cuối tháng này. Ngày 8/1, Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DCD) Opas Kankawinpong nhận định rằng việc không có các ca nhiễm mới trong vòng 7 ngày ở 20 tỉnh, thành là rất tốt và là một dấu hiệu tích cực. Nếu có thể tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự lây lan, số ca mắc mới hàng ngày sẽ giảm rõ rệt vào cuối tháng này.
Thủ đô Bangkok là một trong số 28 tỉnh, thành ở Thái Lan nằm trong danh sách "vùng đỏ", phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống COVID-19.
Chính phủ Thái Lan cũng đã đặt 5 tỉnh trong "vùng đỏ" có số lượng lây nhiễm cao nhất là Chanthaburi, Chon Buri, Trat, Rayong và Samut Sakhon vào diện kiểm soát tối đa. Nhằm đẩy mạnh những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh, Chính phủ Thái Lan đã phân bổ cho Bộ Y tế 4,66 tỷ baht (khoảng 155 triệu USD) từ ngân sách trung ương để giúp chống lại đợt bùng phát mới.
Philippines: Ca nhiễm mới lại tăng lên gần 2.000 người
Cùng ngày 9/1, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này đã ghi nhận thêm 1.952 trường hợp mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 485.797 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Philippines hiện đã là 9.398 trường hợp, sau khi ghi nhận 34 ca mới. Nước này cũng đã có thêm 291 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số trường hợp được điều trị khỏi lên 449.615 trường hợp.
Hiện quốc gia khoảng 110 triệu dân này đang nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh. Philippines cũng đang xem xét để cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp 3 loại vaccine tiềm năng ngừa COVID-19, bao gồm vaccine Sputnik V của Nga, vaccine do Pfizer (Mỹ) bào chế cùng vaccine của hãng AstraZeneca (Anh). Chính phủ nước này hiện đang trong quá trình đàm phán với 7 hãng dược phẩm với mục tiêu đảm bảo tối thiểu 148 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và có thể triển khai tiêm phòng cho khoảng 50 - 70 triệu người dân trong năm nay.
Trong thời gian từ ngày 10-15/1, Philippines sẽ cấm các du khách từ Áo nhập cảnh nước này nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, vốn đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trước đó, nước này cũng đã cấm du khách từ 27 quốc gia khác nhập cảnh với lý do tương tự. Chính phủ cũng yêu cầu người dân tạm hoãn các kế hoạch du lịch cho tới ngày 15/1 tới.
Malaysia có thể cấm đi lại liên bang
Theo tờ Straits Times, Bộ trưởng Y tế Malaysia, Adham Baba ngày 9/1 cho biết hoạt động đi lại liên bang và liên quận có thể bị siết chặt trong nỗ lực giảm ca lây nhiễm COVID-19. Thủ tướng Muhyiddin Yassin dự kiến sẽ công bố chính thức về quyết định này vào ngày 11/1.
Thông tin này được đưa ra sau khi Malaysia ghi nhận con số kỷ lục 16 ca tử vong trong ngày 8/11, và cũng đang có số lượng bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt cao nhất.
Ngoài biện pháp siết chặt đi lại, Bộ Y tế Malaysia cũng khuyến cáo Uỷ ban An ninh quốc gia thực hiện nghiêm ngặt hơn các quy trình tuân thủ tiêu chuẩn phòng dịch COVID-19.
Tháng 3/2020, chính phủ Malaysia từng lần đầu tiên lệnh kiểm soát đi lại (MCO) theo Đạo luật Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm năm 1988, cũng như Đạo luật Cảnh sát năm 1967. Theo đó, các hoạt động tụ tập tôn giáo, thể thao, xã hội và văn hoá bị cấm. Tuy nhiên, khi được cong dịch được làm phẳng, chính phủ đã từ từ nới lỏng các hạn chế và mở lại hầu hết các hoạt động công nghiệp, kinh tế xã hội.
Sau khi làn sóng dịch thứ ba bùng phát hồi tháng 10/2020, số ca lây nhiễm mới tại Malaysia đã tăng mạnh và vượt ngưỡng 3.000 ca /ngày hôm 7/1.
Ngày 9/1, nước này ghi nhận 2.451 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 133.559 trường hợp, bao gồm 542 ca tử vong.
Indonesia: Nguy cơ không đủ ngân sách để giải cứu nền kinh tế
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh rằng phục hồi kinh tế không nên chỉ phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ vì nguồn tiền này sẽ không đủ để bù đắp cho hoạt động kinh tế đang chậm lại do đại dịch COVID-19 trong bối cảnh thâm hụt ngân sách năm 2020 đạt mức cao kỷ lục.
Bộ trưởng Sri Mulyani cho biết một khoản tiền lớn chưa từng thấy đã được đổ vào nền kinh tế vào năm ngoái để duy trì hoạt động kinh doanh và ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo rằng ngân sách nhà nước có giới hạn và không thể một mình giải cứu nền kinh tế.
Thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2020 của Indonesia đã tăng lên mức kỷ lục 956.300 tỷ rupiah (69,07 tỷ USD) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 buộc chính phủ phải chi tiêu một lượng tiền khổng lồ trong khi nguồn thu từ thuế giảm khi các hộ gia đình và doanh nghiệp phải vật lộn với suy thoái kinh tế.
Mức thâm hụt trên - tương đương 6,09% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lớn gấp ba lần mức thâm hụt 348.700 tỷ rupiah một năm trước đó - nhấn mạnh những thách thức kinh tế mà quốc gia này phải đối mặt nhằm nỗ lực vượt qua cuộc suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Hồi đầu năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã ban hành một quy định và được Hạ viện thông qua nhằm nâng thâm hụt ngân sách nhà nước vượt quá giới hạn pháp lý trước đó là 3% GDP để ứng phó với đại dịch COVID-19. Chính phủ Indonesia đang đặt mục tiêu đưa giới hạn thâm hụt ngân sách trở về mức 3% GDP vào năm 2023.