Trong ngày 9/10, quốc gia ghi nhận ca mắc cao nhất ASEAN là Philippines với 11.010 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 2.654.450 ca.
Thái Lan đứng thứ đầu ASEAN về ca mắc với 10.630 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.700.067 ca.
Đứng số 3 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia 9.751 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.323.478 ca mắc COVID-19.
Tiếp đó là Việt Nam với 4.513 ca, Singapore với 3.590 ca, Indonesia với 1.167 ca mắc, Lào (425 ca), Campuchia với 220 ca và Brunei với 135 ca.
Về số ca tử vong, có 8 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (273 ca), Việt Nam (105 ca), Malaysia (78 ca), Thái Lan (73 ca), Indonesia (52 ca), Campuchia (23 ca), Singapore (6 ca), Lào (2 ca) và Brunei (1 ca).
Campuchia hy vọng mở cửa nền kinh tế trở lại
Campuchia ghi nhận 9 ngày liên tục đầu tháng 10/2021 có số ca mắc COVID-19 ở mức thấp, chỉ quanh ngưỡng 200 ca/ngày và điều này thắp lên hy vọng về khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế và xã hội trong thời gian sớm nhất có thể.
Trong thông báo ngày 9/10, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 23 người tử vong và 220 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 17 ca nhập cảnh và 203 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến ngày 9/10, Campuchia phát hiện tổng cộng 114.571 ca mắc COVID-19, trong đó có 107.376 người đã khỏi bệnh và 2.482 người tử vong.
Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ngày 8/10, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun cho hay trong vòng 10-15 ngày tới, nếu Campuchia kiểm soát được số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 ở mức như hiện nay, đó là lúc mở cửa nền kinh tế và xã hội ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, cuộc sống bình thường mới có nghĩa là vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Trong diễn biến liên quan, chính quyền thủ đô Phnom Penh ngày 9/10 đã ra thông báo chi tiết về chiến dịch tiêm mũi tăng cường thứ ba cho người dân bắt đầu từ ngày 11/10 tới. Theo đó, người dân sẽ được tiêm mũi tăng cường miễn phí bằng vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) và phải sau mũi thứ hai ít nhất 4 tháng.
Lào tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19
Ngày 9/10, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 425 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 28.032 ca, trong đó có 26 người tử vong.
Trong số các ca mắc mới có tới 419 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước về số ca cộng đồng khi ghi nhận 273 trường hợp trong một ngày. Hiện trên địa bàn thủ đô có 172 bản tại 7 quận được quy định là vùng đỏ. Đáng chú ý, các ca nhiễm mới tại thủ đô thuộc nhiều nhóm đối tượng gồm: phạm nhân trong trại giam, công nhân nhà máy may, thương nhân, cán bộ công an, quân đội, học sinh và sinh viên.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào giao chính quyền thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh trên cả nước phối hợp với các thành phần có liên quan tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị, đồng thời phối hợp với các thành phần liên quan cấp trung ương và địa phương trong việc vận động chuyên gia xét nghiệm, y, bác sĩ và cán bộ chức năng hỗ trợ ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh tại địa phương theo điều kiện thực tế.
Ngoài ra, trước sự gia tăng ca nhiễm mới, nhiều tỉnh của Lào đã ra lệnh kéo dài thời gian phong tỏa để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng như: Luang Prabang, Sekong, Xaysomboun …
Trong một diễn biến liên quan khác, Lào cho phép hoạt động xuất-nhập cảnh qua cửa khẩu Dak Taook trong giai đoạn COVID-19. Cụ thể, tỉnh Sekong sẽ được phép sử dụng cửa khẩu quốc tế Dak Taook cho mục đích xuất nhập cảnh lao động, sinh viên, chuyên gia, công nhân, hoạt động vận tải hàng hoá giữa Lào và Việt Nam (cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Đối tượng được phép nhập cảnh qua cặp cửa khẩu này phải được uỷ ban chuyên trách quốc gia cấp phép, trong khi đó các phương tiện vận tải hàng hoá phải tuân thủ các quy định phòng ngừa lây nhiễm đã ban hành trước đó.
Chính phủ Lào cũng yêu cầu tỉnh Sekong chuẩn bị sẵn sàng cơ sở cách ly, trang thiết bị xét nghiệm tầm soát COVID-19 để người nhập cảnh cách ly 14 ngày đảm bảo an toàn theo quy định.
Singapore mở cửa đường biên với 9 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ
Singapore sẽ mở cửa đường biên giới và không yêu cầu cách ly với những người đã tiêm đủ vaccine từ 9 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha từ ngày 19/10 tới đây.
Tại cuộc họp báo chiều 9/10, Lực lượng đặc trách về COVID-19 cho biết cùng với việc mở rộng áp dụng cơ chế làn đi lại cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (VTL) với 9 quốc gia trên, Singapore sẽ giảm bớt các yêu cầu xét nghiệm PCR với người nhập cảnh.
Trước đây, khi thử nghiệm làn VTL với Đức và Brunei, Singapore yêu cầu xét nghiệm PCR tổng cộng 4 lần (1 lần trước khi khởi hành và 3 lần tại Singapore). Tuy nhiên, thời gian tới, những người nhập cảnh sẽ chỉ phải xét nghiệm PCR 2 lần, trước khi khởi hành và sau khi nhập cảnh tại sân bay.
Những người thăm ngắn hạn hoặc có thẻ thường trú dài hạn sẽ cần phải nộp hồ sơ đăng ký với Cơ quan Kiểm soát Nhập cảnh (ICA) và phải sử dụng các chuyến bay chỉ định của Singapore, đồng thời phải mua bảo hiểm du lịch với mức chi trả tối thiểu 30.000 đôla Singapore cho việc điều trị các bệnh liên quan tới COVID-19.
Singapore bắt đầu áp dụng làn đi lại VTL với Đức và Brunei từ 8/9 và tới nay đã có khoảng 3.100 người nhập cảnh nhưng chỉ có 2 ca nhiễm COVID-19. Đây là tiền đề quan trọng để giới chức Singapore quyết định mở rộng diện áp dụng VTL. Trước đó, ngày 8/10, Singapore và Hàn Quốc đã quyết định áp dụng VTL từ ngày 15/11 tới.
Tại thời điểm hiện nay, Singapore đang cho phép nhập cảnh không cách ly với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine từ Trung Quốc và các vùng lãnh thổ Hong Kong, Đài Loan, Ma Cao của nước này; Đức và Brunei.