Trong ngày 9/12, Malaysia và Thái Lan tiếp tục có số ca mắc mới cao so với đa số quốc gia ASEAN, chỉ sau Việt Nam. Malaysia ghi nhận 5.020 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 2.673.019. Còn Thái Lan ghi nhận 4.203 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 2.156.587 ca.
Lào ghi nhận 1.212 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch lên 84.503 ca mắc.
Tiếp đó là Singapore với 709 ca mắc mới; Philippines với 562 ca mắc mới; Myanmar với 394 ca mắc mới; Indonesia với 220 ca mắc mới; Brunei với 57 ca mắc mới và Campuchia với 12 ca mắc mới.
Về số ca tử vong, đa số quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (256 ca), Philippines (176 ca), Thái Lan (49 ca), Malaysia (28 ca), Myanmar (11 ca), Indonesia (9 ca), Lào (5 ca), Singapore (3 ca) và Campuchia (3 ca).
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Lào
Bộ Y tế Lào ngày 9/12 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.212 ca mắc mới COVID-19 tại 17 tỉnh, thành phố và 5 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới, chỉ có 16 ca là người nhập cảnh.
Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Lào ở mức 4 chữ số, trong đó đa số là lây nhiễm trong cộng đồng. Đáng chú ý, số ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn vẫn ở mức cao với 610 trường hợp trong một ngày, tiếp tục đứng đầu cả nước. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào vẫn diễn biến phức tạp. Đến nay, tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 84.503 ca, trong đó có 224 ca tử vong.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục mở rộng mô hình điều trị tại khách sạn và điều trị lưu động cho người mắc COVID-19 không biểu hiện triệu chứng và có điều kiện kinh tế. Trong trường hợp người nhiễm bệnh có hoặc có ít triệu chứng nếu có điều kiện về địa điểm (gia đình hoặc đơn vị) có thể điều trị tại chỗ và thực hiện theo sổ tay hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành.
Bộ Y tế Lào cũng vừa nhận bàn giao 283.400 liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Malaysia viện trợ, góp phần thúc đẩy chương trình tiêm chủng quốc gia của nước này trong thời gian tới.
Trên 100 triệu dân Indonesia đã tiêm đủ hai liều vaccine
Số liệu thống kê Bộ Y tế Indonesia cho biết tính đến ngày 8/12, đã có trên 100,8 triệu người dân ở Indonesia được tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 và hơn 144 triệu người đã tiêm liều thứ nhất.
Trưởng cơ quan truyền thông và dịch vụ công - Bộ Y tế Indonesia, bà Widyawati cho biết với số liệu trên, số người tiêm ít nhất một mũi vaccine mới đạt 69,23% mục tiêu đề ra, trong khi tỷ lệ đã tiêm đủ 2 mũi là 48,4%. Trong thời gian tới, Indonesia sẽ tiếp tục đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia, phấn đấu 70% người dân tiên được tiêm ít nhất một mũi vaccine và hoàn thành chương trình tiêm chủng vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4/2022.
Singapore chính thức thu phí điều trị với bệnh nhân không tiêm phòng
Kể từ ngày 8/12, Chính phủ Singapore chính thức bắt đầu thu phí điều trị với những bệnh nhân mắc COVID-19 không tiêm phòng. Trái lại, những người đã tiêm vaccine vẫn sẽ được miễn các chi phí này.
Quyết định trên đã xóa bỏ chính sách trước đây khi Singapore chi trả các hóa đơn viện phí cho hầu hết các bệnh nhân COVID-19 kể từ năm ngoái như một biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính của người dân trong giai đoạn dịch. Trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, một người phát ngôn Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh chính sách mới “phản ánh nghĩa vụ công dân và đạo đức mà mỗi chúng ta cần có đối với bản thân và những người xung quanh, trong những thời điểm đặc biệt như một cuộc khủng hoảng đại dịch”.
Cũng theo người phát ngôn trên, các bệnh nhân COVID-19 vẫn sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, song chính phủ sẽ không đài thọ toàn bộ chi phí điều trị như trước đây. Tại Singapore, hóa đơn viện phí của bệnh nhân COVID-19 trong các khu chăm sóc đặc biệt có thể lên tới 18.000 USD. Tuy nhiên, các khoản trợ cấp của chính phủ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chương trình bảo hiểm y tế quốc gia đã giúp giảm đáng kể chi phí điều trị xuống chỉ còn khoảng 1.500-3.000 USD.
Các nhà dịch tễ học cho biết Singapore là quốc gia đầu tiên áp dụng chính sách thu tiền viện phí của bệnh nhân COVID-19 không tiêm phòng. Một số chuyên gia y tế công cộng nhận định phương pháp này là cần thiết. Tuy nhiên, quyết định cũng vấp phải một số ý kiến phản đối cho rằng chính sách mới này có thể khiến những người chưa tiêm phòng không tìm đến các cơ sở y tế để điều trị bệnh.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ lần lượt là 67% và 60%, thì con số này ở Singapore là hơn 96%. Đây là một trong những tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ cao nhất trên thế giới. Dù vậy, quốc gia Đông Nam Á này vẫn áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm thuyết phục người dân tiêm phòng COVID-19. Chẳng hạn như những người chưa tiêm phòng không được phép tới các khu ẩm thực của Singapore hoặc đến các trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, một số người vẫn chưa đi tiêm phòng, trong đó giới chức trách đặc biệt quan ngại khi có khoảng 44.000 công dân lớn tuổi chưa tiêm phòng.
Trước đó, vào tháng 11, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhấn mạnh việc thay đổi chính sách thu phí điều trị sẽ gửi một tín hiệu quan trọng nhằm kêu gọi người dân đi tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 nếu đủ điều kiện. Trong khi đó, Chính phủ Singapore cho biết khoảng 95% số ca tử vong trong 6 tháng qua là những người từ 60 tuổi trở lên và 72% số ca tử vong là những người chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Hiệu quả từ mô hình điều trị bệnh nhân tại nhà của Campuchia
Kể từ tháng 4/2021, Bộ Y tế Campuchia đã xem xét việc điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 (F0) có triệu chứng nhẹ tại nhà để giảm tải cho các cơ sở chữa bệnh, trong bối cảnh các ca mắc mới liên quan đến “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” vẫn tăng nhanh mỗi ngày.
Kinh nghiệm điều trị F0 tại nhà là mô hình được Campuchia áp dụng theo Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu mà những nước này thực hiện từ năm 2020, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng. Tính đến tháng 7/2021, tức là chỉ sau 3 tháng áp dụng mô hình này (thời điểm số ca mắc COVID-19 mới tại Campuchia tăng trung bình 900 người và và trường hợp tử vong khoảng 20 ca/ngày), tỷ lệ số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ (hoặc không có biểu hiện rõ rệt) lựa chọn được điều trị tại nhà riêng đã tăng đáng kể.
Theo Giám đốc Sở Y tế Phnom Penh Ngy Mean Heng, riêng trong tháng 7 vừa qua, khoảng 1.000 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ (hoặc không có biểu hiện rõ rệt) được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, thời điểm đó, cơ quan chức năng Campuchia chỉ cho phép thực hiện điều này với các cư dân Phnom Penh.
Kể từ khi Bộ Y tế Campuchia công bố bộ nguyên tắc điều trị tại nhà (SOP) vào cuối tháng 4/2021, tính đến tháng 8/2021, đã có khoảng 1.301 bệnh nhân được điều trị theo hướng này và khoảng 2 người trong số này đã bình phục hoàn toàn. Theo bộ trên, một số tỉnh thành khác tự quyết định xin phép thực hiện hướng điều trị này trong trường hợp cần thiết vì nguồn lực tại các bệnh viện cần được để dành cho những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
Sở Y tế Phnom Penh và Bộ Y tế Campuchia chỉ cho phép các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà sau khi đã kiểm tra sức khỏe của họ và đánh giá điều kiện cơ sở vật chất tại nhà riêng.
Cũng từ cuối tháng 8/2021, các cơ quan chức năng Campuchia đã cho phép các phòng khám tư nhân có thể điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ tại nhà riêng nếu các đơn vị được cấp phép này tuân thủ chặt chẽ những quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế nước này.