Tới hết ngày 9/2, tổng số ca bệnh ở khu vực Đông Nam Á là trên 17.333.424 trường hợp và 316.358 ca tử vong. Trong ngày 9/2, Indonesia có số ca mắc mới (trên 64.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi Việt Nam ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (93 ca).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Hiện đã có ít nhất 9 thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Điểm nóng này hạ nhiệt nhanh chóng trong vài tháng trước, song những ngày qua dịch bệnh đang leo thang trở lại khi số ca mắc mới tăng vọt.
Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 9/2 ghi nhận thêm trên 13.000 ca bệnh mới và 24 người tử vong.
Campuchia số ca mắc mới cũng tăng trở lại sau một thời gian giảm, với trên 200 bệnh nhân mới nhưng không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 137.000, số ca mắc mới trên 500 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 6 trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Indonesia dự kiến sử dụng vaccine nội địa
Ngày 9/2, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin xác nhận rằng vaccine ngừa COVID-19 Merah Putih (Đỏ Trắng) do nước này phát triển sẽ được sử dụng cho mũi nhắc lại và cho trẻ em từ 3-6 tuổi.
Phát biểu trong lễ khởi động thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine Merah Putih tại một bệnh viện ở tỉnh Đông Java, Bộ trưởng Budi cho biết hiện không có nhiều loại vaccine có thể sử dụng cho trẻ em, ngoài Sinovac và Pfizer. Ngoài ra, ông Budi khẳng định chính quyền cũng sẽ xem xét tài trợ vaccine Merah Putih cho một số quốc gia, trong đó có các quốc gia châu Phi. Theo ông Budi, việc phân phối vaccine tại châu Phi đang diễn ra chậm, trong khi một số loại vaccine như Moderna và Pfizer cần có các cơ sở hậu cần phức tạp do phải được bảo quản ở nhiệt độ từ -25 đến -28 độ C.
Bộ trưởng Budi xác nhận rằng Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã nhất trí với kế hoạch tài trợ vaccine Merah Putih cho một số quốc gia, qua đó mở rộng phạm vi sử dụng loại vaccine nội địa này ra quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, ông Budi lưu ý rằng mặc dù có kế hoạch lạc quan song trước hết chính quyền cần đăng ký vaccine Merah Putih với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để thử nghiệm lâm sàng và tiêm tăng cường trước khi loại vaccine này có thể được đưa vào sử dụng rộng rãi và được sử dụng để viện trợ cho các nước châu Phi.
Vaccine giúp Malaysia kiểm soát tốt hơn làn sóng dịch do biến thể Omicron
Bộ Y tế Malaysia (MoH), ngày 9/2 khẳng định nước này đang kiểm soát làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron tốt hơn so với trong làn sóng lây nhiễm biến thể Delta xảy ra vào tháng 7/2021. Cụ thể là MOH đã đẩy mạnh độ bao phủ vaccine COVID-19 và nhanh chóng triển khai mũi tiêm tăng cường.
Trong cuộc họp báo ngày 9/2, đại diện Bộ Y tế bày tỏ tin tưởng rằng Malaysia đã giải quyết tốt “một tình huống hoàn toàn khác” liên quan đến làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron, mặc dù số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày đã vượt mức 10.000 ca trong ngày thứ tư liên tiếp.
Bộ đã viện dẫn 5 chỉ dấu cơ bản cho thấy tác dụng của độ bao phủ vaccine COVID-19 và mũi tiêm tăng cường đối với làn sóng dịch hiện nay. Đó là: Tỷ lệ tiêm vaccine, tỷ lệ ca nhiễm mới hàng ngày, số ca nhập viện, số ca phải điều trị tích cực (ICU) và số ca tử vong khi so sánh hai làn sóng lây nhiễm giữa Omicron và biến thể Delta, lần lượt với số liệu của ngày 7/2 và ngày 13/7/2021. Theo đó, số người hoàn thành tiêm chủng hiện đã tăng gấp 8 lần từ con số 3.940.548 người vào ngày 13/7 lên đến 25.723.208 người vào ngày 7/2.
Trong ngày 9/2, Malaysia ghi nhận thêm 17.134 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, cao nhất từ tháng 10/2021 tới nay và là ngày thứ tư liên tiếp vượt ngưỡng 10.000 ca nhiễm/ngày, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên thành 2.956.332 người.
Thủ tướng Campuchia kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác
Tại Phnom Penh, trước diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia phức tạp với số ca nhiễm biến thể Omicron tăng đột biến lên đến hơn 200 ca trong ngày 8/2, tối 8/2, Thủ tướng Hun Sen đã kêu gọi người dân Campuchia nâng cao cảnh giác và tăng cường thực hiện nghiêm ngặt biện pháp “3 Bảo vệ - 3 Không”, giảm thiểu các hoạt động tụ tập đông người để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Hun Sen kêu gọi: “Tôi, Thủ tướng Campuchia kêu gọi người dân giảm tụ tập đông người, đảm bảo duy trì khoảng cách an toàn để ngăn ngừa lây nhiễm”. Thủ tướng Hun Sen thông báo “Cho đến nay, Campuchia chưa phát hiện ca nhiễm mới chủng nguy hiểm Delta và Alpha, chủ yếu là nhiễm biến thể Omicron. Mặc dù triệu chứng bệnh nhẹ so với biến thể Alpha và Delta song biến thể này có khả năng lây nhiễm cao, có thể lây lan từ Phnom Penh sang các tỉnh khác. Hiện nay một số tỉnh chưa có ca lây nhiễm song tại Phnom Penh đã có nhiều ca lây nhiễm. Cần phải nâng cao cảnh giác ở những địa điểm kinh doanh buôn bán như quán bar, nơi tập trung đông người, đám cưới, đám giỗ, nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo”.
Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Campuchia trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tốt. Trong những tháng gần đây, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do dịch bệnh COVID-19 đã giảm. Hơn một tháng qua, Campuchia không có ca tử vong do COVID-19. Theo Bộ Y tế Campuchia, tỷ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 của Campuchia tính đến ngày 8/2 trên tổng dân số 16 triệu dân nước này đạt tỷ lệ 89,79%.