Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Myanmar và Philippines. Đông Nam Á đang là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày liên tiếp. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và mắc mới cao nhất châu Á. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia chiếm tới trên 50% số người chết của châu Á và Indonesia hiện là tâm dịch của cả thế giới.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. So với thời đỉnh dịch, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác Tuy nhiên, trong 1 ngày qua, nước này cũng ghi nhận tới 247 ca tử vong. Nhà chức trách đã quyết định tái phong tỏa thủ đô.
Malaysia tình hình tiếp tục xấu hơn. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.
Ngày 6/8, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 160 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ tư trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua công bố số liệu ca mới và tử vong vì dịch COVID-19 tăng mạnh, sau nhiều ngày không công bố số liệu dịch bệnh. Myanmar có tới 3.588 ca bệnh mới và 274 ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 6/8 ghi nhận thêm 21.379 ca bệnh mới (nhiều thứ 2 khu vực và cao nhất tại nước này kể từ đầu dịch), trong khi số ca tử vong là 191 người.
So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.
Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 588 bệnh nhân mới và 19 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia trải qua giai đoạn dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 164.300 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.526 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 7.863.321 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 6.465.044 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 10/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 6/8:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
3,607,863 |
+39,532 |
104,010 |
+1,635 |
2,996,478 |
Philippines |
1,6,345 |
+10,623 |
28,673 |
+247 |
1,535,375 |
Malaysia |
1,224,595 |
+20,889 |
10,179 |
+160 |
993,020 |
Thái Lan |
714,4 |
+21,379 |
5,854 |
+191 |
495,904 |
Myanmar |
322,8 |
+3,588 |
11,262 |
+274 |
234,454 |
Việt Nam |
189,066 |
+8,324 |
2,720 |
|
58,040 |
Campuchia |
80,813 |
+588 |
1,526 |
+19 |
74,045 |
Singapore |
65,605 |
+97 |
40 |
|
63,457 |
Timor-Leste |
11,6 |
+161 |
26 |
|
10,095 |
Lào |
7,778 |
+267 |
7 |
|
3,887 |
Brunei |
339 |
|
3 |
|
289 |
Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất
Thái Lan ngày 6/8 ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước đến nay, trong khi gần 100.000 bệnh nhân ở thủ đô hiện đang thực hiện cách ly tại nhà.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này có thêm 21.379 ca mắc mới COVID-19 và 191 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 714.4 ca, trong đó có 5.854 ca tử vong. Theo Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA), 20% số người sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ATK) từ ngày 20/7 đã cho kết quả dương tính với COVID-19.
Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Apisamai Srirangson chiều 5/8 cho biết số lượng bệnh nhân cách ly tại nhà ở Bangkok – tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 thứ ba - đã lên tới gần 100.000 người tính đến ngày 5/8.
Việc cách ly tại nhà là để đối phó với tình trạng thiếu giường cho các bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện ở Thái Lan. Để hỗ trợ cho các bệnh nhân cách ly tại nhà ở Bangkok, Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) đã thành lập một nhóm gồm 60 người đi xe gắn máy cung cấp thuốc điều trị, dụng cụ y tế, khẩu trang và dung dịch khử trùng cho các bệnh nhân này.
Trong khi đó, Chương trình cách ly cộng đồng đã nhận được sự hỗ trợ của các bệnh viện, các cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ. Hiện có 64 cơ sở cách ly cộng đồng ở Bangkok với 6.958 giường, trong đó có 3.015 giường (chiếm 43%) có bệnh nhân. Ngoài ra, 100 cơ sở cách ly cộng đồng khác đã được thiết lập bởi một số cộng đồng. Các bệnh viện tỉnh cũng đang chăm sóc cho 94.664 bệnh nhân COVID-19 được chuyển đến từ Bangkok.
Tính đến ngày 4/8, Thái Lan đã tiêm được 18.961.703 liều vaccine ngừa COVID-19. Nhằm tăng số lượng các mũi tiêm chủng hằng ngày, Đại học Chulalongkorn đã phối hợp với các cơ quan tư nhân phát triển một thiết bị chia liều vaccine tự động nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nhân viên y tế.
Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết một lọ vaccine AstraZeneca có dung tích 6,5ml được chia thành 12 liều, mỗi liều 0,5ml. Vì nhu cầu về vaccine ngừa COVID-19 cao, nên máy chia liều tự động được phát triển để sử dụng hiệu quả của từng lọ vaccine. Máy này sẽ chia liều cho 12 ống tiêm như nhau trong vòng 4 phút, giúp tăng 20% số liều được tiêm hàng ngày.
Campuchia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới tăng cao
Ngày 6/8, Bộ Y tế Campuchia (MoH) thông báo nước này ghi nhận thêm 588 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là mức cao mới tính theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.
Theo bộ trên, các ca mắc mới gồm 423 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 165 ca nhập cảnh. Campuchia cũng ghi nhận thêm 19 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.526 ca trong tổng số 80.813 ca mắc COVID-19. Hiện, 74.045 bệnh nhân đã phục hồi.
Quốc gia Đông Nam Á này đã bắt đầu chương trình tiêm chủng cho người trưởng thành từ ngày 10/2 và cho nhóm đối tượng thanh thiếu niên (từ 12-17 tuổi) vào ngày 1/8 vừa qua, với mục tiêu tiêm chủng cho 12 triệu người (gồm 10 triệu người trưởng thành và 2 triệu thanh thiếu niên) cho đến tháng 11 tới, chiếm 75% trong tổng số 16 triệu dân của nước này.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine, tính đến ngày 5/8, khoảng 7,81 triệu người Campuchia (gồm 7,61 triệu người trưởng thành và 197.806 thanh thiếu niên) đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, chiếm 48,8% dân số nước này.
Philipines tái phong tỏa thủ đô Manila
Cùng ngày, thủ đô Manila của Philippines đã bị áp đặt phong tỏa trở lại trong bối cảnh giới chức thành phố đang nỗ lực làm giảm tốc độ lây lan của biến thể Delta và nới lỏng áp lực đối với các bệnh viện, đồng thời tránh gây tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế.
Cụ thể, trong 2 tuần tới, chỉ có các cơ sở kinh doanh thiết yếu mới được phép hoạt động và người lao động trong lĩnh vực chủ chốt mới được phép ra ngoài. Việc tập thể dục bên ngoài được phép, song lệnh giới nghiêm ban đêm kéo dài 8 giờ vẫn có hiệu lực.
Các chuyên gia cảnh báo nếu các biện pháp hạn chế không được siết chặt ở thủ đô Manila thì số ca mắc COVID-19 tăng mạnh có thể đẩy hệ thống y tế của thành phố vào tình trạng quá tải .
Lệnh ở nhà được ban hành vào tuần trước tại Manila đã được kéo dài tới ngày 5/8, trong đó bao gồm cả tỉnh lân cận Laguna. Các biện pháp hạn chế cũng được siết chặt ở những vùng khác, nơi có số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Cho đến nay, chỉ hơn 10 triệu người Philippines đã tiêm phòng đầy đủ, chiếm 9% dân số nước này.