COVID-19 tại ASEAN ngày 28/7: Lào số ca mắc tăng đột biến; Thái Lan và Malaysia thành hai điểm nóng dịch mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 93.948 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 1.700 người.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt của người dân tại một chốt kiểm dịch COVID-19 ở tỉnh Narathiwat, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Lào và Philippines. Đông Nam Á đang là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tăng mạnh. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia chiếm tới trên 50% số người chết của cả châu Á và Indonesia hiện là tâm dịch của cả thế giới.

Trong khi đó, diễn biến dịch cũng rất nghiêm trọng ở Philippines trong mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận 84 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia ngày 21/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia tình hình vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.

Ngày 28/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 143 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp tại một trường học ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 28/7 ghi nhận thêm trên 16.533 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 133 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 766 bệnh nhân mới và 15 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 1.788 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 2.200 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 7.012.857 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 5.724.061 trường hợp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan, ngày 26/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 8/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới. Malaysia và Thái Lan đang trở thành hai điểm nóng dịch mới của khu vực, với số ca mắc mới cao báo động.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 28/7:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 3,287,727 +47,791 88,659 +1,824 2,640,676
Philippines 1,566,667 +4,478 27,401 +84 1,484,714
Malaysia 1,061,476 +17,405 8,551 +143 877,812
Thái Lan 543,361 +16,533 4,397 +133 360,694
Myanmar 279,119   7,845   194,410
Việt Nam 118,612 +6,559 524   22,946
Campuchia 75,152 +766 1,339 +15 67,692
Singapore 64,589 +136 37   62,637
Timor-Leste 10,7   26   9,707
Lào 5,434 +280 6 +1 2,503
Brunei 333   3   270
Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 19/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Lào ghi nhận số ca mắc tăng đột biến, chưa sẵn sàng tiêm kết hợp vaccine

Bộ Y tế Lào khuyến cáo các loại vaccine ngừa COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp và đang được sử dụng tại nước này phải được tiêm cùng loại cả hai mũi.

Thông báo của Bộ Y tế Lào nêu rõ cấm việc tiêm kết hợp các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau và không nên tiêm vaccine nhiều hơn chỉ định do hiện nay chưa có thông tin hoặc hướng dẫn của WHO cũng như Bộ Y tế về mức độ an toàn và hiệu quả của việc tiêm kết hợp.

Bộ Y tế Lào cũng cho biết các loại vaccine được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp đều chỉ định tiêm hai mũi cùng loại để đảm bảo người được tiêm có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy, Bộ Y tế Lào tiếp tục khuyến khích người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời khuyến nghị người dân tuân thủ các quy định phòng chống dịch như thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và rửa tay thường xuyên.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 28/7 cho biết trong 24 giờ qua, nước này có 280 ca mắc mới, mức tăng đột biến và cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, trong đó đa phần là ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đặc biệt, tỉnh Savannakhet đang gặp nhiều khó khăn khi mỗi ngày có trên 300 ca nhập cảnh, trong đó có khoảng 30-45% mắc COVID-19. Trước tình hình quá tải bệnh nhân, tỉnh này đang gấp rút mở thêm một trung tâm cách ly với sức chứa 10.000 người. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 5.434 ca mắc COVID-19 và 6 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Cảnh sát tuần tra nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng dịch tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch

Ngày 28/7, Malaysia thông báo nước này ghi nhận 17.405 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Như vậy, đến nay Malaysia có tổng cộng 1.061.476 ca mắc COVID-19.

Malaysia đang trong giai đoạn 2 của làn sóng dịch thứ 3 bắt đầu từ tháng 9/2020. Kể từ tháng 4, số ca mới COVID-19 theo ngày đã tăng từ 4 chữ số lên 5 chữ số. Theo Tổng Thư ký của Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah, dịch bệnh COVID-19 ở nước này được dự báo sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 9 tới với 24.000 ca mắc mới/ngày sau đó có thể giảm xuống dưới 1.000 ca vào tháng 10. Nguyên nhân được ông Noor Hisham giải thích là nhờ hiệu quả của vaccine có thể đạt 75% nếu tốc độ tiêm chủng đạt 100.000 liều/ngày cho liều thứ 2 và có thể đạt hiệu quả 80% vào tháng 10 nếu tốc độ đạt 150.000 liều/ngày cho liều thứ 2.

Cùng ngày, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Malaysia Khairy Jamaluddin đã cám ơn tất cả nhân viên tuyến đầu của Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 (PICK) đã đưa nước này trở thành quốc gia có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Người dân đợi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mandaluyong, ngoại ô Manila, Philippines, ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Philippines ngày 28/7 công bố thêm 4.478 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 1.566.667 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 84 ca lên 27.401 ca.

Cũng theo Bộ Y tế Philippines, trong hai tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 tại 11 khu vực thuộc vùng đô thị Manila với hơn 13 triệu dân đã tăng 19% so với thời điểm 3-4 tuần trước đó. Bộ trưởng Y tế Francisco Duque nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống y tế địa phương và tăng các nguồn lực cần thiết.

Trong khi đó, Thứ trưởng Y tế  Maria Rosario Vergeire cảnh báo vùng đô thị Manila có thể chứng kiến số ca mắc mới lên tới 11.000 ca/ngày vào cuối tháng 9 tới. Philippines đã áp dụng nhiều đợt phong tỏa và các biện pháp hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt kể từ tháng 3 năm ngoái.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 2/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

WHO cảnh báo gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta không triệu chứng tại Campuchia

Campuchia có thêm một ngày nữa số ca mắc mới COVID-19 ở mức thấp so với nhiều tuần trở lại đây. Tuy nhiên, số ca nhập cảnh vẫn tăng cùng với đó là nỗi lo đã trở nên hiện hữu về biến thể Delta và cuộc chiến chống dịch chưa biết đến bao giờ mới thấy điểm dừng.

Bộ Y tế Campuchia xác nhận 766 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 307 ca nhập cảnh và 459 ca lây nhiễm cộng đồng. Bộ trên cũng thông báo có thêm 15 ca tử vong vì đại dịch. Như vậy tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 75.152 ca mắc COVID-19, trong đó 67.692 người đã khỏi bệnh và 1.339 người tử vong.

Báo Khmer Times cùng ngày dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng Campuchia cần quan tâm, theo dõi và thận trọng với các ca nhiễm biến thể Delta không triệu chứng. Những trường hợp giấu bệnh này có thể làm người bị lây nhiễm phát triển triệu chứng rất nhanh. Theo đại diện WHO tại Campuchia Lý Ái Lan (Li Ailan), số người mắc và tử vong vì COVID-19 tại Campuchia vẫn ở mức cao.

Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các biện pháp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 chưa thành công và virus tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Biến thể Delta đang thay thế các biến thể khác tại nhiều nước, trong đó có Campuchia và Campuchia cần chuẩn bị trước kịch bản đối phó với biến thể Delta, thậm chí là Delta Plus lan nhanh trong cộng đồng và một khi biến thể này xâm nhập vào người chưa tiêm phòng, số ca mắc COVID-19 sẽ lại tăng vọt, cùng với số người tử vong và số ca bệnh nặng ngày càng nhiều, gây sức ép lên hệ thống y tế nước này.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 27/7: Indonesia một ngày trên 2.000 người chết; Malaysia chưa tới đỉnh dịch
Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 27/7: Indonesia một ngày trên 2.000 người chết; Malaysia chưa tới đỉnh dịch

Chỉ trong ngày 27/7, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 91.500 ca nhiễm mới và 2.485 ca tử vong, trong đó riêng Indonesia lần đầu tiên ghi nhận ca tử vong mới vượt 2.000 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN