Trang The Guardian dẫn nguồn báo cáo của Tổ chức viện trợ Oxfam cho biết lợi nhuận thu được từ dược phẩm, thiết bị y tế và các dịch vụ cần thiết để đối phó với đại dịch COVID-19 đã giúp 20 người trở thành tỷ phú mới ở châu Á. Trong khi đó, tình trạng phong toả và sự đình trệ của nền kinh tế đã phá hủy sinh kế của hàng trăm triệu người khác.
Các tỷ phú mới chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Trong đó nổi bật là Li Jianquan, chủ sở hữu công ty Winner Medical, chuyên sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế và Dai Lizhong, ông chủ của Sansure Biotech, công ty sản xuất các bộ xét nghiệm và chẩn đoán COVID-19.
Báo cáo cho biết tổng số tỷ phú ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gần 1/3, từ 803 người vào tháng 3/2020 lên 1.087 người vào tháng 11/2021. Tổng tài sản của các tỷ phú tăng 3/4 lên tới 70%. Dữ liệu cũng tiết lộ 1% người giàu nhất sở hữu nhiều tài sản hơn 90% người nghèo nhất trong khu vực.
Ông Mustafa Talpur, người đứng đầu chiến dịch vận động xóa bỏ bất bình đẳng của Oxfam tại châu Á, cho biết: “Thật đáng buồn và không thể chấp nhận được khi những người nghèo ở châu Á bị bỏ lại trong đại dịch và phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, mất việc làm và bị đẩy vào cảnh nghèo đói. Điều này xóa sạch những thành quả đã đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo suốt nhiều thập kỷ”.
Ông Talpur nói thêm rằng trong khi tài sản của những người giàu tăng thêm và họ có đặc quyền bảo vệ sức khỏe của mình, thì những người nghèo nhất châu Á - như phụ nữ, lao động tay nghề thấp, người di cư và các nhóm yếu thế khác - đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, vào năm 2020, ước tính có khoảng 81 triệu người mất việc làm và giảm giờ làm, đẩy thêm 22–25 triệu người vào tình trạng nghèo đói. Trong khi đó, khối tài sản của các tỷ phú khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng thêm 1,46 nghìn tỷ USD. Số tiền này đủ để cung cấp mức lương gần 10.000 USD cho tất cả những người bị mất việc làm.
Chỉ tính riêng ở châu Á, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của trên 1 triệu người. Theo ước tính, sẽ có thêm vô số người tử vong do nghèo đói gia tăng và các dịch vụ y tế bị gián đoạn. Báo cáo cũng cho biết phụ nữ và trẻ em gái có nhiều khả năng bị mất việc làm hoặc mất thu nhập hơn. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng làm việc ở các vai trò tuyến đầu hơn, khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên 70% nhân viên y tế và 80% y tá là phụ nữ.
Ở khu vực Nam Á, những người thuộc các tầng lớp thấp hơn đang phải đảm nhiệm các công việc như dọn vệ sinh và thường không có thiết bị bảo hộ. Tình trạng đói nghèo và phân biệt đối xử khiến họ không thể tiếp cận các dịch vụ y tế. Oxfam cho biết đại dịch đã làm trầm trọng thêm vấn đề này.
Đại dịch cũng làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong khu vực. Credit Suisse dự báo đến năm 2025, sẽ có thêm 42.000 người sở hữu khối tài sản trên 50 triệu USD và 99.000 tỷ phú ở châu Á. Số lượng triệu phú vào năm 2025 dự kiến cũng sẽ đạt 15,3 triệu người, tăng 58% vào năm 2020. Cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều cho rằng đại dịch sẽ làm gia tăng đáng kể tình trạng bất bình đẳng kinh tế toàn cầu.