Liệu thế giới đã vượt qua thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19? Câu trả lời dường như là “rồi” nếu như căn cứ vào xu hướng dịch bệnh dựa trên số liệu của Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như tỉ lệ tiêm phòng vaccine tăng cao tại Mỹ. Trong tháng vừa qua, số ca nhiễm mới trung bình thính theo ngày tại Mỹ giảm 1/3. Còn trên phạm vi toàn cầu, mức giảm này cũng lên đến 30% kể từ tháng 9.
David Leonhardt - cây bút bình luận tên tuổi của tờ New York Times (NYT) trong bài viết mới đây đã lưu ý đến đặc điểm về “chu kỳ 2 tháng” của COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát vào cuối năm 2019. Theo đó, số ca nhiễm mới có xu hướng tăng mạnh trong khoảng hai tháng, rồi sau đó lại thoái trào trong hai tháng tiếp theo.
Xu hướng “chu kỳ hai tháng” này liên tục lặp lại tại các nước có tỉ lệ tiêm chủng vaccine và biện pháp giãn cách xã hội khác nhau và tại chính những bang tại Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Tuy nhiên, giới chuyên gia dịch tễ cho đến lúc này vẫn chưa hiểu hết được nguyên nhân.
Hành vi của con người cùng với đặc tính sinh học của virus có lẽ là lời giải thích phù hợp. “Có thể mỗi biến thể sẽ có đặc tính lây nhiễm mạnh ở một nhóm đối tượng nhất định, chứ không phải toàn bộ người dân. Và một khi những người dễ bị tổn thương nhất đã phơi nhiễm với virus, lây nhiễm COVID-19 sẽ giảm. Hoặc cũng có thể một biến thể SARS-CoV-2 cần khoảng hai tháng để phát tán trong một cộng đồng dân cư có quy mô trung bình”, Leonhardt nêu quan điểm.
Virus có thể sẽ quay trở lại, nhất là trong bối cảnh mùa đông đang tới gần, nhiều kỳ nghỉ lễ ở phía trước cùng với đó là gia tăng hoạt động trong không gian kín. Nhưng lần này có thể sẽ khác. Theo Scott Gottlieb, cựu Ủy viên Hội đồng Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) giai đoạn 2017-2019, biến thể Delta nhiều khả nang sẽ là làn sóng lây nhiễm lớn cuối cùng. Sau khi lây nhiễm Delta lên đỉnh, thế giới sẽ chuyển từ “giai đoạn đại dịch” sang “giai đoạn dịch bệnh”.
Ông Gottlieb, người từng được Tổng thống Donald Trump đề cử vào cương vị Giám đốc FDA hồi tháng 3/2017, một lần nữa bảo lưu quan điểm này khi trả lời phỏng vấn mạng tin Barrons hồi tuần trước. “Tôi nghĩ rằng kỳ nghỉ lễ Tạ ơn (Thanksgiving) sẽ là dấu mốc cơ sở để đánh chính xác diễn biến dịch bệnh. Biến thể Delta có thể là làn sóng lây nhiễm lớn cuối cùng. Chúng ta đang dần thoát ra giai đoạn đại dịch và bước sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu”, Scott Gottlieb nêu quan điểm.
Theo đánh giá của cựu quan chức FDA này, ở thời điểm cuối của làn sóng Delta, sẽ có khoảng 80-90% người Mỹ có miễn dịch trước virus, hoặc là thông qua tiêm chủng vaccine, hoặc là đã từng lây nhiễm phơi nhiễm. Đây sẽ là “bức tường miễn dịch” vững chắc để chặn virus, không để SARS-CoV-2 lây lan ở cấp độ hiện nay.
Trên phạm vi toàn cầu, số ca mắc mới và tử vong vì dịch COVID-19 cũng xác lập xu hướng giảm. Theo báo cáo tình hình tuần về diễn biến dịch bệnh COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 6/10, số ca mắc mới và tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tuần từ 27/9-3/10 tiếp tục giảm. Trong tuần thế giới ghi nhận 3,1 triệu ca nhiễm mới và 54.000 ca tử vong, đánh dấu đà suy giảm bền vững được xác lập từ tháng 8 vừa qua.
Cuộc chiến chống COVID-19 cũng có thêm nhiều diễn biến lạc quan. Hãng dược Merck (Mỹ) cùng đối tác Bridgeback mới đây đã công bố thông tin về thuốc dạng viên Molnupiravir, được cho là có hiệu quả cao trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Theo số liệu ban đầu về kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, Molnupiravir có hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta có độ lây nhiễm cao. Thuốc giúp giảm 50% tỉ lệ số ca bệnh nặng phải nhập viện, hoặc số ca tử vong.
Hãng dược Pfizer ngày 7/10 cũng chính thức đệ trình hồ sơ lên FDA để xin cấp phép tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của các hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi .Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng toàn cầu, Pfizer/BioNTech cho biết vaccine ngừa COVID-19 của họ an toàn và tạo ra phản ứng mạnh với những kháng thể trung hòa, qua đó giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào.
Thời điểm Pfizer công bố thông tin này không thể tốt hơn: Số ca mắc và phải nhập viện vì COVID-19 ở trẻ em tại Mỹ tăng nhanh sau khi các trường mở cửa trở lại, đón học sinh trong năm học mới, trong khi trẻ em nhỏ tuổi vẫn là đối tượng chưa được phép tiếp cận vaccine. Dự kiến ban cố vấn của FDA sẽ nhóm họp trong ngày 26/10 để xem xét đề nghị của Pfizer. Quyết định cấp phép sử dụng khẩn cấp có thể sẽ được đưa ra trong tháng 11 tới.