COVID-19 tới 6 giờ 22/6: Mỹ chia sẻ 55 triệu liều vaccine cho các nước; Ấn Độ lập kỷ lục tiêm vaccine mỗi ngày

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 240.934 trường hợp mắc COVID-19 và 4.679 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu trên 179,5 triệu ca bệnh, trong đó gần 3,88 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại một nghĩa trang ở Guwahati, bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 21/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 179.495.8 ca, trong đó có 3.887.016 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 163.431.593 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.666.406 ca và 82.732 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 21/6, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Guwahati, bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.417.467 ca mắc và 617.411 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ đang giảm rõ rệt. Chính do đó, trong cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ đã nhất trí tổ chức tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ theo hình thức trực tiếp vào tháng 9 tới, với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt.

Ngày 21/6, Nhà Trắng công bố kế hoạch cung cấp 55 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 còn lại trong tổng số 80 triệu liều vaccine mà Mỹ đã cam kết nhằm giúp đỡ các nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Chú thích ảnh
Người dân tập trung trên cầu Brooklyn ở New York, Mỹ ngày 25/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà Trắng cho biết khoảng 41 triệu trong số 55 triệu liều vaccine nói trên (tương đương 75%) sẽ được phân bổ cho các nước ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, châu Á và châu Phi thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, trong khi 14 triệu liều còn lại (tương đương 25%) sẽ được chia sẻ cho "các khu vực ưu tiên", bao gồm Colombia, Argentina, Iraq, Ukraine, Bờ Tây và Gaza.

Cụ thể, khoảng 14 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được phân bổ cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, gồm Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Ecuador, Paraguay, Bolivia, Uruguay, Guatemala, El Salvador, Honduras, Haiti và các quốc gia thuộc Cộng đồng Caribe (CARICOM), Cộng hòa Dominica, Panama và Costa Rica.

Khoảng 16 triệu liều cho châu Á, gồm Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Bhutan, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia và quần đảo Thái Bình Dương. Khu vực châu Phi sẽ được nhận 10 triệu liều vaccine và các nước sẽ được lựa chọn với sự phối hợp của Liên minh châu Phi (AU).

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên phố ở New York, Mỹ ngày 7/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ khi Mỹ tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19 ở trong nước và nỗ lực chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới, Tổng thống Joe Biden đã cam kết rằng "Mỹ sẽ là một kho vaccine cho thế giới", đồng thời cho biết những liều vaccine này sẽ được sử dụng cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất, chẳng hạn như nhân viên y tế.

Kế hoạch này được thực hiện đúng theo cam kết của Tổng thống Biden, đó là hỗ trợ các nước tổng cộng 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Mỹ sản xuất, trong đó 20 triệu liều vaccine từ các hãng Pfizer Inc., Moderna Inc. hoặc Johnson & Johnson (vốn trước đây chỉ được phép tiêu thụ nội địa) và 60 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Đầu tháng này, Mỹ đã thông báo kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên cho các nước, trong đó 19 triệu liều được chia sẻ theo chương trình COVAX.

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế chuẩn bị vaccine trước khi tiêm cho người dân tại 1 điểm tiêm ở thủ đô Vientiane. Ảnh: Phạm Kiên - Phóng viên TTXVN tại Lào

Châu Á đang được coi là khu vực có số ca mắc cao nhất thế giới. Với 75.858 ca mới trong 24 giờ qua, châu Á đã ghi nhận tổng cộng 54.555.314 ca mắc bệnh, trong đó có 7.590 ca tử vong. Châu Âu đứng thứ hai với 47.481.947 ca mắc và 1.093.080 ca tử vong. Bắc Mỹ đứng thứ ba với 40.342.355 ca mắc và 911.855 ca tử vong.

Ngày 21/6, bang Maharashtra của Ấn Độ đã ghi nhận 20 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là “Delta plus” (B.1.617.2.1), là thể mới của biến thể Delta đã được phát hiện trước đó tại Ấn Độ. Theo thông tin từ giới chức y tế địa phương, biến thể Delta plus có thể là một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ.

Tại Ấn Độ, nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng trong nước, chính phủ đã quyết định tiêm vaccine miễn phí cho tất cả những người trưởng thành. Theo đó, giới chức y tế thông báo đã mở rộng chương trình tiêm vaccine cho cả những người trưởng thành dưới 45 tuổi từ ngày 1/5, nhưng các bệnh viện nhà nước và tư nhân phải tự thu mua vaccine cho nhóm người trẻ tuổi này, dẫn đến tình trạng lộn xộn và thiếu hụt vaccine. Tuy nhiên sau đó, nhà chức trách tuyên bố sẽ mua 75% lượng vaccine và phân phối vaccine cho các bang để tiêm miễn phí cho người dân.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trong những tháng gần đây, tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Ấn Độ chậm đáng kể do thiếu vaccine và tâm lý e ngại của người dân dù nước này phải chật vật đối phó với làn sóng dịch bệnh bùng phát dữ dội trong tháng 4 và 5 vừa qua.

Đến nay, quốc gia Nam Á đã tiêm được 275 triệu liều vaccine, với chỉ 4% dân số được tiêm đủ liều. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả gần 1,1 tỷ người trưởng thành vào cuối năm nay.

Quốc gia láng giềng của Ấn Độ là Nepal đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa 1 tuần đến ngày 28/6 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, mặc dù có nới lỏng đáng kể một số quy định. Theo quy định mới, phương tiện cá nhân sẽ được được phép lưu hành theo quy định số chẵn-số lẻ và hầu hết các cửa hàng được mở cửa vào các ngày khác nhau trong tuần, trong đó các cửa hàng bách hóa lớn, trung tâm thương mại, cửa hàng bán đồ thể thao, may mặc, giầy dép, mỹ phẩm, quà tặng, sẽ được hoạt động trở lại vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Algiers, Algeria, ngày 7/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ấn Độ đã tiêm 8,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong ngày 21/6, mức cao nhất từ trước đến nay trong một ngày kể từ khi nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng từ giữa tháng 1/2021.

Bộ Y tế Ấn Độ cho hay mức tăng đột biến này diễn ra trong ngày đầu tiên Ấn Độ triển khai giai đoạn phổ cập mới vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu từ ngày 21/6. Theo đó, chính phủ sẽ mua 75% vaccine từ các nhà sản xuất và phân phối cho các bang để tiêm miễn phí cho toàn bộ người trưởng thành. Trước đó, Chính phủ Ấn Độ chỉ cung cấp vaccine miễn phí cho người từ 45 tuổi trở lên và các nhân viên tuyến đầu.

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh: “Vaccine vẫn là vũ khí mạnh nhất của chúng ta để chống COVID-19. Xin chúc mừng những người đã được tiêm và xin gửi lời tri ân đến tất cả các chiến binh tuyến đầu, những người đang làm việc vất vả để giúp cho rất nhiều người được tiêm”.

Chính sách tiêm chủng sửa đổi được đưa ra sau khi số liều vaccine tiêm hàng ngày bắt đầu giảm vào tháng 5. Từ ngày 11-20/5, trung bình chỉ có 1,57 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày. Tốc độ tiêm chủng đã tăng lên 3,4 triệu liều/ngày trong khoảng thời gian từ ngày 11-20/6. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ muốn hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người trưởng thành vào cuối năm 2021, nước này cần tiêm 8,21 triệu liều/ngày.

Đến nay, 17,1% dân số trong gần 1,4 tỷ dân của Ấn Độ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 và 3,7% dân số được tiêm đủ liều. Hiện số ca mắc COVID-19 mới tại Ấn Độ đang giảm mạnh, với việc ngày 21/6 chỉ ghi nhận 53.256 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong gần 3 tháng.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 4/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 29.711 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 88.400 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất châu Á.
 
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 21/6 cũng đứng thứ ba toàn khối. Số ca tử vong đang giảm dần ở nước này mấy ngày qua.

Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Klang, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.

Ngày 21/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 69 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua báo cáo 595 ca bệnh mới và có 3 trường hợp tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 18/6 ghi nhận thêm trên 3.175 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 29 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng tăng một cách đáng ngại.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 735 bệnh nhân mới và 10 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 88.412 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 410 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.569.718 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.078.560 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Ngoài Timor-Leste, trong 24 giờ qua, có 9/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 21/6: Toàn khối trên 88.400 ca tử vong; Indonesia vượt ngưỡng 2 triệu ca bệnh
COVID-19 tại ASEAN hết 21/6: Toàn khối trên 88.400 ca tử vong; Indonesia vượt ngưỡng 2 triệu ca bệnh

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 29.711 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 88.400 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN