Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 170.099.166 ca, trong đó có 3.536.533 người tử vong.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 152.084.442 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 14.478.191 ca và 93.340 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 28/5, thế giới có tới 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tiếp đà giảm nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.
Quốc gia có số ca tử vong và nhiễm bệnh lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ, cụ thể là 608.913 ca tử vong trong tổng số 34 triệu bệnh nhân. Tiếp đó là Ấn Độ với 27,7 triệu ca nhiễm và 322.4 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 16,3 triệu ca nhiễm và 459.153 bệnh nhân không qua khỏi.
Hiện số ca mắc mới đang tập trung ở Nam Á - gồm Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Bhutan, Nepal, Maldives và Sri Lanka. Ngày 28/5, số ca mắc COVID-19 tại khu vực này đã vượt mốc 30 triệu người, chiếm 18% tổng số ca mắc trên toàn cầu, trong khi số ca tử vong chiếm gần 10%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những con số thống kê này trên thực tế còn cao hơn nhiều.
Trong tháng này, Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai thế giới - đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi năm ngoái. Tính riêng trong tháng 5, số người không qua khỏi đại dịch đã chiếm hơn 30% tổng số người tử vong kể từ đầu dịch đến nay. Tuy nhiên, dựa trên con số thống kê chính thức, đã có tín hiệu lạc quan trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Ấn Độ, khi trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 186.364 ca bệnh mới – mức thấp nhất kể từ ngày 14/4 vừa qua. Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal cũng khẳng định thành phố này đã khống chế được làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19 và sẽ bắt đầu từng bước dỡ bỏ phong tỏa từ tuần tới.
Tại Đông Bắc Á, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, tới ngày 20/6, chủ yếu do hệ thống y tế ở nhiều địa phương vẫn còn căng thẳng cho dù tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang chậm dần.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh 3 tuần tới sẽ là thời điểm quan trọng để đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, Olympic Tokyo sẽ khai mạc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Hành chính và an toàn Hàn Quốc Jeon Hae-cheol cho biết số ca nhiễm mới bình quân trong vòng một tuần qua ở nước này là 599 ca/ngày, giảm so với tuần trước đó là 641 ca/ngày. Tuy nhiên, xu hướng lây nhiễm tập thể vẫn diễn ra ở các cơ sở giải trí, tất cả các địa phương đều ghi nhận các vụ lây nhiễm tập thể quy mô nhỏ, nên khả năng dịch bệnh lây lan mạnh trở lại ở nước này vẫn còn rất lớn.
Tại đảo Jeju, xu hướng lây lan vẫn chưa có chiều hướng chững lại nên địa phương này quyết định nâng giãn cách xã hội lên mức 2 từ tuần sau. Đây là địa phương thứ ba nâng giãn cách xã hội lên mức 2 trong số các địa phương ngoài Seoul và khu vực lân cận thủ đô, sau thành phố Chuncheon (tỉnh Gangwon) và thành phố Ulsan.
Trong bối cảnh việc thúc đẩy tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang thu lại kết quả khả quan, khi số ca nhiễm mới chững lại, các nước châu Âu, trong đó có Thụy Điển, Romania và Séc, đã từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tại Thụy Điển sẽ được chia làm 5 giai đoạn, từ ngày 1/6, tùy theo diễn biến dịch bệnh, khả năng của hệ thống bệnh viện và chương trình tiêm chủng quốc gia.
Thủ tướng Romania Florin cũng cho biết từ ngày 1/6, nước này cũng nới lỏng các biện pháp phòng dịch, theo đó cho phép mở cửa trở lại các quán rượu, câu lạc bộ giải trí, phòng chơi điện tử cũng như cho phép thêm nhiều người tham dự các sự kiện thể thao và văn hóa. Cụ thể, số người được tham gia các sự kiện này sẽ tăng từ 500 lên 1.000 người. Các sự kiện trong nhà sẽ được phép tăng thêm 70% số người tham dự.
CH Séc cũng thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế sớm hơn so với kế hoạch. Cụ thể, từ ngày 31/5, các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ đêm và các tụ điểm ăn uống nghỉ ngơi khác có thể phục vụ khách ở bên trong các cơ sở này. Các bể bơi, nhà tắm hơi và sòng bạc cũng sẽ được mở cửa trở lại.
Chính phủ Séc cho biết đã lập kế hoạch cho phép các cơ sở này phục vụ khách trong nhà từ giữa tháng 6, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh đang có sự cải thiện và chương trình tiêm chủng được thúc đẩy, nên chính phủ Séc thực hiện kế hoạch này sớm hơn so với kế hoạch.
Nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại trong Liên minh châu Âu (EU) vào mùa Hè này, ngày 28/5, Đan Mạch và Hy Lạp đã ra mắt "Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19".
Ứng dụng của Đan Mạch mang tên Coronapas, do Bộ Y tế, Cơ quan Dữ liệu y tế Đan Mạch, Viện Huyết thanh Statens (SSI) và Cơ quan Số hóa Đan Mạch phát triển. Coronapas cung cấp thông tin về kết quả xét nghiệm và tiêm chủng bằng cả tiếng Đan Mạch và tiếng Anh.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đan Mạch Nicolai Wammen, Coronapas có thể được sử dụng để đi lại trong châu Âu từ ngày 1/7 tới. Ứng dụng này được mô tả là một sáng kiến kỹ thuật số nhằm giúp hạn chế sự lây lan của COVD-19, "góp phần giúp người Đan Mạch có thể đi ra nước ngoài tự do hơn".
Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch Lars Sandahl Sorensen bày tỏ sự vui mừng khi Coronapas tương thích với chứng nhận kỹ thuật số COVID-19 mà EU đang phát triển.
Cùng ngày, Hy Lạp cũng đã công bố chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của mình. Theo Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, chứng nhận này sẽ được mở cho tất cả người dân EU chậm nhất là vào ngày 1/7 và Hy Lạp sẽ nỗ lực để bắt đầu chương trình này sớm hơn thời gian trên.
Trong một phát biểu đưa ra tại Athens, Phó Chủ tịch EU Margaritis Schinas cho biết các quốc gia vốn phụ thuộc vào ngành du lịch ở châu Âu đều háo hức chờ đợi ngày ra mắt chứng nhận kỹ thuật số COVID-19. Đây là một minh chứng cho thấy châu Âu có thể hành động khi có sự đoàn kết, quyết tâm.
Trước đó, Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về "Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” (EU digital COVID certificate) - một công cụ được đề xuất với mục tiêu tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân EU và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7 tới sau khi được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua trong phiên họp toàn thể sắp tới. Chứng nhận đang được kỳ vọng sẽ trở thành "chìa khóa" để mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch của EU này, gồm 3 nội dung là chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc COVID-19, cho thấy người sở hữu chứng nhận không gây lây lan dịch bệnh.
Cũng trong ngày 28/5, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-15. Đây là loại vaccine đầu tiên được EMA "bật đèn xanh" sử dụng cho trẻ em trong khối.
Trong một tuyên bố, EMA nêu rõ không có quan ngại lớn nào về việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ trong độ tuổi từ 12-15. Theo EMA, dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm cho thấy vaccine này phát huy hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa dịch bệnh ở lứa tuổi thiếu niên. Dự kiến, Đức sẽ bắt đầu tiêm vaccine này cho trẻ trong độ tuổi nói trên từ ngày 7/6 tới.
Mỹ và Canada cũng đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ trong độ tuổi từ 12-15.
Tại châu Phi, Chính phủ Nam Phi đã cảnh báo nguy cơ bùng phát đợt lây nhiễm thứ 3 virus SARS-CoV-2 ở nước này, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các hướng dẫn y tế và tiêm vaccine ngừa COVID-19. Quyền Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Tổng thống Nam Phi, bà Khumbudzo Ntshavheni nhấn mạnh làn sóng lây nhiễm mới đã tấn công các tỉnh Gauteng và Free State miền Trung nước này. Tính đến nay, Nam Phi ghi nhận 1.649.977 ca mắc COVID-19.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) của Anh đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hãng Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ phát triển. Như vậy, đến nay Anh đã phê duyệt 4 loại vaccine ngừa COVID-19, gồm cả Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna. Chính phủ Anh đã quyết định đặt mua 20 triệu liều vaccine Janssen của J&J, ít hơn so với đơn hàng 30 triệu liều ban đầu.
Trước thực trạng "bên thiếu, bên thừa" vaccine ngừa COVID-19, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các doanh nghiệp hàng đầu thế giới cần hỗ trợ đảm bảo việc phân phối công bằng vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu.
Ông nêu rõ: “LHQ hoàn toàn ủng hộ các công ty thu lợi nhuận chính đáng từ các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cũng như đẩy mạnh tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên…chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi phải có những hành động chưa từng có tiền lệ”. Ông hoan nghênh nhiều công ty đã nhận thức rõ được điều này khi đặt con người lên trên lợi nhuận, nhấn mạnh hiện là lúc khu vực tư nhân phát huy hết khả năng của mình trong việc chấm dứt thảm họa toàn cầu này.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vaccine toàn cầu Gavi, đại diện các tổ chức khởi xướng cơ chế COVAX, cho biết cần huy động thêm 2 tỷ USD nhằm tăng mức độ bao phủ của các chương trình tiêm chủng lên gần 30%. Tuyên bố cho biết COVAX cần số tiền trên trước ngày 2/6 để chốt nguồn cung nhằm đảm bảo có thể bàn giao vaccine ngừa COVID-19 trong năm nay và đầu năm 2022.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 27.788 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 77.0 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Lào và Việt Nam.
Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong đứng thứ hai toàn khối.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Ngày 28/5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 61 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN).
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 72 ca bệnh mới.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 28/5 ghi nhận thêm trên 3.759 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh là 34 người.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 599 bệnh nhân mới và 2 ca tử vong trong ngày 28/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 77.4 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 479 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.956.036 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.584.046 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.