Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 30/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 233.949.4 ca, trong đó có 4.786.406 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm. Tại châu Âu, trong 24h qua ghi nhận trên 140.000 ca mắc và 2.000 người tử vong; trong khi con số này cũng tương đương ở châu Á, với lần lượt số ca mắc mới và tử vong là trên 144.000 và 2.100 trường hợp.
Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 85.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với xấp xỉ 2.000 trường hợp, tức là giảm mạnh so với thời gian trước.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 209 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 29/9, thế giới có 123 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 104 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với trên 44 triệu ca mắc và 713.445 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 448.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 596.000 ca tử vong.
Tại Mỹ, kết quả cuộc thăm dò của Gallup được công bố ngày 29/9 cho thấy người Mỹ tăng cường chủng ngừa COVID-19. Cụ thể, 75% số người được hỏi cho biết họ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, tăng 6 điểm phần trăm so với tháng 8/2021. Nhìn chung, 80% số người được hỏi cho biết họ đã được tiêm chủng hoặc có kế hoạch tiêm chủng - con số cao nhất trong năm nay. Đáng chú ý, lần đầu tiên tỷ lệ thành viên đảng Cộng hòa cho biết đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 là 39%, nhiều nhất kể từ tháng 4/2021.
Trong khi đó, % đảng viên độc lập và 92% đảng viên Dân chủ cho biết họ ít nhất đã được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19. Đầu tháng 9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu tất cả người lao động liên bang phải được tiêm phòng và yêu cầu chủ doanh nghiệp có ít nhất 100 nhân viên phải tiêm phòng hoặc xét nghiệm hàng tuần.
Mặc dù Gallup cho biết còn quá sớm để chính sách của Tổng thống Biden tác động đến tỷ lệ tiêm chủng của người lao động, cuộc thăm dò đã cho thấy 75% người Mỹ làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian đã được tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine.
Hàn Quốc ghi nhận 2.885 ca mắc mới, mức cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này hồi tháng 1/2020 và là ngày thứ tư liên tiếp, số ca mắc mới ở Hàn Quốc vượt trên 2.000 ca/ngày. Số ca mắc cao nhất ở nước này ghi nhận vào ngày 25/9 với 3.272 ca do người dân di chuyển nhiều trong dịp nghỉ lễ tết Trung thu (còn được coi là lễ tạ ơn của người Hàn Quốc) kéo dài 3 ngày (20-22/9) khiến virus gây bệnh lây lan nhanh chóng trên cả nước.
Như vậy, đến nay Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 308.725 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.474 ca tử vong (sau khi có thêm 10 ca tử vong trong 24 giờ qua). Theo KDCA, tổng cộng ,76 triệu người, tương đương 75,5% dân số nước này, đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và 24,64 triệu người (chiếm 48% dân số) đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Cùng ngày, bang Victoria của Australia thông báo đã ghi nhận thêm 950 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại bang này. Giới chức y tế bang cảnh báo hệ thống chăm sóc sức khỏe chịu áp lực rất lớn và tháng 10 tới sẽ là “thách thức lớn” và tiêm chủng vẫn là biện pháp cốt yếu để giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện của bang.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại bang New South Wales (NSW), tâm dịch trước đây ở Australia, đang có xu hướng tích cực với số ca mắc mới giảm xuống dưới 1.000 ca trong tuần này. Trong bối cảnh bang NSW chuẩn bị nới lỏng các biện pháp hạn chế vào ngày 11/10 tới đối với những người hoàn thành tiêm chủng, Thủ hiến bang Gladys Berejiklian cho biết những người chưa được tiêm chủng sẽ phải "chấp hành" quy định và các cơ sở kinh doanh chỉ phục vụ những khách hàng đã tiêm chủng đầy đủ.
Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc cho đến ngày 31/10, do virus vẫn đang lây lan ở một số bang và dịch bệnh tiếp tục là một thách thức đối với sức khỏe cộng đồng trong nước.
Chính phủ cũng kêu gọi chính quyền các bang cần tiếp tục chương trình tiêm chủng với trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho các nhóm tuổi đủ điều kiện và ưu tiên tiêm mũi thứ hai cho những người đủ điều kiện.
Ngày 28/9, Ấn Độ ghi nhận 18.795 ca mắc mới COVID-19, mức thấp nhất trong gần 7 tháng qua. Đến nay, quốc gia Nam Á này đã tiêm tổng cộng 870 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Tại châu Âu, Viện Robert Koch (RKI) của Đức thông báo tỷ lệ các ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua tăng trở lại sau khi giảm trong hơn 2 tuần, theo đó tăng lên mức 61 ca/100.000 người. Số ca mắc mới ghi nhận theo ngày tại Đức cũng tăng, với 11.780 ca ghi nhận trong một ngày qua, cao hơn 1.326 ca so với một tuần trước.
Chuyên gia virus học Christian Drosten cho rằng hiện có những dấu hiệu cho thấy Đức có thể phải hứng chịu một làn sóng dịch bệnh Thu-Đông vào tháng 10 tới. Tính đến ngày 29/9, hơn 53,4 triệu người dân Đức đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, tương đương 64,3% dân số.
Nga cũng ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay và cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca tử vong tăng lên một mức cao mới. Cụ thể, Nga ghi nhận 857 ca tử vong và 22.430 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong và mắc bệnh tại nước này lên lần lượt là 206.8 ca và hơn 7 triệu ca. Như vậy, Nga hiện đang là nước đứng thứ 5 thế giới về tác động của COVID-19. Tính đến ngày 29/9, chưa đến 30% dân số Nga được tiêm phòng đầy đủ.
Tại Đức, gần 75% số người trưởng thành tại Đức đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Đây là số liệu do Viện Robert Koch (RKI) thống kê về tình hình dịch bệnh trên toàn nước Đức và công bố ngày 28/9.
Bất chấp tốc độ tiêm chủng đang chậm lại trong những tuần qua, chiến dịch tiêm vaccine tại Đức vẫn đang được thúc đẩy, đặc biệt trong giới trẻ. Cho đến nay, đã có 74,7% số người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên hoàn thành đầy đủ 2 mũi tiêm và 33,2% thanh niên từ 12-17 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Như vậy, tính đến ngày 28/9, đã có ít nhất 78,6% người trưởng thành được tiêm một mũi và tỷ lệ này ở nhóm thanh niên từ 12-17 tuổi là 41%.
Theo số liệu thống kê, ngày 28/9, Đức ghi nhận 4.171 ca mắc mới và 101 ca tử vong. Tỷ lệ mắc trong 7 ngày là 60,3 ca/100.000 người. Mặc dù số ca mắc đã giảm mạnh, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng nếu tỷ lệ tiêm vaccine không tăng vào mùa Thu và mùa Đông, số ca mắc mới và nhập viện có thể tăng mạnh trở lại, đặc biệt là những người chưa được tiêm chủng.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 29/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 37.0 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay đã tăng lên trên 261.700 người.
Số ca mắc mới của toàn khối ở mức ngang bằng so với 24 giờ. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có tới 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Myanmar, Lào và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Indonesia đã qua đỉnh dịch lần này và tình hình đang khả quan hơn. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận chỉ có trên 1.000 ca bệnh mới.
Diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Malaysia tình hình dịch bệnh cũng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu về diễn biến dịch. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 29/9 ghi nhận thêm trên 10.000 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 122 người, tăng nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.
Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 881 bệnh nhân mới và 15 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 261.769 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 659 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 12 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 11 triệu trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới, trong khi 2 nước không công khai số liệu.
Tại Algeria, nước này đã bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 do công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển, với sản lượng dự kiến tối đa 8 triệu liều/tháng.
Việc sản xuất được khởi động từ ngày 29/9 nhưng trong giai đoạn đầu, Algeria sẽ chỉ sản xuất một triệu liều trong tháng 10, hai triệu liều trong tháng 11, ba triệu liều trong tháng 12 và 5,3 triệu liều trong tháng 1/2022.
Phát biểu khi tham dự lễ khởi động quy trình sản xuất vaccine tại một nhà máy ở phía Đông thành phố Constantine, Thủ tướng Algeria Aimene Benabderrahmane gọi đây là một "thành tựu lớn" trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi đặt mục tiêu sẽ thực hiện thêm nhiều dự án khác thuộc lĩnh vực này. Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp Dược phẩm Lotfi Djamel Benbahmed cho biết Algeria có kế hoạch xuất khẩu vaccine sang các nước khác trong khu vực. Hiện tại, công ty Saidal của Algeria là đơn vị duy nhất ở châu Phi được cấp phép sản xuất vaccine của Sinovac.
Nền tảng chia sẻ video YouTube ngày 29/9 thông báo sẽ gỡ bỏ các video có thông tin sai lệch về các loại vaccine ngừa COVID-19 đã được kiểm duyệt. Động thái này được đưa ra trong thời điểm YouTube đang nỗ lực giải quyết tình trạng thông tin sai về đại dịch COVID-19 cũng như các loại bệnh khác.
Thông báo của YouTube khẳng định: "Chúng tôi nhận thấy có những thông tin sai lệch về các loại vaccine ngừa COVID-19. Do vậy, chúng tôi đang ở thời điểm để mở rộng quá trình xử lý vấn đề thông tin sai lệch về COVID-19 cho tới các loại vaccine".
Theo YouTube, chính sách mở rộng của nền tảng này sẽ "áp dụng cho các loại vaccine đã được phê duyệt, cũng như được xác nhận an toàn và hiệu quả bởi giới chức y tế các nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)".