COVID-19 tới 6 giờ 4/5: Thế giới trên 3,2 triệu ca tử vong; Ấn Độ và ASEAN dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 637.947 trường hợp mắc COVID-19 và 9.718 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 154 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,2 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Sao Leopoldo, Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil ngày 16/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 154.142.292 ca, trong đó có 3.226.009 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 3.226.009 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.714.086 ca và 111.448 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 3/5, thế giới có tới 116 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Nhiều cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 2/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 591.484 ca tử vong trong tổng số 33.224.223 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 222.3 ca tử vong trong số 20.275.543 ca bệnh. Đáng lo ngại, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn chưa có tín hiệu khả quan và quốc gia Nam Á này đang là tâm dịch của thế giới, với số ca mắc mới và tử vong liên tục phá kỷ lục mỗi ngày. Chỉ trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận 355.828 ca nhiễm mới và 3.4 người tử vong.

Tại châu Á, tâm dịch Ấn Độ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 10 ngày qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trên 300.000 ca/ngày, trong đó có ngày 30/4 ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới.

Báo Times of India dẫn nguồn tin chính quyền cho biết Chính phủ Ấn Độ ít có khả năng sẽ áp đặt một lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc, dù đã khuyến cáo các bang và vùng lãnh thổ liên bang thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt và áp dụng biện pháp phong tỏa phù hợp để phá vỡ chuỗi lây lan của virus SARS CoV-2.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 30/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) thông báo từ ngày 4/5, tất cả những hành khách, ngoại trừ người Đài Loan, từng đến Ấn Độ trong 14 ngày trước sẽ không được phép nhập cảnh vào hòn đảo này. Trong khi đó, những người Đài Loan trở về từ Ấn Độ sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày tại các địa điểm được chỉ định.

Bộ Y tế Nhật Bản thông báo số bệnh nhân COVID-19 thể nặng ở nước này tăng thêm 34 người lên 1.084 người, mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày thứ hai liên tiếp. Số bệnh nhân thể nặng chiếm đến 50% số giường bệnh tại các khoa chăm sóc đặc biệt của một số tỉnh, trong đó có Osaka và Hyogo lân cận hiện đang áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp kể từ cuối tháng 4 vừa qua.

Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất mở rộng danh sách người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) với một số điều kiện nhất định. Theo đề xuất, EU sẽ cho phép nhập cảnh vì lý do không cấp thiết đối với tất cả những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ có tình hình dịch tễ diễn biến tích cực và những người đã tiêm đủ liều các loại vaccine COVID-19 được EU cấp phép.

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một điểm hóa thân ở Kathmandu, Nepal, ngày 30/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

EC cũng cho biết đề xuất này có thể mở rộng sang những đối tượng đã tiêm các loại vaccine  được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Nhằm hạn chế nguy cơ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xâm nhập EU, cơ quan trên cũng đề xuất triển khai cơ chế “ngừng khẩn cấp” mới, cho phép áp dụng khẩn trương các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người đến từ các nước có tình hình dịch bệnh bất ngờ xấu đi. Các nước EU dự kiến bắt đầu thảo luận về đề xuất trên trong ngày 4/5.

Chính phủ CH Séc tiếp tục từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế sau khi tình hình dịch có chiều hướng cải thiện. Chính phủ Séc đã thông qua quyết định cho phép từ ngày 3/5, nới lỏng các biện pháp hạn chế tại 7 tỉnh, thành phố gồm Praha, Trung Séc, Plzen, Karlovy Vary, Liberec, Pardubice và Hradec Kralove, trong đó bảo tàng và phòng trưng bày tại các địa phương trên được mở cửa trở lại. Riêng đối với hoạt động kinh doanh và dịch vụ, chính phủ cho phép tất cả các cửa hàng và dịch vụ trên cả nước mở cửa trở lại từ ngày 10/5, với điều kiện đảm bảo quy định về giới hạn số lượng khách và vệ sinh dịch tễ. Đến nay, Séc ghi nhận tổng cộng 1.634.114 ca nhiễm, trong đó 29.343 ca tử vong.

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này sẽ dỡ bỏ quy định phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 đối với hành khách đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Theo danh sách này, ngoài Việt Nam còn có Australia, New Zealand, Singapore, Anh, Latvia, Luxembourg, Ukraine, Thái Lan, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, Estonia và Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan). Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5 tới.

Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 25.980 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.875.8 ca. Số ca tử vong trong 24 giờ qua tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng thêm 340 ca, lên tổng số 40.844 người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 17/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 16.677 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 70.450 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 3/5 ghi nhận thêm 2.041 ca bệnh mới và có tới 31 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân chở bình oxy trên một đường phố ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 1/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 841 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong ngày 3/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 70.454 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 307 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.703.367 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.135.055 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả nước ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Toronto, Ontario, Canada, ngày 29/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 3/5, công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được đề xuất trên trẻ em với sự tham gia của 3.000 thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.

Novavax cho biết các cuộc thử nghiệm sẽ kiểm tra “tính hiệu quả (và) an toàn” của loại vaccine được đề xuất. Những người tham gia chương trình thử nghiệm sẽ được tiêm loại vaccine trên hoặc với giả dược gồm 2 liều và cách nhau 21 ngày. Các tình nguyện viên sẽ được theo dõi tối đa 2 năm sau khi tiêm.

Hiện vaccine ngừa COVID-19 của Novavax vẫn chưa được cấp phép ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả loại dành cho người lớn. Tuy nhiên, công ty này có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp ở Anh trong quý II/2021 và sau đó là ở Mỹ.

Cuối tháng 1 vừa qua, Novavax cho biết các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở Anh với sự tham gia của 15.000 người trưởng thành cho thấy hiệu quả 89,3%.

Vaccine của Novavax, sử dụng công nghệ khác với các loại vaccine được cấp phép trên thế giới, được điều chế từ protein tạo ra từ trình tự di truyền của dòng virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Loại vaccine này có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C (35 - 46,4 độ F).

Được biết, các công ty sản xuất vaccine khác như Moderna, Johnson & Johnson và Pfizer cũng đang tiến hành thử nghiệm trên đối tượng trẻ vị thành niên. Việc cấp phép tiêm vaccine cho trẻ em được coi là một bước quan trọng để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết đã bắt đầu đánh giá việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech với trẻ em từ 12-15 tuổi, sau khi có yêu cầu tương tự ở Mỹ.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN