COVID-19 tới 6 giờ ngày 23/11: Thế giới trên 258 triệu ca bệnh; Italy tính tiêm mũi tăng cường sau 5 tháng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 406.196 trường hợp mắc COVID-19 và 4.772 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 258 triệu ca, trong đó trên 5,17 triệu người không qua khỏi.

­­

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân tử vong do nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Arequipa, Peru. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 258.296.567 ca, trong đó có 5.173.1 người tử vong.

Cuộc sống bình thường mới đang từng bước đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng hạ nhiệt. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước với sự xuất hiện của các biến chủng mới.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.

Chú thích ảnh
Người dân uống cafe tại một nhà hàng ở Vienna, Áo, ngày 20/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 46.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 233 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 22/11, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 94 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Long Beach, bang California, Mỹ ngày 11/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 609 người tử vong. Tiếp đến là Bulgaria với 6 người và Bosnia-Herzegovina với 371 người/100.000 dân. Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,5 triệu ca tử vong trong trên 46,3 triệu ca mắc COVID-19.

Châu Âu có trên 80 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,4 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 1,1 triệu ca tử vong trong trên 80,4 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có trên 790.500 triệu ca tử vong trong trên 48,4 triệu ca bệnh. Châu Phi ghi nhận trên 221.200 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là trên 3.900 người.

Đối mặt một mùa Đông ảm đạm với dự báo số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh, một số nước ở châu Âu đang siết chặt các biện pháp chống dịch, trong đó đặc biệt nghiêm ngặt với những người chưa tiêm chủng vaccine. Ngày 22/11, Áo bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc thứ 4, trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên áp đặt trở lại lệnh phong tỏa trong mùa Thu này.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Đây là đợt phong tỏa đầu tiên tại Áo kể từ khi chiến dịch tiêm phòng được triển khai rộng rãi. Theo quy định mới, hầu hết các địa điểm tập trung đông người như nhà hàng, quán cà phê, quầy bar, rạp hát, cửa hàng không thiết yếu và tiệm làm tóc phải đóng cửa trong 10 ngày và có thể kéo dài lên đến 20 ngày.

Các chợ Giáng sinh, nơi thu hút lượng lớn khách du lịch, phải đóng cửa ngay khi vừa mới mở, trong khi khách sạn sẽ không đón tiếp những khách du lịch từ nơi khác tới. Tuy nhiên, dịch vụ thang máy lên núi trượt tuyết vẫn phục vụ cho những du khách đã tiêm chủng đầy đủ.

Người dân có thể ra khỏi nhà với một số lý do như đi làm hoặc mua những sản phẩm thiết yếu. Người dân cũng được phép đi bộ mà không hạn chế thời gian hoặc khu vực đi lại. Mỗi gia đình chỉ được phép cử đại diện một người khi tiếp xúc với người ngoài. Nơi làm việc và trường học vẫn mở cửa, nhưng chính phủ khuyến khích phụ huynh nên cho trẻ em ở nhà.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Cailungo, San Marino, Italy, ngày 29/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

 Ngày 22/11, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza tuyên bố người dân Italy có thể tiêm liều vaccine tăng cường phòng COVID-19 sau 5 tháng kể từ khi hoàn thành chu kỳ tiêm vaccine đầu tiên.

Bộ trưởng Speranza cho biết: “Liều vaccine tăng cường là rất quan trọng để bảo vệ tốt hơn bản thân (mọi người) và những người xung quanh. Sau khuyến nghị mới nhất của Cơ quan quản lý dược phẩm Italy (AIFA), 5 tháng sau khi hoàn thành chu kỳ tiêm vaccine đầu tiên, những người trên 40 tuổi có thể được tiêm liều tăng cường”.

Italy thực hiện chương trình thẻ xanh COVID-19, với chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số, cho thấy người sở hữu đã được tiêm phòng, hồi phục từ COVID-19 trong vòng 6 tháng hay có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc 72 giờ trước đó, từ tháng 8/2021, ban đầu áp dụng cho nhiều địa điểm giải trí và văn hóa như rạp chiếu phim và nhà hàng trong nhà, trước khi mở rộng ra nơi làm việc và trên các phương tiện giao thông công cộng đường dài. Nhưng “siêu thẻ xanh” được đề xuất sẽ chỉ cấp cho những người đã tiêm vaccine hoặc hồi phục từ COVID-19, còn những thẻ được cấp dựa trên kết quả xét nghiệm âm tính sẽ chỉ có giá trị để vào nơi làm việc.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 10/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Đức, một số bang đã ban hành lệnh giới nghiêm đối với những người không tiêm chủng. Cụ thể, chính quyền bang Saxon thông báo sẽ yêu cầu những người chưa tiêm chủng không rời khỏi nhà nếu không có lý do chính đáng trong khoảng thời gian từ 10h tối đến 6h sáng hằng ngày.

Kể từ ngày 21/11, lệnh giới nghiêm với những người chưa tiêm bắt đầu có hiệu lực tại các thành phố Meißen, Bautzen, Sächsische Schweiz-Osterzgebirge, Nordsachsen và Erzgebirgskreis. Còn tại bang Sachsen, kể từ ngày 22/11, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa tất cả các quán bar và địa điểm giải trí. Trong khi đó, bang miền Bắc Schleswig-Holstein sẽ áp đặt quy định 2G tại các không gian công cộng trong nhà.

Tại nơi làm việc, những người chưa tiêm chủng mỗi ngày đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm nhanh, hoặc kết quả xét nghiệm PCR được thực hiện không quá 48 giờ. Ở bang miền Tây Nam Baden-Württemberg, 3 thành phố sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm đối với những trường hợp chưa tiêm chủng. Theo các quy định mới, những người không tiêm sẽ bị yêu cầu ở nhà trong khoảng thời gian từ 9h tối đến 5h sáng hằng ngày.

Dù vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/11 cho rằng các biện pháp chống dịch áp dụng hiện nay ở nước này chưa đủ mạnh để kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ tư đang gây sức ép lớn lên hệ thống y tế. Bà kêu gọi chính quyền 16 bang siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Một trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Wellington, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại New Zealand, từ ngày 3/12 tới, hệ thống phân loại cấp độ dịch để sống chung với COVID-19 sẽ được áp dụng, theo đó dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và cho phép nối lại các hoạt động kinh doanh tại Auckland - thành phố lớn nhất nước.

Theo thông báo của Thủ tướng Jacinda Ardern, hệ thống mới này sẽ phân cấp các khu vực theo các màu đỏ, cam, xanh lá cây tùy theo nguy cơ lây nhiễm và tỷ lệ tiêm chủng của khu vực.

Thành phố Auckland - tâm điểm của làn sóng bùng phát dịch do biến thể Delta - sẽ bắt đầu áp dụng hệ thống phân cấp này và được xác định là vùng đỏ. Theo đó, người dân Auckland bắt buộc phải đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập đông người ở khu vực công cộng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sydney, Australia, ngày 11/10/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Còn tại Australia, từ ngày 1/12, chính phủ nước này sẽ mở cửa biên giới cho khoảng 230.000 người nước ngoài, bao gồm sinh viên quốc tế, những người lao động theo diện thị thực việc làm, người nhập cảnh theo diện đoàn tụ gia đình và người có thị thực nhân đạo. Đây được xem là tin vui lớn sau hơn 18 tháng quốc gia lớn nhất châu Đại Dương này chính thức đóng cửa biên giới để chống dịch COVID-19.

Tại Hàn Quốc, học sinh các trường mẫu giáo và trường học bắt đầu trở lại lớp học trực tiếp hoàn toàn kể từ ngày 22/11. Đây là bước tiếp theo của chính phủ nước này nhằm thực hiện kế hoạch "Sống chung với COVID-19", từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao.

Liên quan đến vấn đề vaccine, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo đang bắt đầu đánh giá đơn xin cấp phép sử dụng vaccine một liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson (Mỹ) làm liều tăng cường cho người trên 18 tuổi. Nếu được thông qua, đây sẽ là loại vaccine thứ ba được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép làm liều tăng cường cho người trưởng thành và sẽ được tiêm sau 6 tháng kể từ khi hoàn thành 2 mũi tiêm bình thường.

Chú thích ảnh
Khách hàng dùng bữa tại một nhà hàng trong trung tâm thương mại ở Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 22/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 21.931 ca mắc COVID-19 và 477 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch hiện xấp xỉ 13.800.000 ca, trong đó trên 287.000 người tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines vẫn khá căng thẳng so với các nước khác. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Chú thích ảnh
Một quầy hoa quả tại khu chợ ở Phnom Penh, Cambodia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.

Diễn biến dịch khá nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, khi số ca tử vong vẫn cao. Ngày 22/11, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 218 trường hợp, cao nhất khu vực.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 549 ca bệnh và 9 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt. Về số ca mắc mới, Việt Nam ngày 22/11 dẫn đầu Đông Nam Á với trên 10.000 ca.

Chú thích ảnh
Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 2/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Thái Lan vẫn là điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 22/11 ghi nhận thêm trên 6.000 ca bệnh mới và 49 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 45 bệnh nhân mới và 4 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
 
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hãng dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ ngày 22/11 công bố kết quả giai đoạn thử nghiệm sau cùng của vaccine ngừa COVID-19 do hãng sản xuất đối với nhóm đối tượng từ 12 đến 15 tuổi.

Các dữ liệu thu được từ giai đoạn thử nghiệm cho thấy vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer đạt hiệu quả 100% bảo vệ thanh thiếu niên trong giai đoạn 7 ngày đến 4 tháng kể từ khi hoàn thành mũi tiêm thứ 2. Pfizer cho biết sẽ dựa trên kết quả thử nghiệm để nhanh chóng xúc tiến quy trình xin cấp phép sử dụng đầy đủ loại vaccine này cho thiếu niên tại Mỹ cũng như toàn thế giới. Hãng dự kiến xin cấp phép liều vaccine tiêm cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên là 30 microgam.

Vaccine của Pfizer đã được Cơ quan an toàn dược phẩm và thực phẩm (FDA) Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho người từ 12 đến 15 tuổi hồi tháng 5/2021. Cơ quan này trong tháng 8/2021 đã cấp phép đầy đủ đối với việc sử dụng loại vaccine này cho người từ 16 tuổi trở lên.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Vaccine công nghệ mRNA – Triển vọng chống lại các căn bệnh nguy hiểm 
Vaccine công nghệ mRNA – Triển vọng chống lại các căn bệnh nguy hiểm 

Một trong những thành tựu to lớn mà lĩnh vực y học đạt được trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành là sự hợp tác của các nhà khoa học trên khắp thế giới để tạo ra nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả trong vòng chưa đầy 1 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN