COVID-19 tới 6 giờ ngày 28/10: Đông Âu thành tâm dịch mới; Thế giới xấp xỉ 5 triệu ca tử vong

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 460.252 trường hợp mắc COVID-19 và 8.259 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 245,7 triệu ca, trong đó trên 4,98 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Nhân viên Bộ tình trạng khẩn cấp Nga phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một nhà ga ở Moskva, Nga, ngày 26/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 245.732.673 ca, trong đó có 4.986.889 người tử vong. Cuộc sống bình thường mới đang đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á đều chứng kiến số ca tử vong và mắc mới có xu thế giảm. Song dịch bệnh đang nóng trở lại ở châu Âu, đặc biệt là một số nước Đông Âu, khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.

Còn một số nước tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng mới. Trong số này, Mỹ, Anh, Nga, Ukraine và Romania số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới và tử vong cao nhất thế giới (trên 1.300 ca), trong khi Nga đứng thứ hai về số ca tử vong.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Moskva, Nga, ngày 20/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 221 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 75.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 27/10, thế giới có 122 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 94 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19”, trong đó một số nước sự kiến sẽ thông quan từ tháng 11 tới. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca nhiễm lần lượt là hơn 46,5 triệu ca, hơn 34,2 triệu ca và hơn 21,7 triệu ca. Xét về số ca tử vong, Mỹ đứng đầu thế giới với 760.080 ca, tiếp đó là Brazil với 606.293 ca và Ấn Độ với 456.354 ca.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 607 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 344 người và CH Bắc Macedonia với 337 người/100.000 dân.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/10/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) cho biết bắt đầu từ tháng 11 tới, các sân bay thuộc các tỉnh thành trên cả nước sẽ tái khởi động các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng cao.

Quyết định này được đưa ra ngay sau khi chính phủ Hàn Quốc công bố lộ trình 3 giai đoạn tiến tới "sống chung với COVID-19". Theo thông cáo báo chí của MOLIT, Chính phủ Hàn Quốc sẽ dần dần nới lỏng những hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế, vốn được áp dụng từ tháng 4/2020 nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, đồng thời nối lại các dịch vụ bay quốc tế một cách thường xuyên kể từ tháng 11 tới dành cho những người đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc có chứng nhận miễn cách ly.

Theo đó, người nước ngoài và người Hàn Quốc ở nước ngoài có thể sử dụng các chuyến bay quốc tế nếu đã được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine của các hãng Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson&Johnson 2 tuần trước thời điểm bay. Những người thuộc diện được miễn cách ly cũng có thể đến Hàn Quốc sau khi nhận được giấy chứng nhận miễn cách ly do cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc ở nước ngoài cấp để nhập cảnh khẩn cấp hoặc với các lý do khác như công vụ, kinh doanh, học tập, hoặc nhân đạo.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), nhà chức trách tuyên bố sẽ siết chặt các hạn chế đi lại do dịch COVID-19 dù hơn 2 tháng nay, vùng lãnh thổ này không có các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Các quy định mới sẽ chấm dứt việc miễn trừ cách ly đối với gần như tất cả mọi người, ngoại trừ nhân viên cấp cứu và những người làm việc trong các ngành công nghiệp thiết yếu. Động thái này sẽ loại bỏ các thỏa thuận đặc biệt được áp dụng cho nhiều nhóm đối tượng bao gồm các nhà ngoại giao, các lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia khoa học về COVID-19, các thành viên phi hành đoàn trên máy bay, tàu chở khách và tàu chở hàng cũng như một số người đại lục có thẻ cư trú Hong Kong. Hầu hết du khách đến Hong Kong đều phải trải qua 14 đến 21 ngày cách ly bắt buộc tại khách sạn được chỉ định.

Ngoài ra, Hong Kong cũng đang mở rộng các nỗ lực theo dõi lịch sử đi lại bằng cách thực thi việc sử dụng ứng dụng “LeaveHomeSafe” trong các tòa nhà chính phủ để lưu giữ hồ sơ về lượng khách đến và đi.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh, ngày 23/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, Anh ghi nhận 43.941 ca nhiễm mới và 207 ca tử vong. Trong khi đó, các nước khu vực Đông Âu chứng kiến số ca mắc và tử vong tăng vọt.

Hungary ghi nhận 3.125 ca mắc mới, mức tăng hàng ngày cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 4.

Chính phủ Hungary đã kêu gọi người dân tích cực đi tiêm vaccine ngừa COVID-19, vốn đã được triển khai trên toàn quốc. Số ca tử vong tại Hungary đã lên tới 30.647 ca.

CH Séc ghi nhận 6.274 ca mắc mới, tăng gần gấp đôi trong một tuần trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới. Đây cũng là mức tăng cao nhất hàng ngày được ghi nhận kể từ ngày 7/4 ở đất nước có 10,7 triệu dân này.

Số liệu của Bộ Y tế Séc cũng cho thấy số ca nhập viện vì COVID-19 đã tăng lên 1.146 ca tính đến ngày 26/10, tăng gấp hơn 4,5 lần so với đầu tháng, trong đó có 166 ca phải điều trị tích cực. Mặc dù tăng nhanh song số ca mắc và nhập viện hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh được ghi nhận vào đầu năm nay và cuối năm ngoái.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga thông báo có thêm 1.123 ca tử vong, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát. Nước này cũng ghi nhận thêm 36.582 ca mắc mới, trong đó có 5.789 ca ở thủ đô Moskva. Dù đã áp dụng cơ chế tuần lễ không làm việc nhưng số ca nhiễm mới tại Nga vẫn tăng lên.

Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, giới chức Nga đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong tuần lễ không làm việc kéo dài từ ngày 30/10 đến ngày 7/11. Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã cho phép người dân có 1 tuần nghỉ làm và vẫn được trả lương, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Các hãng tin Nga trích dẫn các khảo sát cho biết hơn 33% người dân nước này lên kế hoạch đi du lịch trong thời gian nghỉ lễ trên, trong khi Thị trưởng thành phố nghỉ dưỡng Sochi đã cảnh báo một lượng lớn du khách đến thành phố này. Tuy nhiên, hiện Nga chưa có kế hoạch áp dụng lệnh cấm đi lại và cấm du lịch đối với người dân vào những ngày không làm việc theo quyết định của Tổng thống Putin.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Ventspils, Latvia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở Đức, tại cuộc thảo luận trong khuôn khổ tiến trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền tại Đức, 3 chính đảng gồm Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP), đều bày tỏ mong muốn chấm dứt “tình trạng khẩn cấp”, được áp đặt từ tháng 3/2020 để phòng, chống đại dịch COVID-19, vào tháng 11 tới. Thay vì các biện pháp khẩn cấp này, các bên đề xuất biện pháp mới trong khuôn khổ Luật phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm sửa đổi trong mùa Đông này.

Theo đó, chính quyền các bang có quyền tự đưa ra một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đeo khẩu trang bắt buộc và hạn chế tiếp xúc tại những sự kiện đông người và địa điểm công cộng ngoài quy định “3G” (tức là có chứng chỉ tiêm chủng vaccine hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2). Một số bang chỉ chấp nhận quy định “2G”. Ngoài những quy định trên, chính quyền các bang cũng có quyền yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, chủ yếu ở các không gian công cộng trong nhà, cũng như xử lý thông tin điều tra dịch tễ của khách hàng, các quy định xét nghiệm hay đeo khẩu trang trong trường học.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ thành niên ở Glasgow, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước thực tế dịch bệnh hiện nay, Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định mặc dù nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 trên thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ nhờ tăng cường tiêm chủng và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, nhưng phân tích tình hình hiện tại và các mô hình dự báo cho thấy đại dịch này "còn lâu mới kết thúc".

Tuyên bố của ủy ban trên nêu rõ việc sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay và cải thiện hệ thống thông gió của các không gian trong nhà vẫn là chìa khóa để giảm lây truyền virus SARS-CoV-2.

Ủy ban cũng cho biết đại dịch kéo dài đang khiến tình trạng khẩn cấp nhân đạo, di cư ồ ạt và các cuộc khủng hoảng khác trở nên phức tạp hơn. Do đó, các quốc gia cần sửa đổi các kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore ngày 13/10/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 27/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 24.910 ca bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước. Trong khi đó, tổng số ca tử vong tới nay tăng lên xấp xỉ 277.000 người.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt, số ca mắc mới tại các nước đi ngang trong mấy ngày gần đây. Trừ Philippines, còn lại ca tử vong nhìn chung cũng đang giảm trong toàn khối, không nước nào có trên 100 ca tử vong/ngày. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào và Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ nhỏ ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận 719 ca bệnh mới và chỉ có 29 ca tử vong.

Diễn biến dịch dù đã bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, song số ca tử vong lại có chiều hướng tăng lại. Ngày 27/10, Philippines ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực với 271 trường hợp. Malaysia một ngày qua số ca mắc mới cũng tăng nhẹ, với trên 6.000 trường hợp, trong khi có 98 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ ghi nhận 1.001 ca bệnh và 21 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Taungoo, Myanmar, ngày 8/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Thái Lan hiện là điểm dịch nóng nhất Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 27/10 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 57 người (cao thứ hai khu vực).

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 111 bệnh nhân mới và 7 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đang tính tới việc mở cửa trở lại.

Tại Lào, nhà chức trách một số tỉnh đã chỉ thị tiếp tục phong tỏa và cấm đi lại nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng. Tại tỉnh miền Trung Khammuan, lệnh phong tỏa có hiệu lực đến ngày 8/11, theo đó người vào tỉnh này phải được sự chấp thuận của chính quyền tỉnh, đã tiêm vaccine đầy đủ và có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Người dân tỉnh này muốn ra khỏi tỉnh cũng phải được phép của chính quyền địa phương.

Chú thích ảnh
Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 8/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 276.940 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 540 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 13 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 12 triệu trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Robot biết ‘tư duy’ được phát triển từ tế bào não đầu tiên trên thế giới
Robot biết ‘tư duy’ được phát triển từ tế bào não đầu tiên trên thế giới

Nhóm nhà khoa học Nhật Bản đã chế tạo robot có các tế bào thần kinh giống não bộ nhằm dạy nó cách tư duy như con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN