COVID-19 tới 6 giờ ngày 8/7: WHO cảnh báo giai đoạn hiểm nghèo; Biến chủng Delta tấn công hàng loạt nước

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 420.882 trường hợp mắc COVID-19 và 7.862 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu trên 185,6 triệu ca bệnh, trong đó trên 4 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Websterville, bang Vermont, Mỹ ngày 29/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 185.690.079 ca, trong đó có 4.015.423 người tử vong.

Số ca mắc bệnh trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, với châu Á, Brazil hiện là những vùng dịch “nóng nhất”, song số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Một số nước châu Âu, châu Á tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm.

Thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tại một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Surabaya, Đông Java, ngày 6/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 169.918.203 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.759.824 ca và 77.908 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 7/7, thế giới có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 90 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Brazil và một số nước châu Ấ, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Indonesia đang nổi lên thành một trong những ổ dịch nóng nhất thế giới.

Do tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở các nước không giống nhau, nên trong khi nhiều nước bắt đầu mở cửa trở lại, người dân trở lại cuộc sống thường ngày, thì nhiều nước vẫn đang căng mình đối phó với dịch bệnh, đặc biệt là sự lây lan của các biến thể mới, trong đó có biến thể Delta.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID_19 tại Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 6/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đang tiếp tục lây lan trên toàn thế giới và tại nhiều nơi, hiện đã trở thành biến thể lây lan chủ đạo. Tính theo khu vực, châu Á đang là lục địa dẫn đầu thế giới về số ca mắc COVID-19, với 56.862.228 ca mắc và 808.259 ca tử vong, trong đó dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 7/7 thông báo Trung Quốc đại lục có 57 ca mắc mới trong ngày 6/7, trong đó 15 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại Trung Quốc đại lục kể từ ngày 30/1 vừa qua. Tất cả các ca lây nhiễm trong cộng đồng nói trên đều được ghi nhận ở thành phố Thụy Lệ (Ruili) thuộc tỉnh Vân Nam (Yunnan), giáp biên giới với Myanmar.

Từ ngày 5/7 vừa qua, chính quyền tỉnh Vân Nam đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với thành phố Thụy Lệ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Như vậy đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 91.949 ca mắc COVID-19 và 4.636 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Hàn Quốc ghi nhận 1.212 ca mắc mới, số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất ở Hàn Quốc kể từ đầu năm đến nay và làm dấy lên lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 4 ở nước này. Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết chính phủ sẽ gia hạn áp dụng các quy định giãn cách xã hội hiện hành thêm 1 tuần, nhưng sẽ cân nhắc nâng các biện pháp này lên mức cao nhất nếu tình hình dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát trong 2-3 ngày tới. Ông Kim cũng nhấn mạnh Hàn Quốc hiện đang ở trong tình trạng khẩn cấp đòi hỏi tập trung toàn bộ nguồn lực chống COVID-19.

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo đã ghi nhận số ca mắc mới lần đầu tiên vượt trên 900 ca/ngày kể từ ngày 13/5, với tổng số 920 ca và 3 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, có tới 70% trong số này rơi vào độ tuổi từ 20 đến 40 và gần 10% nhiễm biến thể Delta, cho thấy xu hướng dịch bệnh tại thủ đô Tokyo đang gia tăng yếu tố phức tạp, nhất là sự lây nhiễm mạnh trong giới trẻ. Thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koike cho rằng tình hình dịch bệnh đang rất khó lường, gây khó khó khăn cho công tác phòng chống và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 vì hiện có tới gần 40% số bệnh nhân nặng ở độ tuổi 50.

Chú thích ảnh
Một người Nhật Bản đạp xe qua biểu tượng Olympic ở Odaiba. Ảnh: Đào Thanh Tùng-PV TTXVN tại Nhật Bản

Trong khi đó, ông Shigeru Omi, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó với dịch COVID-19 cảnh báo nguy cơ rất cao bùng phát dịch bệnh trong thời gian diễn ra Olympic và Paralympic tại Tokyo khi mà ngày càng xuất hiện nhiều ca nhiễm biến thể Delta và gia tăng mạnh ở giới trẻ.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Y học Nhật Bản Toshio Nakagawa cho rằng trong bối cảnh này, chính phủ có thể sẽ phải cân nhắc các biện pháp quyết liệt từ nay đến khi diễn ra lễ khai mạc Olympic, trong đó có cả phương án ban bố tình trạng khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Modiin, Israel, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Israel, bất chấp sự lây lan nhanh của biến thể Delta, Ủy ban phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Israel chiều 7/7 đã quyết định không áp dụng thêm các biện pháp phòng dịch, thay vào đó sẽ đẩy mạnh chương trình tiêm chủng và tăng cường các biện pháp y tế để bảo vệ người dân.

Thông cáo báo chí từ Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết ủy ban trên đã quyết định đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho những người đủ điều kiện, chủ yếu là thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-16. Bên cạnh đó, Israel cũng sẽ tăng cường xét nghiệm cho những người cao tuổi tại các viện dưỡng lão và số thanh thiếu niên tham gia các chương trình trại Hè 2021.

Ủy ban phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng cho phép rút ngắn thời gian tự cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày đối với những trường hợp đã có 2 lần xét nghiệm âm tính với SASR-CoV-2. Những người từ chối xét nghiệm vẫn phải tự cách ly đủ 14 ngày tại nhà.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 2/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở châu Âu, người phát ngôn Chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal ngày 7/7 thông báo biến thể Delta chiếm tới 40% số ca mắc COVID-19 tại Pháp. Ông cảnh báo làn sóng dịch bệnh thứ 4 sẽ sớm bùng phát tại quốc gia châu Âu này khi tỷ lệ các ca mắc COVID-19 đang ngày càng tăng cao hơn tại 11 tỉnh, thành ở Pháp, đặc biệt tại thủ đô Paris.

Chính phủ Phần Lan thông báo tất cả du khách nước ngoài đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã mắc và khỏi bệnh trong 6 tháng qua, hoặc đến từ nước được xác định là "an toàn" đều có thể nhập cảnh nước này mà không phải xét nghiệm thêm.

Trong khi đó, những người chưa được tiêm phòng đầy đủ theo yêu cầu, cũng như không có giấy tờ chứng minh đã khỏi bệnh, phải được xét nghiệm ngay khi đến.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 1/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Truyền thông Anh đưa tin các công dân nước này trở về từ các nước trong danh sách "màu hổ phách", đã được tiêm đủ liều vaccine, sẽ không phải cách ly 10 ngày. Động thái trên sẽ được triển khai sớm nhất từ ngày 19/7.

Dự kiến, các bộ trưởng Anh sẽ gặp nhau trong tuần này để thông qua chính sách này. Tính đến nay, 86,2% số người trưởng thành ở Anh đã tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 64,3% số người trưởng thành đã được tiêm đủ 2 liều.

Tại Bỉ, Bộ Y tế nước này đã cho phép tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi, trên cơ sở tự nguyện và được sự cho phép của bố mẹ. Lịch tiêm chủng đối với trẻ em từ 12-15 tuổi cũng giống như đối với người lớn: hai mũi tiêm cách nhau 3 tuần.  Việc cho phép tiêm vaccine ngừa coronavirus cho đối tượng thanh thiếu niên sẽ giúp đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà tại châu Âu.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Brent, tây bắc thủ đô London, Anh, ngày 19/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em và thanh thiếu niên thường mắc một dạng COVID-19 nhẹ hơn so với người lớn. Do đó, việc tiêm phòng cho nhóm đối tượng này không cấp bách bằng người già, người mắc bệnh mãn tính hay hộ lý. Nhưng tiêm chủng cho thanh thiếu niên giúp tăng tỷ lệ bao phủ và bảo vệ người dân.

Trước đó, ngày 28/5, Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã phê chuẩn sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12-15 tuổi tại 27 quốc gia thành viên, sau khi công bố kết quả của một nghiên cứu lâm sàng trong số 2.260 trẻ em trong nhóm tuổi này và đã chứng minh hiệu quả của vaccine trong việc tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên một tuyến phố ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ, một số bang của nước này đang chứng kiến sự gia tăng các ca mắc mới cũng như các ca phải nhập viện điều trị khi biến thể Delta đang không ngừng lây lan tại nước này. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, số ca nhiễm mới đang gia tăng tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp là Alabama, Arkansas, Louisiana và Mississippi. Hiện 25% số ca mắc mới tại Mỹ được xác định có liên quan đến biến thể Delta, tức tăng 6% so với hồi đầu tháng 6.

Theo dữ liệu được Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ tổng hợp và công bố ngày 7/7, biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đã trở thành biến thể lây lan chủ đạo tại nước này khi chiếm tới 51,7% số ca mắc mới trong 2 tuần kết thúc ngày 3/7. Số ca nhiễm biến thể Alpha phát hiện đầu tiên tại Anh ở Mỹ hiện giảm còn 28,7% tổng số ca mắc.

Được xác định có khả năng lây nhiễm nhanh hơn các biến thể khác của SARS-CoV-2, Delta đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước và khu vực như Nam Phi, Ireland,.... Không chỉ lây nhiễm nhanh, biến thể này còn nhiến nhiều người ở độ tuổi còn trẻ gặp biến chứng nặng của COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân chờ nạp đầy bình oxy để cung cấp cho bệnh nhân COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 54.364 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 100.990 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia  và Campuchia. Nhìn chung, Đông Nam Á đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đang quay đầu tăng mạnh cả số ca mắc mới và ca tử vong. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại, đồng thời cũng cao nhất châu Á (hơn cả Ấn Độ), và ngày thứ 2 liên tiếp ghi nhận trên 1.000 người chết.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tỉnh Narathiwat, Thái Lan, ngày 7/6/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn khá nghiêm trọng ở Philippines, song đang có chiều hướng giảm trong mấy ngày gần đây. Trong ngày 7/7, Philippines đã không còn là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao của khu vực nữa. Nước này 24 giờ qua chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh trở lại.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là một trong những điểm dịch nóng của khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.

Ngày 7/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 91 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu diễn biến của dịch COVID-19.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 7/7 ghi nhận thêm trên 6.519 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 54 người, giảm đôi chút so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại.

Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 981 bệnh nhân mới và 19 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào ngày 19/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 7/7, Singapore sau nhiều ngày bình yên nay cũng đã ghi nhận các ca bệnh mới, với 12 trường hợp. Tuy nhiên, nước này đã nhiều tháng không có ca tử vong vì COVID-19.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 100.997 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.3 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 5.256.801 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.572.189 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên sau khi chủng virus Delta lây lan mạnh. Trong 24 giờ qua, trù Brunei và Myanmar, 9 nước thành viên ASEAN còn lại đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh

 

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 7/7: Toàn khối trên 100.900 ca tử vong; Campuchia ca nhập cảnh cao kỷ lục
COVID-19 tại ASEAN hết 7/7: Toàn khối trên 100.900 ca tử vong; Campuchia ca nhập cảnh cao kỷ lục

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 54.364 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 100.990 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN