Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 119.567.334 ca, trong đó có 2.650.043 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 96.463.848 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 20.737.8 ca và 89.446 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 13/3, thế giới có tới 105 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 99 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 545.249 ca tử vong trong tổng số 29.985.912 ca nhiễm (59.274 ca mới trong 1 ngày qua). Tiếp đó là Brazil với 275.105 ca tử vong trong tổng số 11.363.0 ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ 3 với tổng số 11.333.484 ca nhiễm, trong đó 158.483 ca tử vong.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới tại một số địa phương của quốc gia Nam Á này đã tăng cao trở lại, đặc biệt là tại một số bang gồm Maharashtra, Kerala, Punjab, Karnataka, Gujarat và Tamil Nadu. Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại các bang này chiếm tới 85,6% tổng số ca mắc mới trên cả nước. Trước tình hình trên, chính quyền bang Punjab - miền Bắc Ấn Độ - đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 23h00' đêm hôm trước tới 5h00' sáng hôm sau tại 8 huyện của bang này.
Trong khi đó, chính quyền bang Maharashtra cũng đã quyết định triển khai khoảng 3.000 cảnh sát để giám sát việc thực thi lệnh giới nghiêm và phong tỏa kéo dài một tuần ở thành phố Nagpur, bắt đầu từ ngày 15/3 tới. Trung tâm thương mại và logistics của bang Maharashtra này là thành phố đầu tiên của Ấn Độ phải tái áp đặt lệnh phong tỏa kể từ khi chính quyền dỡ bỏ lệnh phong tỏa trên phạm vi cả nước vào tháng 6/2020.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới trong ngày 12/3 đã đạt tới mức cao nhất trong 3 tuần trở lại đây, hiện vẫn trên 400 ca trong 4 ngày liên tiếp, khiến nhà chức trách phải gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần. Bên cạnh đó, chính phủ nước này đã quyết định gia hạn lệnh tạm ngừng các chuyến bay từ Anh cho đến ngày 1/4 nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể của virus SARS-CoV-2 xâm nhập Hàn Quốc.
Cũng trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 tại khu vực thủ đô Tokyo đang có dấu hiệu tăng trở lại, đặt ra câu hỏi về khả năng dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vào ngày 21/3 theo kế hoạch. Các biện pháp hạn chế như giảm giờ mở cửa của các quán rượu, nhà hàng đã giúp giảm số ca nhiễm mới tại Tokyo khoảng 1/10 so với mức đỉnh 2.520 ca ghi nhận ngày 7/1 vừa qua.
Nhưng số ca nhiễm còn quá xa mục tiêu mà Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đặt ra là số cả nhiễm trung bình trong tuần sau bằng 70% số ca nhiễm trong tuần trước. Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung đang chạy đua với thời gian nhằm kiểm soát số ca nhiễm và đẩy nhanh việc tiêm phòng nhằm chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Olympic từ ngày 23/7 tới.
Tại châu Phi, số ca mắc COVID-19 ở châu lục này đã lên tới 3.996.741 ca, trong khi số ca tử vong lên tới 106.743 ca và 3.578.073 bệnh nhân đã hồi phục. Những nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh về số ca nhiễm có Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia. Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), đến nay Nam Phi có tổng cộng 51.015 ca tử vong do COVID-19, và là nước có số ca tử vong cao nhất ở châu lục.
Nhiều nước châu Âu cũng đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19. Hungary thông báo ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 và nhập viện cao nhất trong ngày, trong bối cảnh các bệnh viện nước này đang đứng trước nguy cơ quá tải bởi làn sóng thứ ba của đại dịch. Cụ thể, nước này có thêm 8.312 ca mắc mới COVID-19 và 172 trường hợp tử vong, trong khi số bệnh nhân đang phải điều trị tại bệnh viện hiện đã là 8.329 người.
Số ca tử vong tại Bulgaria cũng đã vượt 11.000 người sau khi ghi nhận thêm 95 ca tử vong mới. Số ca nhiễm tại nước này đã tăng thêm 3.121 ca lên 272.700 ca. Số bệnh nhân đang nhập viện là 6.604 người - mức cao nhất kể từ ngày 21/12/2020. Theo số liệu mới nhất của trang Our World in Data, Bulgaria có tỷ lệ tử vong do dịch COVID-19 cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) là 4,1%.
Ngày 12/3, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh mới nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19 và Italy sẽ đặt trong tình trạng phong tỏa trên cả nước dịp Lễ Phục sinh (từ ngày 3-5/4).
Sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15/3-6/4. Sắc lệnh bổ sung các biện pháp hạn chế đi lại của người dân cũng như các quy tắc nghiêm ngặt hơn trong việc phân định vùng màu theo tỷ lệ lây nhiễm. Khu vực có tỷ lệ lây nhiễm vượt quá 250 trường hợp/100.000 dân trong một tuần sẽ chuyển sang vùng đỏ, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tại vùng đỏ, trường học ở tất cả các cấp và trường đại học đều phải đóng cửa; các cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, quán bar sẽ phải đóng cửa; cấm hoạt động đi lại giữa các thành phố, tỉnh, vùng ngoại trừ lý dó công việc, sức khỏe và tình huống cấp thiết.
Sắc lệnh được đưa ra trong bối cảnh làn sóng thứ 3 đại dịch COVID-19 tại Italy tiếp diễn phức tạp, số ca mắc mới mỗi ngày không ngừng gia tăng. Ngày 12/3, Italy ghi nhận 26.824 ca mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 3.175.807 trường hợp.
Trong khi đó, bất chấp lệnh phong tỏa, Đức vẫn ghi nhận thêm 12.834 ca nhiễm mới, cao hơn khoảng 2.250 ca so với 1 tuần trước. Hồi đầu năm, số ca nhiễm mới tại Đức đã giảm, song dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, và hiện nước này đang ở bắt đầu làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19. Tính đến nay, nước này bắt đầu ghi nhận hơn 2,55 ca nhiễm, trong đó có 73.062 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, do số ca nhiễm mới tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang giảm mạnh, Viện Robert Koch cho biết Đức sẽ dỡ bỏ một số khu vực của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ra khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ về COVID-19 từ ngày 14/3 tới. Theo đó, quần đảo Balearic, vùng Castile-La Mancha, Valencia và Extremadura của Tây Ban Nha và các vùng Alentejo, Centro, Norte và Azores của Bồ Đào Nha sẽ không còn thuộc danh sách các vùng có nguy cơ về COVID-19 của Đức. Điều này đồng nghĩa với việc những người đến từ các khu vực này sẽ không cần phải cách ly khi đến Đức.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 12/3, Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định sau hơn 1 năm bắt đầu tình trạng khẩn cấp về y tế, nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Do đó, chính phủ chuẩn bị siết chặt các hạn chế trên hầu khắp nước này.
Cũng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, ban quản lý công viên chủ đề Disneyland Paris - một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất châu Âu, thông báo sẽ không mở cửa lại như kế hoạch đã định vào ngày 2/4. Trong thông báo đăng trên website, Disneyland Paris hy vọng có thể sớm mở cửa trở lại. Những người đã đặt vé có thể thay đổi lịch trình hoặc đề nghị được hoàn tiền.
Liên quan đến những lo ngại vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) gây đông máu, khiến một số nước quyết định dừng tiêm loại vaccine này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng không có lý do để dừng sử dụng vaccine của AstraZeneca.
Trong một tuyên bố, WHO cho biết hiện ủy ban cố vấn về vaccine của tổ chức này đang nghiên cứu dữ liệu an toàn, đồng thời nêu rõ không có mối liên quan nào giữa vaccine và vấn đề đông máu. Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO, bà Margaret Harris, khẳng định: "AstraZeneca là một loại vaccine hữu hiệu, cũng như các loại vaccine khác đang được sử dụng".
Theo bà, WHO đang xem xét dữ liệu về các trường hợp tử vong. Cho đến nay, chưa có trường hợp tử vong nào dược chứng minh là do vaccine gây ra. Do đó, các nước nên tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca để chủng ngừa COVID-19.
Cơ quan quản lý dược phẩm Pháp ANSM cũng nhất trí với khuyến cáo của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) rằng các nước cần tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca trong chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trước đó, EMA thông báo ghi nhận 30 trường hợp có hiện tượng huyết khối gây tắc mạch trong số gần 5 triệu người được tiêm vaccine của Astrazeneca. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên về thống kê trong dân số ngay cả khi họ không được tiêm phòng. EMA khẳng định những lợi ích của vaccine lớn hơn các rủi ro và vaccine này vẫn có thể được sử dụng trong khi tiếp tục các cuộc điều tra liên quan.
Nhiều nước, trong đó có Philippines, Australia, Tây Ban Nha, Đức cũng khẳng định công dụng của AstraZeneca và cho biết sẽ tiếp tục chương trình tiêm chủng vaccine này.
Trong khi đó, Tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp và hãng công nghệ sinh học Translate Bio của Mỹ thông báo đã bắt đầu thử nghiệm trên người ứng cử viên vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA (mang thông tin di truyền). Đây là dự án vaccine ngừa COVID-19 thứ hai của Sanofi và cũng là ứng cử viên vaccine mới nhất dựa trên công nghệ mới mRNA.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 12.754 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 55.480 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước. Trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 2 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong tăng trở lại so với ngày trước nữa. Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận 8 ca COVID-19, không có ca tử vong, nhìn chung dịch bệnh đang tạm yên ắng ở nước này.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 12/3 ghi nhận thêm tới 81 ca bệnh mới, song không có ca tử vong. Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 62 bệnh nhân mới trong ngày 12/3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều tỉnh thành, đồng thời ra thông báo khẩn cấp.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 55.480 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 270 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.575.757 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.301.786 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.