Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 13.657.893 ca, trong đó có 585.536 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 7.973.7 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 59.504 ca và 5.098.670 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 15/7, thế giới có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 74 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Mỹ (64.060 ca), Brazil (35.544 ca) và Ấn Độ (32,2); trong khi các nước Brazil (1.104 ca), Mỹ (840 ca), Mexico (836 ca) và Ấn Độ (614 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Nam Phi cũng ghi nhận ngày kỷ lục về số ca mắc COVID-19.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.
Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong khi Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19. Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico, Colombia... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới.
Mỹ có thêm một kỷ lục buồn khi ghi nhận ngày có số ca mắc bệnh trên 60.000 ca thứ 8 liên tiếp. Giới chuyên gia dự báo tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn chưa phải là "thời điểm tồi tệ nhất".
Với trên 3.130.000 ca nhiễm, châu Á là khu vực đứng thứ hai thế giới, sau khu vực Bắc Mỹ với 4.219.000 ca.
Mô hình dự báo mới nhất được công bố ngày 15/7 cho biết số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại Mỹ sẽ tăng hơn nữa ngay cả khi một nhóm nghiên cứu cho rằng việc sử dụng khẩu trang che mặt có thể cứu khoảng 40.000 người từ nay cho tới tháng 11.
Theo số liệu trung bình của các mô hình dự báo của 23 nhóm nghiên cứu tại Mỹ và ở các nơi khác, tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 là 136.000 người tính tới ngày 15/7, song con số trên có thể lên tới 151.000 người tính tới ngày 1/8 và 157.000 người tính tới ngày 8/8, cao hơn so với con số dự báo tuần trước là 147.000 vào ngày 1/8.
Trong khi đó mô hình IHME của Đại học Washington dự đoán sẽ có khoảng 224.000 người chết tính tới ngày 1/11. Con số trên theo mô hình dự đoán độc lập của Youyang Gu, New York là 227.000 người vào cùng thời gian. Tuy nhiên, theo dự đoán, nếu 95% người dân Mỹ đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, số người chết vì dịch sẽ giảm hơn 40.000 ca.
Theo Giáo sư Nicholas Reich, 3 bang đông dân nhất nước Mỹ là California, Florida và Texas trong 4 tuần tới sẽ có số ca tử vong nhiều hơn 1.000 người so với 4 tuần trước đó. Các số liệu trên do phòng thí nghiệm Reich của Đại học Massachusetts Amherst, thay mặt cho Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), công bố vào ngày 14/7.
Cùng ngày tại Mexico, Bộ Y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận thêm 7.051 ca nhiễm mới và 836 ca tử vong. Cả hai con số này đều nằm trong những mức cao nhất nước này từng ghi nhận.
Việc các ca nhiễm mới và tử vong đều có xu hướng gia tăng sau khi Mexico từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch đã buộc chính phủ nước này phải cân nhắc các bước đi tiếp theo một cách thận trọng.
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo cao nhất về nguy cơ lây lan dịch sau khi số ca nhiễm COVID-19 gia tăng.
Thị trưởng Yuriko Koike nhấn mạnh số ca nhiễm gia tăng rõ ràng là "dấu hiệu nguy hiểm", tình hình lây nhiễm đang ở cấp độ 4 trong thang cảnh báo 4 cấp độ, đồng nghĩa dịch bệnh có thể lan rộng.
Số người trẻ tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng tại Tokyo, với các ca nhiễm được ghi nhận tại các khu vui chơi giải trí vào ban đêm, tại nơi làm việc hoặc trong gia đình. Tuy nhiên, cảnh báo ở cấp độ cao nhất này không có nghĩa là chính quyền thành phố sẽ yêu cầu đóng cửa các hoạt động kinh doanh hoặc hoãn tổ chức các sự kiện.
Trong ngày 15/7, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong đó có việc đóng cửa nhiều công ty và yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng.
Giới chức y tế Hong Kong thừa nhận tình hình "rất đáng lo ngại", với hơn 70% số ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa rõ nguồn gốc.
Trong ngày 15/7, chính quyền đặc khu ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới, trong đó có 14 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Cùng ngày, chính quyền nhiều bang tại Ấn Độ cũng quyết định tái áp đặt phong tỏa do tổng số ca nhiễm lên tới gần 1 triệu ca.
Bang Bangalore, trung tâm công nghệ miền Nam Ấn Độ, áp đặt biện pháp phong tỏa trong 1 tuần từ ngày 15/7, trong khi bang miền Đông Bihar áp đặt phong tỏa trở lại trong 2 tuần.
Theo số liệu cập nhật ngày 15/7 của Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ, số ca nhiễm tại nước này trong ngày tăng cao nhất tính từ đầu dịch đến nay. Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ thông báo thêm 614 ca tử vong, đưa tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 24.929 ca.
Tại châu Âu, diễn biến dịch có phần thuyên giảm và nhiều hoạt động vui chơi giải trí đã bắt đầu được mở cửa trở lại. Châu lục này hiện ghi nhận tổng cộng 2.609.292 ca nhiễm, trong đó có 197.517 ca tử vong.
Tại Pháp, công viên Disneyland ở thủ đô Paris cũng đã mở cửa trở lại để đón du khách sau 4 tháng đóng cửa, nhưng đi kèm các quy định phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt. Theo đó, khách du lịch khi vào công viên cần phải đeo khẩu trang và đăng ký từ trước.
Số lượng người vào công viên cũng bị hạn chế và giữ khoảng cách 1 mét. Hàng trăm lọ dung dịch sát trùng tay và các điểm rửa tay được đặt rải rác trong công viên. Tuy nhiên, công viên không bán vé như thường lệ ở lối vào, sân chơi và các cửa hàng trang điểm trong công viên cũng vẫn đóng cửa.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Áo cho biết nước này sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại đối với vùng Lombardy, khu vực từng là tâm dịch ở Italy, do số ca mắc mới đã giảm. Động thái này sẽ mở đường cho việc nối lại các chuyến bay giữa thủ phủ Milan của vùng Lombardy và thủ đô Vienna của Áo.
Hiện Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Liên minh châu Âu (ECDC) đang tiến hành đánh giá nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong không khí từ các hệ thống thông gió và môi trường công sở.
Trong khi virus SARS-CoV-2 được cho là lây lan chủ yếu qua giọt bắn, thì ECDC từ lâu đã cảnh nguy cơ lây lan trong không khí. Điều này có thể gây thêm rủi ro tại các khu vực có không gian kín, đặc biệt là những nơi có hệ thống lưu thông khí kém. Nguy cơ này sẽ càng tăng lên trong mùa Đông khi người dân dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn.
Người đứng đầu ECDC Andrea Ammon nêu rõ hiện chưa có bằng chứng cho thấy tỷ lệ lây lan cụ thể trong không khí, thay vì từ các giọt bắn, song thừa nhận cả hai nguyên nhân đều có thể dẫn đến lây lan virus.
Thông báo mới nhất cho thấy cam kết của ECDC trong việc ứng phó với nguy cơ lây nhiễm mới trong không khí. Tuần trước, gần 240 nhà khoa học từ 32 quốc gia đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận việc virus SARS-CoV-2 lây truyền qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ trong không khí là yếu tố quan trọng khiến căn bệnh truyền nhiễm này lây lan. WHO sau đó thừa nhận rằng “có bằng chứng mới xuất hiện” về việc virus SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí.
Ngày 15/7, quân đội Nga thông báo thử nghiệm thành công vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 sau các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên một nhóm tình nguyện viên. Thông báo nêu rõ 18 người đã tham gia các cuộc thử nghiệm trên và được cách ly tại bệnh viện quân y Burdenko ở thủ đô Moskva kể từ ngày 18/6.
28 ngày sau khi tiêm vaccine, các dấu hiệu sinh tồn của nhóm tình nguyện viên này vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Tất cả đều không gặp bất kỳ "biến chứng hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng nào".
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh các kết quả thử nghiệm "cho phép chúng tôi tự tin thông báo về tính an toàn và chất lượng khá tốt của vaccine". Bộ trên dự kiến các cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 7 này.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 15/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 3.181 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 5.620 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao. “Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực ASEAN có 6 nước phát sinh các ca mắc COVID-19.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 5.627 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 98 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 198.855. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 115.565 trường hợp.
Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Ngày 15/7, Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi Ronald Lamola tuyên bố sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân không tuân thủ quy định đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng. Đây được xem là biện pháp cứng rắn nhất mà chính phủ Nam Phi áp dụng trong bối cảnh quốc gia châu Phi đang trở thành điểm nóng toàn cầu về dịch COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp liên bộ về biện pháp ứng phó dịch COVID-19 tại thủ đô Pretoria, Bộ trưởng Lamola nhấn mạnh những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy định có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù đến 6 tháng. Trong khi đó, ở mức xử lý nhẹ nhất, hành vi này sẽ bị ghi vào lý lịch tư pháp của người vi phạm như một tiền sự.
Cũng trong ngày 15/7, Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi Bheki Cele cho biết sẽ tăng cường lực lượng cảnh sát thực hiện công tác tuần tra thường xuyên nhằm kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng cũng như các quy định liên quan đến lệnh phong tỏa mà nước này áp dụng từ cuối tháng Ba.
Kể từ khi công bố ca bệnh đầu tiên hôm 5/3, Nam Phi hiện mỗi ngày ghi nhận trung bình hơn 10.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nằm trong số 3 nước có tốc độ lây lan cao nhất thế giới, sau Mỹ và Brazil.
Tính đến hết ngày 15/7, Nam Phi có 311.049 ca mắc COVID-19, đứng trong Top 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.