Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 17.724.949 ca, trong đó có 1.847 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 214 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 11.141.345 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 65.479 ca và 5.901.757 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 31/7, thế giới có 139 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 93 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.
Việt Nam và quần đảo Fiji ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 kể từ khi đại dịch xuất hiện.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Mỹ (62.949 ca), Ấn Độ (57.430 ca) và Brazil (48.696 ca); trong khi đó Mỹ (1.327 ca) và Brazil (1.098 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba.
Nhiều nước đã quyết định lùi thời gian mở cửa nền kinh tế, đồng thời tái áp đặt các biện pháp giãn cách.
Châu Á có một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp phòng dịch do số ca dương tính với virus corona chủng mới này tăng trở lại, Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.
Châu Âu có phần hạ nhiệt hơn sau thời gian làm tâm dịch thế giới, tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Châu Mỹ hiện là điểm nóng nhất của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Mỹ, Brazil, Mexico... Top10 nước có số ca tử vong cao nhất thế giới trong ngày thì châu Mỹ đóng góp tới 6 nước.
Trên thế giới, Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 4.697.934 ca mắc và 156.612 ca tử vong. Dịch bệnh chưa hề cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt tại Mỹ, thay vào đó hiện có xu hướng lan rộng ra nhiều bang.
Thống đốc bang Wisconsin, ông Tony Evers, đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín nơi công cộng, sau khi nhiều bang khác ở Mỹ cũng có quyết định tương tự. Hiện bang Wisconsin đang chứng kiến số ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng, buộc chính quyền bang phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế mới.
Sau Mỹ là Brazil và Ấn Độ. Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố sáng 31/7 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 57.430 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc COVID-19 trong ngày ở nước này tăng trên 50.000 ca. Lệnh cấm bay từ 6 thành phố của Ấn Độ đến sân bay Kolkata thuộc bang Tây Bengal ở miền Đông nước này đã được tiếp tục gia hạn lần thứ hai đến ngày 15/8.
Tại châu Âu, tình hình dịch diễn biến phức tạp đã buộc nhiều nước phải tiếp tục siết chặt các hạn chế. Ngày 31/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo hoãn việc nới lỏng phong tỏa vùng England trong ít nhất hai tuần, mà theo kế hoạch ban đầu sẽ diễn ra ngày 1/8 tới.
Ở Pháp, một số thành phố như Orleans, Saint-Malo và Bayonne cũng đã ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng. Các thành phố Amsterdam và Rotterdam ở Hà Lan cũng yêu cầu người dân từ ngày 5/8 phải đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người, bao gồm cả phố đèn đỏ nổi tiếng ở thủ đô Amsterdam.
Những người không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt. Trong khi đó, giới chức Đan Mạch cũng khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Hà Lan cùng các nước Bắc Âu vốn không ủng hộ việc đeo khẩu trang, trong khi nhiều quốc gia châu Âu đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn về việc đeo khẩu trang.
Tại Đức, số ca mắc COVID-19 gia tăng đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai do người đi du lịch trở về từ những nước có tình hình dịch phức tạp như Tây Ban Nha.
Trước tình hình này, ngày 31/7, Viện nghiên cứu Robert Koch (RKI) của Đức đã đưa các vùng Catalonia, Aragon và Navarre ở miền Bắc Tây Ban Nha vào danh sách những nơi có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19.
Những người trở về từ những khu vực có nguy cơ cao sẽ phải tiến hành xét nghiệm tại sân bay, hoặc thực hiện cách ly trong 2 tuần nếu không có giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 được cấp trong 48 giờ qua.
Trong khi đó, sau gần 3 tuần nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa, ngày 30/7, Iceland đã phải áp đặt lại các biện pháp sau khi số ca mắc COVID-19 tăng. Theo đó, chính quyền đã giảm số người được phép tụ tập từ 500 xuống còn 100 người - giống quy định được áp đặt lần đầu tiên vào tháng 3 vừa qua khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, tái áp đặt quy định cách nhau 2 mét, và lần đầu tiên yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, các chuyến bay nội địa, chuyến phà, các tiệm làm tóc.
Tất cả những người nhập cảnh đều phải xét nghiệm để không phải cách ly, song du khách đến đây trên 10 ngày phải tiến hành xét nghiệm lần 2, sau khi đến từ 4-6 ngày. Các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ trưa 31/7 và kéo dài trong ít nhất 2 tuần.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 31/7 thông báo họ đã hoàn tất các cuộc đàm phán với nhà sản xuất dược phẩm Sanofi của Pháp nhằm bảo đảm cung cấp vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Thông cáo của EC cho biết hợp đồng dự kiến với Sanofi sẽ đưa ra một sự lựa chọn cho tất cả các quốc gia thành viên EU trong việc mua vaccine.
Dự tính rằng, một khi có vaccine được khẳng định là an toàn và hiệu quả trong việc ngừa COVID-19, ủy ban sẽ xây dựng một khung hợp đồng để mua 300 triệu liều. Sanofi đang tham gia vào hai dự án vaccine, trong đó có một dự án hợp tác với GlaxoSmithKline.
Tại châu Á, thủ đô Tokyo của Nhật Bản có thể sẽ phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp nếu tình hình các ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng.
Trong ngày 31/7, thành phố này có 463 ca mới - mức cao nhất kể từ khi bùng dịch, đưa tổng số ca nhiễm tại đây lên hơn 12.000 ca, hơn một nửa trong số đó được ghi nhận trong tháng 7. Hiện Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 33.049 ca mắc COVID-19 và 1.004 ca tử vong.
Trong khi đó, ngày 31/7, Trung Quốc đại lục phát hiện thêm 127 ca mắc COVID-19, trong đó có 123 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh lên 84.292 ca. Số ca tử vong giữ nguyên ở mức 4.634 ca.
Ở Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc), số ca mắc COVID-19 tăng cao đã buộc chính quyền đặc khu phải hoãn cuộc bầu cử hội đồng lập pháp địa phương được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 9.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc COVID-19 ở nước này tính tới 0h ngày 31/7 đã quay trở lại ngưỡng trên 30 ca/ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.305 ca, tăng 36 ca so với số liệu của ngày 30/7.
Số ca tử vong không tăng, ở mức 301 ca. Trong khi đó, Triều Tiên đã dựng thêm nhiều chốt kiểm soát tại các lối vào thủ đô Bình Nhưỡng nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, sau khi một người đào tẩu sang Hàn Quốc có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đã vượt ranh giới phân cách hai miền Triều Tiên để trở về nhà.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 31/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 6.554 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 7.370 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 4 hai quốc gia ghi nhận ca tử vong. Ngoài Indonesia và Philippines, Malaysia đã ghi nhận ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) sau hơn 1 tháng bình yên, trong khi Việt Nam ghi nhận 2 ca tử vong đầu tiên, đều là những bệnh nhân cao tuổi, sức khỏe yếu và có nhiều bệnh nền.
Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong tiếp tục xu thế tăng cao, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. “Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch.
Philippines dịch bệnh đang quay trở lại trong mấy ngày qua, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày. Ngày 30/7, nước này ghi nhận tới 4.063 ca mắc mới, cao nhất kể từ đầu dịch tới nay, và 40 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 7.375 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 116 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 267.539 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 190.175 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch đợt mới. Một số nước ASEAN đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Bộ Y tế Philippines ngày 31/7 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 4.063 ca mắc COVID-19 và 40 ca tử vong.
Đây là ngày thứ 2 liên tiếp quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc bệnh trong ngày lên mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 không ngừng tăng, cũng trong ngày 31/7, Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch bệnh tại thủ đô Manila cho đến giữa tháng 8.
Ở châu Phi, từ ngày 30/7, thủ đô Gabarone của Botswana áp đặt trở lại lệnh phong tỏa trong 14 ngày. Theo đó, chỉ những người làm công việc thiết yếu mới được phép đến nơi làm việc, và người dân thủ đô Gabarone chỉ được ra khỏi nhà để mua thực phẩm.
Mọi hoạt động tập trung đông người sẽ bị cấm, trong khi các khách sạn, nhà hàng, phòng tập gym và trường học phải đóng cửa. Từ ngày 13/7, số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Botswana đã tăng gần gấp đôi lên 140 ca, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên hơn 800 ca, trong đó có 2 ca tử vong.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) ngày 31/7 cảnh báo mặc dù các nỗ lực phát triển vắc-xin đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, nhưng thế giới phải học cách sống chung với COVID-19 và chiến đấu với nó bằng các công cụ mà chúng ta có.
Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã đưa ra cảnh báo trên trong một cuộc họp của ủy ban cấp cao diễn ra 6 tháng sau khi tuyên bố dịch bệnh COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp công cộng.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh "thật đúng đắn khi 6 tháng trước, Ủy ban khẩn cấp ban hành quy định y tế quốc tế (IHR) đề nghị tôi tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp công cộng do quan ngại của cộng đồng quốc tế, có ít hơn 100 trường hợp nhiễm COVID-19 và không có trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc”. Đồng thời, ông cho rằng kể từ khi COVID-19 bắt đầu, nhiều câu hỏi khoa học đã được giải quyết và còn nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời đáp.
Ủy ban khẩn cấp luôn thận trọng trong các tuyên bố của mình và họ đã đánh giá lại tình trạng khẩn cấp của COVID-19 vào hôm 31/7. Trước đại dịch COVID-19, WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp công cộng đối với dịch cúm lợn, bại liệt, Zika và Ebola.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng những kết quả nghiên cứu ban đầu về huyết thanh đang vẽ nên một bức tranh nhất quán về việc hầu hết mọi người trên thế giới vẫn dễ bị nhiễm COVID-19, ngay cả ở các khu vực đã trải qua những đợt bùng phát nghiêm trọng.