Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 122.848.361 ca, trong đó có 2.712.080 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 98.174.432 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 20.887.074 ca và 88.076 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 19/3, thế giới có tới 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 553.885 ca tử vong trong tổng số 30.369.989 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 287.795 ca tử vong trong số 11.787.700 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 159.451 ca tử vong trong số 11.520.2 bệnh nhân.
Tình hình dịch bệnh đã căng thẳng trở lại tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ. Theo giới chức sở tại, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở mức cao nhất trong vòng 3 tháng, do con số cao kỷ lục tại bang miền Tây Maharashtra, nơi chính quyền đã áp dụng các biện pháp mới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Cụ thể, quốc gia Nam Á này đã ghi nhận thêm 39.726 ca nhiễm - mức cao nhất kể từ ngày 30/11/2020, và 154 ca tử vong. Maharashtra, bang có "thủ đô thương mại" Mumbai của Ấn Độ, ghi nhận 25.833 ca nhiễm mới, chiếm 65% số ca nhiễm mới của cả nước trong 24 giờ qua. Thủ đô New Delhi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đều trong 2 tuần qua, khiến chính quyền thành phố phải tăng cường chiến dịch tiêm phòng lên mức 125.000 liều/ngày, so với con số 40.000 liều/ngày hiện tại. Trước tình hình trên, Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi lãnh đạo các bang tăng cường chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc, với mục tiêu đến tháng 8 tới, có 300 triệu người được tiêm chủng.
Ngày 19/3, nhà phát triển vaccine phòng COVID-19 Sputnik V của Nga thông báo đã ký một thỏa thuận hợp tác với một hãng dược của Ấn Độ để sản xuất 200 triệu liều vaccine này.
Cụ thể, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), đơn vị tham gia phát triển Sputnik V, cho biết đã ký hợp đồng đối tác với hãng Stelis Biopharma để sản xuất và cung cấp ít nhất 200 triệu liều vaccine này. Dự kiến, Stelis Biopharma có thể bắt đầu cung cấp vaccine do công ty sản xuất ra thị trường vào nửa cuối năm nay. RDIF cũng cho biết Stelis sẽ làm việc thêm với quỹ này để có thể sản xuất và cung cấp vaccine với quy mô lớn hơn so với thỏa thuận ban đầu. Giám đốc RDIF Kirill Dmitriev nhận định việc Stelis tham gia sản xuất một số lượng lớn vaccine sẽ giúp mở rộng cơ hội tiếp cận vaccine trên toàn cầu.
RDIF cho biết tới nay đã có 52 quốc gia trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V. Vaccine này được đăng ký tại Nga từ tháng 8/2020 trước khi được đưa vào thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine lên tới 90% đã được tạp chí y dược hàng đầu The Lancet công nhận và đăng tải.
Hiện giới chức Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang xem xét cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V. Một số quốc gia thành viên, đi đầu là Hungary, đã cấp phép sử dụng vaccine của Nga. Mới nhất, ngày 19/3, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn khẳng định sẽ ủng hộ việc ký một thỏa thuận riêng với đối tác Nga về việc cung cấp vaccine Sputnik V, nếu không có một thỏa thuận ở cấp độ EU. Ông cũng tin tưởng hai bên sẽ đàm phán suôn sẻ và nhanh chóng đạt thỏa thuận nhanh chóng. Quan chức này đồng thời cho biết Berlin vẫn liên lạc chặt chẽ với Moskva để làm rõ những thông tin liên quan vaccine Sputnik V.
Tại châu Âu, Hungary thông báo ghi nhận số ca mắc mới và tử vong ở mức cao chưa từng thấy, với 10.759 ca mắc mới và 213 ca tử vong. Tuy nhiên, trước việc có thêm 1 triệu người dân được tiêm phòng, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố Hungary có thể khởi động giai đoạn đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan dịch COVID-19. Theo ông, Hungary có khả năng sẽ ngừng áp đặt hạn chế vào mùa Hè này, khi các bệnh viện đủ sức ứng phó với làn sóng lây nhiễm.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Hà Lan cũng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 1 vừa qua. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Hà Lan ghi nhận thêm khoảng 7.400 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 1,1 triệu.
Với hơn 25.000 ca mắc mới COVID-19, tổng số ca bệnh tại Ba Lan đã vượt 2 triệu người. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, quốc gia với triệu dân này đã ghi nhận 2.010.244 ca mắc, trong đó có 48.807 người không qua khỏi. Số ca mắc COVID-19 tại Ba Lan đã vượt 1 triệu người kể từ đầu tháng 12/2020 khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 dịch COVID-19 chậm lại, song đã phải đối mặt với số ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian gần đây do sự xuất hiện của các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Bộ Y tế Kazakhstan thông báo đã phát hiện tình trạng lây lan COVID-19 tại Almaty - thành phố lớn nhất nước này, khả năng do biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra. Bộ trên cho biết cơ quan chức năng sẽ cần phân tích trình tự gene đầy đủ để xem liệu đây là biến thể của virus có nguồn gốc từ Anh, Nam Phi hay Brazil. Tuy nhiên, Bộ Y tế Kazakhstan không nêu rõ đã phát hiện bao nhiêu ca mắc tại thành phố Almaty. Đến nay, quốc gia Trung Á này xác nhận tổng cộng khoảng 280.000 ca mắc, trong đó có 3.550 ca không qua khỏi.
Giới chức Đức nhận định số ca mắc mới tại nước này đang gia tăng theo cấp số nhân, đồng thời cảnh báo khả năng phải tái siết chặt các biện pháp phong tỏa hiện hành. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết tốc độ lây nhiễm đang ngày càng gia tăng và với biến thể phát hiện ở Anh đang lây lan mạnh, Đức sẽ phải đối mặt với "những tuần khó khăn phía trước".
Theo RKI, tình hình nhiều khả năng sẽ tồi tệ hơn vào dịp Lễ Phục sinh so với thời điểm trước Giáng sinh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn cảnh báo có thể ngừng nới lỏng những hạn chế trong lệnh phong tỏa hiện nay, thậm chí cần siết chặt hơn trong bối cảnh số ca lây nhiễm mới đang ngày càng tăng mạnh.
Trong khi đó, Iceland trở thành quốc gia đầu tiên trong khối Schengen đón du khách quốc tế, khi một chuyến bay, chở 150 hành khách quốc tế xuất phát từ Frankfurt (Đức), đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Keflavik của nước này. Chuyến bay chủ yếu mang tính biểu tượng, phản ánh quyết tâm của Iceland nhằm giải cứu ngành du lịch trong nước, vốn đang phải vật lộn với những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Nằm trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, Iceland đã mở cửa cho hành khách đến từ các nước trong khu vực Schengen kể từ cuối tháng 1 nếu họ chứng minh được đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Và đến nay, Iceland đã chào đón tất cả người nước ngoài, không chỉ những hành khách trong khối Schengen, với điều kiện họ xuất trình được giấy chứng nhận tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc chứng nhận rằng hơn 14 ngày trước khi nhập cảnh họ đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Liên quan đến vấn đề vaccine, số liệu tổng hợp của hãng tin AFP cho thấy đã có hơn 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được phân phối trên khắp thế giới. Con số này cho thấy chiến dịch tiêm chủng vaccine đã được đẩy nhanh tại các nước trong thời gian gần đây. Cụ thể, đã có 100 triệu liều vaccine được sử dụng tiêm chủng trong 11 ngày gần đây nhất, nhanh gấp 6 lần so với 100 liều vaccine đầu tiên.
Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) Emer Cooke khẳng định vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) là chế phẩm "an toàn, hiệu quả" và không gây ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng, qua đó xóa tan nghi ngại về những tác dụng phụ của chế phẩm này. Để đi đến kết luận trên, EMA đã điều tra từng trường hợp, tham vấn các nhà khoa học tại 27 quốc gia thành viên EU.
Trong tổng số 5 triệu người châu Âu đã được tiêm chủng vaccine của AstraZeneca, có 30 người xuất hiện triệu chứng máu vón cục. EMA khẳng định, đối với cả 30 trường hợp này, cục máu đông hình thành không liên quan đến việc vừa tiêm chủng vaccine trước đó.
Ngay sau thông báo trên của EMA, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Đức, Pháp, Italy, CH Cyprus, Latvia và Litva, Indonesia đã nối lại việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca sau khi các cơ quan quản lý của Anh và châu Âu khẳng định tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 15.134 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 56.828 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan và Campuchia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước. Dù vậy, trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là một trong những quốc gia có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất châu Á.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày vượt qua Indonesia và nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong lại giảm mạnh so với các ngày trước.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Timor Leste chứng kiến số ca mắc bệnh tăng vọt.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu về dịch COVID-19.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 19/3 ghi nhận thêm tới 100 ca bệnh mới và 1 ca tử vong.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 37 bệnh nhân mới trong ngày 19/3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều tỉnh thành, đồng thời ra thông báo khẩn cấp. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 56.828 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 212 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.662.866 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.377.007 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.
Tại châu Phi, gần 7 triệu liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên. Trong tuyên bố đưa ra ngày 18/3, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti, cho biết chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại châu lục này đang đạt được tiến bộ nhất định trong bối cảnh các nước đang nỗ lực làm phẳng đường cong dịch bệnh và nhanh chóng mở cửa trở lại các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.
Bà đánh giá mặc dù châu Phi nhận được vaccine ngừa COVID-19 muộn và với số lượng hạn chế, nhưng nhiều cơ sở y tế đã đảm bảo công tác tiêm chủng trong khoảng thời gian ngắn. Theo quan chức WHO, điều này có được là do các nước có nhiều kinh nghiệm thực hiện những chiến dịch tiêm chủng hàng loạt và quyết tâm của các nhà lãnh đạo cũng như người dân trong việc ngăn chặn COVID-19 một cách hiệu quả.
Thống kê của WHO cho biết đến nay, mới chỉ có quốc gia châu Phi nhận được hơn 25 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua cơ chế phân phối COVAX và 30 nước trong số đó đã bắt đầu tiêm chủng hàng loạt. Ghana đã tiêm 420.000 liều, tương đương mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số tại "điểm nóng" dịch bệnh. Maroc đã tiêm hơn 5,6 triệu liều vaccine chỉ trong 7 tuần, trong khi tại Angola, hơn 49.000 người đã được chủng ngừa, bao gồm 28.000 nhân viên y tế, trong tuần qua.