Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 44.4.294 ca, trong đó có 1.177.562 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 32.633.102 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 81.033 ca và 10.873.630 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 28/10, thế giới có tới 125 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 88 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.
Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (63.053 ca), Ấn Độ (49.912 ca), Pháp (36.437 ca), Brazil (27.367 ca) và Italy-Anh (cùng trên 24.500 ca); trong khi đó Mỹ (với 834 ca), Mexico (643 ca), Ấn Độ (509 ca) và Brazil-Iran (cùng trên 400 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 9.101.346 ca nhiễm và 232.919 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với trên 8 triệu ca nhiễm và 120.563 ca tử vong, và Brazil với trên 5,4 triệu ca nhiễm và 158.456 ca tử vong.
Trong khi đó, tại điểm nóng dịch bệnh châu Âu, nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới theo ngày tăng vọt. Trước làn sóng dịch mới, hàng loạt quốc gia tại châu Âu đã quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa.
Trong 24 giờ qua, Anh đã ghi nhận thêm 367 ca tử vong, con số cao nhất trong một ngày tại nước này kể từ tháng 5 vừa qua, nâng tổng số ca tử vong lên 45.365 ca. Anh cũng có thêm 22.885 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 917.575 người.
Nga ghi nhận thêm 16.202 ca nhiễm mới và 346 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong do COVID-19 cao nhất nước này trong vòng một ngày. Tính đến nay, Nga có tổng cộng 1.563.976 ca mắc, trong đó có 26.935 ca tử vong, trở thành nước đứng thứ 4 thế giới về số ca nhiễm, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Thủ đô Moskva của Nga quyết định gia hạn quy định làm việc tại nhà đối với các doanh nghiệp đến ngày 29/11 tới và các trường trung học cũng tiếp tục triển khai hình thức học trực tuyến đến ngày 8/11.
Tại Italy, đánh giá về khả năng tái phong tỏa một số khu vực, thành phố tại Italy, cố vấn của Bộ trưởng Y tế Italy, ông Walter Ricciardi ngày 28/10 cho rằng, một số khu vực lãnh thổ, thành phố tại Italy hiện nay, tình trạng lây nhiễm đang diễn ra theo cấp số nhân và việc áp dụng các biện pháp mới nhất như hiện nay không đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm, đặc biệt là các khu vực mà vi rút đang lưu hành nhiều nhất hiện nay.
Cố vấn Ricciardi cho biết, tại Milan và Napoli, việc phong tỏa hai thành phố này là điều cần thiết. Ông nói: “Việc lây nhiễm rất dễ xảy ra khi tiếp xúc gần giữa người dân vì vi rút lưu hành rất nhiều, thậm chí người dân có thể bị lây nhiễm khi vào quán bar, nhà hàng hoặc đi xe buýt”. Ông Ricciardi cũng cho rằng, tại hai thành phố Milan và Napoli, việc đóng cửa các nhà hát, rạp chiếu phim là điều cần thiết, bởi nguy cơ lây nhiễm tại hai thành phố này rất cao và bất kỳ ai cũng có nguy cơ mang vi rút vào trong các không gian khép kín, làm tăng khả năng lây nhiễm.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Y tế Italy công bố, số ca nhiễm mới tại nước này trong ngày 28/10 tiếp tục tăng lên mức kỷ lục mới với 24.991 ca nhiễm được ghi nhận (số ca nhiễm mới cao nhất trước đó được ghi nhận ngày 27/10 với 21.994 ca). Cũng trong ngày 28/10, tại Italy có 205 người tử vong, 125 ca phải chăm sóc đặc biệt, nâng tổng số ca phải chăm sóc đặc biệt lên 1.536 ca.
Ngày 28/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế sự gia tăng ở mức đáng lo ngại của dịch bệnh nguy hiểm này.
Các biện pháp mới bao gồm quy định chỉ cho phép gặp gỡ ở nơi công cộng tối đa 10 người từ một hoặc hai hộ gia đình; các nhà hàng phục vụ ăn, uống, các quán bar, quán rượu, câu lạc bộ và các khu trung tâm vui chơi giải trí, thể thao trong nhà và ngoài trời sẽ tạm thời đóng cửa. Thủ tướng Merkel cũng cho biết bà và thủ hiến các bang cũng nhất trí tiếp tục duy trì hoạt động các trường học và nhà trẻ; các cửa hàng bán buôn và bán lẻ vẫn tiếp tục mở cửa, song phải đảm bảo các quy định về vệ sinh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách cũng như đảm bảo có không quá một khách hàng/10 m2...
Các quy định này được áp dụng đồng bộ ở khắp 16 bang cả nước. Thủ tướng Merkel cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong và ngoài nước nếu không thực sự cần thiết, đồng thời cho biết những hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Trước đó, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cùng ngày cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận gần 15.000 ca nhiễm mới/ngày, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát hồi tháng 3 vừa qua. Bên cạnh đó, các số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy hiện Đức chỉ còn trống khoảng 25% số giường bệnh chăm sóc đặc biệt.
Tại Paris, ngày 28/10, Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ 30/10 đến 1/12.
Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Macron cho biết người dân có thể đi làm, đi khám bệnh, giúp đỡ người thân, đi chợ và tập thể dục gần nhà, với giấy chứng nhận tự khai như đợt phong tỏa vào mùa xuân. Tuy nhiên, các cơ quan dịch vụ công, các doanh nghiệp cũng như các trường học từ nhà trẻ đến trung họ phổ thông vẫn tiếp tục hoạt động, các nhà dưỡng lão vẫn mở cửa đón khách đến thăm.
Ngược lại, các trường đại học duy trì các khóa học trực tuyến, các công ty khuyến khích làm việc từ xa. Nhà hàng và quán bar phải đóng cửa. Người lao động không thể làm việc sẽ tiếp tục hưởng lợi từ bảo hiểm thất nghiệp một phần.
Tương tự, Ukraine thông báo có thêm 165 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong do COVID-19 tính theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 6.755 ca trong tổng số 363.075 ca mắc COVID-19.
Trong khi đó, Séc ghi nhận thêm 15.663 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, số ca nhiễm trong ngày cao nhất, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 284.033 ca trong đó có 2.547 ca tử vong. Séc là một trong số những nước có tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhanh nhất ở châu Âu.
Ba Lan thông báo số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 18.820 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 299.049 ca, trong đó có 4.849 ca tử vong (thêm 236 ca tử vong mới). Còn Tây Ban Nha ghi nhận số ca tử vong mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay, với 267 ca, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 35.298 ca trong tổng số 1.116.7 ca nhiễm (trong đó có 18.418 ca nhiễm mới).
Ngoài ra, Bỉ, Hungary, Thụy Điển cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong mới. Bên cạnh đó, nhiều quan chức ở các nước cũng đã mắc bệnh hoặc phải cách ly do tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19.
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải ứng phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả hơn thông qua các chính sách về xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, bào chế vaccine và cách ly.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã đề xuất một loạt biện pháp mới trong nỗ lực ứng phó với đại dịch. EC cho rằng chính phủ các nước thành viên EU cần phối hợp trong việc triển khai các chiến lược xét nghiệm, cũng như tận dụng các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên, cho dù nguồn cung toàn cầu cho các bộ kit xét nghiệm đang được siết chặt.
EC cũng cảnh báo cần sớm có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lực xét nghiệm. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết Brussels đã quyết định dành 100 triệu euro (118 triệu USD) để mua các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, nhấn mạnh đây là công cụ quan trọng trong nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Về vấn đề vaccine, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) ngày cho biết LB Nga đã nộp đơn lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xin cấp phép trước đối với vaccine Sputnik V của nước này. Nếu được WHO cấp phép trước, vaccine Sputnik V của Nga sẽ được đưa vào danh sách dược phẩm được các cơ quan quản lý thu mua trên thế giới và các chính phủ sử dụng để hướng dẫn mua với số lượng lớn.
Tại khu vực châu Á, Hàn Quốc, do lo ngại dịch COVID-19 có thể lây lan mạnh trở lại trong dịp lễ Halloween sắp tới, chính quyền thành phố Seoul bắt đầu tiến hành rà soát đặc biệt 153 cơ sở giải trí, như vũ trường, trên địa bàn thành phố từ ngày 28/10-3/11.
Hầu hết câu lạc bộ đêm nổi tiếng ở các quận Itaewon, Hongdae và Gangnam của thủ đô Seoul đã dán thông báo đóng cửa vào cuối tuần này. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) cho biết nước này ghi nhận thêm 103 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 26.146, trong đó 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Các ca nhiễm trong cộng đồng tập trung chủ yếu ở khu vực Seoul và vùng phụ cận, trong khi các ổ dịch quy mô nhỏ vẫn phát sinh rải rác ở các địa phương trên cả nước.
Tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Trưởng đặc khu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết từ tháng 11 tới, người dân của đặc khu này trở về từ Trung Quốc đại lục được miễn cách ly 14 ngày.
Ngoài ra, sau khi cân nhắc nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và tình hình kinh tế, chính quyền đặc khu đã quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, các nhà hàng sẽ được mở cửa đến 1h59 sáng, số lượng thực khách tại mỗi bàn được tăng 4-6 người, khách mỗi bàn ở các quán bar/pub nâng lên tối đa 4 người.
Các hoạt động biểu diễn văn nghệ và khiêu vũ cũng được phép tổ chức tại các nhà hàng với các quy định phòng chống lây nhiễm. Công viên, bể bơi được tăng số lượng khách lên đến 75% sức chứa của cơ sở.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.312 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 22.260 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận 1.240 ca bệnh phát sinh và 7 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.406 ca bệnh mới và 25 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 22.269 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 194 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 917.587 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 765.602 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 28/10.