Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 85.000 ca), Đức (55.880 ca) và Pháp (47.177 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.229 ca), Mỹ (1.180 ca) và Ukraine (561 ca).
Như vậy, Mỹ và châu Âu là những khu vực ghi nhận ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất trong 24 giờ qua. Tình hình dịch bệnh thế giới thêm phức tạp khi biến thể Omicron xuất hiện.
Trong bối cảnh các nước áp đặt biện pháp hạn chế nhập cảnh đề phòng biến thể Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/11 cho rằng các lệnh cấm đi lại đại trà sẽ không ngăn được biến thể Omicron lây lan, đồng thời kêu gọi các nước bình tĩnh và áp dụng các biện pháp "hợp lý" để chống lại biến thể này.
Trong thông điệp gửi tới các nước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên WHO áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro tương xứng, hợp lý. Phản ứng toàn cầu phải bình tĩnh, phối hợp và chặt chẽ". Ông Ghebreyesus bày tỏ thấu hiểu khi các nước muốn bảo vệ công dân của mình "trước một biến thể mà chúng ta chưa hiểu đầy đủ về nó", song cho biết WHO lo ngại việc phong tỏa đi lại có thể không công bằng và cản trở nỗ lực giám sát tình hình y tế toàn cầu.
Châu Âu
Tây Ban Nha ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron
Tây Ban Nha cho biết nước này đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới Omicron. Ca bệnh là nam giới vừa trở về Tây Ban Nha từ Nam Phi quá cảnh Amsterdam (Hà Lan). Trong một tuyên bố, chính quyền khu vực Madrid cho biết ca bệnh trên, 51 tuổi, được tiến hành xét nghiệm ngay khi đến sân bay Madrid vào ngày 28/11 và có kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và đang thực hiện cách ly.
Tây Ban Nha đưa ra thông báo trên sau khi chính phủ nước này áp đặt các biện pháp mới nhằm ngăn chặn biến thể Omicron lây lan. Theo đó, Tây Ban Nha thắt chặt kiểm tra dịch tễ đối với người nhập cảnh từ Anh, nước đã ghi nhận nhiều ca nhiễm biến thể Omicron. Trước khi nhập cảnh Tây Ban Nha, những người đến từ Anh cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cũng như kết quả xét nghiệm âm tính.
Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha, nước này ghi nhận 10.261 ca nhiễm mới và 44 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Hiện tổng số ca bệnh tại Tây Ban Nha đã tăng lên trên 5,1 triệu ca, trong đó 88.052 người không qua khỏi.
Anh đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch, sẵn sàng ứng phó với biến thể Omicron
Từ sáng 30/11, người dân Anh phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng hay khi đến các cửa hàng, ngân hàng và tiệm làm tóc theo quy định bắt buộc mà chính quyền địa phương ban hành để phòng ngừa nguy cơ lây lan của biến thể Omicron.
Ngoài quy định trên, Anh cũng yêu cầu tất cả du khách quốc tế phải tiến hành xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ 2 sau khi tới và tự cách ly cho đến có kết quả xét nghiệm. Đây là quy định bổ sung cùng với quy định bắt buộc cách ly đối với người đến từ 10 nước phía Nam châu Phi.
Anh đến nay đã ghi nhận 11 ca nhiễm Omircron và dự báo con số này sẽ còn tăng. Do đó, Chính phủ Anh nhanh chóng đưa ra các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cho đến khi giới khoa học có thể xác định thêm về khả năng lây nhiễm của biến thể này.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng việc Anh đưa ra các biện pháp phòng dịch mới ở thời điểm hiện tại là cần thiết và thể hiện trách nhiệm. Nhờ đó, Anh sẽ có thêm thời gian chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với Omicron và bảo vệ những thành tích chống dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua. Thủ tướng Johnson đang xem xét chương trình tiêm mũi tăng cường mở rộng, coi đây là biện pháp hữu hiệu cho đến thời điểm hiện tại để bảo vệ con người trước nguy cơ của biến thể Omicron.
Ngày 29/11, Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết nước này ghi nhận thêm 2 ca nhiễm biến thể Omicron tại London, nâng tổng số người nhiễm biến thể này lên 11 người. Theo UKHSA, 2 ca bệnh này có yếu tố dịch tễ liên quan đến hoạt động đi lại ở khu vực miền Nam châu Phi. Hai trường hợp này không có mối liên hệ với nhau và cũng không liên quan đến các ca bệnh phát hiện trước đó.
Số ca phải nhập viện theo ngày tại Pháp tăng lên mức cao nhất kể từ mùa Xuân
Pháp đã ghi nhận số ca phải nhập viện theo ngày vì COVID-19 cao nhất kể từ mùa Xuân đến nay.
Theo số liệu của Bộ Y tế Pháp công bố ngày 29/11, hiện tổng số người đang phải điều trị trong bệnh viện là 9.860 bệnh nhân, tăng 470 người, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 29/3. Số ca phải điều trị tích cực tại Pháp cũng tăng thêm 117 ca, lên 1.749 người, mức cao nhất kể từ tháng 3, sau khi số người cần được chăm sóc đặc biệt tăng ở mức hơn 100 người/ngày trong những ngày gần đây.
Tuần trước, giới chức y tế Pháp cho rằng nước này đã bước vào làn sóng dịch bệnh thứ 5 và hiện ghi nhận trung bình gần 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Hy Lạp phạt người trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine
Hy Lạp ngày 30/11 thông báo nước này sẽ có hình thức xử phạt đối với người trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh nước này đang phải ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới.
Theo đó, người trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ bị phạt 100 euro. Biện pháp này sẽ được áp dụng từng tháng, từ ngày 16/1.
Hy lạp đưa ra biện pháp trên trong bối cảnh giới chức y tế thế giới quan ngại về nguy cơ lây lan của biến thể Omicron phát hiện đầu tiên tại Nam Phi mới đây.
Thủ đô Brussels của Bỉ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng tăng cường
Tại Bỉ, thủ đô Brussels bắt đầu chiến dịch tiêm chủng tăng cường trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron.
Bà Inge Neven, phụ trách truyền thông của Ủy ban cộng đồng tiêm chủng của thủ đô Brussels (COCOM) cho biết hiện 50.000 liều vaccine được sẵn sàng cung cấp mỗi tuần cho các trung tâm tiêm chủng ở thủ đô. Số lượng này sẽ tăng lên 60.000 liều trong những tuần tới.
Thành phố tiếp tục áp dụng phương thức không tập trung tiêm chủng tại những trung tâm lớn mà mở lại các trạm tiêm chủng tại các quận, triển khai xe buýt tiêm chủng và tổ chức tiêm tại 19 hiệu thuốc thuộc 19 quận của thủ đô.
Theo bà Neven, cách thức này để người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ và đây là một mạng lưới gần gũi hơn với người dân, theo đó COCOM tiếp tục xây dựng mô hình này với vai trò quan trọng của các quận và quận trưởng.
Ước tính khoảng 200.000 người ở Brussels đủ điều kiện để tiêm mũi vaccine tăng cường, trong đó 40.000 người là nhân viên điều dưỡng và người sống trong các viện dưỡng lão... Dự kiến, mũi tăng cường sẽ được thực hiện đối với 160.000 người khác từ nay cho đến giữa tháng 1/2022. Cho đến nay, 43% số người trên 65 tuổi ở Brussels đã được tiêm mũi vaccine thứ 3.
Châu Á
Hàn Quốc phát hiện ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron
Ngày 30/11, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết đã phát hiện ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron ở nước này trong bối cảnh Hàn Quốc siết chặt các hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể mới xâm nhập vào nước này.
Giới chức y tế Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm giải trình tự gene đối với một cặp đôi mới tới Hàn Quốc từ Nigeria và cho xét nghiệm dương tính. Kết quả xét nghiệm sẽ được thông báo vào chiều 1/12.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc(KDCA), hai người này vốn đã hoàn thành tiêm chủng, tới Nigeria từ ngày 14-23/11 và có xét nghiệm dương tính vào ngày 25/11. Các xét nghiệm đang được thực hiện để xác định liệu 2 người này có nhiễm biến thể Omicron hay không.
Ngay sau khi có thông tin về ca đầu tiên nghi nhiễm biến thể Omicron, Thủ tướng Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm soát nhập cảnh chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.
Người phát ngôn của Tổng thống Moon Jae-in, Park Kyung-mee cho biết nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng chỉ thị cho các cơ quan chức năng nhanh chóng phát triển bộ kít xét nghiệm biến thể Omicron và đưa ra chiến lược mới kiểm soát biến thể mới này.
Từ ngày 28/11, Hàn Quốc đã hạn chế cấp thị thực và hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ 8 nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập vào nước này. Hàn Quốc đã cùng với một loạt nước áp đặt lệnh cấm đi lại tới khu vực này.
Nhật Bản ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron
Ngày 30/11, một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Hãng Kyodo dẫn nguồn thạo tin cho biết một nhà ngoại giao Namibia khoảng 30 tuổi được phát hiện nhiễm biến thể Omicron sau khi ncó kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 khi tới sân bay Narita (Tokyo) hôm 28/11 vừa qua.
Trước đó, tối 29/11, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này đã chính thức áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh để phòng ngừa sự xâm nhập của biến thế Omicron, hiện đang có nguy cơ làm bùng phát một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới nghiêm trọng hơn.
Thông báo trên đề cập đến quy định mới nhất của Chính phủ Nhật Bản là dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài từ 0h ngày 30/11. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với người đã xuất phát từ sân bay nước ngoài trước thời điểm trên để đến Nhật Bản.
Bên cạnh đó, cũng từ 0h ngày 30/11, Nhật Bản sẽ ngừng nhận đơn xem xét áp dụng các biện pháp nới lỏng hạn chế hành vi đối với những người đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đồng thời những người nhập cảnh vào Nhật Bản sau thời điểm 0h ngày 1/12 sẽ không còn thuộc diện nới lỏng hạn chế hành vi. Điều này có nghĩa là kể từ thời điểm trên, người về nước hoặc tái nhập cảnh vào Nhật Bản dù đã có chứng nhận tiêm chủng vaccine và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng sẽ không còn được hưởng các cơ chế ưu tiên như cách ly bắt buộc 3 ngày hoặc giảm thời gian tự cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, vốn được áp dụng từ ngày 8/11 vừa qua.
Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ tăng cường các biện pháp theo dõi, giám sát những người vừa trở về từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được xác định đã xuất hiện biến thể Omicron. Các chuyến bay đến Nhật Bản từ sau thời điểm 0h ngày 1/12 sẽ được xem xét đối với từng trường hợp đã đặt chỗ nhưng dừng hoàn toàn việc đặt chỗ mới.
Ấn Độ lo Omicron làm bùng lại dịch
Ít nhất 1.000 du khách từ các quốc gia châu Phi đã đến thành phố Mumbai. Châu Phi là nơi phát hiện biến thể Omicron làm dấy lên lo ngại bùng phát dịch COVID-19 trở lại tại Ấn Độ.
Quan chức phụ trách y tế địa phương cho biết nhà chức trách sân bay thông báo khoảng 1.000 du khách từ các nước châu Phi đã hạ cánh xuống thành phố Mumbai trong hai tuần qua. Giới chức y tế Ấn Độ đã thu thập mẫu bệnh phẩm của những hành khách này để kiểm tra và sẽ sớm có kết quả cụ thể.
Trong bối cảnh nguy cơ xuất hiện biến thể Omicron ngày càng gia tăng, tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế lớn của Ấn Độ đang đẩy mạnh chuẩn bị các biện pháp ứng phó, trong đó có hệ thống cung cấp oxy, dự trữ đủ thuốc và bổ sung nhân lực.
Trước đó, ngày 29/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Omicron có khả năng lây lan trên toàn thế giới, gây ra nguy cơ toàn cầu ở mức "rất cao", có thể gây ra những hậu quả nặng nề ở những khu vực dịch bệnh lây lan mạnh.
Australia lo ngại xuất hiện ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng
Tại Australia, chính quyền sở tại ngày 30/11 cho biết một du khách quốc tế nhiều khả năng nhiễm biến thể Omicron đã có một thời gian dài sống trong cộng đồng khi cơ quan chức năng đang khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và những địa điểm mà người này từng đến.
Giới chức y tế bang New South Wales thông báo xét nghiệm ban đầu "cho thấy rõ ràng" rằng du khách trên đã nhiễm biến thể Omicron. Trong tuần qua, trước khi các biện pháp siết chặt biên giới mới nhất được triển khai, du khách tiêm phòng đầy đủ này đã ghé qua một trung tâm mua sắm sầm uất ở thành phố Sydney tại thời điểm có khả năng lây truyền bệnh. Tất cả các hành khách đi cùng chuyến bay của người này đã được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày, bất kể tình trạng tiêm chủng của họ.
Nếu thông tin trên được xác nhận chính thức, tổng số ca nhiễm biến thể mới Omicron tại Australia sẽ tăng lên thành 6 ca. Hiện tất cả các ca này đều đã được cách ly, không có triệu chứng mắc COVID-19 hoặc triệu chứng nhẹ.
Giới chức sở tại hiện đang tiến hành giải mã khẩn cấp bộ gene của 2 mẫu bệnh phẩm khác nhằm xác định xem liệu các trường hợp này có nhiễm biến thể Omicron hay không.
Châu Mỹ
Peru tăng cường các biện pháp ngừa dịch COVID-19
Chính phủ Peru đã đưa 10 địa phương cấp tỉnh của nước này vào danh sách báo động cao trước mức độ gia tăng của các trường hợp nhiễm COVID-19.
Tại các địa phương này, lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ 23h hôm trước cho đến 4h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 6/12 tới. Chính quyền địa phương cũng buộc giới hạn sức chứa tối đa tại các địa điểm công cộng ở mức dưới 50%, trừ các ngân hàng được cho phép hoạt động ở mức 60%.
Cùng với đó, Chính phủ Peru sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới trên đất liền với Colombia, Brazil và Bolivia, đồng thời duy trì lệnh hạn chế nhập cảnh đối với các du khách từ Nam Phi cho đến ngày 12/12. Peru đã định đình chỉ các chuyến bay từ Nam Phi kể từ tháng 3/2021, sau sự xuất hiện của biến thể Beta của virus SARS-CoV-2 tại quốc gia châu Phi này.
Trước đó, Chính phủ Peru ngày 28/11 đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia để ứng phó với đại dịch COVID-19 cho đến ngày 31/12.
Cuba tăng cường kiểm tra dịch tễ người nhập cảnh từ châu Phi
Từ ngày 4/12 tới, Chính phủ Cuba sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch tễ đối với hành khách đến từ 8 quốc gia châu Phi do lo ngại sự lây lan biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Trong thông báo ngày 29/11, Bộ Y tế Cuba cho biết những người nhập cảnh vào Cuba từ các nước Nam Phi, Botswana, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe, Namibia, Malawi và Mozambique sẽ phải tuân thủ nhiều biện pháp phòng dịch, bao gồm việc xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine đầy đủ, trải qua 3 lần xét nghiệm PCR âm tính và 7 ngày cách ly.
Ngoài việc phải xuất trình kết quả PCR âm tính được thực hiện trong 72 giờ trước khi đặt chân tới đảo quốc này, du khách từ 8 quốc gia nói trên sẽ phải trải qua 1 lần xét nghiệm PCR khi nhập cảnh và 1 lần nữa vào ngày thứ 6 của tuần cách ly. Giới chức y tế Cuba nhấn mạnh các biện pháp kiểm dịch này là bắt buộc và du khách sẽ phải chịu mọi chi phí ăn ở và di chuyển trong thời gian cách ly.
Trong khi đó, du khách từ các nước phía Nam sa mạc Sahara khác cũng như người nhập cảnh vào Cuba từ Bỉ, Israel, Hong Kong (Trung Quốc), Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 tương tự, trừ lần xét nghiệm PCR vào ngày thứ 6 kể từ khi đặt chân tới quốc gia Caribe này và 7 ngày cách ly bắt buộc.
Chile “cấm cửa” du khách đến từ 7 nước châu Phi
Chính phủ Chile ngày 29/11 đã ban bố sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài đến từ hoặc đã từng có mặt trong những ngày gần đây ở Nam Phi và 6 nước châu Phi khác nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron mới được phát hiện của virus SARS-CoV-2 lây lan vào quốc gia Nam Mỹ này.
Thông báo của Bộ Y tế Chile nêu rõ kể từ ngày 1/12, quốc gia Nam Mỹ sẽ cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài từng có mặt trong vòng 14 ngày gần đây tại 7 nước châu Phi gồm Nam Phi, Zimbabwe, Namibia, Botswana, Lesotho, Eswatini và Mozambique. Biện pháp vừa được công bố sẽ không ảnh hưởng đến các công dân Chile và những người nước ngoài cư trú tại Chile, song những đối tượng này sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR khi nhập cảnh và phải cách ly bắt buộc trong 7 ngày nếu đã từng tới 7 quốc gia vừa đề cập.
Ngoài ra, Chính phủ Chile cũng thông báo kể từ ngày 1/12 sẽ mở lại 3 cửa khẩu biên giới trên bộ đã bị đóng cửa do đại dịch COVID-19 gồm cửa khẩu Chacalluta ở phía Bắc giáp với Peru, cửa khẩu đèo Colchane giáp với Bolivia và cửa khẩu đèo Pino Hachado ở phía Nam nối với Argentina.