COVID-19 tới 6h sáng 11/5: Trên 618 triệu ca nhiễm; Lo ngại sức khỏe tâm thần trẻ em sau đại dịch

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 556.000 ca mắc COVID-19 và 1.489 ca tử vong. Nước Đức dẫn dầu cả về ca mắc và tử vong mới, trong khi có tới 75% số phụ huynh được hỏi bày tỏ lo ngại về sức khỏe tâm thần của con cái sau đại dịch.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 23/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 11/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 518.256,.35 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.279.670 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 556.540 và 1.489 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 473.129.155 người, .848.110 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 39.532 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 104.449 ca; Pháp đứng thứ hai với 56.449 ca; tiếp theo là Italy (56.015 ca) và Hàn Quốc (62.071 ca). Đức cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 202 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ với 165 ca và Italy 158 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 83.733.003 người, trong đó có 1.024.916 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.110.185 ca nhiễm, bao gồm 524.103 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.594.8 ca bệnh và 664.390 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 193,3 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với gần 149,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 99 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 12 triệu ca và châu Đại Dương 7,64 triệu ca nhiễm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Gia tăng lo ngại về sức khỏe tâm thần của trẻ em sau đại dịch

Kết quả một cuộc thăm dò mới đây cho thấy gần 75% số phụ huynh được hỏi bày tỏ lo ngại về sức khỏe tâm thần của con cái sau đại dịch COVID-19.

Theo cuộc thăm dò do BBC Bitesize phối hợp với Netmums tiến hành đối với hơn 2.000 phụ huynh, 74% số người được hỏi cảm thấy lo ngại về sức khỏe tâm thần của con cái và một tỷ lệ tương tự cho biết họ coi sức khỏe tâm thần của con cái là ưu tiên cao hơn kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. 
Gần 50% nói rằng con cái của họ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và 46% cho rằng trẻ cảm thấy cô đơn trong thời gian đại dịch. Kết quả thăm dò cũng cho thấy ảnh hưởng của biện pháp phong tỏa đối với kỹ năng xã hội và sự tự tin của trẻ. Tổng cộng 48% báo cáo rằng con của họ đang gặp khó khăn khi kết bạn và giao tiếp xã hội, trong khi 66% cho biết con họ lo lắng vì không thể gặp bạn bè và gia đình thường xuyên như trước. Gần 28% số cha mẹ ghi nhận sức khỏe tâm thần của con họ đi xuống trong 6 tháng qua. 

Chú thích ảnh
Trẻ em chờ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trưởng bộ phận sản xuất nội dung của BBC Bitesize, bà Helen Foulkes cho biết các số liệu thống kê đã nói lên mối lo ngại về sức khỏe tâm thần của trẻ em và hạnh phúc nói chung của các gia đình sau đại dịch đang đạt đến đỉnh điểm.

Về phần mình, Tổng biên tập của Netmums, bà Anne-Marie O’Leary chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu đại dịch, các bậc cha mẹ đã nói với chúng tôi rằng sức khỏe tâm thần của con cái họ đang trở thành nỗi lo ngày càng tăng”. Bà nói thêm rằng nghiên cứu mới nhất là bằng chứng cho thấy tác động tích tụ sau 2 năm học bị gián đoạn và việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào.

Tổng Thư ký NATO mắc COVID-19

Ngày 10/5, một người phát ngôn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng Tổng Thư ký Jens Stoltenberg của liên minh quân sự này đã được chẩn đoán mắc COVID-19.

Theo người phát ngôn này, ông Jens Stoltenberg chỉ bị các triệu chứng nhẹ và sẽ làm việc tại nhà trong những ngày tới, phù hợp với các hướng dẫn y tế của chính quyền thành phố Brussels của Bỉ, nơi NATO đặt trụ sở. 

Phát hiện mới về hiệu quả mũi vaccine tăng cường của Pfizer/BioNTech

Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Immunology ngày 9/5, dựa trên các thông số thu được từ xét nghiệm PCR, mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả phòng bệnh ước tính ở mức 85,6% so với việc chỉ tiêm hai mũi cơ bản.     

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cremona, miền bắc Italy, ngày 11/1/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Nhóm nghiên cứu Israel tại Trung tâm Y khoa Sheba và Đại học Tel Aviv nêu rõ họ đã thử nghiệm tiêm mũi thứ ba vaccine của Pfizer/BioNTech cho 12.290 nhân viên y tế chưa từng mắc COVID-19 và đã tiêm đủ hai mũi cơ bản trước đó. Kết quả xét nghiệm PCR sau một thời gian tiêm phòng nhất định cho thấy trong số này chỉ có 407 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Hai trường hợp khác phải nhập viện do có phản ứng phụ sau tiêm, trong đó một người gặp chứng đau nửa đầu kèm biểu hiện mất giác quan nằm viện trong hai ngày; người còn lại bị hạ natri máu không rõ nguyên nhân, được xuất viện sau 4 ngày. 

Phần lớn nhân viên y tế tham gia nghiên cứu cho biết họ cảm thấy sưng đau tại chỗ khi tiêm mũi thứ ba. Phụ nữ dưới 60 tuổi ghi nhận nhiều triệu chứng sau tiêm hơn so với bất kỳ nhóm tuổi hoặc giới tính nào khác trong số những người tham gia nghiên cứu. Nữ giới trẻ tuổi hơn cũng cho biết họ gặp nhiều phản ứng phụ tại nhiều khu vực khác nhau trên cơ thể so với các nhóm khác, bao gồm mệt mỏi, đau cơ và sốt. 

Nghiên cứu cho biết thêm mũi thứ ba vaccine của Pfizer/BioNTech về cơ bản sinh lượng kháng thể cao hơn mũi thứ hai, vốn hiệu quả giảm dần từ 5 đến 6 tháng sau khi tiêm. Theo dữ liệu thu thập được trong khuôn khổ nghiên cứu, dù lượng kháng thể tăng tương đối ít, chỉ khoảng 1,7 lần, nhưng hiệu quả trung hòa kháng thể trong máu tăng gấp 6 lần so với sau khi tiêm mũi thứ hai.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tembisa, Nam Phi ngày 2/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Băn khoăn những ca tái phát dù đã dùng thuốc điều trị COVID-19

Trong bối cảnh nhiều bác sĩ kê đơn thuốc viên Paxlovid của Pfizer cho bệnh nhân COVID-19, nhiều câu hỏi đặt ra về hiệu quả của thuốc này do có một số ít bệnh nhân dù đã uống thuốc vẫn ghi nhận các triệu chứng tái phát.

Paxlovid đã được cấp phép sử dụng từ tháng 12/2021 cho người trưởng thành có nguy cơ cao mắc bệnh nặng. Thuốc này đã trở thành lựa chọn tốt nhất chống COVID-19 vì tính tiện dụng khi điều trị tại nhà và cho kết quả ấn tượng trong việc ngăn bệnh nặng. Chính phủ Mỹ đã chi hơn 10 tỷ USD để mua đủ thuốc điều trị cho 20 triệu người. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết vẫn cần nghiên cứu thêm về thuốc này.

Chú thích ảnh
Hình ảnh minh họa vaccine phòng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Ảnh: AFP/TTXVN

Các bác sĩ Mỹ đã ghi nhận một số ca mắc hiếm hoi có triệu chứng tái phát vài ngày sau khi uống đủ 5 ngày theo phác đồ điều trị. Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc liệu có phải các bệnh nhân này vẫn nhiễm virus và có thể nên uống một liệu trình thứ hai của thuốc này hay không. Tuần trước, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã khuyến cáo không nên sử dụng liệu trình thứ hai vì những người có triệu chứng tái phát có ít nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc phải nhập viện.

Tháng trước, Tiến sĩ Michael Charness, người đang làm việc cho hệ thống chăm sóc y tế VA của Boston, bang Massachusetts (Mỹ), cho biết thuốc Paxlovid vẫn là một loại thuốc có hiệu quả cao nhưng cũng có khả năng thuốc này có thể kém hiệu quả hơn trước biến thể Omicron.

Một số chuyên gia cũng đưa ra một khả năng khác là Paxlovid không đủ mạnh để ngăn chặn virus. Ông Andy Pekosz, chuyên gia virus của Đại học Johns Hopkins lo ngại rằng điều đó có thể làm nảy sinh các đột biến có thể kháng thuốc. 

Thái Lan lên kế hoạch cho giai đoạn COVID-19 thành bệnh đặc hữu

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ thị cho chính quyền tại tất cả các tỉnh đưa ra kế hoạch hoạt động sau khi COVID-19 được hạ cấp xuống thành bệnh đặc hữu. Người phát ngôn Chính phủ Thanakorn Wangboonkongchana ngày 10/5 cho biết Thủ tướng Prayut ban hành lệnh nói trên sau khi Bộ Y tế hạ cấp cảnh báo COVID-19 từ Cấp 4 xuống Cấp 3 trên toàn quốc.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Ông Thanakorn dẫn lời Thủ tướng Prayut nói rằng mỗi tỉnh nên chuẩn bị sẵn kế hoạch hoạt động sau khi COVID-19 được tuyên bố là bệnh đặc hữu. Theo người phát ngôn, mức độ cảnh báo COVID-19 được hạ xuống vì số lượng bệnh nhân COVID-19 cần máy thở và các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 đang giảm xuống.

Ông Thanakorn nói thêm rằng Thủ tướng Prayut cũng khuyến khích người dân và các cơ quan chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa phổ quát và tiêm chủng càng nhiều càng tốt để COVID-19 có thể được công bố là bệnh đặc hữu.

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này trong vòng 24 giờ tính đến sáng 10/5 ghi nhận thêm 6.230 ca mắc (mức thấp nhất kể từ ngày 6/1) cùng 53 trường hợp tử vong (mức thấp nhất kể từ 5/3) . Kể từ khi ghi nhận bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 vào đầu năm 2020 đến nay, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 4.337.5 ca nhiễm, trong đó có 29.196 người không qua khỏi.

Tính đến ngày 8/5, Thái Lan đã tiêm được tổng cộng 134,73 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 56,4 triệu liều là mũi tiêm đầu tiên, 51,65 triệu liều là mũi thứ hai, 23,8 triệu liều là mũi thứ ba và 2,85 triệu liều là mũi thứ tư.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trung Quốc: Thủ đô Bắc Kinh chạy đua với thời gian 

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang phải chạy đua với thời gian để tiến hành thêm nhiều đợt xét nghiệm acid nucleic quy mô lớn nhằm sàng lọc các nguy cơ lây truyền sớm nhất có thể. Một số quận, huyện bắt đầu khởi động đợt xét nghiệm đại trà lần thứ 10 từ ngày 10/5.

Cơ quan y tế thành phố Bắc Kinh đã báo cáo 50 ca nhiễm địa phương từ 15h chiều 8/5 đến 15h chiều 9/5, trong đó có 41 trường hợp nằm trong diện những người được kiểm soát và 9 trường hợp sàng lọc tại cộng đồng. Kể từ ngày 22/4 đến chiều 9/5, đợt bùng phát mới nhất ở Bắc Kinh đã ghi nhận tổng cộng 777 ca nhiễm, liên quan đến 15 quận.

Chú thích ảnh
 Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Sau khi có thêm nhiều ca nhiễm địa phương được báo cáo trong thành phố, giới chức tại Bắc Kinh tiếp tục siết chặt công tác kiểm soát dịch. Cơ quan y tế Bắc Kinh cho biết kể từ ngày 12/5, người dân vào những nơi công cộng được yêu cầu cung cấp chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus trong 48 giờ. Bắt đầu từ 10/5, Bắc Kinh sẽ tiến hành xét nghiệm acid nucleic trên toàn thành phố chia theo quận và theo ngày. Tính đến ngày 9/5, Bắc Kinh đã tổ chức 9 đợt xét nghiệm acid nucleic hàng loạt trên toàn khu vực.

Trong khi các quận đang thực hiện những đợt xét nghiệm đại trà mới, toàn bộ các nhà hàng trên toàn thành phố tiếp tục tạm dừng các dịch vụ ăn uống tại chỗ, các buổi biểu diễn, địa điểm giải trí, phòng tập thể dục và quán cà phê Internet cũng tạm thời đóng cửa. Một số trung tâm mua sắm và công viên đã thông báo ngừng hoạt động.  Bên cạnh đó, các trường tiểu học và trung học, mẫu giáo và trung học dạy nghề ở Bắc Kinh cũng tạm ngừng hoạt động và việc giảng dạy sẽ được thực hiện trực tuyến.
Mặc dù Bắc Kinh vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày tăng ở mức hai con số, nhưng các chuyên gia dịch tễ Trung Quốc cho biết tình hình chung đang được kiểm soát nhờ phản ứng nhanh và các biện pháp mang tính quyết định, có thể giúp ngăn chặn sớm những chuỗi lây nhiễm không rõ ràng. Các chuyên gia nhấn mạnh việc xét nghiệm acid nucleic đại trà là cách tiếp cận hiệu quả trong việc hạn chế lây nhiễm khi vẫn còn nguy cơ cao ở cấp cộng đồng.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng khử khuẩn nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Thu Hằng/Báo Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN