Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (93.102 ca), Australia (57.088 ca) và Mỹ (52.706 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (227 ca), Italy (115 ca) và Mỹ (108 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83,8 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 524.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30,6 triệu ca mắc và trên 664.000 ca tử vong.
Số ca mắc COVID-19 gia tăng do các biến thể phụ tại hơn 50 nước trên thế giới
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc COVID-19 gia tăng khiến tình hình biến động trên thế giới, đặc biệt đe dọa nhiều nhất đến những nước có tỷ lệ tiêm vaccine thấp.
Phát biểu tại cuộc họp báo,Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết biến thể phụ BA.2 của Omicron đang phổ biến trên thế giới và số ca mắc COVID-19 đang gia tăng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Trong đó, các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron cũng đẩy số ca mắc tại Nam Phi tăng cao.
Đến nay, tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19 trên thế giới thấp hơn so với các giai đoạn trước nhờ khả năng miễn dịch của dân số khá cao sau khi được tiêm vaccine hoặc đã mắc COVID-19. Tuy nhiên, WHO lưu ý điều này không được đảm bảo ở những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine thấp.
Theo ông Tedros, các nhà khoa học Nam Phi đang kêu gọi người dân tích cực đi tiêm vaccine để giảm tác động của làn sóng dịch bệnh tiếp theo. Tổng Giám đốc WHO khẳng định ngoài giảm tỷ lệ tử vong và bảo vệ hệ thống y tế, việc tiêm vaccine còn có khả năng giảm hội chứng kéo dài của COVID-19.
Mỹ là một trong những nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng, với tỷ lệ nhập viện tăng nhẹ. Số liệu liên bang được công bố mới đây cho thấy mỗi ngày, Mỹ ghi nhận gần 2.400 người mắc COVID-19 phải nhập viện, tăng 17% trong tuần qua. Biến thể Omicron được cho là nguyên nhân khiến số ca mắc tăng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính số ca nhiễm biến thể phụ BA.2 của Omicron chiếm 56,4% và BA.2.12.1 chiếm 42,6% số ca mắc mới tại nước này.
Australia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong ngày cao nhất trong 1 tháng
Ngày 11/5, Australia thông báo ghi nhận 57.088 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ, số ca mắc mới trong ngày cao nhất kể từ đầu tháng 4. Bên cạnh đó, nước này có thêm 51 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 7.600 ca.
Trong một động thái liên quan, bang Nam Australia đã mở 4 bệnh viện điều trị cho người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài (Long COVID). Các bệnh viện này đặt ở Adelaide, thủ phủ bang, được thiết kế để điều trị các bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau nhức cơ thể, khó thở hay sương mù não kéo dài hơn 12 tuần sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Renjy Nelson, một chuyên gia tư vấn bệnh nhiễm trùng từng giúp thành lập các bệnh viện này cho biết bang Nam Australia bắt đầu thực hiện kế hoạch vào năm 2020 sau khi một số ca bệnh đầu tiên của Australia thông báo các triệu chứng kéo dài sau 6 tháng nhiễm virus. Ông Nelson nhấn mạnh COVID-19 kéo dài là một thực tế cần tìm hiểu, với 2-3 triệu người trên thế giới đang mắc hội chứng này.
EU bỏ quy định đeo khẩu trang khi đi máy bay từ tuần tới
Ngày 11/5, Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA) và Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) thông báo sẽ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại sân bay và trên các chuyến bay tới châu Âu kể từ ngày 16/5 tới.
Giám đốc điều hành EASA Patrick Ky xác nhận kể từ tuần tới, hành khách sẽ không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi lại bằng đường hàng không trong mọi trường hợp. Động thái này nhằm bắt nhịp với xu hướng điều chỉnh quy định của các nước thành viên EU khi di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Thông báo trên được đưa trong bối cảnh Italy, Pháp, Bulgaria và một số nước châu Âu khác đã nới lỏng hoặc chấm dứt phần lớn hoặc tất cả các biện pháp phòng dịch COVID-19. Trước đó, một số hãng hàng không của Mỹ cũng tuyên bố sẽ không yêu cầu đeo khẩu trang từ tháng 4.
Trong khi đó, Giám đốc ECDC Andrea Ammon nhấn mạnh kể cả khi việc đeo khẩu trang không còn bắt buộc, việc duy trì khoảng cách và vệ sinh tay vẫn là một trong những biện pháp tốt nhất để giảm thiểu lây nhiễm.
Các cơ quan của EU nhận định sau khi dỡ bỏ biện pháp trên, các hãng hàng không sẽ áp dụng quy định khác nhau về đeo khẩu trang, trong đó khuyến khích hành khách sử dụng khẩu trang trên các chuyến bay đến hoặc đi từ những địa điểm mà việc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng vẫn là bắt buộc.
Người dân Nhật Bản có thể bỏ khẩu trang khi ở ngoài trời nếu đảm bảo giãn cách
Ngày 11/5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno khẳng định việc đeo khẩu trang khi ở ngoài trời là không cần thiết miễn là đảm bảo giãn cách xã hội.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, ông Matsuno nói: “Chúng tôi khuyến nghị người dân bỏ khẩu trang khi ở ngoài trời miễn là duy trì khoảng cách đủ lớn, nhất là vào những ngày có nhiệt độ và độ ẩm cao”.
Hãng tin Kyodo dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Matsuno cho biết các chuyên gia lưu ý rằng cần tránh hành vi có nguy cơ cao như nói chuyện với người trong khoảng cách gần mà không đeo khẩu trang. Việc đeo khẩu trang đúng cách là cần thiết nếu bạn không thể duy trì khoảng cách đủ lớn với người khác ở ngoài trời và đang nói chuyện với họ. Ngoài ra, quan chức này cũng cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục rà soát các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong lúc vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tham vấn với các chuyên gia y tế.
Trong thời gian gần đây, dịch COVID-19 đang có dấu hiệu lắng dịu ở Nhật Bản. Vì thế, chính phủ nước này đang xem xét việc nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới bằng với các nước khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Bên cạnh đó, Nhật Bản có thể sẽ mở cửa cho các du khách nước ngoài tới nước này vào đầu tháng 6. Trước Nhật Bản, nhiều nước trên thế giới đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường sau khi đạt được những tiến bộ trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Hầu hết các ca mắc COVID-19 tại Mỹ là không triệu chứng
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA Network Open, trong năm 2021, một tỷ lệ đáng kể mắc COVID-19, có khả năng lên tới 60%, là những ca mắc không triệu chứng hoặc không có triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh (presymptomatic transmission). Các nhà nghiên cứu cho rằng thậm chí con số này bây giờ có thể cao hơn do các báo cáo ban đầu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm không triệu chứng do biến thể Omicron nhiều hơn so với số ca nhiễm các biến thể trước đó.
Bà Helen Chu, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại trường Y khoa thuộc Đại học Washington, cho rằng số ca nhiễm biến thể Omicron cao hơn có thể có liên quan nhiều đến mức độ miễn dịch cơ bản cao hơn trong cộng đồng khi biến thể đó bùng phát.
Bà Chu cho biết một cá nhân càng tiếp xúc nhiều với virus SARS-CoV-2 -kể cả trường hợp mắc hoặc tiêm chủng trước đó- thì khả năng miễn dịch càng rộng và khả năng kiểm soát virus càng tốt trong cộng đồng. Trong những trường hợp như vậy, một người dường như có nhiều khả năng không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ.
Theo nghiên cứu, những người có tải lượng virus giảm có thể ít có khả năng truyền bệnh hơn, song họ vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Những ca mắc đột phá vẫn có thể mang theo tải lượng virus cao, như đã được quan sát thấy trong vụ bùng phát tại Provincetown, Massachusetts vào tháng 7/2021.
Bà Chu cho biết những không gian không được thông thoáng, tập trung nhiều người và những người ở đó nói chuyện ồn ào hoặc ăn uống là những địa điểm cần quan tâm nhất. Ước tính tỷ lệ mắc COVID-19 không triệu chứng dao động từ khoảng 25% đến 40% trong suốt đại dịch.
Ông Otto Yang, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại trường Y khoa David Geffen thuộc Đại học California, nhận định đến nay chưa có dữ liệu về việc các biến thể phụ của Omicron như BA.2 và BA.4 và BA.5, có khiến nhiều người mắc bệnh không triệu chứng hay không. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng mức độ miễn dịch cao trong dân số Mỹ đã đặt nước này tình huống hoàn toàn khác so với trước đây khi chưa có vaccine và rất ít người mắc bệnh.
Tuy nhiên, cả bà Chu và ông Yang đều cho biết tỷ lệ cao những người mắc không triệu chứng và không có triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh cho thấy sự cần thiết trong việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là để bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương như trẻ em dưới 5 tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch.
Ông Yang cũng cảnh báo việc dịch bệnh tiếp tục lây lan sẽ là cơ hội để cho các biến thể mới phát triển và nhiều khả năng biến thể tiếp theo sẽ nguy hiểm hơn so với sự hiểu biết của con người.
New Zealand nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới
New Zealand đang từng bước nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới được áp đặt trước đó để phòng đại dịch COVID-19.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo từ 11h59 ngày 31/7 tới, nước này sẽ mở cửa trở lại toàn bộ các cửa khẩu quốc tế cũng như đón các tàu du lịch cập cảng. Như vậy, New Zealand quyết định sẽ mở trở lại cửa khẩu sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch được chính phủ đưa ra trước đó.
Phát biểu tại Auckland, bà Ardern cho biết việc mở lại biên giới sẽ giúp mở lại ngành du lịch, giải quyết tình trạng thiếu lao động cũng như vấn đề nhập cư. Theo Thủ tướng Ardern, chính phủ đang xây dựng kế hoạch nhằm đảm bảo cho sự phát triển kinh tế của New Zealand.
Tổng Thư ký NATO mắc COVID-19
Một người phát ngôn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng Tổng Thư ký Jens Stoltenberg của liên minh quân sự này đã được chẩn đoán mắc COVID-19.
Theo người phát ngôn này, ông Jens Stoltenberg chỉ bị các triệu chứng nhẹ và sẽ làm việc tại nhà trong những ngày tới, phù hợp với các hướng dẫn y tế của chính quyền thành phố Brussels của Bỉ, nơi NATO đặt trụ sở.