COVID-19 tới 6h sáng 1/7: Mỹ vượt 130.000 ca tử vong, 16 tiểu bang ngừng mở cửa

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 159.533 trường hợp mắc COVID-19 và 4.912 ca tử vong. Dịch bệnh lây lan dữ dội tại Mỹ đã khiến nhiều tiểu bang phải ngừng mở cửa lại, trong khi khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm "nóng".

Chú thích ảnh
Một quán bar đóng cửa lại do dịch COVID-19 tại bang Texas, Mỹ ngày 26/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 1/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 10.563.025 ca, trong đó có 513.026 người thiệt mạng.

Các nước cũng ghi nhận 5.782.184 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 57.769 và 4.265.101 ca đang điều trị tích cực.

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (41.211 ca), Brazil (31.533) và Ấn Độ (18.256 ca); trong khi Brazil đứng đầu về số ca tử vong (với 1.209 người chết), tiếp theo là Mỹ (662 ca) và Ấn Độ (506 ca).

Chú thích ảnh
Hàng dài xe ô tô chờ xét nghiệm COVID-19 bên ngoài Trung tâm Hội nghị Miami Beach ngày 26/6 tại Miami, bang Florida, Mỹ. Ảnh: AP

Mỹ: Ít nhất 16 bang ngừng mở cửa lại

Ít nhất 16 tiểu bang ở Mỹ đã tạm ngừng các kế hoạch mở cửa lại trước làn sóng tăng mạnh các ca lây nhiễm mới và một số quan chức y tế cho rằng sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ rất khó để kiểm soát. 

Trong khi đó, ít nhất 36 bang đang chứng kiến sự gia tăng mạnh ca lây nhiễm mới so với tuần trước. Có ít nhất 11 tiểu bang ghi nhận số ca tăng từ 50% trở lên. Virus SARS-CoV-2 lây lan dữ dội ở bang Arizona, khiến chính quyền phải đóng cửa các quán bar, phòng tập gym và nhiều loại hình kinh doanh khác thêm 30 ngày. Tại Florida, một số hạt đã thực hiện bắt buộc đeo khẩu trang, trong đó có hạt Jacksonville, nơi Tổng thống Trump dự kiến sẽ nhận đề cử của đảng Cộng hoà trong không đầy 2 tháng tới. Tại Delaware, Thống đốc John Carney thông báo đóng cửa các quán bar ở bờ biển trước dịp cuối tuần mừng Quốc khánh 4/7, trong khi Thống đốc bang California sẽ thông báo bổ sung các lệnh hạn chế phòng dịch trong ngày 1/7. "Chúng tôi sẽ phải mạnh tay hơn", ông Gavin Newsom nói.

Tính tới 6h sáng 1/7, nước Mỹ ghi nhận 2.723.022 ca mắc COVID-19, trong đó có 130.063 ca tử vong. Đa số các ca nhiễm mới của Mỹ xuất hiện tại các bang miền Tây và miền Nam. Theo giới chuyên gia, tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng cao trở lại trong cộng đồng. 

Chú thích ảnh
Bản đồ tình hình lây nhiễm COVID-19 tại các bang ở Mỹ: 11 bang màu đỏ tăng trên 50% số ca trong tuần qua so với tuần trước nữa; 25 bang màu cam: tăng 10-50%, 12 bang màu vàng: giữ nguyên, chỉ có 2 bang màu xanh: giảm 10-50%. 

Trong ngày 30/6, Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams đã tha thiết kêu gọi người dân nước này đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng. "Làm ơn, làm ơn, làm ơn đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng. Điều đó không hề bất tiện. Đó không phải là sự cản trở tự do, mà thực sự là một phương tiện để đạt được mục tiêu của các bạn. Nó cho các bạn sự thuận tiện và tự do, bởi vì nó cho phép chúng ta mở cửa thêm nhiều nơi nữa", ông Adams nói.

Chú thích ảnh
Một nhà hàng mở cửa phục vụ thực khách tại New York, Mỹ ngày 25/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ Latinh: Số ca bệnh tăng gấp hơn 3 lần sau một tháng

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ Latinh. Trong một tháng qua, số người mắc bệnh tại khu vực này đã tăng hơn 3 lần lên khoảng 2,5 triệu người, với một số điểm nóng như Brazil, Mexico ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh trong những ngày gần đây. Dịch bệnh đe dọa sức khỏe của người dân đồng thời làm lung lay nền tảng kinh tế xã hội tại khu vực vốn đã tồn tại những vấn đề đáng lo ngại từ nhiều năm nay.

Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới và ghi nhận số ca nhiễm liên tục tăng. Tính đến 6h sáng 1/7 (giờ VN), Brazil đã ghi nhận tổng cộng 1.402.041 ca nhiễm và 59.594 ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo quốc gia này vẫn đối mặt thách thức lớn trong kiểm soát dịch bệnh, do đó cần nỗ lực thực thi các biện pháp đồng bộ từ cấp liên bang đến các cấp nhỏ hơn, cũng như tập trung tiếp cận toàn diện để ngăn chặn dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Cảnh sát và nhân viên tang lễ di chuyển quan tài nạn nhân COVID-19 ở Quito, Ecuador. Ảnh: EPA-EFE

Trong khi đó, Tổng thống Ecuador, Moreno ngày 30/6 đã thông báo thêm các biện pháp hạn chế phòng dịch ở thủ đô Quito khi các ca nhiễm vượt qua ngưỡng 55.000.  Ông Moreno cho rằng, sau hơn 3 tháng chiến đấu với đại dịch, không biện pháp nào là đủ nếu như mỗi công dân không tự chịu trách nhiệm cá nhân trong cuộc chiến đấu này. Người dân Ecuador sẽ phải tiếp tục đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và rửa tay mọi lúc mọi nơi.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại khu chợ ở Mexico City, Mexico, ngày 18/6/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

EU sẽ mở cửa biên giới với 15 nước ngoài Liên minh

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ mở cửa biên giới với 15 nước, trong đó riêng với Trung Quốc mở cửa nhưng kèm một số điều kiện. Tuy nhiên, thông báo này không áp dụng đối với Mỹ, quốc gia được coi là đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.

Theo thông báo công bố ngày 30/6, EU quyết định kéo dài lệnh cấm đi lại đối với công dân Mỹ thêm ít nhất 2 tuần nữa, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại nước này. Trước đó, chính phủ các nước EU đã nhất trí với danh sách "14 nước an toàn", được phép nối lại hoạt động đi lại bình  thường kể  từ tháng 7 và danh sách này không có Mỹ. Các nước này gồm: Algeria, Australia, Canada, Gruzia, Nhật Bản, Montenegro, Maroc, New Zealand, Rwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia, Uruguay và Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên đường phố tại Moskva, Nga, ngày 9/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Thủ tướng Anh công bố kế hoạch vực dậy nền kinh tế 

Phát biểu ngày 30/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng Anh phải nắm bắt thời khắc ngay sau đại dịch COVID-19 để giải quyết các vấn đề kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời vạch ra kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế, cam kết hỗ trợ 5 tỷ bảng (6,15 tỷ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa đất nước thoát khỏi các tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19. Ông cam kết sẽ dành 1,5 tỷ bảng trong năm 2015 để sửa chữa, xây dựng các bệnh viện, cũng như cải thiện năng lực xử lý tình trạng khẩn cấp; 100 triệu bảng cho 29 dự án duy tu và phát triển các tuyến đường. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại thủ đô London ngày 11/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngoài ra, Thủ tướng Johnson cho rằng mối nguy hiểm của COVID-19 vẫn chưa kết thúc và bày tỏ mong muốn mang lại cuộc sống bình thường cho người dân sớm nhất có thể. 

Cùng ngày, chính phủ đã quyết định phong tỏa thành phố Leicester. Tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua tại Leicester là 135 ca/100.000 người, cao nhất cả nước và gấp 3 lần so với thành phố đứng thứ 2. Vì vậy, Bộ Y tế Anh quyết định không triển khai giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo tại thành phố này từ ngày 4/7 tới như áp dụng với các địa phương khác trên cả nước.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 dã chiến tại Leicester, Anh, ngày 29/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Iran vẫn chưa qua làn sóng dịch đầu tiên

Theo nhận định của Bộ Y tế Iran ngày 30/6, một ngày sau khi nước này ghi nhận số ca tử vong cao nhất tính theo ngày, Iran vẫn chưa thoát khỏi đợt dịch đầu tiên. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy đường cong dịch tễ của dịch bệnh COVID-19 tại Iran tiếp tục gia tăng từ đầu tháng 5, thời điểm quốc gia Hồi giáo này ghi nhận số ca nhiễm mới tính theo ngày giảm xuống mức thấp nhất sau gần 2 tháng xuất hiện ca nhiễm đầu tiên. Tuy nhiên, giới chức Iran một lần nữa bác bỏ thông tin cho rằng số ca nhiễm mới gia tăng trong làn sóng dịch thứ hai. 

Theo số liệu mới nhất, Iran đã ghi nhận 147 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 30/6, đưa tổng số ca tử vong lên 10.817 ca trong tổng số 227.662 ca nhiễm.

 
Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran, ngày 28/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Chú thích ảnh
 Bệnh nhân COVID-19 hiến huyết tương sau khi khỏi bệnh tại Trung tâm hiến máu quốc gia ở Baghdad, Iraq, ngày 28/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo đã ghi nhận thêm 43 ca nhiễm, trong đó 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 12.800 ca. Số người tử vong do COVID-19 vẫn là 282 người, chủ yếu là người cao tuổi và có bệnh nền từ trước. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết khu vực đô thị Seoul và vùng phụ cận đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, đồng thời cảnh báo Hàn Quốc cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 kéo dài.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 19 ca mới trong ngày 30/6, trong đó 8 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 11 ca nhập cảnh. Tính đến hết ngày 30/6, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 83.531 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và 78.469 người được chữa khỏi bệnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, khi cho phép thêm nhiều chuyến bay nội địa và các chuyến tàu hỏa giữa các bang hoạt động, đồng thời rút ngắn lệnh giới nghiêm ban đêm. Tuy nhiên, một số thành phố đã gia hạn lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan sau khi số ca nhiễm mới theo ngày duy trì ở mức gần 20.000 ca. Tính đến hết ngày 30/6, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 585.792 ca nhiễm và 17.410 ca tử vong do COVID-19, tăng tới 506 ca so với một ngày trước.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Haridwar, bang Uttarakhand, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại khu vực Đông Nam Á, chính phủ Thái Lan quyết định sẽ mở lại các trạm kiểm soát biên giới với Myanmar, Lào, Campuchia và Malaysia nhằm nối lại hoạt động vận tải hàng hóa và thương mại xuyên biên giới kể từ ngày 1/7. Tuy nhiên, khách du lịch từ 4 quốc gia láng giềng này vẫn chưa được phép nhập cảnh Thái Lan qua những trạm kiểm soát biên giới trên. Trong khi đó, Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) cho biết lệnh cấm các chuyến bay quốc tế sẽ được dỡ bỏ từ ngày 1/7, nhưng chỉ một số đối tượng nhất định được phép nhập cảnh.

Tại Indonesia, giới chức y tế cho biết nước này đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 71 người ca, nâng tổng số ca tử vong lên 2.876 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 1.293 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại Indonesia lên 56.5 người.

Chú thích ảnh
Khử trùng các phương tiện nhằm ngăn dịch COVID-19 bùng phát tại Karo, Bắc Sumatra, Indonesia ngày 20/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, kể từ ngày 1-31/7, Lào sẽ tiếp tục ngừng cấp thị thực du lịch, thăm viếng đối với những cá nhân đi từ hoặc quá cảnh các quốc gia có dịch bệnh, ngoại trừ nhân viên ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên viên và lao động cho các dự án quan trọng tại Lào.

Tại châu Phi, Chính phủ Algeria đã yêu cầu chính quyền các địa phương thực hiện lệnh giới nghiêm theo khu vực để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan trên diện rộng. Trong khi đó, Senegal tuyên bố chấm dứt tình trạng giới nghiêm và khẩn cấp y tế, vốn có hiệu lực kể từ ngày 24/3, đồng thời cho phép nối lại các đường bay quốc tế kể từ ngày 15/7.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh tại trường học ở Tembisa, Ekurhuleni, Nam Phi ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Australia, chính quyền bang Victoria đã tái áp đặt lệnh phong tỏa một loạt các điểm nóng của dịch COVID-19 để ngăn dịch lây lan. Bắt đầu từ đêm 1/7, người dân tại 10 khu vực ở Melbourne - thành phố lớn thứ hai của Australia - sẽ phải hạn chế ra khỏi nhà, ngoại trừ vì các mục đích thiết yếu như đi làm, đi học, chăm sóc y tế, tập thể dục, hoặc đi mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. 

Tính từ ngày 25/6 đến nay, bang Victoria đã ghi nhận tổng số 233 ca bệnh, trong đó hầu hết là ở thành phố Melbourne.

Chú thích ảnh
Các phương tiện xếp hàng tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Melbourne, Australia ngày 23/6/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
IMF: Dịch COVID-19 có thể lấy đi một thập kỷ phát triển của châu Phi
IMF: Dịch COVID-19 có thể lấy đi một thập kỷ phát triển của châu Phi

Ngày 29/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo cập nhất về Triển vọng Kinh tế khu vực Nam sa mạc Sahara, trong đó cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể lấy đi thành quả phát triển của khu vực này đạt được trong một thập kỷ qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN