COVID-19 tới 6h sáng 1/9: Mỹ vượt 40 triệu ca bệnh, lại dẫn đầu thế giới cả ca mắc và tử vong mới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 530.000 ca mắc COVID-19 và 8.085 ca tử vong. Nước Mỹ vượt mốc 40 triệu ca bệnh, và trở lại dẫn đầu thế giới về cả ca nhiễm lẫn tử vong mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 1/9 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 218.433.552 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.531.666 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 536.486 và 8.085 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 195.240.829 người, 18.661.057 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.137 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về cả ca nhiễm mới với 106.548 ca) lẫn ca tử vong mới (với 857 ca). Tiếp theo là Ấn Độ với 43.072 ca nhiễm mới và Anh với 32.181 ca; Nga và Brazil lần lượt đứng thứ hai và ba về ca tử vong mới, với 795 và 770 ca.

Tính chung Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 40.057.321 người, trong đó có 657.533 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.810.892 ca nhiễm, bao gồm 439.054 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.776.870 ca bệnh và 580.413 ca tử vong.   

Chú thích ảnh
 Học sinh rửa tay trước khi vào lớp nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19 tại một trường học ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhật Bản phát hiện một loại biến thể Delta mới

Các nhà khoa học của Đại học Y và Nha khoa Tokyo vừa phát hiện một loại biến thể Delta mới mang đột biến tương tự như biến thể Alpha.

Hãng tin Jiji Press dẫn nguồn tin từ Đại học Y và Nha khoa Tokyo cho biết loại biến thể Delta mới này được phát hiện ở một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại một bệnh viện thuộc trường đại học này vào đầu tháng 8. Biến thể Delta mới vừa mang đột biến L452R giống như biến thể Delta thông thường, vừa mang đột biến N501S, tương đồng với đột biến N501Y trên biến thể Alpha. Bệnh nhân này chưa từng đi ra nước ngoài và mắc COVID-19 do tiếp xúc cộng đồng. 

Các nhà khoa học tin rằng nhiều khả năng đột biến N501S đã xảy ra ở Nhật Bản. Theo hãng tin Jiji Press, cho đến nay, có 8 ca nhiễm biến thể Delta mới được ghi nhận ở bên ngoài Nhật Bản, nhưng vẫn chưa rõ mức độ lây lan của biến thể này.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Sapporo, Nhật Bản, ngày 3/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Israel: Ca mắc trong ngày cao nhất từ trước tới nay

Ngày 31/8, Israel ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất với gần 10.947 ca, vượt kỷ lục trước đây là 10.118 ca vào ngày 18/1. Nước này cũng ghi nhận thêm 53 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 7.043 ca trong tổng số 1.066.352 ca mắc ở nước này.

Mặc dù số ca mắc mới cao, song Israel vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch mở cửa lại hệ thống trường học vào ngày 1/9. Đến nay, số người ở Israel đã tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 là 5,97 triệu người, chiếm 64% dân số 9,3 triệu người, trong khi 5,48 triệu người đã tiêm 2 mũi và gần 2,16 triệu người đã tiêm mũi vaccine thứ ba.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Israel tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jerusalem, ngày 24/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hong Kong khó đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số vào cuối tháng 9

Sáng 31/8, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), cho biết tính đến tối 30/8, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Hong Kong là khoảng 60,6% và khó có thể đạt được 70% vào cuối 9 tới. 

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng trong các nhóm ở Hong Kong đã đạt 99% đối với công chức, 93% đối với bệnh viện, 99% đối với bác sĩ và 90% đối với y tá tại các bệnh viện công, 80% và 90% đối với nhân viên trong viện dưỡng lão và trường học công lập. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng trong nhóm người lao động, người cao tuổi và học sinh tại Hong Kong còn chưa cao. Tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi là 30% đối với người trên 70 tuổi, thậm chí ít hơn đối với người trên 80 tuổi, còn những người cao tuổi trong các trại dưỡng lão chỉ có khoảng 10%.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy người lao động, người cao tuổi và học sinh tiêm chủng. Mặc dù hiện tại sẽ không có biện pháp bắt buộc nào, nhưng cũng không loại trừ khả năng nếu dịch COVID-19 tại Hong Kong phức tạp trở lại, những người chưa tiêm phòng sẽ bị hạn chế vào nhà hàng và những nơi công cộng.

Tính đến nay, Hong Kong đã có 12.110 ca mắc COVID-19, trong đó có 212 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 6/4/2021. Ảnh: AP/TTXVN

EU áp dụng trở lại hạn chế đi lại không thiết yếu từ Mỹ  

Ngày 30/8, Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến nghị các nước thành viên đưa 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, ra khỏi danh sách miễn trừ quy định hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19.

Thông cáo của Hội đồng châu Âu nêu rõ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Israel, Kosovo, Liban, Montenegro, Cộng hòa Bắc Macedonia và Mỹ đã bị loại khỏi danh sách miễn trì. 

Thời gian qua, EU áp dụng quy định hạn chế các hoạt động đi lại không thiết yếu đến khu vực này từ các quốc gia bên ngoài và 8 đối tác thân cận gồm Iceland, Lichtenstein, Na Uy, Thụy Sĩ, Andorra, Monaco, San Marino và Tòa thánh Vatican. 

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tháng 6 vừa qua, EU đã khuyến nghị các nước thành viên dỡ bỏ hạn chế các hoạt động đi lại không thiết yếu từ Mỹ, ngay trước thời kỳ cao điểm du lịch mùa Hè. Thời điểm đó tình hình dịch bệnh tại Mỹ được cải thiện rõ rệt với chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới tại Mỹ tăng trở lại chủ yếu do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh và một bộ phận lớn người dân từ chối tiêm vaccine phòng bệnh.

Trong khi đó, Mỹ đã ngừng tiếp nhận hầu hết du khách quốc tế kể từ khi đại dịch bùng phát, kể cả với người từ các nước EU và vẫn duy trì biện pháp này sau khi EU mở cửa trở lại. Ngày 30/8, Nhà Trắng thông báo đang cân nhắc điều chỉnh các quy định với tiêu chí tăng cường các nỗ lực bảo vệ người dân Mỹ và có thể dần dần cho phép người nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ đến Mỹ, áp dụng với các trường hợp ngoại lệ.

Hàng chục nghìn học sinh Đức phải cách ly ở nhà

Năm học mới đã bắt đầu tại nhiều bang ở Đức, song không phải ở tất cả các bang này học sinh đều trở lại trường sau kỳ nghỉ, bởi nhiều bang đang ghi nhận sự gia tăng về số ca mắc COVID-19 ở học sinh và giáo viên. Mặc dù đã có quy định về cách ly nhằm hạn chế sự lây lan của dịch trong trường học, việc áp dụng những quy định này tại các bang lại khác nhau.

Chú thích ảnh
Học sinh tại một trường tiểu học ở Beckum, miền tây nước Đức, ngày 6/7/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hiện bang Nordrhein-Westfalen đang có trên 30.000 học sinh phải cách ly tại nhà, trong khi chỉ có khoảng 6.500 học sinh trong số này mắc COVID-19. Kỳ nghỉ Hè ở bang đông dân nhất nước Đức này đã kết thúc vào giữa tháng 8 và dự tính số ca mắc COVID-19 sẽ tăng lên khi chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày đang ở mức rất cao. Thời kỳ cao điểm vào tháng 11/2020, bang Nordrhein-Westfalen có tới trên 73.800 học sinh phải cách ly. 

Tại bang Mecklenburg-Vorpommern, kỳ nghỉ Hè kết thúc vào cuối tháng 7, song hiện có khoảng 700 học sinh đang được cách ly tại nhà. Trường học được coi là một trong những tác nhân gây ra sự lây lan của dịch bệnh. Chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày tại bang này ở trẻ em và thanh thiếu niên cao hơn đáng kể so với trung bình trong bang, chẳng hạn nhóm tuổi từ 15-19 có chỉ số lây nhiễm lên tới 96,6, trong khi chỉ số trung bình ở bang chỉ là 31,7. Ở nhóm từ 5-9 tuổi, chỉ số lây nhiễm 7 ngày là 40,5 và nhóm từ 10-17 tuổi là 46,9.

Giới chức Đức cũng đang lo ngại tình trạng lây nhiễm gia tăng ở nhóm trẻ tuổi. Chẳng hạn như tại Baden-Württemberg, cứ 4 ca nhiễm mới thì có 1 ca là trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Số ca nhiễm ở lứa tuổi trên 60 chỉ chiếm 7% số ca nhiễm mới.

 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tembisa, Nam Phi, ngày 2/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine COVID-19 mới 

Ngày 31/8, Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh và công ty dược phẩm SK Bioscience của Hàn Quốc cho biết hai bên đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vaccine ngừa COVID-19 sau khi có những kết quả tích cực ban đầu. 

Trong tuyên bố chung, hai hãng trên cho biết đã bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá độ an toàn và khả năng tạo miễn dịch của vaccine ngừa COVID-19 do hai bên phối hợp phát triển. Loại vaccine này được kết hợp giữa ứng cử viên vaccine GBP510 của hãng SK Bioscience và tá dược của hãng GlaxoSmithKline. Giai đoạn thử nghiệm cuối cùng được thực hiện sau khi 2 giai đoạn thử nghiệm trước đó đã cho thấy những kết quả tích cực, trong đó 100% người tham gia thử nghiệm đều xuất hiện kháng thể. Đến nay, chưa có mối quan ngại nào về vấn đề an toàn nảy sinh trong quá trình nghiên cứu. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Gazipur, ngoại ô Dhaka, Bangladesh, ngày 25/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tham gia giai đoạn 3 thử nghiệm này có 4.000 người đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Dự kiến, kết quả sẽ được công bố vào nửa đầu năm sau. Theo kế hoạch, nếu kết quả thử nghiệm tích cực và được phê duyệt theo quy định, vaccine ngừa COVID-19 do GlaxoSmithKline và SK Bioscience phối hợp phát triển sẽ được cung cấp thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Lào: Thủ đô Viêng Chăn áp dụng lệnh giới nghiêm 

Chính quyền thủ đô Viêng Chăn đêm 30/8 đã tăng cường mạnh mẽ các biện pháp phòng chống COVID - 19 tại địa bàn, trong đó có lệnh giới nghiêm hằng ngày từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Đây là lần đầu tiên thủ đô Viêng Chăn áp dụng lệnh giới nghiêm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Người dân tại các "vùng đỏ" ở thủ đô Viêng Chăn bị cấm đi đến các tỉnh khác, trong khi những người ở vùng đỏ tại các tỉnh khác cũng bị cấm không được vào thủ đô Viêng Chăn, trừ những trường hợp được Ủy ban phòng chống COVID – 19 cho phép. Các nhà chức trách cũng nghiêm cấm tổ chức tiệc, tụ tập dưới mọi hình thức và những người vi phạm sẽ không chỉ bị đưa vào cách ly tại các trung tâm hoặc khách sạn mà còn bị phạt, đồng thời chi trả mọi thiệt hại do hành vi của họ gây ra. Các cuộc hội họp trên 20 người đều bị cấm, trong khi các biện pháp phòng chống COVID – 19, bao gồm việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, phải được duy trì mọi lúc.
 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Viêng Chăn, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 31/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 199 ca mắc mới COVID-19,  trong đó có 64 ca cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay.

Đại diện Bộ Y tế Lào cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm lần thứ 3 tại nước này, kêu gọi người dân cả nước tăng cường tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 đã được ban hành và không được chủ quan để tránh nguy cơ tạo ra làn sóng dịch tiếp theo.

Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19  tại Lào đã lên tới 15.015 ca, trong đó có 14 người tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore cho Australia "mượn" 500.000 liều vaccine

Singapore sẽ chuyển cho Australia 500.000 liều Pfizer theo thỏa thuận "chia sẻ liều tiêm" và dự kiến nhận lại số vaccine này vào tháng 12.

Quyết định trên được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo trên Facebook ngày 31/8. Theo đó, Singapore và Australia đã đạt thỏa thuận chia sẻ vaccine COVID-19. "Chúng tôi sẽ gửi cho họ 500.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech hiện có và họ sẽ trả lại số lượng tương tự vào tháng 12. Các liều này có thể được sử dụng để tiêm mũi tăng cường vào thời điểm đó", ông Lý Hiển Long cho biết.

Chú thích ảnh
Thoả thuận trao đổi vaccine cho phép Australia đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Ảnh: AFP

Bộ Ngoại giao Singapore cho biết 500.000 liều Singapore gửi được lấy từ nguồn dự trữ hiện có và nước này có đủ vaccine đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng sẽ nhận được vaccine từ Singapore trong tuần này và triển khai trên toàn Australia từ tuần sau, chia đều cho tất cả các bang và vùng lãnh thổ trên cơ sở dân số. Động thái này sẽ hỗ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia của Australia cho hai nhóm tuổi: 16-29 và 12-15.

Ngày 31/8, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt, Singapore ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng ở mức cao nhất trong 6 tuần qua với 156 ca mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân Indonesia sử dụng ứng dụng truy vết COVID-19 quét mã QR. Ảnh: EPA-EFE

Campuchia lên kế hoạch mở cửa trở lại trường học 

Hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) ngày 31/8 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này thảo luận với lãnh đạo các tỉnh, thành phố về việc mở cửa trở lại trường học ở các khu vực không có rủi ro lây nhiễm COVID-19 sau khi đại dịch phần nào được kiểm soát.

Trong thông điệp sáng 31/8, ông Hun Sen đề nghị Bộ trưởng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Naron thảo luận với các tỉnh trưởng và đô trưởng, kiểm tra khả năng mở cửa lại trường học (tiểu học và trung học) ở khu vực nông thôn không có rủi ro lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, cần phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch.

Thủ tướng Campuchia đồng thời thể hiện sự lạc quan về sự hồi phục kinh tế-xã hội, đặc biệt ở Phnom Penh và tỉnh Kandal bên cạnh – nơi đã đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt để phòng dịch COVID-19 tại một trường học ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 7/9/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mặc dù số ca nhiễm biến thể Delta tiếp tục tăng, nhưng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia ngày 31/8 vẫn ở mức thấp dưới 450 ca/ngày tương tự nhiều ngày gần đây. 

Thái Lan: Tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất ở nhóm người cao tuổi

Các dữ liệu từ chính phủ lần đầu tiên được hãng tin Reuters phân tích cho thấy, Thái Lan đã tiêm phòng đầy đủ cho 6,7% trong tổng số ước tính 10,9 triệu người trên 60 tuổi ở nước này, so với 15% ở độ tuổi 18-59 và 10,2% với toàn dân số, bao gồm cả trẻ em (nhóm vẫn chưa được tiêm vaccine COVID-19).

Thái Lan là nước duy nhất trong số 30 quốc gia mà Reuter đánh giá dữ liệu, cho thấy tỉ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi thấp hơn ở các nhóm tuổi trẻ hơn. Nước láng giềng Malaysia đã tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 64% người cao tuổi, tính đến ngày 2/8, so với tỉ lệ 42% của tổng dân số. Tại Indonesia, chỉ 17% người cao tuổi đã được tiêm đủ vaccine COVID-19, nhưng con số này vẫn cao hơn tỉ lệ 13% ở dân số nói chung.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine tại trung tâm tiêm chủng ở Bangkok, ngày 23/7/2021. Ảnh: Reuters 

Kể từ tháng 4, người  60 tuổi trở lên chiếm ít nhất 62% số ca tử vong tại Thái Lan, và khoảng 8,7% ca nhiễm. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở người già đã tăng, cho thấy tác động có thể từ tốc độ tiêm chủng chậm cho nhóm tuổi này. Trong khi đó, tại Indonesia, người cao tuổi chiếm gần 12% ca nhiễm, nhưng chỉ 47% ca tử vong.

Tiến sĩ Chawetsan Namwat, quan chức cấp cao tại Cục Kiểm soát dịch bệnh, thuộc Bộ Y tế Thái Lan cho biết,mặc dù ban đầu chính phủ Thái Lan thông báo người cao tuổi sẽ là nhóm ưu tiên tiêm vaccine, nhưng kế hoạch đã chuyển từ hệ thống ưu tiên tính theo độ tuổi sang ưu tiên theo khu vực địa lý sau khi một đợt dịch bùng phát ở Bangkok vào tháng 4. Những nhóm tuổi lao động và trẻ hơn ở Bangkok dễ tiếp cận các trung tâm tiêm chủng hơn nhóm người cao tuổi, dẫn đến kết quả là tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nhóm 60 tuổi trở lên. 

 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Selangor, Malaysia ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 31/8: Toàn khối vượt 10 triệu ca mắc; Thủ đô Lào áp lệnh giới nghiêm
COVID-19 tại ASEAN hết 31/8: Toàn khối vượt 10 triệu ca mắc; Thủ đô Lào áp lệnh giới nghiêm

Trong ngày 31/8, các nước ASEAN ghi nhận trên 73.500 ca nhiễm mới và 1.137 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc COVID-19 trong khu vực vượt mốc 10 triệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN