COVID-19 tới 6h sáng 20/4: Trung Quốc quyết theo 'Zero Covid''; Dịch bùng trở lại ở Mỹ

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 550.000 ca mắc COVID-19 và gần 1.900 ca tử vong. Trung Quốc quyết theo đuổi chính sách "Zero Covid", trong khi số ca nhiễm mới tăng trở lại tại 50% số tiểu bang Mỹ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Stuttgart, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 20/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 505.703.256 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.226.843 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 552.250 và 1.881 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 457.601.258 người, 41.875.155 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 41.967 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 130.759 ca; Đức đứng thứ hai với 118.445 ca; tiếp theo là Australia (39.091 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 235 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ 195 ca và Pháp với 182 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.397.021 người, trong đó có 1.016.015 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.046.977 ca nhiễm, bao gồm 522.001 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.275.219 ca bệnh và 662.151 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 187 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 146 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 97,5 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56,57 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,82 triệu ca và châu Đại Dương 6,58 triệu ca nhiễm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản ngày 1/2/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Zero COVID"

Ngày 19/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì chính sách "Zero COVID" trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 cộng đồng gia tăng. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn NHC Mễ Phông (Mi Feng) cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 là vấn đề y tế khẩn cấp, mối nguy lớn đối với sức khỏe cộng đồng khiến cả thế giới quan ngại. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia hạn các biện pháp chống dịch nhằm giảm các ca lây nhiễm trong cộng động và các ca nhập cảnh.  Chiến lược “Zero COVID” của Trung Quốc bao gồm việc tiến hành xét nghiệm, truy vết và cách ly tập trung các ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo dữ liệu chính thức do NHC thống kê, ngày 18/4 Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 3.297 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng và 18.187 ca mắc không có triệu chứng. 

Cùng ngày, thành phố Thượng Hải đã yêu cầu người dân tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong chiến dịch xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng. Thành phố đông dân nhất Trung Quốc đang nỗ lực “quét sạch” các ca mắc cộng đồng sau gần 3 tuần áp đặt các biện pháp giãn cách. 
Theo giới chức Thượng Hải, việc tiến hành các xét nghiệm PCR hàng loạt sẽ giúp phát hiện các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 từ sớm, theo đó nhanh chóng giảm tối đa số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Giới chức thành phố này đã nới lỏng biện pháp chống dịch tại một số khu vực nguy cơ thấp, song phần lớn dân cư tại thành phố 25 triệu dân này vẫn phải tuân thủ biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại ở 50% số bang của Mỹ

Theo dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng ở hơn một nửa số bang của nước này do sự lây lan dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron.

Mỹ hiện ghi nhận trung bình 35.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, tăng 19% so với tuần trước và 42% so với 2 tuần trước đây. Số ca tử vong và nhập viện vì COVID-19 mỗi ngày lần lượt là 370 ca và 1.400 ca. Các chuyên gia cho rằng số ca mắc mới trên thực tế có thể cao hơn do nhiều trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính tại nhà nhưng không khai báo với cơ quan y tế.

Cũng theo CDC, những người bị bệnh tim có nguy cơ cao chuyển bệnh nặng nếu mắc COVID-19 và bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước này.

Cố vấn của Nhà Trắng về COVID-19 Ashish Jha cho biết các loại vaccine ngừa COVID-19 vẫn có tác dụng ngăn ngừa bệnh, do đó những người trên 60 tuổi nên tiêm mũi vaccine thứ 4. Ông cũng cho rằng cần phải nghiên cứu để xác định xem liệu dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron có gây bệnh nặng hơn so với dòng phụ BA.1 của Omicron cũng như các biến thể trước đó hay không. Nghiên cứu ban đầu cho thấy BA.2 có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 30% so với BA.1.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 18/4, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã đưa khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ra khỏi danh sách khuyến cáo không đi du lịch liên quan đến dịch COVID-19. Với quyết định này, Mỹ không còn xếp bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào vào nhóm thuộc diện cảnh báo cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp độ của nước này. 

Thủ tướng Anh xin lỗi Quốc hội vì vi phạm quy định phòng dịch

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19/4 đã xin lỗi trước Hạ viện sau khi bị cảnh sát phạt tiền vì vi phạm quy định phòng dịch COVID-19 hồi tháng 6/2020.

Phát biểu tại Hạ viện, Thủ tướng Johnson thừa nhận ông đã sai, dù tại thời điểm đó, ông không nghĩ bữa tiệc sinh nhật tại thời điểm đỉnh dịch đã vi phạm các quy định giãn cách xã hội. Thủ tướng Anh cũng khẳng định người dân có quyền mong đợi các tiêu chuẩn cao hơn và kỳ vọng cách ứng xử tốt hơn từ Thủ tướng.

Lời xin lỗi được Thủ tướng Johnson đưa ra sau khi Công đảng đối lập đã thành công trong việc kiến nghị tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 21/4 về việc liệu ông có phải đối mặt với cuộc điều tra từ Ủy ban chuyên trách của Hạ viện về việc đã lừa dối Quốc hội bằng cách liên tục phủ nhận hành vi vi phạm hay không. Tuy nhiên, kiến nghị của Công đảng khó có khả năng được thông qua do Thủ tướng Johnson hiện vẫn nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Johnson & Johnson tạm ngừng dự báo doanh số bán vaccine ngừa COVID-19

Hãng dược phẩm Johnson & Johnson của Mỹ ngày 19/4 đã tạm dừng dự báo doanh số bán vaccine ngừa COVID-19 do dư thừa nguồn cung toàn cầu và nhu cầu không ổn định. 

Động thái trên của Johnson & Johnson ngay lập tức khiến cổ phiếu của hãng giảm điểm 2,6% trong phiên giao dịch đầu ngày tại thị trường New York. 

Trước đó, Johnson & Johnson đã dự báo doanh số bán vaccine ngừa COVID-19 vào khoảng 3,5 tỷ USD - con số tương đối thấp so với các công ty đối thủ do nhu cầu tại Mỹ thấp và những lo ngại về độ an toàn của loại vaccine này.

Các loại vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất dựa trên công nghệ mRNA của các hãng Pfizer, Moderna và AstraZeneca là vaccine tiêm 2 liều, trong khi vaccine của Johnson & Johnson là loại chỉ tiêm 1 liều. 

Năm ngoái, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã khuyến nghị tạm dừng sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson sau khi có một số ít báo cáo về hiện tượng xuất hiện cục máu đông hiếm gặp sau khi tiêm vaccine. Loại vaccine này cũng được cho là kém hiệu quả đối với biến thể Delta lây lan mạnh năm ngoái.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Ashkelon, Israel, ngày 22/2/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi khỏi bệnh có thể giúp tăng phản ứng miễn dịch

Kết quả một nghiên cứu quốc tế mới được công bố trên tạp chí Clinical & Translational Immunology cho thấy tiêm phòng COVID-19 sau khi mắc và khỏi bệnh tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn đáng kể so với những người tiêm khi chưa mắc bệnh.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska của Thụy Điển đã tiến hành phân tích các mẫu máu thu thập trong khoảng thời gian 7 tháng để kiểm tra phản ứng của kháng thể và tế bào T đối với vaccine cũng như thời gian phản ứng miễn dịch tồn tại. Nhóm nghiên cứu đã so sánh mẫu máu của 118 người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi mắc và khỏi bệnh với mẫu máu của 289 người đã tiêm vaccine nhưng chưa từng mắc COVID-19 trước đó. Những người này đều là nhân viên y tế đã tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech. Một nhóm nhỏ hơn gồm 47 người đã mắc COVID-19 trước khi tiêm vaccine của hãng AstraZeneca và 60 người chưa từng mắc COVID-19 cũng được theo dõi trong 3 tháng.

Kết quả cho thấy phản ứng miễn dịch ở những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi khỏi bệnh mạnh hơn nhiều so với những người tiêm vaccine nhưng không có tiền sử mắc bệnh. Cụ thể, các nhà nghiên cứu nhận thấy phản ứng miễn dịch thu được từ tế bào T tăng mạnh và ổn định, lượng kháng thể IgG và kháng thể trung hòa cũng tăng đột biến ở những người đã hồi phục sau khi nhiễm một trong 10 biến thể xuất hiện trước biến thể Omicron. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng khoảng thời gian chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi mắc bệnh càng lâu thì nồng độ kháng thể trung hòa tạo ra càng cao. 

Nghiên cứu cũng cho thấy nồng độ kháng thể giảm đáng kể trong 3 tháng đầu tiên sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca và 7 tháng với vaccine của Pfizer/BioNTech. 

Từ các phát hiện trên, các nhà nghiên cứu khuyến nghị xem xét yếu tố tiền sử mắc COVID-19 khi triển khai tiêm mũi tăng cường cũng như lập kế hoạch cho các chương trình tiêm chủng trong tương lai.         

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia viện trợ vaccine COVID-19 tự sản xuất cho nước có nhu cầu

Indonesia sẽ sử dụng vaccine ngừa COVID-19 “Đỏ-Trắng” do nước này tự sản xuất cho mũi tiêm tăng cường và cung cấp cho quốc gia khác có nhu cầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/4, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết vaccine “Đỏ-Trắng” sẽ được ưu tiên sử dụng tiêm phòng ngừa COVID-19 để tiêm mũi thứ 3. Vaccine do quốc gia này tự nghiên cứu và sản xuất có thể được sử dụng cho trẻ em chưa tiêm phòng. Bộ trưởng Sadikin cho biết thêm Tổng thống Joko Widodo đã chỉ đạo sản xuất vaccine Đỏ-Trắng để viện trợ cho các quốc gia có nhu cầu cung cấp vaccine sẵn có.
Vaccine Đỏ-Trắng có thể được đưa vào sản xuất trong thời gian từ tháng 8-9/2022. Chế phẩm này do Đại học Airlangga phối hợp cùng Công ty dược phẩm PT Biotis sản xuất.

Nhật Bản cấp phép sử dụng vaccine của Novavax

Cùng ngày, Bộ Y tế Nhật Bản đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm Mỹ Novavax phát triển dành cho những người từ 18 tuổi trở lên.

Với quyết định này, vaccine của Novavax sẽ là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 được lưu hành tại Nhật Bản bên cạnh 3 loại vaccine của Pfizer Inc., Moderna Inc. và AstraZeneca Plc. Bộ Y tế hy vọng vaccine của Novavax có thể được sử dụng cho những người có khả năng có phản ứng dị ứng với vaccine công nghệ mRNA trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được kiểm soát tại Nhật Bản. Bộ trưởng Y tế Shigeyuki Goto cho biết vaccine của Novavax được sản xuất dựa trên công nghệ protein và được coi là an toàn và hiệu quả, qua đó sẽ giúp thu hút nhiều người chưa tiêm chủng vì lo ngại các tác dụng phụ.

Dự kiến, vaccine ngừa COVID-19 của Novavax Inc sẽ do Công ty dược phẩm Takeda Pharmaceutical Co. sản xuất và phân phối. Theo hợp đồng ký với Chính phủ Nhật Bản, Takeda Pharmaceutical Co. sẽ cung cấp 150 triệu liều vaccine trong vòng 1 năm. Vaccine của Novavax có thể được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên với 2 mũi cách nhau 3 tuần. Loại vaccine này có khả năng được sử dụng làm mũi tiêm tăng cường dù người tiêm trước đó đã tiêm 1 loại vaccine của hãng khác.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Lào lo ngại số ca COVID-19 sẽ tăng đột biến sau Tết cổ truyền

Ngày 19/4, báo chí Lào đưa tin sau 5 ngày (13-17/4) nghỉ Tết cổ truyền với nhiều hoạt động tập trung đông người, Bộ Y tế Lào đã khuyến cáo người dân cần theo dõi tình hình sức khỏe và các biểu hiện như sốt, ho, khó thở… để kịp thời phát hiện có mắc COVID -19 hay không. 

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, bộ trên cho biết sau khi tham dự các hoạt động đón Tết cổ truyền của Lào, người dân nên theo dõi chặt chẽ sức khỏe trong 7 ngày tới. Những người có các biểu hiện hoặc lo lắng có thể đã mắc COVID-19 cần thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế công tại địa phương hoặc tự xét nghiệm nhanh tại nhà. Nếu có kết quả dương tính, người dân nên thông báo cho nhà chức trách để được hỗ trợ, tư vấn.

Dịp Tết cổ truyền của Lào vừa qua đã ghi nhận nhiều hoạt động đi lại nhộn nhịp giữa các tỉnh cũng như việc tụ tập đông người để đón Năm mới, điều khiến các giới chức y tế Lào lo ngại về một đợt bùng phát dịch COVID–19 mới trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron được cho là chiếm tới hơn 90% trong số các ca nhiễm tại Lào. 

Về tình hình COVID-19 tại Lào, cùng ngày, Bộ Y tế cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 958 ca mắc mới và 5 ca tử vong. Tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã ghi nhận tổng cộng 201.460 ca bệnh, trong đó 727 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccne ngừa COVID-19 tại Putrajaya, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia: Dịch bệnh vẫn lây lan  

Trong thông báo cập nhật sáng 19/4, giới chức Malaysia cho biết nước này ghi nhận 7.140 ca nhiễm mới trong ngày 18/4, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.396.165 ca. Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Malaysia cũng tăng lên 35.437 ca sau khi có thêm 16 người không qua khỏi trong cùng thời gian trên. 

Tính đến ngày 18/4, đã có 84,6% dân số Malaysia được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 80,5% đã tiêm đủ liều cơ bản và 48,9% đã tiêm liều tăng cường.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN