Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nhật Bản (28.335 ca), Đức (26.097 ca) và Brazil (24.239 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (86 ca), Italy (66 ca) và Australia (58 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 85,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,03 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 524.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30,9 triệu ca mắc và trên 666.000 ca tử vong.
Số ca sốt mới ở Triều Tiên giảm mạnh
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 28/5 cho biết số ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở nước này trong ngày hiện đã giảm xuống chỉ còn dưới 100.000 người.
Trích dẫn số liệu từ Cơ quan phòng chống dịch bệnh khẩn cấp của nhà nước, KCNA cho biết trong 24 giờ tính đến 18h ngày 27/5, nước này chỉ ghi nhận thêm hơn 88.520 người có triệu chứng sốt, giảm 20.560 người so với một ngày trước đó. KCNA không cho biết thông tin về việc liệu có thêm ca tử vong nào được xác nhận hay không.
Cũng theo KCNA, tổng số ca sốt được ghi nhận tại Triều Tiên kể từ cuối tháng 4 đến nay đã lên tới 3,36 triệu người. Trong số này, 3,13 triệu người đã bình phục và chỉ còn khoảng 203.000 người vẫn đang phải điều trị.
Triều Tiên công bố đợt bùng phát dịch COVID-19 hôm 12/5 với số ca sốt mới theo ngày có lúc lên tới 392.920 ca (ghi nhận hôm 15/5). Sau đó, con số này giảm dần và Triều Tiên cũng tuyên bố đã đạt được một số tiến triển trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) ghi nhận các ca mắc COVID-19 tại khu vực biên giới
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo đã ghi nhận tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng không rõ nguồn gốc tại các khu vực biên giới của tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc nước này.
Theo NHC, dịch bệnh có xu hướng lây lan từ các khu vực biên giới tới vùng nội địa. Tỉnh Cát Lâm có biên giới giáp cả Nga lẫn Triều Tiên. Hiện chưa rõ chính xác khu vực nào đang chịu ảnh hưởng và bao nhiêu ca mắc COVID-19 mới được phát hiện.
Trong 5 ngày qua, số ca nhiễm mới tại Cát Lâm đã duy trì ở mức một con số, với nhiều trường hợp gần biên giới Triều Tiên. Tỉnh này vẫn chưa xác nhận ca mắc COVID-19 nào trong số những người vừa trở về từ nước ngoài trong thời gian gần đây. Tháng trước, Trung Quốc đã đình chỉ dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt với Triều Tiên.
Những người mắc COVID-19 đột phá cũng có thể bị COVID kéo dài
Một nghiên cứu mới đây tại Mỹ cho thấy hội chứng COVID kéo dài (Long COVID) có thể xảy ra ngay cả ở những trường hợp lây nhiễm đột phá, tức là những trường hợp vẫn mắc COVID-19 dù đã tiêm chủng đầy đủ, trong đó người càng cao tuổi càng có nguy cơ đối mặt với những ảnh hưởng lâu dài.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine, khoảng 30% số người mắc COVID-19 đột phá có các biểu hiện của COVID kéo dài. Nghiên cứu đã xem xét hồ sơ y tế của 13 triệu cựu chiến binh ở Mỹ, đa số là người da trắng với độ tuổi trung bình 60, trong đó gần 3 triệu người đã tiêm phòng COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 1-10/2021. Khoảng 1%, tương đương 34.000 người, đã mắc COVID-19 đột phá.
Một nghiên cứu khác của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy khoảng 20% số người trên 18 tuổi ở nước này có vấn đề về sức khỏe có thể liên quan đến việc đã mắc COVID-19 trước đây.
Theo CDC, hội chứng COVID kéo dài có các triệu chứng dai dẳng hoặc rối loạn chức năng, bao gồm các triệu chứng tim mạch, phổi, huyết học, thận, nội tiết, tiêu hóa, cơ xương khớp, thần kinh và tâm thần.
Thụy Sĩ lên kế hoạch tiêu hủy hơn 620.000 liều vaccine ngừa COVID-19 hết hạn sử dụng
Giới chức y tế Thụy Sĩ cho biết nước này sẽ tiêu hủy hơn 620.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna đã hết hạn sử dụng vào thời điểm nhu cầu tiêm phòng loại vaccine này giảm đáng kể.
Theo một người phát ngôn của Cơ quan Y tế Liên bang Thụy Sĩ, nước này đã mua quá nhiều vaccine ngừa COVID-19 để thực hiện mục tiêu "bảo vệ người dân tại mọi thời điểm bằng các loại vaccine hiệu quả nhất có sẵn". Trong năm 2022, Thụy Sĩ, quốc gia đã dỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng phòng đại dịch COVID-19, mua tổng cộng 34 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho khoảng 8,7 triệu dân. Hồi tháng 2 năm nay, nước này cho biết sẽ tài trợ tới 15 triệu liều vaccine dư thừa cho các nước nghèo vào giữa năm 2022, tuy nhiên số vaccine có thể tài trợ được cho những nước này trên thực tế hiện vẫn đang được thảo luận. Trong tháng 3, Thụy Sĩ thông báo đã mua ít nhất 14 triệu liều vaccine COVID-19 của hãng Moderna và hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech để phục vụ người dân vào năm 2023, và có nhiều giải pháp để lựa chọn nhằm tăng gấp đôi liều vaccine này. Ngoài ra, quốc gia trên cũng cho hay sẽ mua tới 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của một hãng dược phẩm khác.
Tại Thụy Sĩ và nước láng giềng Liechtenstein mới chỉ có hơn 70% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Theo giới chức Thụy Sĩ, cho đến nay, nước này đã ghi nhận gần 3,7 triệu ca mắc bệnh và 13.325 ca tử vong.