COVID-19 tới 6h sáng 30/3: SARS-CoV-2 vẫn liên tục tiến hoá; 'Omicron tàng hình' thống trị toàn cầu

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,43 triệu ca mắc COVID-19 và 3.556 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 6.155.295 ca. "Omicron tàng hình" trở thành biến thể chủ đạo trên toàn cầu và virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục tiến hoá, vượt qua hệ miễn dịch của con người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Medellin, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 30/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 484.833.728 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.155.295 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.430.300 và 3.556 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 418.791.942 người, 59.886.491 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 58.336 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 347.374 ca; Đức đứng thứ hai với 237.858 ca; tiếp theo là Pháp (217.480 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 419 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga 339 ca và Đức với 331 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.672.941 người, trong đó có 1.004.747 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.023.010 ca nhiễm, bao gồm 521.131 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.882.397 ca bệnh và 659.241 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 177,2 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 1,1 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 96,4 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,7 triệu ca và châu Đại Dương gần 5,3 triệu ca nhiễm.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 26/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

SARS-CoV-2 tiến hóa tiến hoá liên tục, nguy cơ biến thể mới nguy hiểm hơn

Mới đây, các chuyên gia từ trường y Anschutz thuộc đại học Colorado thông báo kết quả nghiên cứu mới cho thấy virus SARS-CoV-2 tiến hóa theo hướng ngày càng nâng cao khả năng né tránh hệ miễn dịch bẩm sinh của con người. Đây được coi là một phát hiện quan trọng, vừa thúc đẩy tiếp tục nghiên cứu sâu về loại virus còn nhiều bí ẩn này, vừa mở ra một hướng mới để tìm được phương thức điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Ngay từ khi virus SARS-CoV-2 được thông báo xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Mario Santiago và Eric Poeschla tại Đại học Colorado đã tập trung theo dõi cách các virus gốc và các biến thể phản ứng với các interferon. Đây là loại protein được tế bào người sản sinh nhằm ngăn chặn virus phát triển trong cơ thể, một phần quan trọng trong phản ứng miễn dịch bẩm sinh của con người và có vai trò như lớp phòng thủ tuyến đầu khi cơ thể nhiễm virus.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh cách phản ứng của 17 interferon khác nhau trong cơ thể người với virus chủng gốc và 5 biến thể của virus gồm Alpha, Beta, Delta, Gamma và Omicron. Các dữ liệu chỉ ra rằng cả 5 biến thể đều có khả năng kháng cự tốt hơn với interferon so với virus chủng gốc. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng để ngăn chặn các biến thể mới cần nhiều interferon hơn việc ngăn chặn virus chủng gốc. Ví dụ, khả năng ngăn chặn biến thể Alpha của các interferon thấp hơn 100 lần so với khả năng ngăn chặn virus chủng gốc. Theo chuyên gia Santiago, những dữ liệu trên cho thấy khả năng lấn át hệ miễn dịch bẩm sinh có thể là động cơ tiến hóa chính của virus SARS-CoV-2. Điều gây lo ngại nhất ngay lúc này là có thể xuất hiện một biến thể mới nguy hiểm hơn nếu virus đã học được các cách thức để đánh bại hệ miễn dịch của con người.

Chú thích ảnh
Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện Y tế quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19 ở Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

'Omicron tàng hình' thành biến thể chủ đạo gây COVID-19 trên toàn cầu

Dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện là nguyên nhân chính gây ra các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu và châu Á, làm gia tăng lo ngại về khả năng bùng phát một đợt dịch mới tại Mỹ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BA.2 hiện gây ra 86% tổng số ca mắc COVID-19 đã được giải trình tự gien virus gây bệnh. BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn nhiều so với "các anh em ruột" của mình là BA.1 và BA.1.1. Tuy nhiên, cho đến nay các bằng chứng cho thấy biến thể này có thể không gây bệnh nặng.

Cũng như với các dòng phụ khác thuộc họ Omicron, các vaccine ít hiệu quả đối với BA.2 hơn so với các biến thể trước đó như Alpha hoặc chủng gốc SARS-CoV-2, và khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Cơ quan An ninh Y tế Anh (HSA), mức độ bảo vệ của vaccine sẽ được khôi phục sau khi tiêm mũi tăng cường, đặc biệt trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tây Java, Indonesia ngày 14/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

BA.2 được gọi là biến thể "tàng hình" vì rất khó phát hiện. BA.2 cùng một "người anh em" khác của nó là BA.3 - loại cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều - chỉ có thể bị phát hiện bằng cách giải trình tự gene, điều mà không phải nước nào cũng đủ năng lực thực hiện. Lo ngại chính về BA.2 là liệu biến thể này có gây tái nhiễm ở những người đã nhiễm BA.1 hay không. Tuy nhiên, dữ liệu từ Anh và Đan Mạch cho thấy trong khi người đã nhiễm biến thể khác như Delta có thể tái nhiễm Omicron, chỉ có một số ít ca tái nhiễm BA.2 ở người đã nhiễm BA.1.

Giải thích về sự gia tăng số ca nhiễm BA.2 gần đây, các nhà khoa học cho rằng tình trạng này liên quan đến việc lơ là các biện pháp phòng dịch cơ bản. Chuyên gia virus của Đại học y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg tại Baltimore, Tiến sĩ Andrew Pekosz nhấn mạnh: "BA.2 lây lan khi mọi người ngừng đeo khẩu trang".

Dù lý do gia tăng số ca nhiễm BA.2 là gì, các nhà khoa học cho rằng đây là một lời nhắc nhở rằng virus đang tiếp tục gây hại, nhất là đối với những người chưa tiêm phòng và nhóm dễ bị tổn thương.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Dayton, Ohio, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tây Ban Nha chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu

Ngày 28/3, Tây Ban Nha bước sang giai đoạn mới trong chiến lược ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó chính phủ quyết định dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế từng được áp dụng để phòng dịch.

Theo đó, COVID-19 sẽ được coi là bệnh đặc hữu tại Tây Ban Nha. Giới chức Tây Ban Nha đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly 7 ngày với những người mắc bệnh nếu không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Những người này được khuyến nghị đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần với những người dễ chịu tổn thương nhưng vẫn được phép đi làm. Hình thức làm việc từ xa vẫn được khuyến khích áp dụng khi có thể. Yêu cầu cách ly vẫn có hiệu lực với một số trường hợp, giống như áp dụng với những ca nhiễm cúm thể nặng. Khán giả đến sân theo dõi các sự kiện thể thao sẽ được mang theo đồ ăn và thức uống như trước đây. Các biện pháp kiểm soát sẽ tập trung bảo vệ nhóm trên 60 tuổi hoặc có bệnh nền có nguy cơ cao trở nặng nếu nhiễm virus SARS-CoV-2. Những người khỏe mạnh và ít tuổi hơn không cần phải thực hiện xét nghiệm PCR để xác nhận tình trạng nhiễm bệnh. 

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Sitges, Tây Ban Nha ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết đã thiết lập các cơ chế duy trì cảnh giác với dịch bệnh ở cấp độ châu Âu và tiếp nhận, cũng như chia sẻ thông tin dịch bệnh tại Tây Ban Nha cho các báo cáo và tài liệu nhằm đảm bảo luôn theo sát tình hình dịch tại Liên minh châu Âu (EU).

Campuchia nỗ lực ngăn chặn biến thể mới trước thềm Tết Khmer 

Ngày 29/3 Bộ Y tế Campuchia đã áp dụng trở lại quy định xét nghiệm nhanh COVID-19 đối với lao động nước này trở về từ Thái Lan. Đây được coi là nỗ lực của giới chức Campuchia nhằm nhanh chóng kiểm soát lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ biên giới Thái Lan vào Campuchia trước thềm Tết Khmer truyền thống vào tháng tới.

Các quan chức Campuchia đã bày tỏ lo ngại về khả năng gia tăng các ca mắc COVID-19 trở lại khi lao động Campuchia từ Thái Lan về nước đón Tết Khmer ngày càng đông. Hiện có hơn 1.000 lao động Campuchia trở về từ Thái Lan đang phải cách ly ở biên giới.

Phát biểu sáng 28/3 tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thể hiện sự lo ngại trước việc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan trên thế giới, đặc biệt tại một số nước láng giềng, đồng thời nêu rõ phải thận trọng và nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Mặc dù đạt tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 ở mức cao, song Campuchia tiếp tục xây dựng các trung tâm điều trị có thể chăm sóc 100.000 bệnh nhân, sẵn sàng đối phó với khả năng các ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại.

Tuy nhiên, các hạn chế về hàng không như yêu cầu xét nghiệm PCR trước khi lên máy bay đi Campuchia đã được dỡ bỏ và việc cấp thị thực (visa) cho người nhập cảnh Campuchia được nối lại trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang cố gắng khôi phục kinh tế.

Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Hok Kim Cheng ngày 28/3 cũng bày tỏ quan ngại về việc lao động di cư nước này sẽ ồ ạt trở về nhà trong dịp Tết Khmer. Bộ Y tế sẽ làm việc kỹ càng với chính quyền các tỉnh giáp biên giới Thái Lan để kiểm soát các ca lây nhiễm một cách hiệu quả bằng cách xét nghiệm nhanh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi ở Yogyakarta, Indonesia, ngày 24/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Philippines cảnh báo không nên tiêm quá số liều vaccine được khuyến cáo

Ngày 29/3, Bộ Y tế Philippines (DOH) cảnh báo người dân nước này cần tuần thủ quy trình và hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được phê duyệt, không nên tiêm nhiều hơn số liều được khuyến cáo.

Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết dù đến nay DOH chưa ghi nhận về các hiện tượng bất thường nhưng cơ quan này vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của những người đã tiêm vaccine quá số liều được khuyến cáo. Bà Vergeire cho rằng việc tiêm quá số liều được khuyến cáo rất nguy hiểm vì các loại vaccine ngừa COVID-19 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 và cơ quan y tế đang theo dõi tác dụng lâu dài của các vaccine này. Bà khuyến cáo người dân cần tuân thủ quy trình và hướng dẫn sử dụng vaccine đã được cơ quan y tế phê duyệt.

Hiện DOH đã đưa ra khuyến nghị tiêm mũi vaccine thứ 4 hoặc mũi tăng cường thứ 2 cho người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, Chính phủ Philippines vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức đối với khuyến nghị này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Quezon, Philippines, ngày 7/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan xem xét nới lỏng quy định nhập cảnh

Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan (MoTS) đang xem xét thay thế yêu cầu xét nghiệm RT-PCR sau khi nhập cảnh bằng xét nghiệm nhanh (ATK) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Từ ngày 1/5, MoTS xem xét đề xuất cho phép khách du lịch vào Thái Lan nếu có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Theo quy định hiện hành, du khách nước ngoài muốn nhập cảnh vào Thái Lan phải đăng ký xin mã nhập cảnh (Thailand Pass), trong đó yêu cầu người nhập cảnh có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh; đồng thời phải xét nghiệm RT-PCR trong ngày đầu tiên nhập cảnh và thêm một xét nghiệm ATK vào ngày thứ 5 lưu trú.

Tuy nhiên, MoTS sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh ở nước này để xem xét đưa ra quyết định cuối cùng. Theo đó, để tiếp tục thúc đẩy nội các thông qua đề xuất trên, số ca nhiễm mới trong ngày theo kết quả xét nghiệm ATK ở nước này không được vượt quá 60.000 ca, số ca tử vong theo ngày không vượt quá 100 người.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan kỳ vọng sẽ đón khoảng 7 triệu du khách trong năm 2022, tạo ra thu về ít nhất 1.000 tỷ baht (33 Tỷ USD) - bằng 30% tổng doanh thu du lịch của năm 2019.

Lào cảnh báo khả năng bùng phát COVID-19 trong dịp tết cổ truyền

Sau vài ngày số ca nhiễm SARS-CoV-2 giảm xuống mức hơn 1.000 ca/ngày, Bộ Y tế Lào ngày 29/4 cho biết con số này đã tăng trở lại lên 2.183 ca trong 24 giờ qua, trong đó thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là tâm dịch với 1.132 ca.

Đại diện Bộ Y tế cho biết tình hình dịch COVID tại Lào vẫn diễn biến phức tạp với biến thể Omicron, tạo gánh nặng lớn cho ngành y tế.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID – 19 trong bối cảnh người dân Lào đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc vào giữa tháng 4 tới, Bộ trên cảnh báo về nguy cơ gia tăng đột biến số ca nhiễm trong dịp này.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

 Để người dân không tụ tập đông khiến dịch bùng phát mạnh, Chính phủ Lào mới đây đã chỉ thị không tổ chức các sự kiện chào mừng Tết Năm mới. Tuy nhiên, điều này chỉ giúp hạn chế phần nào bởi dù không tổ chức các sự kiện công cộng ngoài trời, nhưng người dân vẫn sẽ tổ chức tiệc tùng tại nhà, có thể kích hoạt các đợt bùng phát dịch nếu không tuân thủ các biện pháp phòng chống. Chính vì lý do này, Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn, tiếp tục đi tiêm vaccine đủ các mũi cơ bản và tiêm các mũi tăng cường.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Số thai phụ có nguy cơ mắc Omicron cao gấp 8 lần biến thể khác
Số thai phụ có nguy cơ mắc Omicron cao gấp 8 lần biến thể khác

Một nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho thấy phụ nữ mang thai trong thời gian bùng phát biến thể Omicron có nguy cơ dương tính với virus SARS-CoV-2 cao gấp 8 lần so với các biến thể khác. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển biến nặng thấp hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN