Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (424.528 ca), Đức (267.367 ca) và Pháp (169.024 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (432 ca), Nga (352 ca) và Đức (305 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29,9 triệu ca mắc và trên 659.000 ca tử vong.
"Omicron tàng hình" là biến thể chủ đạo trong số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ thông báo biến thể phụ BA.2 của Omicron, còn gọi là "Omicron tàng hình", đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ do có khả năng lây nhiễm nhanh. Tuy nhiên theo cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, không có khả năng nước này sẽ phải chứng kiến làn sóng dịch bệnh mới gia tăng trở lại.
CDC Mỹ cho biết trong tuần kết thúc ngày 26/3, BA.2 chiếm 54,9% số ca nhiễm mới tại Mỹ, tăng so với tỷ lệ 39% ghi nhận trong tuần trước đó. Theo các nghiên cứu ban đầu, biến thể "Omicron tàng hình" có khả năng lây nhiễm cao hơn 30% so với biến thể BA.1 của Omicron.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, CDC Mỹ đã khuyến cáo người có hệ miễn dịch suy yếu và người trên 50 tuổi cần tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 trong ít nhất 4 tháng sau mũi tiêm thứ 3. Trước đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cũng đã khuyến nghị tiêm mũi thứ 4 vaccine của hãng Pfizer/BioNTech hoăc Moderna cho cùng nhóm đối tượng này.
Riêng với người đã tiêm mũi 1 và mũi tăng cường vaccine Janssen của hãng Johnson & Johnson, CDC Mỹ khuyến nghị trong 4 tháng sau mũi tiêm tăng cường, có thể tiêm mũi 2 tăng cường bằng vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA.
Theo CDC Mỹ, vaccine đã phát huy hiệu quả trong suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát do biến thể Omicron gần đây, giúp người đã tiêm mũi tăng cường giảm nguy cơ tử vong tới 21 lần và giảm nguy cơ nhập viện điều trị tới 7 lần so với người không tiêm chủng.
Trong vài tuần qua, Mỹ đã dỡ bỏ rất nhiều các biện pháp hạn chế để phòng dịch sau khi một loạt các nước châu Âu thực hiện nới lỏng biện pháp. Cũng giống như New York, nhiều thành phố của Mỹ như Los Angeles and Washington D.C., đã quyết định bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng khi tham gia các hoạt động tại một số địa điểm công cộng.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nới lỏng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nhiều nơi như trụ sở cơ quan công quyền, không gian kín tại các công viên quốc gia. Tuy nhiên, quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn được áp dụng đối với hành khách đi máy bay, tại sân bay và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ngày 30/3, chính quyền 21 bang đã tìm cách hủy bỏ quy định này khi đệ đơn lên một tòa án Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ.
Kết quả khảo sát mới nhất của AP và Trung tâm Nghiên cứu dư luận quốc gia (NORC) cho thấy có 44% người trưởng thành luôn đeo khẩu trang khi xuất hiện tại các địa điểm công cộng - giảm mạnh so với tỷ lệ 65% trong cuộc thăm dò tương tự thực hiện tháng 1 vừa qua. Hơn 50% số người được hỏi cho biết họ tránh các hoạt động đi lại không thiết yếu và không tụ tập đông người. Trong cuộc thăm dò công bố tháng trước, hơn 60% số người được hỏi cho biết họ vẫn lựa chọn làm việc từ xa.
Bulgaria dỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế vì dịch bệnh COVID-19 từ ngày 1/4
Bộ trưởng Y tế Bulgaria Assena Serbezova ngày 30/3 cho biết nước này sẽ hủy bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 từ đầu tháng 4 tới, trong đó có quy định đeo khẩu trang trong không gian kín và lệnh cấm đi lại đối với người nước ngoài đến từ những quốc gia mà tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng.
Ngoài ra, các biện pháp khác cũng được dỡ bỏ là hạn chế công suất các nhà hàng, rạp hát, các sự kiện, quy định giãn cách xã hội bắt buộc và việc học trực tuyến. Tất cả những người nước ngoài sẽ được phép nhập cảnh vào nước này nếu xuất trình giấy chứng nhận COVID-19 hợp lệ như đã tiêm chủng hoặc khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.
Động thái trên diễn ra sau khi Chính phủ Bulgaria quyết định chấm dứt tình trạng cảnh báo toàn quốc được áp đặt cách đây 2 năm, thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở quốc gia Balkan này.
Hiện Bulgaria là quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU) với chưa đến 30% dân số tiêm đủ liều cơ bản. Đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 36.498 người ở Bulgaria - quốc gia có 7 triệu dân.
Thụy Sĩ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch từ 1/4
Ngày 30/3, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết nước này sẽ dỡ bỏ những biện pháp hạn chế còn lại vẫn đang được áp dụng vì dịch bệnh COVID-19 từ ngày 1/4 tới, trong bối cảnh Thụy Sĩ đang tìm cách sống chung với dịch bệnh. Theo đó, quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở y tế, cũng như yêu cầu tự cách ly 5 ngày sau khi mắc COVID-19, sẽ được hủy bỏ. Chính phủ Thụy Sĩ cũng sẽ tạm thời hủy ứng dụng Swiss COVID xác định những người có tiếp xúc gần với những người khác nhiễm virus.
Theo Chính phủ Thụy Sĩ, quyết định trên được đưa ra sau khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao và không có sự gia tăng đột biến về số ca nguy kịch trong những tuần gần đây dù số ca nhiễm mới hiện vẫn tăng. Chính phủ cho rằng đại dịch có thể chưa kết thúc nhưng sẽ trở thành bệnh đặc hữu với các đợt lây nhiễm theo mùa có khả năng xảy ra trong tương lai.
Số ca nhiễm mới tại Thụy Sĩ vẫn duy trì ở mức cao với 9.306 ca nhiễm mới ghi nhận ngày 30/3. Đến nay, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng 3,46 triệu người, tương đương 41% dân số nước này, mắc COVID-19, trong đó 13.6 ca tử vong. Hiện 69% trong tổng số 8,6 triệu người tại Thụy Sĩ đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản.
Nhiều bang của Đức muốn lùi thời hạn bãi bỏ các biện pháp chống dịch
Theo dự thảo nghị quyết chuẩn bị trước khi diễn ra hội nghị thảo luận về tình hình dịch bệnh giữa Thủ tướng và Thủ hiến các bang tại Đức (GMK), nhiều bang của nước này muốn hoãn kế hoạch chấm dứt ngay các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch COVID-19 thêm 4 tuần nữa.
Giới chức y tế Đức đang tỏ ra lo ngại khi tỷ lệ mắc COVID-19 ở nước này vẫn rất cao, và vì vậy muốn kéo dài thời gian áp đặt các quy định chống dịch bệnh thêm nữa. Trước đó, chính phủ đã tuyên bố ngày 20/3 là thời điểm Đức bãi bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19. Theo đó, cơ sở pháp lý cho các quy tắc 2G (đã tiêm hoặc đã phục hồi sau COVID-19) và 3G (đã tiêm, đã phục hồi hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính), đeo khẩu trang và hạn chế số lượng cho các sự kiện... cũng hết hạn, trừ những điểm nóng có số ca mắc tăng đột biến hoặc xuất hiện biến thể mới.
Theo đánh giá của đa số các bang, kế hoạch bãi bỏ này là quá sớm khi tỷ lệ mắc mới vẫn ở mức cao như hiện nay. Hiện đa số các bang đều chọn sử dụng điều khoản cho phép tiếp tục duy trì các biện pháp chống dịch trong giai đoạn chuyển tiếp đến ngày 2/4 tới. Tuy nhiên, theo dự thảo nghị quyết của GMK, các bang đang thúc đẩy giai đoạn chuyển tiếp này kéo dài thêm ít nhất 4 tuần. Có nghĩa là quy định đeo khẩu trang trong nhà, quy tắc 2G và 3G trong nhà hàng và quán bar, giới hạn số lượng của mỗi sự kiện sẽ được áp dụng cho đến ít nhất là đầu tháng 5.
Chính quyền các bang cũng đang kêu gọi chính phủ xác định chính xác cái gọi là “điểm nóng” và liệu điểm nóng có thể là cả một bang hay không.
Ngày 28/3 vừa qua, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach cũng đề nghị Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) đưa ra các khuyến nghị mới đối với những người có thể tiêm mũi thứ 4, trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang ở mức cao. Theo thống kê tuần vừa qua, Đức ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục 1,5 triệu ca trong 7 ngày.
Số ca mắc COVID-19 tại châu Á vượt mức 100 triệu ca
Theo thống kê của hãng tin Reuters, số ca mắc COVID-19 tại châu Á đã vượt mức 100 triệu ca vào ngày 30/3, trong bối cảnh khu vực này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, với biến thể phụ BA.2 của Omicron là biến thể chủ đạo.
Phân tích của hãng tin Reuters cho thấy cứ 2 ngày, châu Á lại ghi nhận thêm 1 triệu ca mắc COVID-19. Châu Á hiện chiếm tới 21% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Trong những tuần qua, biến thể phụ BA.2 đã khiến số ca nhiễm tăng mạnh tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc... Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BA.2 hiện chiếm gần 86% số ca nhiễm đã được giải trình tự gene.
Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm mới trung bình hằng ngày, khi chiếm 25% số ca nhiễm mới theo ngày trên toàn cầu. Dù số ca nhiễm đã dẫn ổn định so với thời điểm đầu tháng 3, trung bình Hàn Quốc vẫn ghi nhận trên 300 ca tử vong do COVID-19/ngày, khiến nhà chức trách phải yêu cầu các cơ sở hỏa táng kéo dài thời gian làm việc.
Tương tự, Trung Quốc đang trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này. Số ca nhiễm tăng nhanh tại Thượng Hải đã buộc chính quyền thành phố phải áp đặt lệnh phong tỏa tại một số khu vực. Kể từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 45.000 ca mới, cao hơn thống kê của cả năm 2021. Dù Trung Quốc đã tiêm phòng cho 90% dân số, song những người lớn tuổi vẫn chưa được tiêm mũi tăng cường đầy đủ, khiến họ đối mặt với nguy cơ tái nhiễm cao.
Trong khi đó, chỉ riêng Ấn Độ đã ghi nhận 43 triệu ca mắc COVID-19. So với giai đoạn đỉnh vào tháng 1 với trung bình hơn 300.000 ca nhiễm mới/ngày, trong 11 ngày qua, Ấn Độ ghi nhận dưới 2.000 ca nhiễm mới/ngày.
Đầu tháng 3, số ca tử vong do COVID-19 tại châu Á đã vượt 1 triệu người. Nghiên cứu cho thấy những người từng mắc các biến thể khác của virus SARS-COV-2 vẫn có nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron.
Sân bay Changi của Singapore sẵn sàng đón khách trở lại
Trong bối cảnh Singapore nới lỏng hạn chế đi lại và các biện pháp phòng dịch COVID-19 khác, sân bay Changi đã sẵn sàng đón thêm nhiều khách với hy vọng có thể khôi phục lượng khách về mức trước đại dịch.
Với gần 7.500 chuyến bay trong một tuần vào tháng 3/2019 và triệu lượt khách trong năm đó, Changi là một trong những sân bay đông đúc nhất trên thế giới trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo công ty tư vấn Skytrax chuyên đánh giá các dịch vụ vận tải hàng không, Changi đã ít nhất 8 lần được xướng tên là sân bay tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, lượng khách đến sân bay Changi đã giảm xuống, chỉ còn bằng 1,5% so với thông thường.
Singapore đã áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ trong phần lớn của năm 2020 và 2021. Tuần trước, Singapore đã thông báo sẽ đơn giản hóa các yêu cầu về xét nghiệm và cách ly đối với người nhập cảnh. Hầu hết những hạn chế đối với du khách đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 sẽ được dỡ bỏ. Cụ thể, từ ngày 1/4, các chính sách biên giới mới sẽ được áp dụng trở lại gần như trước dịch bệnh. Theo đó, tất cả các du khách đã tiêm đủ vaccine và trẻ em từ 12 tuổi trở xuống nhập cảnh Singapore đều không phải cách ly, kể cả khi không phải hành khách của các chuyến bay theo Làn đi lại vaccine (VTL). Những du khách này cũng không phải xét nghiệm nhanh COVID-19 (ART) khi đến mà chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Họ cũng không cần phải xin Giấy thông hành vaccine (VTP) như trước đây.
Chính phủ Singapore đang đặt mục tiêu đến cuối năm nay có thể khôi phục lượng khách đi máy bay bằng một nửa so với trước đại dịch. Kế hoạch này bao gồm nới lỏng quy định nghiêm ngặt về đi lại trong sân bay và cho phép hành khách sử dụng các dịch vụ, mua sắm và ăn uống trong các nhà hàng tại các nhà ga ở sân bay. Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Singapore S. Iswaran, chính phủ cũng cam kết hỗ trợ 500 triệu SGD (369,66 triệu USD) cho các công ty và các lao động trong lĩnh vực hàng không trong tài khóa tới khi hoạt động lại đi lại bằng đường hàng không phục hồi. Ông khẳng định ngành hàng không đang hướng đến tuyển thêm nhân lực, một tín hiệu lạc quan cho thấy sân bay Changi sẽ nhộn nhịp trở lại.