Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 11.365.224 ca, trong đó có 532.693 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 6.428.325 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 59.314 và 4.404.097 ca đang điều trị tích cực.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (43.590 ca), Brazil (33.663) và Ấn Độ (24.015 ca); trong khi Brazil đứng đầu về số ca tử vong (với 1.011 người chết), tiếp theo là Ấn Độ (620 ca) và Mỹ (2 ca).
Mỹ liên tục phá kỷ lục ca nhiễm mới/ngày cao nhất
Mỹ đã ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, đặc biệt tăng mạnh ở các bang thuộc miền Nam và miền Tây. Trong bối cảnh số ca nhiễm đang gia tăng tại ít nhất 36 bang của Mỹ, chính quyền nhiều bang đã quyết định hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô kỷ niệm ngày Quốc khánh 4/7 và các sự kiện truyền thống do lo ngại việc tụ họp đông người. Tuy nhiên, Thị trưởng Houston - thành phố lớn nhất của bang Texas - ông Sylvester Turner vẫn quyết định tiến hành Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Texas theo hình thức trực tiếp, từ ngày 16 đến 18/7.
Trong khi đó nhiều tiểu bang như California, Florida đã đóng cửa các bãi biển để ngăn tình trạng tụ tập đông người ăn mừng Quốc khánh. Ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ ông Joe Biden đã kêu gọi người Mỹ rằng, trong Ngày Độc lập, "một trong những việc yêu nước nhất mà các bạn có thể làm đó là đeo khẩu trang".
Tính tới 6h sáng 5/7 (giờ VN), nước Mỹ có tổng cộng 2.934.172 ca mắc COVID-19 và 132.032 ca tử vong. Riêng tiểu bang Florida ghi nhận ít nhất 11.445 ca nhiễm mới trong ngày 4/7, con số kỷ lục của bang này trong một ngày. Kỷ lục trước đó vừa được thiết lập ngày 2/7, với 10.109 ca nhiễm mới. Như vậy bang Florida hiện có ít nhất 190.052 ca bệnh, trên 3.700 người tử vong.
Brazil: Tổng thống phủ quyết một phần luật đeo khẩu trang
Tổng thống Bolsonaro phủ quyết một phần đạo luật bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng nhằm phòng ngừa dịch COVID-19 lây lan. Theo đó, việc sử dụng khẩu trang trong trung tâm mua sắm, cửa hàng, đền thờ tôn giáo, cơ sở giáo dục và những không gian đóng cửa khác sẽ không còn bắt buộc.
Ông Bolsonaro cũng phủ quyết điều khoản phạt tiền đối với những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cũng như với các cơ sở không cung cấp khẩu trang và chất khử trùng tay cho nhân viên. Tuy nhiên, các tiểu bang và thành phố có thẩm quyền áp đặt việc sử dụng khẩu trang. Ở các bang như Sao Paulo và Rio, đeo khẩu trang là bắt buộc và những người không đeo có thể bị phạt. Động thái của Tổng thống Bolsonaro được đưa ra khi đất nước đã vượt qua ngưỡng 1,5 triệu ca mắc COVID-19 hôm 3/7. Brazil đứng thứ hai trên toàn cầu với số ca mắc và tử vong cao nhất sau Mỹ.
Ngày 4/7 cũng đánh dấu ngày thứ 50 Brazil không có bộ trưởng y tế chính thức dù đang trong đại dịch. Cựu Bộ trưởng Y tế Nelson Teich thông báo từ chức hôm 15/5 sau không đầy một tháng tại nhiệm và vị trí này tạm thời được giao cho Tướng Eduardo Pazuello, người không có kinh nghiệm nào về y tế. Người tiền nhiệm của ông Teich là Luiz Henrique Mandetta đã bị Tổng thống Bolsonaro sa thải với lý do "quá dè dặt trong thúc đẩy mở cửa lại nền kinh tế và không ủng hộ sử dụng thuốc chloroquine" trong điều trị COVID-19.
Các nước Mỹ Latinh khác gồm Peru, Chile, Mexico vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó Peru thêm 3.481 ca, Chile thêm 3.758 ca, Mexico - 6.740 ca
Châu Âu ngày 4/7 ghi nhận hơn 2.462.909 ca nhiễm, trong đó 193.295 ca tử vong. Tại Tây Ban Nha, ngày 4/7, chính quyền vùng Catalonia ở Đông Bắc đã quyết định phong tỏa thị trấn Lerida với hơn 200.000 dân sau khi số ca nhiễm tăng mạnh trở lại tại đây. Tây Ban Nha hiện là một trong những nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh tồi tệ nhất trên thế giới với 28.5 người đã tử vong, cao thứ tư ở châu Âu (sau Anh, Italy và Pháp). Số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia có 47 triệu dân này là 297.625 người, bao gồm 28.5 ca tử vong.
Tại Anh, Chính phủ Anh đã công bố danh sách 59 quốc gia và vùng lãnh thổ mà người Anh khi đi du lịch trở về sẽ được áp dụng thỏa thuận "cầu hàng không", tức là không phải tuân theo quy định tự cách ly 14 ngày. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 10/7. Trong số những nước và vùng lãnh thổ được miễn quy định có Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy, Hy Lạp, Việt Nam…, nhưng không có Mỹ, Bồ Đào Nha, Trung Quốc và Thái Lan. Một điều đáng lưu ý là, quy định nới lỏng cách ly của Anh hiện mới chỉ được áp dụng cho vùng England (Inh-lần). Các vùng còn lại là Scotland (Xcốt-len), xứ Wales (Uên) và Bắc Ireland (Ai-len) chưa xác nhận có cùng tham gia hay không. Theo số liệu thống kê, tính đến nay, Anh là nước có số ca tử vong cao nhất châu Âu, với 44.198 ca trong số 284.900 ca nhiễm. Tuy nhiên, hiện số ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này chỉ vào khoảng vài trăm người và số ca bệnh nặng cũng không còn nhiều, chỉ gần 280 người.
Trong thông báo mới nhất ngày 4/7, Bộ Y tế Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 6.632 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 trên cả nước lên 674.515 người. Số ca tử vong hiện là 10.027 ca.
Trong khi đó, Bulgaria bất ngờ ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao trong một ngày qua. Cụ thể, số ca COVID-19 nhiễm mới ghi nhận là 182 người. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Bulgaria hiện là 5.497 người. Với 69 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua, thủ đô Sofia là địa phương có số bệnh nhân cao tại Bulgaria - 1.718 người. Số ca tử vong ghi nhận tại Bulgaria đến nay là 239 người và số bệnh nhân được điều trị phục hồi là 2.892 người.
Nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan, chính quyền Hy Lạp đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa tại các khu dành cho người di cư. Lệnh này có hiệu lực từ ngày 21/3 vừa qua và nay được gia hạn tới ngày 19/7. Trong thông báo ngày 4/7, Bộ Di cư Hy Lạp cho biết các nhóm người di cư có thể đi ra ngoài trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h với điều kiện nhóm có tối đa 10 người và không quá 150 người được phép ra ngoài trong vòng một giờ.
Tại châu Á, Ấn Độ là nước ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu lục với 673.904 ca nhiễm và 19.279 ca tử vong. Ngày 4/7, nước này cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày, với 24.015 ca, tập trung ở khu vực miền Tây và miền Nam.
Cũng trong ngày 4/7, Iran đã ban hành các quy định nghiêm ngặt mới nhằm chống dịch, theo đó người nào không đeo khẩu trang sẽ không được hưởng các dịch vụ nhà nước, và những công sở nào không áp dụng các quy định y tế sẽ phải đóng cửa một tuần. Iran đang nỗ lực chống dịch lây lan khi tổng cộng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 237.878 ca, trong đó có 11.408 ca tử vong. Đeo khẩu trang sẽ trở thành quy định bắt buộc tại nơi công cộng tại Iran từ ngày hôm nay, 5/7.
Tại Nhật Bản, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike kêu gọi người dân không tới các khu phố giải trí về đêm và không nên ra khỏi địa giới thành phố, trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tiếp vượt ngưỡng 100 ca trong 3 ngày qua. Ngày 4/7, Tokyo đã ghi nhận 131 ca nhiễm mới, chủ yếu ở giới trẻ và tại các điểm giải trí về đêm.
Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục đã có thêm 3 ca nhiễm mới, gồm 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Bắc Kinh và 2 ca nhập cảnh. Không có thêm ca tử vong mới nào trong ngày này.
Hàn Quốc thông báo có thêm trên 60 ca nhiễm mới trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh số ca nhiễm ở ngoài vùng đô thị Seoul không có dấu hiệu thuyên giảm, làm gia tăng quan ngại về số ca nhiễm tăng vọt trở lại. Trong bối cảnh các thành phố lớn khác ở Hàn Quốc cũng thông báo xuất hiện thêm các ổ lây nhiễm mới, giới chức y tế nước này đang chịu áp lực cân nhắc áp đặt trở lại các biện pháp phòng chống. Theo KCDC, Chính phủ Hàn Quốc ngày 5/7 sẽ thông qua 3 cấp độ giãn cách xã hội, tùy thuộc vào tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh.
Tại khu vực Đông Nam Á, tối 4/7 Campuchia đã thông báo hoãn Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu lần thứ 13 (ASEM 13) vì những khó khăn liên quan tới COVID-19
Thông báo này được đưa ra sau khi Campuchia tổ chức cuộc họp trực tuyến các quan chức cấp cao ASEM (ASEM SOM) trong các ngày 2-3/7. Tiến sĩ Sok Siphana, chủ trì cuộc họp, đã đánh giá cao sự ủng hộ của tất cả các nước đối tác ASEM dành cho Campuchia trong việc đăng cai ASEM 13. Ông nhấn mạnh tới những nỗ lực chuẩn bị cả về hậu cần lẫn vật chất của Campuchia nhằm đảm bảo tổ chức thành công ASEM 13, vốn theo kế hoạch ban đầu sẽ diễn ra trong các ngày 16-17/11/2020 tại thủ đô Phnom Penh. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19, tất cả các lãnh đạo cấp cao dự cuộc họp ASEM SOM đã nhất trí bày tỏ sự thông cảm và ủng hộ yêu cầu của Campuchia về việc hoãn Hội nghị ASEM 13 tới giữa năm 2021.
Thái Lan sẽ đón Đoàn đại biểu quân sự do Tham mưu trưởng lục quân Mỹ Tướng James McCoville dẫn đầu, là nhóm khách nước ngoài đầu tiên đến nước này sau khi lệnh cấm các chuyến bay quốc tế được dỡ bỏ từ ngày 1/7. Theo một dàn xếp đặc biệt, đoàn đại biểu Mỹ sẽ không bị buộc phải cách ly 14 ngày để phục vụ chuyến công tác 2 ngày. Dự kiến trong chuyến thăm. Tướng James McCoville sẽ gặp người đồng cấp Thái Lan, Tướng Apirat Kongsompong và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.
Về phần mình, châu Phi ghi nhận tổng cộng 451.104 ca nhiễm, trong đó có 10.928 ca tử vong. Nam Phi vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất châu lục với 177.124 ca trong khi Ai Cập là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 3.201 ca. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, Madagascar đã ghi nhận 216 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.728 ca. Trong khi đó, Maroc ghi nhận 146 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 13.434 ca, và số ca tử vong là 232 ca.
WHO ngừng thử nghiệm hydroxychloroquine và thuốc chữa HIV trong điều trị COVID-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/7 tuyên bố sẽ không tiếp tục thử nghiệm thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine cũng như kết hợp các loại thuốc điều trị HIV là lopinavir/ritonavir trên các bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện do những loại thuốc này không thể hạn chế được tỷ lệ tử vong. Tuyên bố của WHO nêu rõ: “Các kết quả thử nghiệm tạm thời cho thấy hydroxychloroquine và lopinavir/ritonavir hiệu quả rất thấp hoặc không thể làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 nhập viện khi so sánh với tiêu chuẩn chăm sóc".
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngày 4/7, WHO đã hối thúc các nước ảnh hưởng dịch phải tỉnh táo, nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hiểm và diễn biến thực tế của dịch bệnh để từ đó kiểm soát được đại dịch. Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp WHO, ông Michael Ryan nhấn mạnh các số liệu không thể nói dối và tình hình thực tế dịch bệnh là hết sức rõ ràng, đáng quan ngại là hiện có quá nhiều nước phớt lờ các dữ liệu thực tế.
Theo ông Ryan, dịch bệnh COVID-19 không thể biến mất một cách thần kỳ và nếu chính phủ các nước quá tập trung khôi phục trạng thái bình thường mà lơ là việc phòng dịch, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát với số bệnh nhân tăng mạnh là điều tất yếu. Khi hệ thống y tế bị quá tải và sụp đổ, sẽ có thêm nhiều người tử vong.