COVID-19 tới 6h sáng 6/1: Ca bệnh tại Mỹ có thể cao gấp 4 lần báo cáo; Anh lại lập kỷ lục ca nhiễm mới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 615.000 ca mắc COVID-19 và trên 12.000 ca tử vong. Ca nhiễm mới tại Anh lần đầu tiên vượt ngưỡng 60.000, trong khi tại Mỹ, số ca bệnh thực có thể cao gấp 4 lần báo cáo.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

'Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 6/1 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 86.751.421 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.873.486 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 61.481.497 người, 23.396.559 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 107.805 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (191.998 ca), Anh (60.916 ca) và Brazil (55.840 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.937 ca), tiếp theo là Brazil (1.141 ca) và Anh (830 ca).

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 365.060 ca tử vong trong tổng số 21.545.171 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 150.151 ca tử vong trong số 10.375.477 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 197.732 ca tử vong trong số 7.810.400 bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Washington, DC, Mỹ ngày 1/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ: Ca nhiễm thực có thể cao gấp 4 lần báo cáo

Kênh CNN dẫn một nghiên cứu mới cho biết, số ca mắc COVID-19 tại Mỹ có thể cao gấp 4 lần so với con số được báo cáo, với 1/7 người Mỹ nhiễm virus tính đến giữa tháng 11/2020.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa JAMA Network Open ngày 5/1, tới ngày 15/1, khoảng 10,8 triệu ca nhiễm COVID-19 được báo cáo lên Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, nhưng nghiên cứu cho rằng con số thực tế có thể tới 46,9 triệu người. 

Nghiên cứu cũng cho rằng, gần 35% số ca tử vong do COVID có thể không được báo cáo. 

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm ngẫu nhiên các mẫu máu để xác định kháng thể với COVID-19 trong một loạt các khảo sát tiến hành ở 10 tiểu bang và một khảo sát trên toàn quốc. Họ đi đến ước tính về số lượng ca nhiễm, ca nhập viện và tử vong tại Mỹ tính đến ngày 15/11/2020, bằng cách so sánh số mẫu có kháng thể với số ca báo cáo.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hartford, Connecticut, Mỹ, ngày 4/1/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Khoảng cách giữa số lượng ca nhiễm báo cáo và số lượng ước tính từ nghiên cứu giảm xuống theo thời gian, cho thấy việc xét nghiệm được tiến hành ngày một rộng rãi hơn ở các tháng gần đây.

Châu Âu: Ca nhiễm mới tại Anh lần đầu vượt ngưỡng 60.000

Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Anh đã lần đầu tiên vượt mốc 60.000 kể từ khi đại dịch bắt đầu - theo số liệu của chính phủ. Trên bảng điện tử tình hình dịch của chính phủ Anh, đến ngày 5/1, nước này ghi nhận 60.916 ca nhiễm, vượt qua kỷ lục trước đó của ngày 4/1 là 58.784 ca.

830 ca tử vong cũng được báo cáo trong 24 giờ qua, nâng tổng ca tử vong lên 76.305.

Con số ca nhiễm kỷ lục được ghi nhận chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo lệnh phong toả toàn quốc mới tại xứ England nhằm kiềm chế làn sóng lây lan. Scotland cũng thông báo bước vào giai đoạn phong toả kể từ 0h000 ngày 5/1 trong khi các xứ Wales và Bắc Ireland đã bắt đầu phong toả từ tháng 12/2020.

Chú thích ảnh
Một nhà hát tại trung tâm thủ đô London, Anh đóng cửa trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19 ngày 29/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 5/1 đã quyết định hủy chuyến công du theo kế hoạch đến Ấn Độ vào cuối tháng này, với lý do cần phải giám sát công tác ứng phó đại dịch COVID-19 ở Anh. Một người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết: "Trong bối cảnh lệnh phong tỏa toàn quốc được công bố vào đêm qua và tốc độ lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Thủ tướng (Johnson) nói rằng điều quan trọng là ông phải ở lại Anh để có thể tập trung vào công tác ứng phó trong nước đối với loại virus này".

Italy siết chặt đi lại của người dân

Tại châu Âu, Chính phủ Italy đã quyết định siết chặt hoạt động đi lại của người dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sau kỳ nghỉ Giáng Sinh và Năm mới. Cụ thể, từ ngày 7-15/1, mọi hoạt động đi lại giữa các vùng, các khu vực tự trị đều bị cấm, ngoại trừ lý do công việc, sức khỏe hay trường hợp khẩn cấp.

Theo sắc lệnh mới của Chính phủ Italy, tại các "vùng đỏ", các cửa hàng, quán bar, nhà hàng đều phải đóng cửa, trừ các cửa hàng thiết yếu như thực phẩm, nhu yếu phẩm; người dân không được phép ra ngoài ngoại trừ lý do công việc, sức khỏe, và trường hợp cấp thiết… Sắc lệnh mới cũng hạn chế đi lại vào dịp cuối tuần, tiếp tục áp dụng lệnh giới nghiêm sau 22h00, người dân không được phép đi lại giữa các thành phố, và các nhà hàng, quán bar đóng cửa.

Đan Mạch cũng thông báo sẽ siết chặt giới hạn số người được phép tụ tập từ 10 xuống còn 5 người nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 27/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức kéo dài và siết chặt các biện pháp chống dịch 

Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang ở Đức ngày 5/1 đã nhất trí kéo dài các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang áp dụng hiện nay cho tới ngày 31/1, đồng thời siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch.

Theo quy định trên, iệc đi ra khỏi nơi ở quá 15 km đối với các vùng có chỉ số lây nhiễm vượt quá 200 ca/100.000 dân trong 7 ngày bị hạn chế, ngoại trừ một số lý do chính đáng như đi khám bệnh hay đi làm. Các cuộc tiếp xúc cũng bị giới hạn, chỉ cho phép những người trong một nhà gặp một người không sống cùng hộ gia đình. 

Đối với trường học, liên bang và các bang nhất trí tiếp tục đóng cửa các trường học và nhà trẻ tới hết tháng 1. Từ đầu tháng 2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 có thể bắt đầu tới trường trở lại và sẽ được áp dụng mô hình chuyển đổi học ở trường và học tại nhà.

Theo thông báo ngày 5/1 của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), cho tới nay Đức đã tiến hành tiêm chủng được cho gần 317.000 người, trong đó có trên 131.000 trường hợp là những người ở các cơ sở dưỡng lão. Theo Viện Kinh tế Đức, tình trạng phong tỏa gây thiệt hại từ 3,5-5 tỷ euro/tuần đối với nền kinh tế nước này.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 27/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

So với các nước láng giềng, Đức, quốc gia đông dân nhất trong EU, đã thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch trong làn sóng đầu tiên của dịch COVID-19, với số ca tử vong thấp hơn so với các nước như Italy, Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cho rằng sự thỏa mãn với kết quả đạt được và thái độ không sẵn sàng thực hiện biện pháp gắt gao nhất như lệnh giới nghiêm đã khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng trong mùa Thu vừa qua. 

Tổng thống Armenia dương tính, phải tự cách ly

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Armenia ngày 5/1 cho biết Tổng thống nước này - ông Armen Sarkissian đã mắc COVID-19 và đang phải tự cách ly. Theo thông báo, ông Sargsyan đã ăn mừng Năm mới với gia đình ở London (Anh) và vừa trải qua phẫu thuật chân tại đây ngày 3/1.

Hiện đã có thêm Oman, Iran, Brazil và bang New York (Mỹ) ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh. Trong những tháng gần đây, cả Anh và Nam Phi đều phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, kéo theo số ca nhiễm mới tăng nhanh và lây lan ra nhiều nước trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể mới tại Anh đã chiếm tới 50% các ca nhiễm mới được chẩn đoán ở nước này. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, biến thể mới được phát hiện ở Nam Phi khác với biến thể tại Anh vì có nhiều đột biến ở protein gai quan trọng mà virus SARS-CoV-2 dùng để thâm nhập vào các tế bào của con người. Bên cạnh đó, biến thể tại Nam Phi còn khiến tải lượng virus SARS-CoV-2 cao hơn, nghĩa là nồng độ hạt virus trong cơ thể bệnh nhân cao hơn, có thể góp phần làm mức độ lây nhiễm cao hơn.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở thủ đô London, Anh trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 29/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Á: Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo 

Tại châu Á, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 5/1 ghi nhận thêm 1.278 ca mắc COVID-19 - mức tăng trong ngày cao thứ 2, chỉ sau mức 1.337 ca nhiễm được ghi nhận vào ngày 31/12/2020. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Tokyo là 64.724 ca, trong đó số ca nghiêm trọng cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay là 111 ca, tăng 3 ca so với 1 ngày trước đó. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dự kiến vào ngày 7/1, Chính phủ Nhật Bản sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Saitama, Chiba và Kanagawa theo Luật đặc biệt phòng chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 27/12/2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Hàn Quốc phát hiện thêm ca mắc biến thể mới tại Anh

khi đó, giới chức y tế Hàn Quốc xác nhận thêm 2 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới ở quốc gia châu Á này lên 12 ca. Hiện làn sóng lây nhiễm thứ 3 tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu chậm lại và ở mức có thể kiểm soát nhờ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Tuy nhiên, giới chức y tế nước này vẫn bày tỏ lo ngại khi vẫn xuất hiện các trường hợp lây nhiễm tập thể và biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 29/12/2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Tính đến ngày 5/1, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 64.979 ca bệnh sau khi phát hiện thêm 715 ca mắc mới trong 24 giờ trước đó. Số ca mắc mới đã giảm mạnh so với mức 1.020 ca ghi nhận ngày 4/1 và thấp hơn mức trung bình 894 ca/ngày trong tuần trước. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Hàn Quốc hiện là 1.007 ca. Thủ tướng Chung Sye-kyun đang thúc đẩy kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn một nửa dân số Hàn Quốc trước mùa Thu năm nay.

Thái Lan: Trên 500 ca nhiễm mới/ngày

Ngày 5/1, Thái Lan ghi nhận thêm 527 ca mắc mới bệnh COVID-19, hầu hết là những người di cư từ Myanmar sinh sống tại tỉnh Samut Sakhon ở miền Trung.

Theo Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA), trong số các ca mới phát hiện có 521 ca lây nhiễm trong nước, với 439 ca là người di cư từ Myanmar và người Thái Lan ở tỉnh Samut Sakhon, tỉnh đầu tiên phát hiện dịch bệnh trên cả nước.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan ngày 22/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tính tới nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 8.966 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.900 ca lây nhiễm trong nước và 2.066 ca trong các khu cách ly. 

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Thái Lan, Chan-o-cha ngày 5/1 cho biết chính phủ của ông đã đặt hàng bổ sung 35 triệu liều vaccine phòng COVID của AstraZeneca (Anh), nâng tổng số vaccine mà nước này đã đặt lên 63 triệu liều. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines: Ngày thứ ba liên tiếp ca nhiễm mới dưới 1.000

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo thêm 937 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 479.693 trường hợp. Như vậy, đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tại Philippines dưới mức 1.000. Tuy nhiên, DOH cho rằng số ca mắc mới giảm chủ yếu vì công tác xét nghiệm chậm lại trong kỳ nghỉ lễ cuối năm và không loại trừ khả năng số ca mắc mới tăng trở lại trong những tuần tới.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Philippines hiện là 9.321, tăng 58 ca trong 1 ngày qua. Số bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục ở quốc gia này là 448.375 ca.

Indonesia bắt đầu tiêm chủng COVID-19 từ ngày 14/1

Theo tờ Straits Times, Indonesia sẽ bắt đầu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các nhân viên y tế và quan chức tiếp xúc công cộng tại toàn bộ 34 tỉnh kể từ ngày 14/1. Chiến dịch tiêm chủng được tổ chức trong bối cảnh nước này đang chạy đua với thời gian nhằm kiềm chế làn sóng lây nhiễm mới bùng phát sau đợt nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.

Tổng thống Joko Widodo và các thành viên nội các sẽ khởi động chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 toàn quốc bằng việc tiêm mũi vaccine đầu tiên của hãng Sinovac Biotech, Trung Quốc vào ngày 13/1.

Chú thích ảnh
Lô vaccine Sinovac đầu tiên gồm 1,2 triệu liều được chuyển tới sân bay ở Jakarta ngày 6/12. Ảnh: AFP 

Theo kế hoạch, ba nhóm ưu tiên sẽ được tiêm vaccine trong giai đoạn đầu. Họ gồm các quan chức cấp cao ở Jakarta và các tỉnh, thành viên uỷ ban của các hiệp hội nhân viên y tế, các bác sĩ danh tiếng trên khắp các tỉnh, các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Từ khóa 'Trump' được tìm kiếm nhiều nhất mạng xã hội Trung Quốc
Từ khóa 'Trump' được tìm kiếm nhiều nhất mạng xã hội Trung Quốc

“Trump” là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN