Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (286.234 ca), Đức (204.930 ca) và Pháp (161.950 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (371 ca), Đức (333 ca) và Nga (291 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,9 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 521.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 660.000 ca tử vong.
Trung Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất kể từ đầu dịch
Ngày 6/4, Trung Quốc ghi nhận trên 20.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, trong bối cảnh thành phố Thượng Hải bắt đầu triển khai đợt xét nghiệm diện rộng mới đối với hàng triệu cư dân.
Theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), Trung Quốc đại lục phát hiện 20.472 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 6/4. Đây là số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất từ trước đến nay, thậm chí cao hơn cả số ca mắc mới ghi nhận trong giai đoạn đỉnh điểm của đợt bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán cách đây hơn 2 năm. Tuy nhiên, hầu hết số ca mắc mới là ca không triệu chứng. Thượng Hải, thành phố đông dân nhất ở Trung Quốc đại lục, chiếm hơn 80% tổng số ca mắc mới ở nước này. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 vẫn giữ nguyên ở 4.6 ca trong tổng số hơn 289.000 ca mắc.
Cho đến tháng 3 vừa qua, Trung Quốc vẫn duy trì được số ca mắc mới COVID-19 ở mức thấp nhờ các biện pháp phong tỏa cục bộ, xét nghiệm diện rộng và hạn chế nhập cảnh. Tuy nhiên, số ca mắc mới đã tăng lên hàng nghìn ca mỗi ngày trong những tuần vừa qua, trong đó chủ yếu ghi nhận ở thành phố Thượng Hải do làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron tại đây.
Trong ngày 6/4, chính quyền Thượng Hải triển khai đợt xét nghiệm toàn dân tiếp theo để phát hiện sớm nguồn lây nhiễm. Trước đó một ngày, Thượng Hải đã mở rộng phạm vi áp dụng hạn chế đi lại đối với hệ thống giao thông công cộng trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng cao. Ngày 4/4, Thượng Hải đã hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm đối với toàn bộ 25 triệu người dân, trong đó ghi nhận mức kỷ lục 13.086 ca mắc mới COVID-19 không triệu chứng, tăng từ 8.581 ca ngày trước đó. Trong khi đó, số ca mắc mới có triệu chứng giảm xuống còn 2 ca so với 425 ca ngày trước đó. Ngày 5/4, Thượng Hải ghi nhận 311 ca có triệu chứng và 16.766 ca không có triệu chứng. Chính phủ Trung Quốc đã huy động .000 nhân viên y tế đến Thượng Hải để hỗ trợ thành phố.
Hàn Quốc vẫn duy trì trên mức 200.000 ca/ngày
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới vẫn dao động trên mức 200.000 ca/ngày trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan chậm lại sau khi lên đến đỉnh điểm vào tháng trước.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này có thêm 286.294 ca mắc ngày 6/4, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 14.553.644 ca. Số ca mắc mới duy trì ở mức dưới 300.000 ca/ngày trong 6 ngày liên tiếp. Số ca mắc mới hằng ngày đang giảm sau khi đạt lên mức cao nhất 621.181 ca ngày 17/3.
Cũng trong ngày 6/4, số ca tử vong tăng lên 18.033 ca, tăng thêm 371 ca tính từ ngày 3/4.
Lào xem xét mở cửa hoàn toàn cho du khách nước ngoài
Chính phủ Lào đang cân nhắc mở cửa trở lại đất nước, đón du khách nước ngoài sau khi thí điểm giai đoạn I mở cửa một phần cho các nhóm du khách nhất định.
Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào vừa gửi đề xuất khuyến nghị Chính phủ Lào xem xét mở cửa trở lại hoàn toàn đất nước bắt đầu từ tháng 5 tới. Theo đề xuất, Lào sẽ mở cửa hoàn toàn cho các du khách đã tiêm phòng đầy đủ. Theo đó, du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi tới nước này. Khi đến Lào, du khách chỉ phải xét nghiệm nhanh và chờ không quá 2 tiếng để lấy kết quả thay vì phải xét nghiệm PCR và chờ 48 tiếng như hiện nay. Các du khách nước ngoài chưa tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể nhập cảnh Lào với điều kiện phải thực hiện cách ly 7 ngày.
Bộ trên cũng khuyến nghị Chính phủ Lào cấp thị thực khi đến và thị thực điện tử để giúp du khách nhập cảnh vào Lào dễ dàng hơn; đề nghị các bộ, ngành liên quan cải thiện và đơn giản hóa hệ thống cấp thị thực trực tuyến trên trang web laogreenpass.gov.la để đơn giản hóa hơn nữa quá trình nhập cảnh.
Bên cạnh phương án trên, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cũng đưa ra phương án dự phòng để Chính phủ Lào xem xét trong trường hợp phương án mở lại hoàn toàn đất nước chưa được thông qua. Phương án này đề xuất thực hiện Giai đoạn II của việc mở cửa lại một phần đất nước (Giai đoạn I đã bắt đầu từ tháng 1/2022). Theo đó, trong Giai đoạn II, du khách sẽ được đến 8 tỉnh của Lào và được nhập cảnh tại nhiều cửa khẩu biên giới hơn. Du khách tới Lào cũng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ, trong khi những người chưa tiêm phòng phải thực hiện cách ly nhưng không quá 14 ngày.
Đề xuất mở cửa hoàn toàn đất nước được đưa ra sau khi Lào chỉ thu hút được 505 lượt khách du lịch quốc tế kể từ khi mở cửa một phần đất nước từ ngày 1/1 đến nay. Nếu được thông qua, đây sẽ là cú hích giúp dần phục hồi lại ngành du lịch vốn gần như bị tê liệt trong hơn hai năm qua do tác động của đại dịch COVID-19.
Số ca mắc mới tăng mạnh tại nhiều bang của Australia
Nhiều bang tại Australia đang đối mặt với số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt. Trong đó, New South Wales (NSW) - bang đông dân nhất Australia, ghi nhận số ca mắc mới tăng gần 10.000 ca trong 2 ngày.
Tại New South Wales, số ca mắc trong ngày tăng ở mức báo động, với 19.183 ca mắc mới được ghi nhận ngày 5/4 và 15.572 ca ngày 4/4. Ngày 6/4, bang New South Wales công bố thêm 24.151 ca mắc và 15 ca tử vong do COVID-19. Có 1.444 bệnh nhân đã được điều trị tại các bệnh viện tại đây, trong đó có 51 người cần chăm sóc đặc biệt.
Một số trường học tại bang đã phải đóng cửa hoặc giảm số nhân viên làm việc, do dịch bệnh lây lan, buộc nhiều giáo viên hoặc học sinh, sinh viên phải nghỉ giảng dạy hoặc học trên lớp. Liên minh giáo dục độc lập (IEU) cho biết 25% số học sinh, sinh viên các trường công lập không học trực tiếp trên lớp ngày 4/4 do ốm, tự cách ly hoặc được yêu cầu học trực tuyến. Trước thực trạng thiếu giáo viên giảng dạy trực tiếp, Bộ trưởng Giáo dục bang New South Wales, Sarah Mitchell cho biết nhà chức trách đang cân nhắc nới lỏng các quy định cách ly đối với giáo viên.
Trong khi đó, bang Queensland công bố thêm 8.534 ca mắc và 1 ca tử vong trong ngày 6/4. Dù số ca mắc tăng, nhưng từ sáng 14/4, bang này sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch trước kỳ nghỉ Lễ Phục sinh.
Tại bang Victoria, có 12.150 ca mắc mới và 3 ca tử vong được ghi nhận cùng ngày. Bang Victoria hiện có 331 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 16 ca nặng cần chăm sóc đặc biệt.
Đức rút lại kế hoạch cách ly tự nguyện người mắc COVID-19
Bộ Y tế nước này thông báo tiếp tục thực hiện yêu cầu người mắc COVID-19 phải cách ly bắt buộc thay vì thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
Phát biểu với truyền thông Đức, Bộ trưởng Y tế liên bang Karl Lauterbach thừa nhận sai lầm khi trước đó đề xuất về việc loại bỏ quy định cách ly bắt buộc đối với người mắc COVID-19 và cho họ cách ly tự nguyện từ ngày 1/5 tới. Theo Bộ trưởng Lauterbach, COVID-19 không phải bệnh cảm cúm thông thường, do đó sau khi nhiễm bệnh phải thực hiện cách ly và chịu sự kiểm soát của cơ quan y tế.
Bộ trưởng Lauterbach giải thích các cơ sở y tế luôn gặp tình trạng quá tải và không thể đáp ứng nếu tiếp tục thực hiện lệnh cách ly bắt buộc. Do đó, kế hoạch ban đầu là chuyển sang thực hiện cách ly tự nguyện. Tuy nhiên, việc cách ly tự nguyện sẽ gây ra tác hại nhiều hơn lợi ích do người mắc bệnh có quyền tự quyết định việc có cách ly hay không. Điều này sẽ làm gia tăng khả năng lây nhiễm mới. Bộ trưởng Lauterbach cũng cho rằng cùng với việc tiếp tục thực hiện cách ly bắt buộc, thời gian cách ly bắt buộc nên được rút xuống còn 5 ngày và việc cách ly những người tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 nên thực hiện theo hướng tự nguyện.
Trước đó, sau khi tham vấn với người đứng đầu ngành y tế các bang ở Đức, Bộ trưởng Lauterbach đã thông báo về kế hoạch bãi bỏ cách ly bắt buộc, thực hiện cách ly tự nguyện đối với người mắc COVID-19 từ ngày 1/5 tới. Ông cho biết mục đích của kế hoạch này là tránh tình trạng thiếu nhân viên y tế do phải cách ly vì bị mắc COVID-19. Đề xuất của Bộ Y tế Đức vấp phải nhiều phản ứng từ giới chuyên gia y tế nước này. Theo ông Carsten Watzl, Tổng Thư ký Hiệp hội miễn dịch học Đức, thay vì tránh được tình trạng thiếu nhân viên tại các cơ sở y tế như hy vọng, việc loại bỏ quy định cách ly bắt buộc khiến nhiều người đang mắc COVID-19 sẽ tiếp tục đến làm việc và lây nhiễm cho những người khác. Do đó, số ca nhiễm mới sẽ tăng lên, gây áp lực lớn hơn cho các cơ sở y tế.
EU cấp phép tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4 cho người từ 80 tuổi trở lên
Ngày 6/4, EMA- cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EU)- đã cấp phép tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ 4 cho người từ 80 tuổi trở lên.
Cụ thể, trong thông báo chung với Trung tâm kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), EMA cho biết mũi vaccine phòng COVID-19 thứ 4 (tức là mũi tăng cường thứ 2) có thể được tiêm cho người từ 80 tuổi trở lên sau khi đánh giá các dữ liệu về nguy cơ bệnh nặng cao hơn ở nhóm tuổi này và mức độ bảo vệ có được nhờ tiêm mũi 4. Tuy nhiên, cả 2 cơ quan trên nhất trí vẫn còn quá sớm để xem xét việc sử dụng mũi vaccine thứ 4 cho toàn bộ người dân.
Cụ thể, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về tình trạng miễn dịch giảm dần theo thời gian ở người độ tuổi từ 60-79 có hệ miễn dịch bình thường nên chưa thể kết luận về việc tiêm mũi 4 cho nhóm này. Nếu tình hình thay đổi và xuất hiện các dấu hiệu cho thấy cần tiêm mũi 4 cho nhóm tuổi này thì hai cơ quan trên sẽ xem xét. Tương tự, với nhóm dưới 60 tuổi với hệ miễn dịch bình thường, EMA và ECDC nhận định chưa có bằng chứng cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong giảm dần nên cũng chưa cần tiêm mũi 4.
Đến nay, EU đã cấp phép sử dụng các vaccine phòng COVID-19 của các hãng Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax.