Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 83.000 ca), Anh (40.701 ca), và Thổ Nhĩ Kỳ (30.019 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.498 ca), Nga (924 ca) và Mexico (713 ca).
Như vậy, Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới. Tới nay, Mỹ đã ghi nhận gần 50 triệu ca mắc, trong đó trên 729.000 ca tử vong.
Thụy Điển, Đan Mạch tạm dừng tiêm vaccine của Moderna cho thanh niên
Sau khi có báo cáo về các tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra, Đan Mạch và Thụy Điển đã tạm ngừng sử dụng vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA của Moderna.
Trong thông báo, Thụy Điển cho biết sẽ ngừng tiêm vaccine của Moderna đối với những người sinh sau năm 1991 sau khi dữ liệu cho thấy tình trạng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim gia tăng ở những thanh niên đã được tiêm phòng. Theo cơ quan y tế Thụy Điển, mối liên hệ này đặc biệt rõ ràng đối với vaccine Spikevax của Moderna, đặc biệt là sau mũi tiêm thứ 2.
Trong khi đó, nhà chức trách Đan Mạch thông báo tất cả những người dưới 18 tuổi sẽ không được tiêm vaccine của Moderna. Những người đã tiêm mũi 1 vaccine của Moderna sẽ không tiêm mũi thứ 2 bằng vaccine này.
Người phát ngôn của Moderna cho biết công ty này đã biết thông tin nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch quyết định tạm dừng tiêm vaccine của hãng này cho thanh niên do nguy cơ hiếm gặp về viêm cơ tim. Tuyên bố nêu rõ những người bị tác dụng phụ thường nhẹ và có xu hướng phục hồi trong một thời gian ngắn sau khi được điều trị và nghỉ ngơi.
Đầu tuần này, chính quyền Thụy Điển thông báo chỉ tiêm vaccine của Pfizer cho những người từ 12 đến 15 tuổi.
Anh tiếp tục nới lỏng quy định đi lại với nhiều nước
Anh thông báo từ ngày 11/10 tới sẽ dỡ bỏ yêu cầu cách ly phòng dịch COVID-19 đối với du khách đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nằm trong "danh sách đỏ".
Danh sách đỏ của chính phủ Anh gồm các nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao, theo đó những người đến từ các quốc gia này phải cách ly 10 ngày tại khách sạn do chính phủ chỉ định, đồng thời phải thực hiện xét nghiệm PCR và các xét nghiệm khác. Các chi phí này thậm chí cao chi phí cho một chuyến bay.
Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps ngày 7/10 cho biết 47 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ được loại khỏi danh sách đỏ và sẽ chỉ còn lại 7 quốc gia trong danh sách này, trong đó có Colombia, Ecuador, Panama và Venezuela.
Israel nới lỏng một số biện pháp kiểm soát
Chính phủ Israel ngày 7/10 quyết định nới lỏng một số hạn chế xã hội liên quan đến phòng dịch COVID-19, trong bối cảnh liên tục có thêm những dấu hiệu tích cực tại quốc gia Trung Đông này.
Tại các địa điểm công cộng ngoài trời như quán ăn, bể bơi, quán cà phê... người dân sẽ không phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine. Các địa điểm công cộng trong nhà như thư viện, rạp chiếu phim, viện bảo tàng sẽ không yêu cầu trình “Thẻ Xanh” – giấy chứng nhận miễn dịch với COVID-19 dành cho những người đã tiêm phòng hoặc miễn dịch đầy đủ.
Số liệu mới nhất của Bộ Y tế Israel cho thấy đến nay đã có trên 3,67 triệu người dân được tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 3 và 5,67 triệu người được tiêm mũi thứ 2. Số ca bệnh nặng giảm còn 487 ca, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8. Trong số các ca nhiễm, có tới 75% là người chưa được tiêm phòng vaccine.
Kể từ đầu tuần này, Chính phủ Israel đã thay đổi quy định về “Thẻ Xanh” theo hướng nêu bật tầm quan trọng của mũi vaccine tăng cường sau khi có nhiều báo cáo khoa học cho thấy hiệu lực miễn dịch của vaccine giảm dần theo thời gian. Để có thể được nhận “Thẻ Xanh”, người dân Israel kể từ đầu tháng 10 sẽ phải tiêm thêm mũi thứ 3, nếu như mũi 2 đã quá thời hạn 6 tháng. Theo tiêu chí mới, có khoảng 1,9 triệu người Israel sẽ phải tiêm bổ sung.
Ấn Độ mở cửa cho du khách từ ngày 15/10
Bộ Nội vụ Ấn Độ ngày 7/10 thông báo nước này sẽ bắt đầu mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài nhập cảnh thông qua các chuyến bay thuê bao từ ngày 15/10 tới, sau hơn 1 năm đóng cửa do đại dịch COVID-19.
Thông cáo của bộ trên cho biết: "Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, bộ đã quyết định bắt đầu cấp Thị thực Du lịch mới cho khách nước ngoài đến Ấn Độ thông qua các chuyến bay thuê bao từ ngày 15/10". Thông cáo cũng nêu rõ khách nhập cảnh Ấn Độ trên các chuyến bay khác với máy bay thuê bao sẽ chỉ được phép nhập cảnh từ ngày 15/11.
Theo bộ trên, khách du lịch nước ngoài và các hãng hàng không vận chuyển họ đến Ấn Độ đều phải tuân thủ tất cả các quy định và chuẩn mực liên quan đến phòng dịch COVID-19 của Bộ Y tế liên bang.
Trước đó, hoạt động thị thực được cấp cho người nước ngoài đã phải tạm ngừng tại Ấn Độ từ năm 2020, khi dịch COVID-19 khiến chính phủ nước này phải áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt. Sau này, các hạn chế đối với một số người nước ngoài như nhà ngoại giao và doanh nhân đã được dỡ bỏ, nhưng hạn chế đối với khách du lịch vẫn còn hiệu lực.
Đầu năm nay, Ấn Độ đã chứng kiến một làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng với 400.000 ca nhiễm và 4.000 ca tử vong mỗi ngày. Tuy nhiên, số ca nhiễm tại đất nước có 1,3 tỷ dân này đã giảm đáng kể xuống còn 20.000 ca/ngày và 200-300 ca tử vong/ngày. Tình hình dịch bệnh được cải thiện khiến nhà chức trách quyết định mở cửa cho du lịch nhằm vực dậy nền kinh tế.
Bang New South Wales của Australia từng bước dỡ bỏ phong tỏa
Chính quyền bang New South Wales ngày 7/10 công bố một loạt quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11/10 tới theo lộ trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19. Động thái này được đưa ra một ngày sau khi New South Wales trở thành địa phương đầu tiên ở Australia đạt mốc tiêm chủng đầy đủ 70%.
Phát biểu họp báo, tân Thủ hiến bang Dominic Perrottet nêu rõ từ đầu tuần tới, các quán rượu, cửa hàng ăn uống, cửa hàng bán lẻ không thiết yếu sẽ được mở cửa trở lại với điều kiện phải bảo đảm các quy định về giãn cách xã hội và phải chịu trách nhiệm kiểm tra tình trạng tiêm chủng của khách.
Các quy định mới cũng sẽ nới lỏng hạn chế đối với người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Theo đó, những người sống tại Sydney sẽ được đi lại tự do trong thành phố này và khi New South Wales đạt mốc tiêm chủng 80%, họ sẽ có thể di chuyển sang các vùng khác trong cùng bang. Cũng theo quy định mới có hiệu lực từ 11/10 tới, mỗi hộ gia đình sẽ tiếp đón tối đa 10 người lớn. Trong khi đó, giới hạn số lượng người lớn được tập trung tại các không gian công cộng ngoài trời tăng từ 5 lên 30 người. Giới hạn số người tham dự các đám cưới và đám tang cũng được tăng lên 100 người.
Ngoài ra, từ ngày 18/10, học sinh mẫu giáo, lớp 1 và lớp 12 ở bang sẽ trở lại học trực tiếp. Tất cả học sinh ở các khu vực đang bị phong tỏa cũng sẽ trở lại học ở trường một tuần sau đó. Chính quyền bang cho biết một loạt biện pháp an toàn phòng ngừa COVID sẽ được áp dụng tại các trường học, trong đó có quy định giáo viên phải đeo khẩu trang khi lên lớp.
Thủ hiến Perrottet nhấn mạnh, việc từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế nói trên là "hợp lý" trong bối cảnh bang New South Wales vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày.
Pfizer/BioNTech xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi tại Mỹ
Ngày 7/10, các hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đã chính thức đệ trình hồ sơ lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của các hãng này cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng toàn cầu, Pfizer/BioNTech cho biết vaccine ngừa COVID-19 của họ an toàn và tạo ra phản ứng mạnh với những kháng thể trung hòa, qua đó giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào. Trong thử nghiệm này, trẻ em từ 5-11 tuổi được áp dụng cơ chế tiêm 2 liều 10 microgam, so với 30 microgam đối với các nhóm tuổi lớn hơn. Các mũi tiêm cách nhau 21 ngày.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng đầy đủ tại Mỹ hồi tháng 8, do đó về mặt kỹ thuật, vaccine này sẽ có sẵn cho trẻ em nếu được bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ đã cảnh báo cần có dữ liệu an toàn để cho phép.
Pfizer/BioNTech cũng đang thử nghiệm vacine ngừa COVID-19 với trẻ sơ sinh từ 6 tháng đến 2 tuổi và trẻ em từ 2-5 tuổi. Dữ liệu ban đầu đối với các nhóm này có thể được đưa ra ngay sau quý IV.
Pháp áp dụng thu phí xét nghiệm sàng lọc
Kể từ ngày 15/10, Pháp sẽ thu phí xét nghiệm sàng lọc COVID-19, trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Phí xét nghiệm PCR là 44 euro đối với người trưởng thành chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và không có chỉ định của bác sĩ. Phí xét nghiệm kháng nguyên là 22 euro nếu được thực hiện trong phòng xét nghiệm, 25 euro nếu thực hiện tại các hiệu thuốc và 30 euro nếu làm vào Chủ nhật hằng tuần.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Pháp, có một số trường hợp ngoại lệ được miễn phí xét nghiệm, ví dụ những người vừa qua tuổi 18 tuổi còn đang học trung học. Ngoài ra, tất cả những người trưởng thành chưa tiêm chủng, có các triệu chứng mắc COVID-19, có thể được xét nghiệm miễn phí nếu xuất trình giấy chỉ định của bác sĩ có thời hạn dưới 48 giờ. Các chỉ định qua email sau tư vấn từ xa cũng được chấp nhận. Chính sách miễn phí cũng được áp dụng cho các bệnh nhân cần xét nghiệm để tiến hành phẫu thuật.
Những người đã tiêm phòng COVID-19 sẽ tiếp tục được miễn phí xét nghiệm. Bệnh nhân có giấy chứng nhận chống chỉ định vaccine phải xuất trình giấy này cho chuyên gia thực hiện xét nghiệm để được hưởng chế độ. Đối với các trường hợp có triệu chứng hoặc chuẩn bị phẫu thuật, phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng nếu muốn miễn phí.
Kể từ đầu tháng 7 vừa qua, người nước ngoài đến Pháp, ngoại trừ lý do y tế, đều phải trả phí xét nghiệm COVID-19, với mức 43,89 euro cho xét nghiệm PCR và 25 euro cho xét nghiệm kháng nguyên.
Việc ngừng áp dụng chính sách miễn phí xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại Pháp được Tổng thống Emmanuel Macron công bố từ tháng 7 và được Thủ tướng Jean Castex xác nhận từ tuần trước. Thủ tướng Castex cho biết mục đích thực hiện là bồi hoàn cho các xét nghiệm liên quan đến lý do y tế thực sự và tiếp tục khuyến khích người dân tiêm vaccine phòng COVID-19.
Argentina ấn định thời điểm bỏ hạn chế nhập cảnh đường hàng không
Cục Hàng không dân dụng quốc gia Argentina (Anac) thông báo chính phủ nước này đã quyết định dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập cảnh từ nước ngoài bằng đường hàng không kể từ ngày 19/10 tới, sau khi ghi nhận 50% dân số đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Thông báo của Anac nêu rõ Chính phủ Argentina đã lên kế hoạch cho phép 4.000 hành khách nhập cảnh vào nước này mỗi ngày kể từ ngày 11/10.
Trước đó, cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ Argentina đã quyết định mở trở lại các cửa khẩu biên giới và cho phép người từ các nước có chung đường biên giới được nhập cảnh mà không phải thực hiện các biện pháp cách ly bắt buộc.
Brazil tham gia quy trình đánh giá hiệu quả của thuốc Molnupiravir
Quỹ Oswaldo Cruz (Fiocruz) - trung tâm nghiên cứu y khoa lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, thông báo Brazil sẽ tham gia nghiên cứu về mức độ hiệu quả của Molnupiravir, loại thuốc điều trị COVID-19 do hãng Merck & Co của Mỹ bào chế và đang trong quá trình thử nghiệm.
Đại diện Fiocruz cho hay phía Brazil sẽ bắt đầu thực hiện nghiên cứu đánh giá từ tuần tới nhằm xác minh hiệu quả của loại thuốc này trong điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tuần trước, Merck & Co tuyên bố sẽ thúc đẩy Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir sớm nhất có thể, đồng thời thông báo hoàn thành sớm giai đoạn thử nghiệm do những kết quả tích cực mà loại thuốc này đem lại. Theo hãng này, thuốc Molnupiravir có thể giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Hiện Merck & Co đang lên kế hoạch đăng ký cấp phép Molnupiravir với các cơ quan quản lý thuốc trên toàn thế giới.
Để giúp khẳng định hiệu quả của thuốc, các nghiên cứu lâm sàng kéo dài 6 tháng sẽ được tiến hành ở nhiều quốc gia khác nhau.
Tại Brazil, nghiên cứu về Molnupiravir sẽ được triển khai đồng thời tại 7 trung tâm y học, trong đó 2 cơ sở ở các bang Mato Grosso do Sul và Rio de Janeiro, và do Fiocruz trực tiếp giám sát. 5 trung tâm khác sẽ tham gia vào nghiên cứu này nằm ở các bang Amazonas, Rio Grande do Sul và Sao Paulo.