Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 9 giờ sáng 28/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 605.429.512 ca, trong đó có tổng cộng 6.487.034 người tử vong.
Trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận 4.763.0 ca mắc mới (giảm 10% so với tuần trước đó). Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 13.463 (giảm 17% so với 1 tuần trước).
Tuần qua, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (1.501.562 ca), tiếp đó là Hàn Quốc (769.136 ca), Mỹ (510.283 ca). Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới (2.273 ca, giảm 26% so với tuần trước nữa).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 96 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,069 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 44,4 triệu ca mắc và 527.598 ca tử vong. Đứng thứ ba là Pháp với trên 34,46 triệu ca mắc và trên 153.800 ca tử vong.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 567 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 20 triệu ca và trên 45.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm, song có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia căng thẳng hơn so với các nước khác. Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng.
Trong vòng 7 ngày qua, tình hình dịch bệnh đặc biệt đáng lo ngại ở châu Á. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở đây đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch mới, với số ca mắc mới và nhập viện tăng mạnh trở lại. Trước xu thế dịch nguy cơ tái bùng phát, nhiều quốc gia đang tăng cường tiêm các mũi vaccine số 4 và số 5, đồng thời duy trì các biện pháp phòng dịch khác như đeo khẩu trang.
1 triệu ca tử vong từ đầu năm 2022
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 25/8 công bố số liệu thống kê ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1 triệu người, khẳng định đây là điều đáng tiếc khi mà các công cụ y tế đã được phát triển và đưa vào sử dụng để ngăn chặn nguy cơ tử vong do bệnh này.
Như vậy, kể từ khi virus gây bệnh COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 đến nay, đã có gần 6,45 triệu bệnh nhân COVID-19 tử vong trên toàn thế giới theo thống kê của WHO.
Phát biểu trước báo giới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chính phủ các nước tăng cường nỗ lực tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả đội ngũ nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao, hướng tới đạt mục tiêu tiêm bao phủ 70% dân số.
Ông Tedros cho biết WHO muốn các nước có thể đạt được mục tiêu nêu trên vào cuối tháng 6, song ông cho biết có 136 nước không thể hoàn thành mục tiêu và có tới 66 nước chỉ đạt tỷ lệ tiêm bao phủ dưới 40% dân số. Ông nhấn mạnh có 10 nước có tỷ lệ tiêm chủng dưới 10% dân số và phần lớn các nước này đều đang phải đối mặt với các vấn đề khẩn cấp về nhân đạo.
Người đứng đầu WHO nêu bật thực tế đến nay còn 1/3 dân số thế giới chưa tiêm chủng, trong đó là 2/3 số nhân viên y tế và 1/3 số người cao tuổi ở các nước có thu nhập thấp. Ông cho rằng nhiệm vụ của tất cả các quốc gia không phân biệt mức thu nhập là làm sao để tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao nhất, đảm bảo các bệnh nhân được tiếp cận phương pháp điều trị, xét nghiệm và giải trình tự gene cũng như đưa ra các chính sách phù hợp, tương xứng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và cứu sống nhiều bệnh nhân.
Ông Derrick Sim thuộc Liên minh vaccine GAVI cho rằng con số 1 triệu người chết vì COVID-19 trong năm 2022 là quá nhiều và đây là thảm kịch nhân loại. Theo báo cáo mới nhất của WHO, Omicron chiếm 99% số ca nhiễm mới ghi nhận trong 30 ngày qua, trong đó biến thể BA.5 chiếm 74% số ca nhiễm mới.
Virus gây COVID-19 đang lây lan nhanh
Ngày 26/8, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Maria Van Kerkhove cho rằng đã đến lúc cần đánh giá thực tế tình hình dịch COVID -19 sau khi thế giới ghi nhận 1 triệu ca tử vong do căn bệnh này từ đầu năm đến nay. Bà nêu rõ dịch bệnh vẫn chưa thể kết thúc, đòi hỏi con người phải sống chung một cách có trách nhiệm.
Phát biểu trên các kênh truyền thông xã hội của WHO, bà Kerkhove nhấn mạnh con số thống kê nói trên là một thực tế "đau lòng" vì thế giới đã có nhiều công cụ để dập dịch như như xét nghiệm, thuốc điều trị, vaccine phòng bệnh và các biện pháp y tế cộng đồng để kiểm soát dịch COVID-19 sau hơn 2 năm đại dịch hoành hành. Theo bà, các nước cần đánh giá thực tế đại dịch, về số ca mắc và số ca tử vong để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Bà Van Kerkhove khẳng định rằng đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, song thế giới có thể chấm dứt căn bệnh này nếu hành động quyết liệt, đồng bộ và cẩn trọng. Bà cho rằng việc sống chung với COVID-19 đã được đề cập nhiều lần, nhưng để có thể thực hiện được điều này, tất cả người dân cần có ý thức và sống có trách nhiệm. Theo bà, 1 triệu ca tử vong từ đầu năm nay cho thấy người dân chưa thực hiện đúng các hướng dẫn về việc sống chung với COVID-19 và con số trung bình 15.000 ca tử vong mỗi tuần phản ánh việc sống chung với dịch bệnh một cách thiếu trách nhiệm.
Trong tuần qua, thế giới đã ghi nhận 5,3 triệu ca mắc mới COVID-19. Bà Kerkhove nhận định đây là con số lớn nhưng chưa đầy đủ vì nhiều ca mắc tự thực xét nghiệm tại nhà và không báo cáo cơ quan y tế. Điều này cho thấy virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất của WHO, biến thể Omicron chiếm 99% số ca nhiễm mới ghi nhận trong 30 ngày qua, trong đó biến thể phụ BA.5 chiếm 74% số ca nhiễm mới.
Nhật Bản cân nhắc coi COVID-19 như cúm mùa
Các nguồn thạo tin ngày 26/8 cho biết Nhật Bản đang xem xét đơn giản hóa cách thức ứng phó với virus SARS-CoV-2, theo đó, có thể coi virus này như cúm mùa.
Theo các nguồn tin trên, trong cuộc thử nghiệm, có thể bắt đầu vào giữa tháng 9, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chọn một số cơ sở y tế và yêu cầu các cơ sở này thông báo ca mắc. Điều này sẽ mở đường cho việc thay đổi cách báo cáo hiện nay về tất cả các trường hợp được xác định nhiễm bệnh.
Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ thay đổi hệ thống báo cáo COVID-19 chi tiết. Tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố kế hoạch cho phép các tỉnh, thành chỉ hướng tới mục tiêu là người cao tuổi và những người có nguy cơ diễn tiến nặng, trong khi duy trì báo cáo tổng số ca nhiễm hàng ngày.
Những thay đổi này là một phần trong nỗ lực giảm gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế địa phương do sự lây lan của biến thể Omicron. Trước đó, giới chuyên gia cũng kêu gọi chính phủ hạ cấp ứng phó với virus SARS-CoV-2 tương tự như cúm mùa và có cách tiếp cận linh hoạt hơn để vừa có thể ngăn chặn sự lây lan của virus, vừa cân bằng các hoạt động kinh tế-xã hội.
Người Mỹ lười tiêm mũi tăng cường
Chỉ khoảng 50% số người trưởng thành đủ điều kiện tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 (mũi thứ 3) tại Mỹ đã tiêm mũi này và chỉ 34% số người lớn từ 50 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại thứ hai (mũi thứ 4).
Số liệu công bố ngày 26/8 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đến thời điểm này, khoảng 77% số người trưởng thành từ 18 tuổi đã tiêm các mũi cơ bản. Tuy nhiên, 49,9% tổng dân số đủ điều kiện tiêm nhắc lại vẫn chưa được tiêm liều tăng cường. Về tổng thể, hiện có khoảng 262,6 triệu người (hay 79,1% dân số Mỹ) đã tiêm ít nhất liều vaccine COVID-19. Khoảng 223,9 triệu người (tương đương 67,4% dân số) đã hoàn thành các mũi tiêm cơ bản (2 mũi).
CDC Mỹ khuyến cáo hiệu quả của vaccine có thể giảm theo thời gian, nhưng các mũi tăng cường làm gia tăng khả năng bảo vệ cơ thể và ngăn bệnh diễn tiến nặng.
Công cụ theo dõi dữ liệu COVID-19 của CDC Mỹ cho thấy vào tháng 6 vừa qua, những người từ 50 tuổi trở lên được tiêm 2 liều nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) có nguy cơ tử vong do COVID-19 thấp hơn 14 lần so với những người cùng độ tuổi nhưng không tiêm các mũi này và nguy cơ tử vong thấp hơn 3 lần so với những người cùng độ tuổi nhưng chỉ tiêm 1 mũi tăng cường (mũi 3).
Indonesia chuẩn bị đưa vào sử dụng hai vaccine nội địa ngừa COVID-19
Ngày 26/8, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) - bà Penny Lukito cho biết nhiều khả năng 2 loại vaccine ngừa COVID-19 do nước này phát triển sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) trong tháng 9 tới.
Phát biểu tại Hội thảo phát triển thuốc nội địa, bà Lukito nêu rõ 2 loại vaccine trên đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối và đã được Tổng thống Joko Widodo đặt tên là “Indovac” và “Inavec”. Với nền tảng protein tái tổ hợp, Indovac do Viện sinh học phân tử Eijkman phối hợp với công ty dược phẩm quốc gia PT Bio Farma và Đại học Y Baylor (Mỹ) phát triển trong khuôn khổ chương trình của Bộ Doanh nghiệp Nhà nước (BUMN). Trong khi đó, Inavec dựa trên nền tảng virus bất hoạt và được Đại học Airlangga (Unair) phối hợp với công ty PT Biotis Pharmaceutical Indonesia phát triển.
Theo bà Lukito, cả 2 loại vaccine này đều đã vượt qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với kết quả tốt, có khả năng cải thiện hệ thống miễn dịch và kết quả không thua kém các loại vaccine cùng công nghệ đã được BPOM cấp EUA.
Moderna kiện Pfizer/BioNTech vi phạm bằng sáng chế vaccine COVID-19
Trong thông báo ngày 26/8, Moderna cho biết đã đệ đơn kiện Pfizer và BioNTech lên Tòa sơ thẩm liên bang ở bang Massachusetts (Mỹ) và Tòa án khu vực Dusseldorf (Đức). Theo Giám đốc điều hành Stephane Bancel, Moderna khởi kiện để bảo vệ quyền sở hữu công nghệ mRNA mà công ty này đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển và được cấp bằng sáng chế từ 10 năm trước khi xảy ra COVID-19.
Moderna và Pfizer/BioNTech là 2 trong số những công ty công nghệ sinh học đầu tiên phát triển vaccine ngừa COVID-19. Tháng 12/2020, vaccine của Pfizer/BioNTech đã trở thành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp ở nước này. Vaccine của Moderna được cấp phép 1 tuần sau đó.
Hãng Moderna cáo buộc Pfizer/BioNTech sao chép trái phép công nghệ mRNA mà Moderna đã được cấp bằng sáng chế từ năm 2010 đến năm 2016, nhiều năm trước khi COVID-19 xuất hiện và lây lan trên toàn cầu.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Moderna cam kết không giữ độc quyền các sáng chế liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 để hỗ trợ những công ty khác tự phát triển vaccine. Tuy nhiên, tháng 3 năm nay, Moderna cho biết họ mong đợi các công ty như Pfizer và BioNTech tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của hãng. Moderna cũng cho biết sẽ không yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bất kỳ hoạt động phát triển vaccine nào được thực hiện trước ngày 8/3 vừa qua.
Trước đó, Pfizer và BioNTech đã phải đối mặt với không ít vụ kiện từ các công ty khác cáo buộc rằng 2 công ty này vi phạm bằng sáng chế liên quan vaccine ngừa COVID-19. Pfizer/BioNTech tuyên bố sẽ bảo vệ bằng sáng chế của họ.
Bản thân công ty Moderna cũng đang bị kiện ở Mỹ vì vi phạm bằng sáng chế và đang có tranh chấp với Viện Y tế quốc gia Mỹ về quyền sở hữu công nghệ mRNA.
Thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer ít hiệu quả với người trẻ tuổi
Theo một nghiên cứu quy mô lớn công bố ngày 24/8, thuốc điều trị COVID-19 dạng viên của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) dường như không có tác dụng hoặc có rất ít tác dụng đối với người trẻ tuổi.
Trong nghiên cứu trên 109.000 bệnh nhân COVID-19 ở Israel, các nhà nghiên cứu ghi nhận thuốc Paxlovid đã giúp giảm khoảng 75% nguy cơ nhập viện ở những người trên 65 tuổi sử dụng thuốc ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Kết quả này phù hợp với những dữ liệu được các cơ quan quản lý dược phẩm ở Mỹ và nhiều nước khác lấy làm cơ sở để cấp phép lưu hành Paxlovid. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy thuốc hầu như không có tác dụng đối với những người trong độ tuổi từ 40 đến 65.
Nghiên cứu trên còn nhiều hạn chế do chỉ thu thập dữ liệu từ hệ thống y tế của Israel, thay vì nghiên cứu ngẫu nhiên với một nhóm đối chứng, vốn được xem là “tiêu chuẩn vàng” cho nghiên cứu y tế. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu có thể làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả sử dụng thuốc Paxlovid trong điều trị COVID-19 ở Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chi hơn 10 tỷ USD để mua thuốc này và cung cấp miễn phí cho người dân thông qua hàng nghìn hiệu thuốc trên cả nước.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine.